Độc đáo với Tết mừng tiếng sấm của đồng bào Ơ Đu ở Nghệ An (Lý Thị Ninh)

Để tiến hành nghi lễ nông nghiệp quan trọng nhất trong năm, đồng bào thành kính, trang trọng chuẩn bị các vật phẩm cần thiết cho buổi lễ

Tết mừng tiếng sấm hay còn gọi là Tết Chăm phtrong là tập tục cổ xưa duy nhất được người Ơ Đu còn lưu giữ đến ngày nay, với mong muốn một năm mới mưa thuận gió hòa, thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt.
Người Ơ Đu là một trong những dân tộc ít người nhất của Việt Nam. Hiện nay, dân số của bộ tộc này chỉ còn khoảng hơn 600 người. Trước đây, họ sống độc lập, ít tiếp xúc với các dân tộc bên ngoài, chủ yếu chỉ giao du với người Thái, Khơ Mú khi có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa.

Dân tộc Ơ Đu có nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc với ngôn ngữ, chữ viết, trang phục và những phong tục, tập quán riêng.

Tuy nhiên, những biến cố trong lịch sử, sự tác động về mặt kinh tế thị trường và sự thay đổi của môi trường, việc sống xen kẽ với các cộng đồng dân tộc khác khiến phong tục người Ơ Đu đang bị mai một dần. Đời sống đồng bào khá lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, do vậy nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng với họ.

Tết mừng tiếng sấm hay Tết Chăm phtrong được xem là phong tục hiếm hoi còn sót lại của đồng bào Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Theo tìm hiểu thì người Ơ Đu xưa kia thường dựa theo tiếng sấm để xác định thời gian, do không có đồng hồ, lịch sử như bây giờ. Khi nghe tiếng sấm đầu tiên vang lên cũng đồng nghĩa với việc đồng bào sẽ đón mừng năm mới.

Mâm lễ vật dâng cúng tổ tiên, thần Sấm

Với người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới là ngày tết lớn nhất, được tổ chức long trọng. Trong dịp Tết đặc biệt này, họ sẽ mổ trâu, mổ lợn dâng cúng tổ tiên cũng như cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, thuận lợi trong việc trồng trọt, săn bắn và tùy thuộc vào điều kiện mà mổ lợn, trâu to hay nhỏ, ăn uống linh đình.

Đồng bào Ơ Đu đang chuẩn bị lễ cúng mừng tiếng sấm

Anh Lo Văn Thái – Trưởng bản Văng Môn cho biết: “Trong ngày tết Chăm phtrong, trên bàn thờ gia đình của người Ơ Đu được trang trí rất cầu kỳ với các loại giấy ngũ sắc rực rỡ. Nhưng màu đỏ lại không được xuất hiện trong ngày Tết, bởi bà con rất sợ lửa”.

Khi mổ lợn, các gia đình Ơ Đu đều mời dân làng tới dự và uống rượu để ăn Tết cùng nhau. Đây được xem là dịp gia chủ cảm ơn bà con, hàng xóm trong bản làng đã giúp đỡ gia đình trong năm qua.

Chủ lễ đọc lời khấn cầu thần Sấm đem đến nguồn nước cho bà con sinh sống và trồng trọt, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh và may mắn

Mỗi gia đình đều phải chuẩn bị 1 con gà trống thiến – con gà này sẽ được mang ra làm thịt để làm lễ cúng, cặp chân được giữ cẩn thận và nhờ thầy mo làm lễ thăm chân gà.

Theo quan niệm xưa, việc xem chân gà đầu năm là để dự đoán năm mới được no ấm, hạnh phúc? Người Ơ Đu cho rằng, sau tiếng sấm đầu tiên trong năm, con vật cất tiếng kêu đầu tiên là con gà, vì vậy gà là linh vật mà thần Sấm gửi gắm thông điệp ngày đầu năm.


Độc đáo với Tết mừng tiếng sấm của đồng bào Ơ Đu ở Nghệ AnSau buổi lễ bà con Ơ Đu và khách mời múa hát mừng xung quanh chum rượu cần

Tiếp đó sẽ đến phần hội, với tiếng cồng chiêng, trống và nhạc cụ làm từ ống nứa. Chủ và khách cùng thưởng thức lễ vật và nhảy múa theo những giai điệu truyền thống.

Thường lễ Tết Chăm phtrong kéo dài 5 – 7 ngày, cho đến khi mọi thủ tục cúng thần Sấm trong bản làng hoàn tất thì ngày Tết cũng mới kết thúc, nhưng hiện nay đồng bào Ơ Đu chỉ tổ chức 1 ngày và thu hút khá đông khách du lịch tới tham dự.

Không gian náo nhiệt trong âm thanh rộn rã, vui tươi của cồng chiêng, trống và những nhạc cụ được làm từ ống nứa

Những âm thanh nguyên sơ của núi rừng, gợi đưa người xem về một không gian săn bắn, không gian làm rẫy, giữ làng, giữ đất của tộc người Ơ Đu

Du khách trải nghiệm văn hóa của đồng bào Ơ Đu với những nghi lễ nguyên sơ, nghệ thuật ẩm thực, diễn xướng truyền thống đậm bản sắc dân tộc Ơ Đu

Tết mừng tiếng sấm đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thẩm thấu phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc dân tộc Ơ Đu. Những giá trị đó cùng góp phần cho bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc anh em thêm rực rỡ sắc màu.

Lý Thị Ninh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét