photo
Tên gọi khác: Tà Ôi, Pa Cô, Tà Uốt,
KanTua, Pa Hy...
Nhóm địa phương: Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy.
Dân số: 43.886 người (theo kết quả điều
tra dân số năm 2009 của Tổng cục thống kê)
Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me
(ngữ hệ Nam Á), Ít nhiều gần gũi với tiếng Cơ Tu và Bru - Vân Kiều. Giữa các
nhóm có một số khác biệt nhỏ về từ vựng.
Lịch sử: Người Tà Ôi thuộc lớp dân cư tụ
lâu đời ở Trường Sơn.
Hoạt động kinh tế: Làm rẫy, trồng lúa rẫy
là nguồn sống chính của người Tà Ôi. Cách thức canh tác tương tự như ở các tộc
Cơ Tu, Bru - Vân Kiều. Ruộng nước đã phát triển ở nhiều nơi.
Người Tà Ôi một số nơi giỏi nghề dệt vải sợi
bông, hoa văn được tạo bằng sợi màu vàng và bằng cườm trắng. Loại vải có hoa
văn cườm được ưa thích.
Săn bắn, đánh cá, hái lượm đem lại thức ăn
đáng kể. Nghề dệt chỉ có ở một số nơi, sản phẩm được các dân tộc láng giềng ưa
chuộng (nhất là y phục có đính hoa văn bằng chì và cườm trắng). Ðồ đan mây tre
chủ yếu đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp. Ðồ sắt, đồ gốm, đồ đồng chủ yếu do trao
đổi với người Việt và các dân tộc khác; quan hệ hàng hoá với bên Lào cũng khá
quan trọng. Nay đã sử dụng tiền, nhưng tập quán dùng vật đổi vật vẫn thông dụng.
Mặc: Nữ mặc váy ống loại ngắn và áo, hoặc
váy loại dài che luôn cả từ ngực trở xuống (ở nhóm Tà Ôi phía biên giới thuộc A
Lưới), có nơi dùng thắt lưng sợi dệt, năm quấn khố mặc áo, thường hay ở trần.
Ngoài vải do tự dệt người Tà Ôi còn dùng vải mua ở Lào và y phục như người Việt
đã thông dụng, nhất là với nam giới. Xưa kia, có những nơi phải dùng đò mặc chế
tác từ vỏ cây. Hình thức đeo trang sức cổ truyền là các loại vòng tay, vòng
chân, vòng cổ, khuyên tai, bằng đồng, bạc hay hạt cườm, mã não... Phụ nữ đeo cả
loại vòng dây đồng quấn thành hình ống ôm quanh đoạn ống chân và cẳng tay. Tục
cà răng, xăm trên da và đeo trang sức làm căng rộng lỗ xâu ở dái tai chỉ còn số
ít ở các cụ già.
Mỗi khi đi chơi xa hay đi dự lễ hội, phụ nữ
Tà Ôi mặc đẹp, đủ cả váy, áo, thắt lưng và cũng thường đeo theo chiếc gùi sau
lưng.
Ở: Người Tà Ôi cư trú trên một dải từ Tây
Quảng Trị (huyện Hương Hoá) đến tây Thừa Thiên Huế (Huyện A Lưới và Hương Trà).
Họ ở quần tụ thành từng làng; nhà sàn dài, trước kia dài có khi hàng trăm mét,
gồm nhiều cặp vợ chồng cùng các con (gọi là "bếp"). Giữa các bếp
trong làng thường có quan hệ bà con thân thuộc với nhau. Mái nhà uốn tròn ở 2 đầu
hồi, trên đỉnh dốc có khau cút nhô lên. Trong nhà, mỗi "bếp" (gia
đình riêng) đều có buồng sinh hoạt riêng.
Ăn: Cơm là lương thực chủ yếu: ngô, sắn,
khoai, củ mài... bổ sung khi thiếu gạo. Thức ăn thông thường là các loại rau,
măng, nấm, ốc, cá, thịt chim muông. Người Tà Ôi ưa thích món băm trộn tiết gia
súc với thịt luộc. Thức ăn gồm nước lã, rượu, đặc biệt rượu chế từ nước thứ cây
họ dừa được dùng phổ biến. Họ dùng tẩu tự tạo bằng gốc le hoặc bằng đất nung để
hút thuốc lá.
Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu và thường
thật là đeo gùi sau lưng. Có các loại, các cỡ gùi khác nhau, đan bằng mây hoặc
tre lồ ô. Ðàn ông có riêng loại gùi 3 ngăn (gùi "cánh dơi") như gùi của
đàn ông Cơ Tu, dùng khi đi săn, đi rừng, đi sang làng khác.
Quan hệ xã hội: Người Tà Ôi sống theo tập
tục cổ truyền, trọng người già, tin theo "già làng", quý trẻ em không
phân biệt trai hay gái. Mỗi làng bao gồm người của các dòng họ khác nhau, từng
dòng họ có người đứng đầu, có kiêng cữ riêng và tên gọi riêng. Xã hội đã phân
hoá giàu - nghèo và có sự khác nhau nhất định về vị thế, nhưng nếp cộng đồng
dân làng vẫn đậm nét. Làng là đơn vị tổ chức xã hội cơ bản và tự quản trong xã
hội cổ truyền.
Nhà sàn dài có mái uốn tròn ở đầu hồi là
hình thức cư trú truyền thống của người Tà Ôi. Nay vẫn thấy ở đó đây một số
ngôi nhà khá dài.
Cưới xin: Trai gái lớn lên sau khi đã cắt
cụt 6 chiếc răng cửa hàm trên thì được tìm hiểu nhau và lấy vợ, lấy chồng. Việc
cưới hỏi do nhà trai chủ động. Nhà gái cho con đi làm dâu và được nhận của cải
dẫn cưới gồm cồng, chiêng, ché, nồi đồng, trâu, lợn...
Cùng với đám cưới, cô dâu chú rể phải làm
lễ "đạp bếp" tại nhà bố mẹ cô gái để đánh dấu từ đó cô ta sẽ thực sự
là người nhà chồng, và ít năm sau phải tổ chức lễ tạ ơn "thần linh"
đã cho hai người sống yên ổn với nhau. Người Tà Ôi thích cho con trai cô lấy
con gái cậu.
Một số người giàu có không chỉ có một vợ.
Sinh đẻ: Phụ nữ phải kiêng kem nhiều trong
thời kỳ có thai và sai khi mới sinh, với ý muốn nhờ vậy sẽ dễ đẻ, con dễ
nuôi... Việc sinh nở có người giúp đỡ. Con trai hay con gái đều được yêu quý và
tâm lý chung thường có cả hai. Sản phụ lao động cho tới khi ở cữ, và cũng chỉ
nghỉ ít ngày sau khi sinh con.
Ma chay: Bãi mộ chung của làng chỉ chôn những
người chết bình THƯỜNG. QUAN TÀI ÐẼO ÐỘC MỘC. Ở người giàu thì quan tài được
làm cầu kỳ hơn ở 2 đầu. Có tục "chia của" cho người chết như ở các
dân tộc. Việc mai táng sau khi chết là tạm thời. Vài năm sau khi chôn, tang gia
tổ chức lễ cải táng, đưa hài cốt vào quan tài mới và chôn trong bãi mộ, bên cạnh
những thân nhân quá cố từ trước. Khi đó, nhà mồ được trang trí đẹp bằng chạm khắc
và vẽ.
Thờ cúng: Người Tà Ôi tin mọi vật đều có
siêu linh, từ trời, đất, núi, rừng, suối nước, cây cối cho đến lúa gạo, con người,
con vật đều có "thần" hoặc hồn. Việc bói toán và cúng lễ là một phần
quan trọng trong đời sống cá nhân cũng như cộng đồng dân làng. Mỗi dòng họ có một
bàn thờ ở nhà trưởng họ, mọi gia đình đều có thể tới đó làm lễ cúng khi ốm yếu,
rủi ro, cần khẩn một điều gì đó. Nhiều làng còn thờ cúng chung vật
"thiêng" là hòn đá, cái vòng đồng, chiêng, ché... Chúng dị dạng hoặc
có xuất xứ khác lạ, được coi là có quan hệ huyền bí đối với cuộc sống của làng.
Lễ tết: Có rất nhiều lễ cúng, liên quan đến
sức khoẻ, tài sản, việc ngăn chặn dịch bệnh, việc làm rẫy... Những lễ lớn đều
có đâm trâu tế thần và trở thành ngày hội trong làng. Gắn với chu kỳ canh tác
có những lễ thức quan trọng nhằm cúng cầu thần lúa, mong bội thu, no đủ. Tết cổ
truyền vào thời kỳ nghỉ ngơi sau khi tuốt lúa, trước mùa rẫy mới.
Lịch: Căn cứ vào quy luật tròn - khuyết của
mặt trăng để xác định ngày trong tháng. Tháng có 30 ngày, năm có 12 tháng và có
ngày tốt, ngày xấu cho các công việc khác nhau.
Học:
Cách đây mấy chục năm, chữ viết ra đời trên cơ sở dùng chữ cái La-tinh để tạo ra bộ vần, lấy tiếng Pa Cô làm chuẩn.
Văn nghệ: Vốn tục ngữ, ca dao, câu đố,
truyện cổ khá phong phú. Người già am hiểu thường kể cho con cháu các truyện thời
xưa, có tác dụng vừa giải trí, vừa giáo dục. Dân ca có điệu Calơi đối đáp khi uống
rượu, hội hè, điệu Ba boih hát một mình khi lao động hoặc đi đường, điệu Roih gửi
gắm, dặn dò đối với các bậc con cháu nhân các dịp vui vẻ, điệuCha chap dành cho
tình cảm trai gái của thanh niên...
Nhạc cụ gồm nhiều loại: cồng, chiêng, tù
và sừng trâu hay sừng dê, khèn 14 ống nứa, sáo 6 lỗ, nhị vừa kéo vừa điều khiển
âm thanh bằng miệng, đàn Ta lư... Chúng được dùng vào những hoàn cảnh, tình huống
khác nhau và theo các tập quán sẵn có của đồng bào. Ví dụ: Trong đám ma thì gõ
một chiêng với một trống, ở lễ hội vui lại có thêm một tù và, một khèn bè...
Nông Minh Thái (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét