Phong tục – tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Mạ ở Đồng Nai (Nông Thị Minh Phiếu)

Đàn ông dân tộc Mạ đan gùi

​Theo số liệu thống kê, người Mạ ở Đồng Nai xếp thứ 9 trong số 36 dân tộc thiểu số ở Đồng Nai, sinh sống tập trung tại hai huyện Tân Phú và Định Quán. Người Mạ có nhiều nhóm địa phương như: Chệ Mạ, MaNgan; Mạ Xốp; Mạ Tô; MaKrung; Mạ Xre. Tiếng Mạ thuộc nhóm ngôn ngữ  Môn – Khơ me.

Cũng như một số dân tộc khác ở Đồng Nai và Đông Nam bộ, trước đây người Mạ sống tập trung thành từng khu gọi là Bon (làng) đứng đầu mỗi Bon là già làng. Mọi thành viên đều tuân thủ các luật tục của cộng đồng được lưu truyền bất thành văn. Già làng thường là những người truyền đạt thực thi luật tục, mọi nghi lễ theo vòng đời người như: sinh nở, cưới xin, tang ma... đều phải tuân theo luật tục trong cộng đồng. Tín ngưỡng nguyên thủy của người Mạ là thờ đa thần, trong cộng đồng thầy cúng, bà bóng được trọng dụng như những người trung gian giao tiếp với thần linh...

+ Tục cưới xin, hôn nhân:
Thanh niên người Mạ đến tuổi trưởng thành được tự do yêu đương, tìm hiểu khi chàng trai thích cô gái có thể nhờ mai mối dạm ngỏ. Các bậc cha mẹ khi chọn dâu, rể thường đánh giá vào năng lực, đức hạnh. Con dâu phải biết dệt thổ cẩm, bếp núc phải gọn gàng; con rể thì phải biết làm ra các công cụ lao động sản xuất như: làm chà gạc, dao thật sắc bén, biết đan gùi, sức khỏe tốt… Khi đôi trai gái yêu nhau và quyết định lấy nhau thì người nam phải trình bày ý kiến của mình cho cha mẹ biết, nếu cha mẹ đồng ý sẽ đến nhà cô gái xin hỏi và đem qua tặng một vật nào đó làm tin, nếu bên nhà cô gái nhận vật làm tin đó có nghĩa là đã nhận lời cầu hôn.


Sau một thời gian, họ hàng nhà trai đưa con của mình đến nhà cô gái. Gia đình nhà gái chấp nhận, đôi nam nữ sẽ được sống chung, lễ cưới sẽ được tổ chức trong vài ngày và hết sức vui vẻ. Trong lễ cưới đôi vợ chồng phải trao vòng cưới cho nhau và cùng ăn gan heo như lời thề sống mãi với nhau. Trong lễ cưới người Mạ thường giết trâu, bò, dê, lợn, gà và chuẩn bị thật nhiều vò rượu cần đủ để ăn uống trong hai ba ngày. Vài năm sau cha mẹ, họ hàng bên nhà trai sẽ sang bên nhà gái xin làm lễ trả của và nếu bên nhà gái nhận lời sẽ được mời về nhà trai để ăn tiệc mừng trả của. Lễ trả của người Mạ thường trả một số đồ vật tương đương với những đồ vật mà bên nhà gái đã bỏ ra khi tổ chức cưới. Thường là trâu, bò, heo, gà, vịt, đồng la và khoảng 20 ché lúa. Nếu chưa trả đủ thì hẹn lần sau, như thế chú rể lại tiếp tục ở bên nhà vợ thêm mấy năm nữa. Trong thời gian này sẽ có sự xét lỗi của người chồng trong thời gian ở rể, nặng thì bị xử phạt, nhẹ thì giáo dục, không có lỗi là tốt.Vụ xử lỗi nghĩa là xóa bỏ những lỗi lầm để đôi trai gái được hạnh phúc và sự đoàn kết giữa hai gia đình đôi bên. Hết hạn ở rể cha mẹ, họ hàng nhà trai tổ chức đi rước con mình và con dâu về nhà mình kết thúc thời kỳ ở rể của chàng trai. Tuy nhiên nếu gia đình nào không có điều kiện trả của thì chàng trai sẽ phải ở rể suốt đời.


Đối với người Mạ Chế độ hôn nhân chủ yếu của là một vợ một chồng được xác lập bền vững, nếu chẳng may người vợ hoặc người chồng chết sớm thì người còn lại phải lấy người em vợ hoặc chồng tiếp theo chứ không lấy anh hoặc chị. Theo quan niệm của người Mạ, tội ngoại tình là một hình thức vi phạm và sẽ bị phạt nặng, tùy theo ngoại tình với người quen hay lạ mà mức phạt lễ vật hay chịu sự hành xử của Bon…

Ngày nay tục ở rể và trả của ở người Mạ không còn phổ biến nữa hình thức đám cưới đơn giản đi rất nhiều, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà tổ chức khác nhau, thường thì cưới xong cô dâu và chú rể ra ở riêng không còn phụ thuộc vào cha mẹ hai bên như xưa nữa.

+ Tục sinh nở:
Đối với người dân tộc Mạ việc sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái được xem là hệ trọng. Người phụ nữ khi sinh để có rất nhiều điều kiêng cử. Xưa kia, phụ nữ Mạ đến ngày sinh gia đình dọn dẹp một góc nhà cho nằm và đi mời bà mụ về đở đẻ. Nếu khó sinh gia đình sẽ tổ chức cúng kiếng để cầu cho mẹ tròn con vuông, hoặc cho uống một bài thuốc từ lá, cây rừng giúp cho sản phụ hồi phục sức khỏe nhanh. Khi đứa bé được sinh ra gia đình sẽ tổ chức ăn mừng giết heo, gà và uống rượu, đánh đồng la vang lừng cả Bon với ý muốn cả Bon cùng trời đất chung vui với em bé. Gia đình còn tổ chức một số lễ cúng tạ ơn bà mụ đở đẻ và đặt tên cho em bé sau một tuần. Lễ cầu  mong tổ tiên và các Yang luôn giúp cho đứa trẻ khỏe mạnh trong vòng một tháng sau đó. Khi đặt tên cho be thường kiêng đặt trùng tên với các vị có vai vế trong làng, hay những người vừa mất. con gái thường đặt theo họ mẹ, con trai đặt theo họ cha.

Thời gian ở cử của phụ nữ Mạ thường kéo dài từ 7 đến 9 ngày sau đó cả hai mẹ con được vào nhà chính. Đứa trẻ sinh ra vài ngày sau được mẹ bồng ra suối tắm rửa với quan niệm bệnh tật sẽ theo nước mà trôi đi. Nếu trẻ bị bệnh, sẽ được mẹ bồng cùng với một khúc cây đi đến bên giếng, đọc lời khấn cho bênh tật nhập vào khúc cây thế mạng cho con mình, sau đó thả khúc cây xuống giếng rồi bồng con về. Trong khi vợ đang ở cử, người chồng có thể cắm một số cây làm dấu hiệu cấm kỵ để khi ai vào biết mà tránh. Trong những ngày ở cử họ thường dùng ngãi bỏ vào tai đứa trẻ với hy vọng sau này lớn lên nó sẽ thông minh, mạnh khỏe và có đạo đức. Ngày nay những tục lệ xưa không còn nữa. Phụ nữ khi sinh con thường đến các trạm y tế, ốm đau đều có thuốc, không còn dùng ngãi cho trẻ. Tuy nhiên họ vẫn duy trì kiêng cử khi con mới sinh và cách đặt tên con trai theo họ cha, con gái theo họ mẹ vẫn được lưu truyền.

+ Tục chữa bệnh:
Xưa kia khi lâm bệnh người Mạ thường dùng cây cỏ, vỏ cây hoặc bao tử nhím, mật kỳ đà, con trăn, nanh khỉ, sừng nai, mật ong, mật gấu, bao tử tê giác, móng tay cọp, da cá sâu…để chữa bệnh. Tùy theo mỗi bệnh và tùy theo thầy chữa bệnh mà được sử dụng các loại thuốc khác nhau. Nếu bệnh dịch nhiều người mắc phải thì phải trốn vào rừng khi nào hết bệnh mới được phép trở về Bon.

Người Mạ còn quan niệm rằng bệnh tật, ốm đau nhiều khi còn do thần làm, vì vậy phải mời thầy cúng, bà đồng tới nhà cúng thần, nếu thầy cúng phán rằng thần cần trâu, heo, gà thì chủ nhà phải đáp ứng đầy đủ nếu không bệnh sẽ càng nặng thêm.

Ngày nay tục chữa bệnh theo kiểu cúng bái không còn nữa, nhưng người Mạ vẫn còn duy trì cách chữa bệnh bằng thuốc nam, nếu bệnh nằng người bệnh sẽ được chuyển đến các trạm y tế hoặc bệnh viện.

+ Tục ma chay:
Xưa kia việc tang ma của người Mạ do từng gia đình lo liệu với sự giúp đỡ của cả Bon. Trong nhà có người qua đời thì thân nhân chia nhau đi báo cho chức sắc, mọi người trong Bon và người ở các Bon lân cận. Đàn ông trong Bon thì vào rừng tìm cây để mổ hòm. Khi chọn được cây phải cúng cây trước khi hạ nó, hòm mang về được đưa qua cửa chính của nhà. Nếu không có gỗ làm hòm người ta chặt cây lồ ô hoặc tren nứa để bó người chết. Ba ngày sau người chết được tắm rữa sạch sẽ rồi tẩm liệm đơn giản. Xưa kia người chết thường được để trong nhà cả tháng, nên đóng hòm thường có đục lỗ phía dưới để một cái ché hứng nước từ tử thi chảy ra ngày ngày đem ra nghĩa địa đổ. Về sau họ chỉ để người chết trong nhà một tuần. Ngày nay chỉ để một hoặc hai ngày là đem chôn.

Người Mạ quan niệm có ba tầng thế giới vì vậy mà khi đưa người chết ra nghĩa địa, họ xem như đang tiễn đưa người thân về một thế giới khác, thế giới ma quỷ. Nghĩa địa thường là nơi âm u, cách xa nằm ở phía tây Bon nơi họ cho rằng đó là thế giới của người chết. Khi đưa người chết ra đến nghĩa địa, thầy chay làm lễ cúng xin thần chết rồi mới đào huyệt, chôn cất xong cúng một lẫn nữa mới ra về, sau 7 ngày sẽ cũng mở cửa mả bằng bánh giã, gà, vịt, chén cơm. Sau đó họ sẽ bỏ mà không bao giờ cúng nữa.  Người Mạ quan niệm con người không phải con vật nên được đối xử công bằng. Vì vậy người chết được chia của công bằng như người sống. Vật dụng thường được chia cho các thành viên trong gia đình như: Trân, bò, chiêng, ché, bát (chà gạc, rìu, dao đối với đàn ông; khung dêt đối với phụ nữ). Những thứ của người chết được chia thượng được đập vở hoặc chôn theo. Những người đưa đám khi trở về không được vào nhà ngày, mà phải tẩy uế bằng cách dùng lá ngãi, nhúng vào nước đun sôi có cắt tiết gà vào rối vẩy nước lên người. Trong Bon có đam ma cả Bon phải kiêng không đi rẫy 7 ngày. Ngôi nhà có người chết sẽ bị bỏ, và cất ngôi nhà khác. Những người chết bất đắc kỳ tử như tai nạn, rắn cắn, chết đuối, chết vì trộm cắp thì không đem xác về nhà mà tẩm liệm đơn giản và chôn ngay nơi bị chết, trong trường hợp này người nhà phải tự lo liệu mà không có sự giúp đỡ của hàng xóm. Gia đình có người chết như vậy trong một năm sau kiêng cử không được đến nhà ai và cũng không ai đến nhà.

Ngày nay, nếu trong cộng đồng người Mạ chết chỉ để từ một đến hai ngày, được chôn cất đơn giản, ít kiêng cử, những tục lệ trên đều được người Mạ lược bỏ dần, nhiều tục lệ chỉ còn trong trí nhớ.

+ Tín ngưỡng truyền thống: Tín ngưỡng nguyên thủy của người Mạ là thờ đa thần với quan niệm là “vạn vật hữu linh”. Thế giới xung quanh họ đều có các thần: thần núi, thần rừng, thần cây, thần nước… Trước đây, người Mạ thờ rất nhiều thần là biểu tượng của các hiện tượng thiên nhiên thường xảy ra mà họ không lý giải được, họ tin vào một thế giới siêu hình ấy là nơi tồn tại ngự trị của các thần linh có khả năng chi phối đến cuộc sống con người.

Người Mạ quan niệm về một vị Thần tối thượng có tên là Yang Ndu. Vị thần này có khả năng siêu phàm tạo dựng nên thế giới rộng lớn, đóng vai trò quan trong nhất. Tổ tiên người Mạ nhờ Yang Ndu dựng nên, giúp đỡ duy trì nòi giống cho đến nay, chỉ dẫn cho biết làm rẫy, săn thú, dệt vải, đặt ra các lễ thói… truyền từ thế hệ nay qua các thế hệ khác. Dưới Yang Ndu là Yang Koi (thần Lúa), Yang Bri (thần Rừng), Yang Bơ Nơm (thần Núi),Yang Hiu (thần Nhà)… Trong các lễ cúng người Mạ thường khấn Yang Ndu trước tiên rồi mới đến các thần khác.

Quan niệm thần linh có mặt ở khắp nơi chi phối đến cuộc sống của con người nên người Mạ tổ chức cúng rất nhiều khi có người trong cộng đồng ốm đau, bênh tật, làm ma chay, làm nhà ở  hay khi đi săn, khi trỉa hạt làm rẫy. Lễ vật cúng thường đơn giản, tùy theo điều kiện gia chủ và thường cúng bằng gà, rượu, gạo, đèn sáp ong…

Trải qua bao đời người Mạ ở Đồng Nai vẫn bảo tồn, gìn giữ phong tục – tín ngưỡng của dân tộc mình. Các thế hệ người đi trước vẫn tiếp tục trao truyền những phong tục truyền thống cho các thế hệ con cháu trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội đã tác động mạnh mẽ làm cho văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung và dân tộc Mạ nói riêng ngày càng mai một và đứng trước nguy cơ biết mất mà không thể phục hồi.

 Nông Thị Minh Phiếu (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét