Múa cồng chiêng trong lễ hội ăn trâu. Ảnh: T.Hậu
Giữa đại ngàn với lớp lớp núi cao dốc đứng,
sông suối chia cắt ở vùng cao Tây Trà, Trà Bồng (Quảng Ngãi) và Trà My (Quảng
Nam) chính là nơi mà hơn 34 nghìn đồng bào dân tộc Cor sinh sống. Từ nguồn gốc,
cuộc mưu sinh cho đến văn hóa vật chất, tín ngưỡng, tập tục và mạch sống tinh
thần của người Cor đã được ông Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, tìm
hiểu, nghiên cứu một cách đầy đủ, trọn vẹn và chân thực nhất.
Đối với mỗi một dân tộc, câu hỏi về cội
nguồn đều được đặt ra. Riêng đối với dân tộc Cor, trong lịch sử tồn tại và phát
triển mang nhiều tên gọi khác nhau như: Cùa, Khùa, Của, Bồng Miêu… . Rất nhiều
nhà nghiên cứu đi tìm lời giải về gốc tích dân tộc Cor, nhưng đều thống
nhất sự mặc định rằng người Cor từ thời thượng cổ vẫn cư trú ở địa bàn mà ngày
nay đồng bào vẫn đang cư trú, không có sự dịch chuyển nào.
Nói về chuyện con chim chèo bẻo, nhiều người
không lạ gì loài chim này, bình thường như các loài chim khác. Nhưng trong tâm
thức của người Cor, chim chèo bẻo tức chim plít là loài chim huyền thoại. Theo
tâm niệm của người Cor, sáng tinh mơ, khi chim plít đậu trên ngọn cây gần làng,
hót líu lo, đây chính là điềm lành. Trời nóng như lửa đốt, nương rẫy cháy khát
sẽ có mưa rào. Lúa đang kỳ chín, bị châu chấu, cào cào cắn phá, sẽ có chim
plít chao lượn bắt mồi, bảo vệ cây lúa... Người Cor săn bắt nhiều loài
chim, nhưng tuyệt nhiên không đụng đến chim plít. Cũng chính vì điều này, ngày
nay trong lễ hội ăn trâu, người Cor đã tạo tác hình tượng chim plít trên cây
nêu.
Nói đến người Cor không thể không nhắc đến
cây quế, loại cây trồng trở thành loại cây hàng hóa đặc trưng của đồng bào dân
tộc thiểu số nơi đây từ rất lâu đời. Ngày nay, cây quế được coi là cây góp phần
xóa đói, giảm nghèo của đồng bào Cor.
Y phục, trang sức, cồng chiêng... của người
Cor đều mang nét đặc trưng riêng có. Dân tộc Cor không có nghề dệt vải hay thổ
cẩm, họ mua vải vóc và cải tiến, thay đổi để trở thành trang phục truyền thống
của dân tộc mình. Trong lễ hội, nam giới thường dùng khố lễ hay áo dài lễ. Khố
lễ là một tấm thổ cẩm hình chữ nhật, thường có nền đen, các dải hoa văn ngang dọc
trên mặt vải, tua trang trí ở dọc biên và cuối khổ.
Phụ nữ người Cor uyển chuyển theo giai điệu múa cà đáo.
Trang phục lễ hội của người phụ nữ khá rực rỡ, áo váy mới,
trên đầu dùng dải vải có thắt tua đỏ như cái mào gà thả ra trước trán và dùng
lược cài hình bán nguyệt có thắt dải màu thả ra phía sau ót phủ xuống lưng, đeo
các vòng ở cổ và chuỗi cườm ở vai, trên đầu tóc... “Y phục của người Cor rất
riêng, đặc biệt là y phục nữ. Đối với trang sức cườm, trong khi nhiều dân tộc ở
Trường Sơn Tây Nguyên chỉ dùng màu đỏ, vàng, còn người Cor có cả màu trắng,
xanh. Cườm cổ, trên đầu tóc... kết rất công phu. Về những nét riêng này
chưa thể lý giải cụ thể, nhưng có thể là đặc tính thể hiện sự hiền hòa của một
dân tộc”, ông Chư giải thích.
Trong văn hóa của người Cor, lễ hội là một nhân tố nổi trội nhất, tiêu biểu như lễ cầu mưa, lễ ăn cơm mới, lễ hội ăn trâu... trong văn hóa Cor hàm chứa một tổng thể diễn xướng và nghi lễ mang đậm dấu ấn nguyên thủy với tư duy hồn nhiên, từ cách bài trí đến cách thức cúng, thực hiện nghi lễ và vui chơi. “Lễ hội dân tộc là sự hội tụ cao độ của tinh hoa văn hóa Cor, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng”, ông Chư nhìn nhận
Trong văn hóa của người Cor, lễ hội là một nhân tố nổi trội nhất, tiêu biểu như lễ cầu mưa, lễ ăn cơm mới, lễ hội ăn trâu... trong văn hóa Cor hàm chứa một tổng thể diễn xướng và nghi lễ mang đậm dấu ấn nguyên thủy với tư duy hồn nhiên, từ cách bài trí đến cách thức cúng, thực hiện nghi lễ và vui chơi. “Lễ hội dân tộc là sự hội tụ cao độ của tinh hoa văn hóa Cor, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng”, ông Chư nhìn nhận
Trong số các lễ hội đặc sắc, lễ ăn trâu - lễ hội lớn của
người Cor, được tổ chức vào khoảng cuối năm đến đầu năm sau, khi việc thu hoạch
đã xong xuôi để mừng cho mùa màng bội thu, tai qua nạn khỏi và cầu mong thần
linh phù hộ cho cuộc sống được yên bình, sung túc. Để tổ chức lễ ăn trâu, người
Cor chuẩn bị rất công phu, đặc biệt là không thể thiếu cây nêu. Cây nêu của người
Cor hết sức đặc biệt, không chỉ ở hình tượng chim plít mà còn chạm khắc nhiều
hình ảnh hết sức công phu, tỉ mỉ, thể hiện sự giao hòa giữa con người và vũ trụ.
Người Cor dựng nêu với ý nghĩ mời ông bà, thần linh về dự lễ cùng cháu con, dân
làng.
Quả đúng là văn hóa của người Cor hết sức phong phú và độc
đáo. Còn rất nhiều yếu tố văn hóa mang tính đặc trưng riêng có của người Cor từ
trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày cho đến những tập tục, tín ngưỡng... Phải mất
rất nhiều thời gian, nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư mới có thể tìm hiểu tường
tận, tổng thể giá trị văn hóa đặc trưng của người Cor. Từ sự dày công nghiên cứu,
ông đã viết nhiều cuốn sách về văn hóa dân tộc Cor. Duy chỉ có điều ông cảm thấy
tiếc nuối, trăn trở là một số giá trị văn hóa đặc trưng của người Cor đang trên
đà mai một. “Vấn đề cấp bách hiện nay là phải bảo tồn các giá trị văn hóa của
người Cor, ngay như trang phục, mái nhà truyền thống của người Cor cũng mất dần.
Bên cạnh những giải pháp của cơ quan chức năng, căn cốt của vấn đề là tự thân mỗi
dân tộc phải tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình để biết cách gìn giữ”,
ông Chư bộc bạch.
Lý Phương (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét