Người Xinh Mun hay còn gọi người Puộc, người Pụa, là một dân tộc ít người,
sinh sống ở Việt Nam và Lào. Ngôn ngữ của người Xinh Mun là tiếng Puộc, thuộc
ngữ chi Khơ Mú trong ngữ tộc Môn-Khmer.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm
2009, người Xinh Mun ở Việt Nam có dân số 23.278 người, có mặt tại 22 trên tổng
số 63 tỉnh, thành phố. Người Xinh Mun cư trú tập trung tại tỉnh Sơn La (21.288
người, chiếm 91,5% tổng số người Xinh Mun tại Việt Nam), Điện Biên (1.926 người),
Đồng Nai (10 người), Nam Định (10 người), Hà Nội (10 người).
Người Xinh-mun đã từng sinh sống lâu đời ở
miền Tây Bắc Việt Nam, chủ yếu ở vùng biên giới Việt-Lào thuộc hai tỉnh Sơn La
và Lai Châu của Việt Nam và tỉnh Xiêng Khoảng cùng Huaphan của Lào.
Thiếu nữ dân tộc Kháng (bên trái) và Xinh
Mun gặp nhau trong ngày hội.Thiếu nữ dân tộc Kháng (bên trái) và Xinh Mun gặp
nhau trong ngày hội.
Người Xinh Mun sống chủ yếu bằng nghề làm
nương rẫy, trồng lúa nếp và ngô là chính. Có loại nương chọc lỗ tra hạt giống,
có nương dùng cuốc và có nương dùng cày để canh tác. Một số nơi có ruộng nước.
Trước kia người Xinh Mun nuôi trâu, dê, lợn… thả rông, nay nhiều bản đã làm chuồng
xa nhà cho súc vật. Hái lượm và săn bắn góp phần quan trọng cho đời sống của họ.
Nghề đan lát khá phát triển, đồ đan đẹp và bền, họ thường đổi đồ đan cho người
Thái, người Lào để lấy một phần đồ mặc và đồ sắt. Người Xinh Mun có tập quán ăn
trầu, nhuộm răng đen, uống rượu cần, thích gia vị cay.
Người Xinh Mun ở nhà sàn, mái hình mai
rùa, có hai thang lên xuống ở hai đầu hồi. Trước kia người Xinh Mun sống du
canh, du cư, nay họ đã sống ổn định và lập những làng đông đúc. Người Xinh Mun
đa số mang họ Lò, họ Vi. Mỗi họ đều có kiêng cữ riêng. Các con theo họ cha.
Trong nhà, khi người cha chết, thì con trai cả giữ vai trò quan trọng. Khi có
người chết, người nhà bắn súng báo tin cho dân làng biết. Người Xinh Mun không
có tục cải táng, tảo mộ…
Trong hôn nhân, nhà trai phải đưa tiền cho
nhà gái. Sau lễ dạm, lễ hỏi mới đến lễ đi rể, thường sau vài ba năm lúc cô dâu
chú rể đã có vài ba con, nhà trai mới tổ chức đón dâu về. Kể từ lễ đi ở rể, đôi
vợ chồng phải đổi tên riêng của mình, lấy chung một tên khác do cậu, bố mẹ vợ
hay thầy cúng đặt cho.Phụ nữ Xinh Mun thường đẻ tại nhà. Khi con gần đầy tháng,
cha mẹ nhờ thầy cúng đặt tên.
Lò Thị Minh, tộc Xinh Mun, trong kỳ thi
Hoa Hậu Dân Tộc năm 2013.Lò Thị Minh, tộc Xinh Mun, trong kỳ thi Hoa Hậu Dân Tộc
năm 2013.
Người Xinh Mun không có cá tính dân tộc
trong trang phục mà chịu ảnh hưởng trang phục Thái đen (giống người Kháng).
Người Xinh Mun thờ cúng tổ tiên hai đời, bố
mẹ và ông bà. Biểu trưng cho nơi thờ tổ tiên là một chiếc xương hàm lợn, ít trầu
đựng trên nắp giỏ cơm, ống tre đựng nước. Cúng vào các dịp cơm mới, đám cưới,
nhà mới. Việc thờ cúng tổ tiên, tuỳ nơi, có thể chỉ do anh cả, cũng có thể do
các anh em trai cùng đảm nhiệm. Bố mẹ vợ được thờ riêng ở một chiếc lán nhỏ,
bên cạnh nhà, cơm nước cúng được nấu ở ngoài nhà. Lễ cúng bản hàng năm rất được
coi trọng.
Sau Tết Nguyên Đán người Xinh-mun có Lễ hội
rất đặc biệt, đó là lễ hội Lộc hoa. Lễ hội Lộc hoa rất lớn được lần lượt tổ chức
theo từng nhà, mỗi bản có bao nhiêu nhà là có bấy nhiêu ngày hội, lễ hội kéo
dài nhưng không bao giờ diễn ra khi hoa ban đã tàn (đầu tháng 4 dương lịch),
măng đắng đã mọc cao, vì khi ấy mùa làm nương đã bắt đầu, để không ảnh hưởng đến
sản xuất.
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân sang, khi hoa ban
đã nở trắng, là dịp bà con Xinh-mun tưng bừng tổ chức lễ hội Ksai-Sa-Típ, nghĩa
là Lễ hội Lộc hoa, cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc, cho con người mạnh khoẻ, mùa
màng tốt tươi.
Lễ hội thường được tổ chức vào sau dịp Tết
Nguyên Đán, lần lượt tổ chức từng nhà, mỗi bản có bao nhiêu nhà là có bấy nhiêu
ngày hội. Hoàn toàn khác lễ hội của các dân tộc anh em, lễ hội Ksai-Sa-Típ của người
Xinh-mun Tây bắc tuy kéo dài nhiều ngày nhưng không ăn uống linh đình, chỉ múa
không có hát, vừa giản dị vừa vui, thường được tổ chức từng gia đình, vào buổi
tối ấm cúng nên rất vui.
Người Xinh Mun thích hát và múa vào các dịp
tết lễ, ngay trên nhà. Trai gái, nam nữ hát đối với nhau rất tự nhiên.
Dưới đây mình có các bài:
– Lễ hội cầu mùa – nét văn hoá đặc sắc của
người Xinh Mun ở Sơn La
– Độc đáo Hội Mạ ma của người Xinh Mun,
Sơn La
– Lễ hội Mương A Ma dân tộc Xinh Mun
– Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun
– Một số tập tục kỳ lạ của tộc người Xinh
Mun
– Tục ở rể trong hôn nhân của người Xinh
Mun, Sơn La
– Nhà ở của người Xinh Mun
– Trang phục dân tộc Xinh Mun
Á Hậu 1 - Dân tộc VN năm 2013 - Lò Thị
Minh.Á Hậu 1 – Dân tộc VN năm 2013 – Lò Thị Minh, tộc Xinh Mun.
Người đẹp Lò Thị Minh và niềm tự hào tấm
áo của người Xinh Mun
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, Xinh Mun
là một trong 5 dân tộc không còn giữ được trang phục truyền thống. Để phát huy
những giá trị văn hoá, Á hậu Lò Thị Minh đã giới thiệu tới công chúng bộ y phục
truyền thống của dân tộc mình.
Đêm khai mạc Tuần lễ Đại đoàn kết các dân
tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam, một lần nữa Á hậu 1 Cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc
Việt Nam 2013 đã trình diễn hết sức duyên dáng bộ trang phục của người thiếu nữ
Xinh Mun, tạo ấn tượng đẹp trong lòng người xem.
Vẻ đẹp tự nhiên của cô gái Tây Bắc này dễ
gây ấn tượng tốt với người đối diện ngay từ lần gặp đầu tiên. Lò Thị Minh sinh
ra ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, cô có bố là người Xinh Mun còn mẹ là người
Thái. Đây là hai dân tộc vốn sinh sống gần nhau nên có nhiều nét giao thoa văn
hoá. Trong câu chuyện, Minh trăn trở khá nhiều về sự mai một văn hoá của người
Xinh Mun, đặc biệt là trong trang phục và ngôn ngữ.
Cô gái Xinh Mun giới thiệu về bộ trang phục
dân tộc Xinh Mun với sự giao hoà của trang phục nhiều dân tộc anh em trong đất
nước Việt Nam: chiếc kiềng giống của người Kinh, chiếc túi đeo giống của người
Thái Đen nhưng có thêm những quả bông sặc sỡ; bộ váy áo cũng giống như của người
Thái Đen nhưng lại có sự giao thoa với trang phục người Lào, đi cùng chân váy
là cái áo cóm với hàng khuy bạc, cổ cài cao, cùng dây xà tích… Tất cả tạo nên một
bộ trang phục rất đặc sắc của người Xinh Mun.
”Trong khi chân váy của người phụ nữ Thái
đơn giản, không hoạ tiết thì người phụ nữ Xinh Mun mặc váy có hàng hoa văn thêu
vòng quanh từ bắp chân lên trên đầu gối vì người Xinh Mun vốn yêu thích màu sắc.
Tuy nhiên khi tìm kiếm thông tin trên mạng internet, em thấy nhiều trang minh
hoạ hình ảnh bộ y phục của người Xinh Mun không khác gì của người Thái, đây là
một trong những lí do mà đến nay việc bảo tồn văn hoá Xinh Mun còn chưa được
phát huy hiệu quả, không chỉ trang phục mà tiếng nói cũng đã bị rơi rớt rất nhiều.
Ông bà em chỉ còn giữ lại khoảng mấy chục từ tiếng Xinh Mun, bố mẹ em, rồi
chúng em bây giờ vì sống ở khu của người Thái nên cũng chỉ biết nói tiếng Thái
và vài ba từ của người Xinh Mun thôi. Đáng buồn hơn là các em nhỏ hơn em tiếng
Thái cũng không biết nói”, Minh chia sẻ.
Minh kể, gia đình cô rất coi trọng truyền
thống dân tộc, cô thường mặc trang phục truyền thống vào dịp Tết, Lễ Hoa ban, Lễ
hội Lộc hoa, lên nhà mới, đám cưới… Mẹ thường dạy cô, một người con gái phải để
tóc dài, mặc trang phục truyền thống để tôn lên nét đẹp dân tộc. Minh luôn coi
trang phục truyền thống là đặc trưng riêng, giúp mình cảm thấy tự tin hơn. Nét
đẹp riêng của người con gái Tây Bắc là mặt mộc nên cô thường chỉ thoa một chút
son môi nhẹ nhàng và búi tóc nhỏ, gọn gàng.
Vào ngày Tết cũng giống như người Kinh,
gia đình Minh lại tất bật chuẩn bị gói bánh chưng, làm bánh dầy, đồ xôi nếp và
có thêm món thịt trâu gác bếp đặc trưng của núi rừng. Người Xinh Mun đón Tết
nguyên đán theo đúng lịch của người Kinh, và khi hoa đào đã vãn, hoa ban đã nở
trắng, bà con lại rộn ràng đón Lễ hội Lộc hoa, cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc cho
con người mạnh khoẻ, mùa màng tốt tươi.
Những nét đặc sắc văn hoá đó luôn khiến
Minh hết sức tự hào và cô chia sẻ: ”Khi đạt giải ở Cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc
Việt Nam 2013, em càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm phải phát huy những giá trị
văn hóa ngàn đời của người Xinh Mun nói riêng, của người Điện Biên nói chung.
Người chủ trì lễ hội là những thầy mo
trong bản.Người chủ trì lễ hội là những thầy mo trong bản.
Lễ hội cầu mùa – nét văn hoá đặc sắc của
người Xinh Mun ở Sơn La
Lễ hội cầu mùa là nét văn hoá đặc sắc,
tiêu biểu mang đậm tinh thần cộng đồng của người Xinh Mun (Sơn La).
Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của
12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng.
Các dân tộc Sơn La có nhiều lễ hội như: Lễ hội mợi, lễ kéo si, lập tịnh, lễ hội
hoa ban, xên bản, xên mường, xíp xí, cầu mưa, nào xồng, gieo hạt, kin pang
then, gội đầu, xên pang ả, mương a ma,… Trong số đó phải kể đến nét văn hoá độc
đáo trong lễ hội cầu mùa của người Xinh Mun.
Theo quan niệm vạn vật hữu linh, người
Xinh Mun tin rằng, các cánh rừng, con suối… đều có thần linh cai quản. Do vậy
khi mùa màng đã thu hoạch xong, năm nào được mùa, lúa ngô, nuôi được nhiều gà,
lợn… người Xinh Mun sẽ đứng ra tổ chức Lễ hội cầu mùa.
Lễ hội Cầu Mùa tộc Xinh Mun.Lễ hội Cầu Mùa tộc
Xinh Mun.
Lễ hội Cầu mùa hay còn gọi là Lễ hội Mương
A Ma ở Sơn La không phải là lễ hội thường niên mà 3- 5 năm mới tổ chức một lần,
vào khoảng từ tháng 11 đến tháng 1 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong và
năm đó được mùa, lúa ngô đầy nhà, nuôi được nhiều gà, lợn…
Lễ hội này bắt đầu có từ bao giờ thì chẳng
ai nhớ được, chỉ biết rằng đã qua rất nhiều đời, người Xinh Mun rất tự hào về
nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất của mình. Đến dự lễ hội cầu mùa dù là chủ
hay khách đều được đối xử bình đẳng như nhau, đều được tham gia vào những sinh
hoạt văn hóa tập thể lành mạnh, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết
cộng đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo ra bầu không khí vui
tươi phấn khởi, hướng người dân theo những cái thiện, xa rời cái xấu.
Lễ hội thường diễn ra trong 2 ngày và đứng
ra tổ chức, chủ trì lễ hội là những thầy mo trong bản. Tuy được tổ chức trong
phạm vi gia đình, nhưng lực lượng tham gia làm công việc chuẩn bị lễ vật, cỗ
bàn và đặc biệt là lực lượng tham gia phần hội thì gồm cả bản, từ các ông, bà
già, thanh niên nam nữ, trẻ nhỏ… mọi người đều tham dự với tinh thần tự giác,
hăng say, nhiệt tình.
Lễ hội cầu mùa của người Xinh Mun là một
hình thức sinh hoạt văn hóa tập thể vun đắp tình đoàn kết cộng đồng.Lễ hội cầu
mùa của người Xinh Mun là một hình thức sinh hoạt văn hóa tập thể vun
đắp tình đoàn kết cộng đồng.
Giống như các lễ hội khác của người Xinh
Mun, Lễ hội cầu mùa cũng gồm hai phần: Lễ và Hội. Phần lễ trang nghiêm, thành
kính, thầy mo thay mặt dân bản cúng tế các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận
gió hòa, để lúa sai bông, để ngô mẩy hạt, để lợn gà trâu bò không bị dịch bệnh,
sinh sôi đầy chuồng, để con người khỏe mạnh không bị ốm đau, để bản mường mãi
mãi hưng thịnh…
Trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng,
trong sự nồng say của men rượu cần, tinh thần của người dân được thăng hoa, mọi
người thả mình theo những điệu múa, trò chơi dân gian rất vui vẻ, diễn tả hiện
thực cuộc sống của cộng đồng dân tộc Xinh Mun như múa Tăng bu, To luồng, múa
kéo thuyền, chơi “to miếng” (đấu võ), chơi “giắc klsù” (bắt tổ ong)…
Lễ hội Mương A Ma được xem là một nét văn
hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Xinh Mun, là một hình thức
sinh hoạt văn hóa tập thể góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết cộng
đồng và lưu truyền những nét văn hóa truyền thống sang các thế hệ kế tiếp.
Hội Mạ Ma tộc Xinh Mun.
Độc đáo Hội Mạ ma của người Xinh Mun, Sơn La
Hội Mạ ma của người Xinh Mun (Sơn La) thường
diễn ra vào cuối xuân đầu hạ, là lễ hội chung của cộng đồng, các trò diễn vui
nhộn, thể hiện ước vọng trời yên vật thịnh và tài diễn xướng văn nghệ dân gian
của họ.
Người Xinh Mun sống tập trung tại vùng núi
cao thuộc các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Mường La, Sông Mã, tỉnh Sơn
La. Họ thường tổ chức các lễ hội với nội dung và hình thức thể hiện không giống
với lễ hội của các dân tộc khác. Trong đó, lễ hội có tên gọi là Mạ ma được cộng
đồng quan tâm hơn cả.
Lễ hội do thày mo chủ trì, cầu cúng xin
cho con người sức khỏe, cộng đồng hòa thuận yên vui. Việc thực hiện lễ hội mang
tính diễn xướng một thể loại văn nghệ dân gian mang nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Trung tâm lễ hội Mạ ma là cây hoa (xặng
bok) tượng trưng cho cây đời. Để chuẩn bị cho cây hoa “xặng bok” là cả một quá
trình công phu. Người chuẩn bị là thầy mo và những “con nuôi” là người ốm do thầy
chữa khỏi cùng với người dân trong bản. Một cây tre cao khoảng 3m được chọn làm
“thân” cây, cành lá, hoa quả trên cây là những hình chim, chuồn sóc… Ngoài ra
còn có cá, xương cá, con ve… và các vật dụng người Xinh Mun sử dụng như ô dù,
chống chỉ, trống gỗ, tàu voi, tàu ngựa, cày bừa… Dưới gốc cây hoa trồng cây chuối
lộn ngược, rêu, củ măng, quả bầu nậm… Xung quanh “xặng bok” là những bàn thờ
cùng các mâm cúng với nhiều loại thức ăn.
Chủ trì lễ hội là thày tào, một hay hai
đôi nam nữ giúp việc thày tào gọi là “báo chạu, xao chua”. Ban chủ trì còn có
thêm 2 thầy mo và 2 người thổi sáo, đánh chiêng.
Bắt đầu lễ hội là thầy mo cầu cúng. Trong
lúc cúng thì chiêng và sáo cũng hòa nhịp tạo âm thanh cho mọi người tham gia
múa xòe và tăng bu xung quanh cây hoa “xặng bok”.
Trong lễ hội người ta tổ chức rất nhiều
trò chơi như đấu kiếm, khỉ ăn chuối, trâu đằm, thằng ngốc… đặc biệt là “túc
căn”, “lạc gưa”, “xòe họa” và “xòe tenh”… “Túc căn” và “Lạc gưa” là những trò
mang tính biểu tượng, “túc căn” là đấu kiếm: hai người rút hai cần rượu cần, vờ
làm kiếm xông vào đấu với nhau giữa tiếng hò reo cổ vũ của mọi người cho đến
khi kiếm gãy nát mới thôi. “Lạc gưa” là kéo thuyền, mọi người dùng dây mây,
chia hai phe kéo nhau….
Vui nhất là “xòe họa”, mọi người cầm mảnh
vải dài nối tay nhau thành vòng tròn nhảy “xòe” quanh cây hoa. Vừa xòe họ vừa
nhảy, xòe mạnh, nhảy cao được khuyến khích bằng những lời hô “họa, họa”. Chỉ
khi nào mọi người mệt lử, xòe họa mới dừng. Còn “xòe tenh” là mùa âm dương, trò
này là cuộc diễn giữa hai người khác giới, họ xòe cùng với “đạo cụ” riêng. Người
đàn bà dùng bẹ chuối, người đàn ông là lõi cây chuối đã ra buồng dài khoảng gần
1m. Người đàn ông kẹp lõi chuối vào háng và nhảy, cố gắng dùng “của dương”; đâm
vào người đàn bà trong khi người đàn bà giơ “của âm” ra đỡ đến khi nào “của âm”
đập ra “của dương” cụn ngủn mới thôi.
Lễ hội Mương A Ma dân tộc Xinh Mun
Ở Sơn La, đồng bào Xinh Mun thường cư trú ở
vùng rẻo giữa và rẻo cao, cho nên nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc canh tác
nương rẫy, trồng lúa ngô, hoa màu và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm.
Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Xinh
Mun theo quan niệm vạn vật hữu linh, họ tin rằng, các cánh rừng, con suối… đều
có thần linh cai quản. Do vậy, họ có nhiều nghi lễ nông nghiệp, trong đó nổi bật
là lễ hội Mương A Ma (lễ hội cầu mùa).
Lễ hội Mương A Ma thường từ 3- 5 năm tổ chức
một lần. Người đứng ra tổ chức, chủ trì lễ hội là những người làm thầy mo trong
bản. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2
âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong và năm đó được mùa, lúa ngô đầy nhà và
nuôi được nhiều gà, lợn…Lễ hội Mương A Ma được tổ chức trong phạm vi gia đình,
nhưng lực lượng tham gia làm công việc chuẩn bị lễ vật, cỗ bàn và đặc biệt là lực
lượng tham gia phần hội thì bao gồm cả bản, từ các ông, bà già, thanh niên nam
nữ và cả trẻ nhỏ, mọi người đều tham dự lễ hội với tinh thần tự giác, hăng say
và nhiệt tình.
Lễ hội Mương A Ma có phần lễ và phần hội
rõ ràng. Phần lễ trang nghiêm, thành kính, thầy mo thay mặt dân bản cúng tế các
vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, để lúa sai bông, để ngô mẩy hạt, để
lợn gà trâu bò không bị dịch bệnh, sinh sôi đầy chuồng, để con người khỏe mạnh
không bị ốm đau, để bản mường mãi mãi hưng thịnh. Khác với không khí trang
nghiêm của phần lễ, ở phần hội, trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, trong
sự nồng say của men rượu cần, tinh thần của người dân được thăng hoa, mọi lo
toan thường nhật phút chốc tan biến, mọi người thả mình theo những điệu múa,
trò chơi dân gian rất vui vẻ, diễn tả hiện thực cuộc sống của cộng đồng dân tộc
Xinh Mun, mang tính nghệ thuật và giáo dục cao như múa Tăng bu, To luồng, múa
kéo thuyền… chơi “to miếng” (đấu võ), chơi “giắc klsù” (bắt tổ ong) v.v.
Lễ hội Mương A Ma là một nét văn hóa tiêu
biểu, đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Xinh Mun, là một hình thức sinh hoạt
văn hóa tập thể lành mạnh, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết cộng
đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo ra bầu không khí vui tươi
phấn khởi, hướng người dân theo những cái thiện, xa rời cái xấu.
Có thể nói, lễ hội dân gian truyền thống
chính là tiếng nói thể hiện ước muốn vươn tới những điều tốt đẹp của đồng bào
các dân tộc Sơn La, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Việt
Nam.
Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun
Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Xinh
Mun theo quan niệm vạn vật hữu linh, họ luôn tin rằng các cánh rừng, mảnh
nương, dòng sông, con suối đều có thần linh ngự trị. Do vậy những nghi lễ nông
nghiệp gắn với chu kỳ cây trồng đặc biệt quan trọng trong đời sống của họ.
Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ
khá phổ biến ở hầu hết các tộc người thiểu số ở Tây Bắc nước ta. Tuy nhiên, mỗi
một cộng đồng tộc người lại có những nghi thức tiến hành cúng lễ khác nhau. Lễ
mừng cơm mới tiếng xinh mun gọi là Trả Pa me được diễn ra trong thời gian 2
ngày không kể thời gian chuẩn bị.
Là nghi lễ tổ chức trong phạm vi gia đình
nhưng nó thu hút được người tham dự rất lớn. Hàng năm, cứ vào cuối tháng 8 đầu
tháng 9 dương lịch, khi những bông lúa trên nương bắt đầu chuyển sang mầu đỏ
đuôi, báo hiệu một mùa thu hoạch đã tới, cũng là thời gian các gia đình trong bản
đi nhờ thầy mo để xin chọn ngày đẹp cho họ tổ chức lễ ăn cơm mới. Đây là một
nghi lễ cúng tế nhằm cảm ơn tổ tiên, thần thánh, trời đất, ma quỷ đã phù hộ cho
gia đình quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người no đủ, tránh
được dịch bệnh, con cháu khỏe mạnh.
Theo quan niệm của người Xinh Mun ngày tổ
chức cơm mới ngày tốt bao giờ cũng là ngày hợi và ngày tuất đó là ngày tốt. Còn
những ngày kiêng là ngày mùi và ngày thân và những ngày trùng với ngày sinh của
bố mẹ đẻ. Việc đi gặt những bông lúa đầu tiên về chính là đi đón hồn lúa về dự
lễ, người trực tiếp thực hiện công việc này bao giờ cũng là bà chủ nhà. Đến giờ
đã hẹn với các ma, thầy cúng ngồi trước ban thờ tổ tiên bên nội trong nhà mà khấn.
Sau khi thông báo xong, thầy cùng xin phép tổ tiên quét dọn, thay thế nơi thờ mới.
Cùng lúc đó, xin làm lễ tại gian thờ bên
ngoại, cũng với mục đích như cúng khấn mời các ma bên nội. Lễ vật trong mâm
cúng gồm: 1 bó lúa, một ống nước đựng bằng tre, 6 chén rượu, 6 đôi đũa, 6 chiếc
thìa, mỗi góc mâm để hai cây măng luộc ở 4 góc mâm, thịt lợn luộc đựng bằng lá
chuối, hai giỏ cơm đựng bằng giỏ tre đan và1 bầu cơm được đựng trong quả bầu
khô. Sau khi kết thúc các nghi lễ cúng, chủ nhà nhặt mỗi thứ một ít trên mâm thờ
cho vào lá chuối, gói lại buộc lên bó lúa để phần con ma nào mải chơi hay đi
quá xa về muộn vẫn còn đồ ăn.
Kết thúc lễ cúng tại gian thờ tổ tiên bên
nội, mâm cúng bên ngoại được dọn ra. Cũng như bên nội, lễ vật cúng được chuẩn bị
gần nơi thờ nhà nội, sau khi chuẩn bị xong bà chủ nhà mang ra nhà thờ bên ngoại
để cúng tổ tiên bên nhà ngoại. Các nghi lễ cúng ma nhà ngoại được tiến hành ở
góc vườn, nơi có nhà thờ nhà ngoại. Với người Xinh Mun, lễ mừng cơm mới không
biết có từ khi nào, nhưng qua các thế hệ kế tiếp nhau, từ việc chuẩn bị đến những
nghi lễ cúng nhà nội và cúng bên ngoại vẫn được con cháu họ thực hành đầy đủ
theo mỗi mùa lúa nương. Đó là một đặc trưng sinh hoạt tín ngưỡng với tính chất
cầu mùa trong nông nghiệp. Thể hiện ước nguyện của người nông dân Xinh Mun về
cuộc sống ấm no, bình an.
Một số tập tục kỳ lạ của tộc người Xinh Mun
Một số phong tục tập quán của người Xinh
Mun có nhiều quy định rất kỳ lạ nhưng điều đó càng làm họ không bị nhầm lẫn với
các dân tộc khác.
Trong các phong tục kỳ lạ của người Xinh
Mun ở vùng Tây Bắc phải kể đến tục ở rể và lễ cúng lúa mới.
Khổ như làm lễ cúng lúa mới
Đối với người Xinh Mun, “Tết” (ngày vui
chung của cả cộng đồng) – chính là ngày cúng ma bản nhằm xua đuổi mọi tai ương.
Vì vậy vào ngày này mỗi gia đình phải đóng góp rượu, gạo và tiền để mua một con
lợn làm lễ cúng, sau đó hát hò nhảy múa linh đình. Theo một số cụ cao niên kể lại,
thì từ xa xưa, vào đúng ngày cúng ma bản, thầy mo sẽ làm bùa ngải để giết chết
một người đi theo hầu hạ ma bản. Nhưng hành vi tàn nhẫn này đã bị xóa bỏ rất
lâu rồi.
Khi những bông lúa chín nhuộm vàng nương
ruộng cũng là lúc các gia đình người Xinh Mun cúng hồn lúa. Nếu chưa làm nghi lễ
này, thì lúa chín rụng cũng không được thu hoạch, đói đến mấy cũng không được
phép cầm liềm gặt, phải ăn củ nâu, củ mài sống qua ngày đoạn tháng. Bởi, tổ
tiên chưa được ăn thì con cháu chưa đến lượt.
Lễ cúng phải có ít nhất 7 con vật sống
trên rừng (như: chuột dúi, gà rừng, chim, sâu măng – cây măng nhú cao đến đầu gối
có sâu đục bên trong, lợn rừng, rắn, thằn lằn); ít nhất 7 con vật sống dưới nước
(tôm, cua, cá, ốc, lươn, hến, trai); tất cả các loại dưa trồng trên nương; 4-5 ống
cơm lam và một quả dừa.
8 đến 12 năm mới được động phòng
Mặc dù đã quen thuộc với tục hôn nhân ở rể
của nhiều dân tộc vùng cao Tây Bắc như Thái, Dao, Tày… , nhưng sự hà khắc và những
quy định “trần đời có một” trong tục ở rể truyền thống của người dân tộc Xinh
Mun vẫn lấy làm lạ lùng.
Khi cái bụng của chàng trai và cô gái đã
ưng nhau bố mẹ chàng trai sẽ mang một chai rượu đến nhà gái hỏi vợ cho con. Nếu
được nhà gái đồng ý, nhà trai sẽ rót rượu chung vui và bàn ngày cưới hỏi.
Lễ cưới hỏi của người Xinh Mun đơn giản đến
bất ngờ. Nhà trai chỉ cần mang một con lợn hoặc 1 đôi gà (miễn là phải có đủ 1
chân) cùng 2 vò rượu cần sang nhà gái, sau đó tổ chức mâm cơm cúng tổ tiên và
làm tằng cẩu cho cô dâu (tằng cẩu là mái tóc dài búi ngược, mang một thông điệp
ý nghĩa, rằng từ nay cô gái đã có chồng, bông hoa rừng đã có chủ. Bất cứ chàng
trai nào cũng không được tăm tia, chọc ghẹo).
Lễ cưới đơn sơ ấy phản ánh cái nghèo đến
xơ xác của người Xinh Mun. Nhà gái chịu thiệt về vật chất, nhưng bù lại, họ được
sở hữu một chàng rể sức vóc, đảm đương những việc nặng nhọc nhất, từ phát nương
trồng ngô đến chăn trâu cắt cỏ; đan lát các vật dụng trong gia đình… từ 8 đến
12 năm.
Trong suốt quá trình 8-12 năm ở rể dài đằng
đẵng, người đàn ông mặc dù đã bị cắt mác trai tân, nhưng vẫn chưa thể trở thành
“người lớn”, bởi luật tục hôn nhân của dân tộc cấm đôi vợ chồng trẻ động phòng
hoa trúc.
Có cặp vợ chồng không kiêng được chuyện
giường chiếu, xé rào luật tục bị dân bản tẩy chay, gia đình từ mặt, phải bỏ bản
đi nơi khác sinh sống. May thay, tục lệ hôn nhân hà khắc này dần dần được giảm
bớt.
Tập quán cưới xin của người Xinh Mun ngày
nay có nhiều thay đổi so với xưa kia. Những thủ tục lạc hậu, mê tín, vật chất,
thách cưới, ở rể được cắt giảm. Người Xinh Mun đã tiếp thu và ảnh hưởng các yếu
tố của dân tộc khác. Nhưng người Xinh Mun vẫn có sắc thái, phong tục, tâm thức
riêng của họ, sự chọn lọc và kế thừa phát huy các nét văn hóa tiến bộ của người
Xinh Mun sẽ góp phần vào việc phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc
dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tục ở rể trong hôn nhân của người Xinh Mun, Sơn La
Ở rể là tập tục của nhiều dân tộc vùng cao
Tây Bắc như: Thái, Dao, Tày… nhưng sự hà khắc và những quy định có một không
hai trong tục ở rể truyền thống của người Xinh Mun ở Sơn La vẫn rất lạ đời.
Bản Puông, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã
(Sơn La) là nơi sinh sống của người Xinh Mun. Theo tục lệ hôn nhân của người
dân nơi đây, nhà trai phải trả tiền “khả lu” tiền công nuôi dưỡng cho nhà gái.
Người con trai phải đi ở rể một thời gian nhất định theo thỏa thuận của hai gia
đình.
Sau khi làm lễ cưới, chàng trai người dân
tộc Xinh Mun khăn gói về nhà vợ. Trong 8-12 năm ở rể dài đằng đẵng, người đàn
ông mặc dù đã bị cắt mác trai tân, nhưng vẫn chưa thể trở thành “người lớn”, bởi
luật tục hôn nhân của dân tộc cấm đôi vợ chồng trẻ động phòng hoa trúc.
Khi cái bụng của chàng trai và cô gái đã
ưng nhau bố mẹ chàng trai sẽ mang một chai rượu đến nhà gái hỏi vợ cho con. Nếu
được nhà gái đồng ý, nhà trai sẽ rót rượu chung vui và bàn ngày cưới hỏi.
Lễ cưới hỏi của người Xinh Mun rất đơn giản.
Nhà trai chỉ cần mang một con lợn hoặc 1 đôi gà (miễn là phải có đủ 1 chân)
cùng 2 vò rượu cần sang nhà gái, sau đó tổ chức mâm cơm cúng tổ tiên và làm tằng
cẩu cho cô dâu (tằng cẩu là mái tóc dài búi ngược, mang một thông điệp ý nghĩa,
rằng từ nay cô gái đã có chồng, bông hoa rừng đã có chủ. Bất cứ chàng trai nào
cũng không được tăm tia, chọc ghẹo).
Tuy nhà gái chịu thiệt về vật chất, nhưng
bù lại, họ được sở hữu một chàng rể sức vóc, đảm đương những việc nặng nhọc nhất,
từ phát nương trồng ngô đến chăn trâu cắt cỏ; đan lát các vật dụng trong gia
đình… từ 8 đến 12 năm.
Trong suốt 12 mùa trăng dài lê thê ấy,
chàng rể phải ngủ cách ly trong một căn phòng bé xíu ở đầu hồi, tuyệt đối không
được nằm cùng giường với vợ. Có cặp vợ chồng không kiêng được chuyện giường chiếu,
xé rào luật tục bị dân bản tẩy chay, gia đình từ mặt, phải bỏ bản đi nơi khác
sinh sống.
Ngày nay, tập quán cưới xin của người Xinh
Mun ngày nay có nhiều thay đổi so với xưa kia. Những thủ tục lạc hậu, mê tín, vật
chất, thách cưới, ở rể được cắt giảm. Người Xinh Mun đã tiếp thu và ảnh hưởng
các yếu tố của dân tộc khác. Nhưng người Xinh Mun vẫn có sắc thái, phong tục,
tâm thức riêng của họ, sự chọn lọc và kế thừa phát huy các nét văn hóa tiến bộ
của người Xinh Mun sẽ góp phần vào việc phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà
bản sắc dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nhà truyền thống tộc Xinh Mun.Nhà truyền thống tộc
Xinh Mun.
Nhà ở của người Xinh Mun
Nhà sàn của người Xinh Mun mang một nét đẹp
riêng biệt, đơn sơ nhưng không kém phần trang nhã.
Dân tộc Xinh Mun là cư dân sinh sống ở miền
Tây Bắc nước ta. Họ cư trú ở lưng chừng núi trên dải đất dọc biên giới Việt –
Lào, từ thành phố Điện Biên tới Mộc Châu và một số huyện thuộc Yên Châu, Sông
Mã và Mai Sơn nằm trong phạm vi thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu và một
số khác sống ở vùng Trung Thượng Lào.
Người Xinh Mun sống ở nhà sàn, nhà có sàn
trái và sàn phải. Điều lạ là bên trái hay phải là theo quy ước của mỗi gia
đình, dường như người Xinh Mun không có quan niệm phân biệt rõ ràng thế nào là
bên trái, bên phải.
Ngôi nhà được làm bằng các loại cây thân gỗ
và các loại cây như tre, vầu, nứa… lợp bằng cỏ gianh hay lá cọ. Thay vì đóng
đinh thì giữa các mấu nối được buộc bằng dây chằng, thắt nút khá công phu và
tinh xảo. Dây buộc là cây giang, mây hoặc vỏ những cây chuyên dùng như năng hu,
năng xa. Khi làm nhà để nối cái cột kèo, người Kinh thường lắp mộng còn nhà sàn
người Xinh Mun sử dụng những đòn dầm xuyên suốt qua các cột. Kiến trúc của nhà
sàn của người Xinh Mun nhìn đơn giản nhưng chắc chắn.
Nhà ở của người Xinh Mun, về cơ bản và
trông từ bên ngoài, tương tự như nếp nhà cổ truyền của dân tộc Thái (ngành Thái
đen): Nhà sàn, vật liệu chủ yếu bằng gỗ và tre, 2 mái dài, 2 chái hình mai rùa.
Mỗi nhà có 2 cầu thang, đặt ở 2 đầu quản. Riêng cái cầu thang, người Xinh Mun
không đặt thành vấn đề số bậc lẻ hay chẵn. Cầu thang ở cuối nhà dành cho phụ nữ
đi. Còn cầu thang phía trước nhà dành cho nam giới và khách đi. Khách vào nhà
chỉ được đi vào phía sàn dành cho đàn ông.
Trong nhà, người Xinh Mun chia không gian
làm 2 phần, phần “PLầng” và phần “Xìa”. Phần “PLầng” (gốc) là nơi ngủ của khách
và con trai chưa vợ, con rể tuyệt đối không được ngủ ở đây. Phần “PLầng” có một
bếp lửa, dùng để sưởi ấm và đun nước tiếp khách; trong hoàn cảnh nào cũng không
sử dụng bếp này để nấu thức ăn. Người Xinh Mun kiêng nhất chuyện làm nhà quay cửa
vào nhau, hoặc nhà nằm theo hướng chéo nhau.
Nhà của người Xinh Mun có mái giống hình
con rùa, họ cho rằng con rùa dạy người ta làm nhà cho nên ngôi nhà khum khum giống
lưng rùa. Phía trên mái nhà có Khau Cút là 2 thanh tre để chéo nhau. Những
thanh tre hoặc gỗ, họ cũng được chia nhiều kiểu dáng khác nhau, thể hiện các tầng
lớp trong xã hội. Người giàu thì luôn làm khau cút hình hoa sen thể hiện sự
thanh tao và giàu có. Còn ngược lại dân thường thì làm thanh gỗ vắt ngang và
không có họa tiết gì. Còn những gia đình mới ra ở riêng thì làm hình người phụ
nữ mang bầu để cầu mong sự sinh sôi nảy nở.
Trang phục truyền thống dân tộc Xinh Mun
xưa.Trang phục truyền thống dân tộc Xinh Mun xưa.
Trang phục dân tộc Xinh Mun
Xinh Mun là một trong những dân tộc ít người
của nước ta, do vậy, trang phục truyền thống của họ chịu nhiều ảnh hưởng của
các dân tộc khác, trong đó, điển hình là trang phục của người Thái Đen.
Trang phục truyền thống của nam giới Xinh
Mun có phần hơi đơn giản. Ngoài bộ quần áo mặc hàng ngày, người đàn ông Xinh
Mun chỉ có thêm chiếc khăn quấn trên đầu, chiếu túi đeo bên người khi đi nương,
xuống chợ. Áo dài ngang tới bắp chân, áo được may bằng vài dệt sợi bông, nhuộm
chàm, có màu xanh đen, giống chiếc áo dài của đàn ông Thái Đen, Khơ Mú…
Thân áo được may thành bốn mảnh, phía sau
gồm hai mảnh ghép giữa sống lưng, phía trước là hai mảnh. Cổ tròn, được may
thành nẹp ôm xung quanh cổ khi mặc. Dải khuy chạy từ cổ xuống áo, qua vai xuống
nách và chạy dọc sườn trái xuống ngang thắt lưng.
Á hậu Lò Thị Minh, với bộ áo dân tộc truyền
thống của dân tộc Xinh Mun.Á hậu Lò Thị Minh, với chiếc áo dân tộc truyền thống
của dân tộc Xinh Mun.
Khi mặc áo này, người Xinh Mun hay cuốn
trên đầu một chiếc khăn bằng vải nhuộm chàm, dài khoảng 80cm. Cách quấn khăn của
họ cũng giống người Thái Đen: quấn mỏ rìu quay ra phía trước trán.
Quần của đàn ông Xinh Mun giống quần của
nam giới Thái Đen. Quần thường may ngắn trên mắt cá trên, ống rộng, nhuộm tràm.
Quần không có cạp để luồn dây lưng mà dùng thắt lưng buộc lại khi mặc.
Trong khi đó, trang phục truyền thống của
phục nữ Xinh Mun là váy, áo, khăn, thắt lưng. Váy thường may ngắn hở bắp chân,
tạo thành một vòng khép kín chu vi khoảng 100-120cm. Cạp váy rộng 8cm bằng vải
hoa. Gấu váy rộng 3m bên trong nẹp bằng vải đỏ. Khi mặc người ta kéo sát phía
sau thân váy bó vào mông, phần còn thừa dồn hai bên hông và kéo về phía trước bụng.
Khi mặc váy bao giờ phụ nữ Xinh Mun cũng phải dùng thắt lưng thắt chồng khít
lên phần cạp váy. Thắt lưng dệt bằng tơ tằm, dài khoảng 2,5m, rộng khoảng 15cm
nhuộm màu xanh lá cây.
Á hậu Lò Thị Minh, với bộ áo dân tộc truyền
thống của dân tộc Xinh Mun.Á hậu Lò Thị Minh.
Thông thường, áo của phụ nữ Xinh Mun được
may bằng vải bông, áo có thân ngắn, cộc tới ngang eo, cổ cao và tròn, tay áo bó
sát và dài tới mắt cá tay. Áo có khuy phía trước, làm bằng đồng, nhôm hoặc bằng
bạc giống hình con bướm. Hàng khuy bên phải là con đực, hàng khuy bên trái là
con cái. Mỗi chiếc áo có từ 11-12 đôi. Khi mặc để hở phần thắt lưng tạo nên vẻ
đẹp riêng của người con gái Xinh Mun.
Do ảnh hưởng của trang phục truyền thống
dân tộc Thái nên cách làm đẹp của phụ nữ Xinh Mun không thể thiếu chiếc khăn
Piêu đội đầu. Phần lớn khăn được làm bằng vải bông nhuộm chàm. Piêu được trang
trí bằng cút ở bốn góc và xung quanh mép. Họ thường trang trí số cút lẻ, mỗi
chùm ba cút gọi là piêu cút xam. Ngoài áo, váy, khăn, phụ nữ Xinh Mun còn đẹp
vòng tay, vòng cổ, khuyên tai bằng bạc.
Ngày nay, trang phục dân tộc Xinh Mun đã bị
mai một dần. Theo thống kê của Ủy ban dân tộc, Xinh Mun là một trong 5 dân tộc
không còn giữ được trang phục truyền thống của mình. Điều này khiến những nhà
quản lý lo lắng và họ đang tìm cách gìn giữ, phát huy tốt nhất những giá trị
văn hóa từ cha ông để lại. Đây cũng là lý do để các cuộc thi trang phục dân tộc
ra đời, nhằm tôn vinh trang phục dân tộc, mà còn qua đó nhằm bảo tồn tốt hơn
giá trị văn hóa của các trang phục truyền thống của các dân tộc trong đời sống
đương đại.
Sầm Thị Phong (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét