Người Mạ (tên gọi khác là Châu Mạ và các nhóm địa phương, Mạ
Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngắn), cư trú hiện nay ở Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lắc và
Đăk Nông. Tuy nhiên, người Mạ sống tập trung ở Lâm Đồng là chủ yếu. Địa bàn cư
trú ban đầu của người Mạ trước đây ở đâu cho đến nay chưa xác định được, nhưng
theo nhận định của các nhà nghiên cứu thì họ đều là chủ nhân của nền văn hóa Sa
Huỳnh,
từ các vùng lân cận di cư đến vùng đất này, bởi các câu chuyện kể của họ
đã thể hiện rõ các dấu ấn về một thời kì biển trong kí ức. Cho đến khoảng thế kỉ
I- II sau công nguyên, người Mạ đã định cư ở Lâm Đồng.
Trải qua quá trình phát triển của dân tộc, cuộc sống người
Mạ có nhiều đổi thay, mặc dù vậy người Mạ vẫn duy trì được bản sắc văn hóa độc
đáo của mình trong cộng đồng dân tộc Việt. Ngành kinh tế chủ đạo của người Mạ
là trồng trọt và chăn nuôi, trong đó trồng lúa nương rẫy là phổ biến, một số
nơi thấp trồng lúa nước. Công cụ canh tác thô sơ như xà- gạt, xà- bách, dao,
rìu, gậy chọc lỗ... Ở Cát Tiên (Đồng Nai), trồng lúa nước, người Mạ dùng phương
thức lùa cả đàn trâu xuống ruộng để trâu giẫm đến khi sục bùn thì gieo lúa giống
(sạ lúa). Đồng bào chăn nuôi gia súc, gia cầm, nổi bật với hình thức nuôi trâu
bò thả rừng, khi cần giết thịt hoặc giẫm ruộng mới lùa bắt về. Các nghề thủ
công đem lại hiệu quả cao như nghề rèn sắt, nghề dệt vải, nghề đóng thuyền độc
mộc. Những làng gốm nổi tiếng xuất hiện ở ven sông Đồng Nai (làng Cor, làng
Pang, làng Rada), minh chứng các làng nghề thủ công đã phát triển.
Đơn vị tổ chức xã hội cao nhất của người Mạ là bon. Mỗi bon
có khoảng 5- 10 nhà sàn. Đứng đầu bon là chủ làng (chau Kuang bon). Già làng
cũng lao động cật lực như những thành viên khác trong bon, nhưng có thế lực rất
lớn đối với các thành viên trong bon. Già làng là hiện thân của truyền thống và
là yếu tố tinh thần đem lại sự thống nhất trong bon. Nhà sàn là kiến trúc
chính, tuy nhiên trải qua quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, nhà sàn
chỉ còn tồn tại ở vùng cao, còn vùng thấp nhà đất đã thay thế nhà sàn. Nhà sàn
xưa dài 20- 30m, nay ngắn dần để phù hợp với những gia đình nhỏ. Khung nhà với
3 vì, 2 hoặc 4 cột. Kết cấu giản đơn. Mái hồi khum tròn nhưng không có "sừng"
trang trí. Hai mái chính hơi khum nên mặt cắt của nóc hình “parabôn”. Mái nhà
thấp nên bố trí vồng lên trên ở cửa ra vào, giữa nhà là sinh hoạt chung của cả
gia đình (tiếp khách, cúng lễ...), có bàn thờ thần bếp và một chiếc cột để buộc
ché rượu cần. Các hộ gia đình nhỏ sống hai bên trung tâm ngôi nhà.
Để tôn thêm vẻ đẹp của mình nam, nữ người Mạ xưa kia thường
để tóc dài búi sau gáy, cà răng, căng tai và đều đeo hoa tai cỡ lớn bằng đồng,
ngà voi, gỗ, cổ đeo hạt cườm, nam ở trần đóng khố, nữ ở trần mặc váy, có bộ
phận mặc áo chui đầu. Khố của nam gồm nhiều loại khác nhau về kích thước và hoa
văn trang trí. Vào dịp lễ hội, những chiếc khố trang trọng có đính hạt cườm,
tua dài thoả sức khoe sắc. Ngày nay, nam giới mặc áo chui xẻ đầu (ngắn tay hoặc
dài tay), xẻ tà, vạt sau dài hơn vạt trước che kín H’mông. Nữ mặc áo sát thân,
dài tới thắt lưng, không xẻ tà, vạt trước và vạt sau bằng nhau, cổ áo tròn thấp.
Nửa thân áo trước và sau lưng được trang trí hoa văn màu đỏ và xanh trong bố cục
dải băng ngang thân với các mô típ hoa văn hình học là chủ yếu. Chiều dọc hai
bên mép áo trang trí bằng các sọc nhiều màu sắc. Có trường hợp nửa trên váy dệt
trang trí hoa văn kín trên nền trắng với hoa văn hình học màu đỏ, xanh. Nghệ
thuật phối màu của người Mạ đạt tới mức tinh tế và điêu luyện. Sử dụng màu sắc
đáng được chú ý, bởi người Mạ dùng màu đen làm màu chủ đạo. Bố cục hoa văn và
các mảng màu vượt ra khỏi đăng đối đơn điệu, cứng nhắc, tạo cho người ngắm một
cảm giác dễ chịu. Sự phối màu thể hiện được sự tinh tế của họ, màu sắc của các
sợi vải được nhuộm từ các loại cây khác nhau. Quan niệm về màu sắc rất độc đáo,
màu đen tượng trưng cho đất đai mà cả cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến lúc chết
con người đều gắn bó; màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, ý chí vươn lên của một
con người, tình yêu; màu xanh là màu của đất trời, cây lá; màu vàng là màu của
ánh sáng, là sự kết hợp hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Qua việc phối
màu của họ trên trang phục cũng như các sản phẩm thủ công, chúng ta có thể hiểu
người Mạ đang mong muốn điều gì, đồng thời chúng ta cũng có thể hiểu thêm về
nét văn hóa ăn, ở, mặc của họ.
Chế độ hôn nhân của người Mạ là một vợ, một chồng, theo chế
độ phụ hệ. Khi con trai đến tuổi trưởng thành (khoảng 15- 17 tuổi), cảm mến cô
gái nào thì báo cáo cha mẹ để tìm người mai mối. Người Mạ quan niệm, khi người
con gái đi lấy chồng, nhà gái mất đi một lao động, nên sính lễ được đòi hỏi khá
nhiều để đền bù sự mất mát đó. Người con trai muốn đính hôn với một người con
gái thì phải biếu bố mẹ vợ tương lai nhiều món quà quí, thường là một ché rượu,
một con gà, một số tặng phẩm như chuỗi hạt đeo cổ, lục lạc, lược sừng và một số
đồ trang sức nhỏ khác theo ý thích của người vợ tương lai. Trước khi tiến hành
hôn lễ, nhà trai nộp cho nhà gái một cặp chiêng, ba mươi cái ché, hai con trâu,
ba đến sáu con lợn. Trong ngày cử hành hôn lễ, người con gái gùi một gùi củi về
nhà chồng, mẹ chồng đón gùi củi, hướng dẫn cô dâu và đón mọi người vào nhà làm
những lễ theo qui định. Người mai mối đưa cho chú rể một chén rượu, sau khi uống
một nửa, chú rể đưa cho cô dâu uống, cứ như thế lặp đi, lặp lại 6 lần trước sự
chứng kiến của hai họ. Lễ nghi bắt buộc trong ngày cưới là trao vòng, nếu chưa
thực hiện có nghĩa là nghi lễ chưa được chính thức. Tiếp theo là múa, hát, đánh
chiêng, thổi kèn. Suốt đêm vợ chồng trẻ và mọi người trong bon tiệc tùng, cũng
có nhà tiệc tùng suốt mấy ngày liền. Sau hôn nhân, sự cư trú thiên về nhà chồng,
nhưng tàn dư mẫu hệ và hình thức cư trú song phương vẫn còn tồn tại ở nhiều
nơi. Tập quán phổ biến là sau lễ cưới chàng rể thường ở nhà vợ, sau khi hoàn tất
các lễ vật mới đưa vợ về nhà mình. Từ đó, đôi vợ chồng trẻ ở hẳn bên nhà chồng, một số
nơi có tập quán nhà gái đi hỏi chồng và cư trú luôn phiên mỗi bên vài năm cho đến
khi cha mẹ không còn nữa thì ở hẳn bên có cha mẹ còn sống. Tục kết hôn với em
chồng và em vợ vẫn còn phổ biến, khi người chồng chết, người vợ có thể lấy em
chồng (nếu em chồng chưa lấy vợ hoặc vợ chết . Nếu không có em trai chồng để lấy
thì người vợ goá phải ở lại nhà chồng trong ba năm để nuôi con, trả một phần
sính lễ do gia đình chồng yêu cầu và sau đó về nhà đẻ đi bước nữa với hai bàn
tay trắng. Thông thường, phần sính lễ đó dùng vào bữa tiệc cuối cùng để người vợ
goá báo cáo nhà chồng trước khi về nhà đẻ. Một số người vợ goá không muốn
"tái giá" thì ở cùng con trai trưởng và được thừa kế tài sản cùng với
con trai trưởng. Trường hợp người vợ chết, người chồng lấy em gái của người vợ
quá cố (nếu em vợ chưa chồng hoặc chồng chết, nhưng phải thoả thuận cả hai
bên), nếu người vợ đã mất không có em gái, người chồng đi lấy vợ khác, tài sản
thuộc về người chồng. Nếu trái với nguyên tắc trên thì bị làng phạt vạ. Quan hệ
nam nữ trước hôn nhân không ảnh hưởng đến giá trị của người con gái lúc đi lấy
chồng. Trong xã hội cũ, hiện tượng đa thê vẫn tồn tại ở tầng lớp trên. Tuy
nhiên, muốn lấy vợ lẽ, phải được sự thoả thuận của vợ cả, người vợ cả được nhận
của hồi môn. Ai biết điều khiển một vụ tranh cãi có quyền lấy hai vợ đã phần
nào phản ánh hôn nhân của người Mạ. Tình trạng li hôn ít xảy ra, bởi khi li hôn
phải được già làng chấp nhận mới hợp thức theo phương thức của người Mạ. Người
ngoại tình bị coi là phạm tội lớn, kẻ gian dâm phải chịu tội với thần linh, bồi
thường cho người bị phụ tình theo phân xử của toà án phong tục. Ngày nay, hôn
nhân có những thay đổi cho phù hợp với tình hình mới, nhiều tập tục lạc hậu bỏ,
lưu giữ những tập tục tiến bộ.
Khi trong nhà có người chết, công việc đầu tiên của người
nhà là mặc những bộ quần áo quí nhất cho người chết, để chân duỗi ra cho ngay
ngắn và buộc chân lại, hai tay úp lên ngực, sau đó lấy cái bát gối đầu cho người
chết. Việc để người chết trong nhà là để tỏ lòng thương tiếc, nên người Mạ thường
để người chết trong nhà 7- 8 ngày.
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh chết thì được chôn ngay, trẻ mới lớn
để vài ngày rồi mới chôn. Quan tài được đưa vào nhà bằng cửa lớn mới làm, chứ
không phải bằng cửa chính. Quan tài được làm bằng gỗ tốt. Thường là ngày thứ
ba, người chết được bỏ vào hòm, sau đó họ hàng, làng xóm, bạn bè... mới đến viếng.
Người Mạ có tục sắm sửa và phân chia đồ đạc cho người chết như khi còn sống.
Con cháu, anh em thường cắt một phần tóc của mình bỏ vào hòm người đã chết,
với hi vọng người chết có “nguyên liệu để lợp nhà”. Người ở bon nào chết, chôn ở
bon đó, người cùng họ thì chôn chung một nghĩa địa. Người chết được đối xử bình
đẳng như nhau, không phân biệt giữa già làng và thường dân. Thủ tục đào huyệt
đơn giản, không cần phải xem hướng, miễn là vừa hòm của người chết. Huyệt đào
xong lát một ít lá cây, đặt hòm lên trên, trải chiếc chiếu của người chết nằm
khi còn sống, sau đó đắp đất, vun cao mộ. Chôn xong của cải đã chia cho người
chết được làm hỏng chút ít (có lẽ là để người khác không lấy) để bên cạnh mộ để
người chết sử dụng. Dưới chân mộ, làm một giàn thấp để lên đó những dụng cụ làm
bếp. Những nhà giàu có, họ làm tang trâu và làm một chuồng trâu có để ít xương
và sừng của con trâu bị giết đặt cạnh mộ. Nơi chôn cất được coi là nơi cấm kị
nên sau khi chôn không ai tới đó, chỉ trừ khi có người chết đem đến chôn ở đó.
Đám tang xong, mọi người tắm rửa ở suối xong mới về nhà. Trước khi vào nhà phải
ngồi tập trung một chỗ, lấy nước lá ổi hoà với máu gà, vẩy lên mọi người và cầu
khấn, mọi thủ tục tiến hành xong, mọi người được vào nhà. Sau đó, nhà có người
mất kiêng 7 ngày không đi làm. Hết bảy ngày, họ giết một con gà, nấu nước sôi,
lấy lá ngải cứu làm lễ rửa một lần nữa mới đi làm.
Người Mạ thường cử hành những cuộc lễ cúng thần nông nghiệp
theo chu kì canh tác theo nông lịch của người Mạ. Các vị thần được thờ cúng là
thần lúa (Yàng còi), thần rừng (Yàng bri), thần núi (Yàng bơ nơm), thần lửa
(Yàng us),... Những lễ này được tiến hành theo qui mô gia đình, họ tộc, bon. Lễ
cúng thần rừng được tiến hành khi phát rẫy, lễ vật cúng tuỳ theo kinh tế của từng
gia đình, nhưng thường gồm rượu cần, gà hoặc vịt. Khi rẫy phát xong, cúng thần
lửa, trong lễ cúng tạo ra lửa bằng cách cổ truyền (dùng mây, nửa, đá và cỏ khô
gột ra lửa), đem lửa đó đi đốt rẫy. Từ khi lúa được tra đến khi lúa trổ bông
nhiều nghi lễ được tổ chức tại gia đình, vật hiến sinh là gà, vịt. Trước khi
thu lúa, người Mạ thịt lợn hoặc dê để tạ thần, lễ cúng này gọi là Yu rmul.
Trong lễ cúng này, phải kiêng kị nhiều điều trong bảy ngày, bảy đêm. Khi lúa đã
được đưa về kho, lễ cúng lớn nhất hàng năm bắt đầu chuẩn bị tổ chức, đánh dấu một
mùa rẫy kết thúc. Vật hiến sinh trong lễ thường là lợn, gà, vịt, dê. Mỗi chủ
nhà dựng một cây nêu trên rẫy của mình, nhổ một cặp gốc rễ mang về dắt lên phần
mái nhà đối diện với cửa ra vào, một cây nêu khác (hoặc lấy cây nêu đã cắm trên
rẫy) được dựng bên cạnh kho lúa. Tuỳ theo từng lễ cúng mà người Mạ cúng ở nương
rẫy hay ở nhà. Ngày nay, lễ cúng lúa vẫn được duy trì, tuy nhiên không đầy đủ
như trước nữa. Ngoài ra, người Mạ thường tổ chức lễ hiến sinh vào những dịp vui
mừng như cưới hỏi, sinh đẻ, về nhà mới, kết nghĩa anh em, sắm được tài sản quí,
ốm đau, dịch bệnh, tang gia, thiên tai hạn hán... Đó là những cơ hội để chủ nhà
thể hiện tinh thần cộng đồng với bon, vui có nhau, buồn cùng chia sẻ, cùng nhau
lo toan, cùng nhau hưởng thụ.
Lễ hiến sinh lớn nhất của người Mạ là đâm trâu. Trước đây cứ
vài năm một lần, các bon ở gần nhau hội họp để tổ chức lễ đâm trâu. Tuy nhiên
cũng phá lệ, nếu như già làng hoặc chủ nhà mơ thấy thần báo mộng phải giết trâu
để tạ ơn, thì lập tức tiến hành lễ đâm trâu. Đây là tín ngưỡng nông nghiệp
nguyên thủy, đâm trâu để tạ ơn thần linh. Ngày nay, tuỳ theo tình hình cụ thể
mà tổ chức lễ đâm trâu. Cây nêu trong lễ đâm trâu được trang hoàng công phu
trong nhiều ngày, làm nhà cúng Yàng (do già làng chọn vị trí). Cây nêu buộc
trâu được dựng ngay trước nhà cúng Yàng và mọi thủ tục của nghi lễ được tổ chức
tại đó. Lễ đâm trâu biểu hiện của tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thuỷ, hơn nữa
nó in dấu ấn của hoạt động kinh tế và tinh thần của người Mạ.
Người Mạ nổi bật với kho tàng văn học dân gian phong phú với
nhiều truyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại độc đáo. Truyện kể sinh động thể hiện
được ước mơ của con người, tiêu biểu như các truyện kể về các thủ lĩnh K'Té,
K'Tiên, K'Oanh, K'Choi, K'Tàr. Truyện cổ tích, trong sự hóa thân có xuất hiện
chi tiết người hóa thành các loài động vật, thậm chí vật cũng có thể sinh ra
người và đôi khi vật lại là thầy của người. Trong các huyền thoại đã thể hiện
quan niệm loài người là sản phẩm của K'Bung tạo ra, sống trong đất rồi chui lên
mặt đất qua một cái hang. Họ cho rằng loài người ban đầu này đã bị huỷ diệt hầu
hết. Huyền thoại của người Mạ trong quá trình phát triển cũng đôi chút có sự
pha tạp, nhưng nó vẫn giữ được đặc trưng riêng như tính nguyên hợp, sự gắn chặt
tín ngưỡng và nghi lễ. Bên cạnh đó, người Mạ cũng đã có những luật tục được
truyền tụng qua các thời kì lịch sử, với 13 chương gồm 68 điều đã thể hiện được
mối quan hệ trong xã hội. Nổi bật nhất trong các điều luật đó là vấn đề hôn
nhân và gia đình (từ Chương 5 đến Chương 10), qui định xét xử các tội phạm về
tình dục (Chương 11), những qui định chung về luật tục (Chương 13), ngoài ra luật
còn thể hiện các nội dung về các mối quan hệ khác nhưng rất ít. Các loại nhạc cụ
được sử dụng trong các nghi lễ, hội hè thường là cồng chiêng, khèn bầu, khèn sừng
trâu, đàn lỗ ô, sáo trúc ba lỗ gắn vào trái bầu khô.
Văn hóa của người Mạ ở Tây Nguyên phong phú với những đặc sắc
riêng nhưng nó vẫn hoà chung vào nền văn hóa Tây Nguyên đảm bảo được tính thống
nhất. Trải qua quá trình tiếp xúc, giao thoa văn hóa, những bản sắc đó vẫn được
lưu giữ, ít mai một, một số thủ tục lạc hậu vẫn còn. Một nguyên nhân chính là
do vị trí địa lí của Tây Nguyên, sự giao lưu về kinh tế còn ở mức độ chừng mực,
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thời Pháp thuộc chưa làm phá vỡ được
phương thức sản xuất bản địa. Trong điều kiện thế giới ngày nay, xu thế đối thoại,
hợp tác trong cùng tồn tại hoà bình đã và đang tạo ra cơ hội mới cho các
dân tộc tiếp thu những nét văn hoá tiến bộ của các dân tộc trên thế giới.
Với những chính sách của Đảng về văn hóa sẽ góp phần cho văn hóa Việt Nam nói
chung, văn hóa Tây nguyên, trong đó có văn hóa của người Mạ sẽ khởi sắc từng bước
gột bỏ những thủ tục lạc hậu, mang những giá trị văn hóa tiến bộ của mình hội
nhập vào dòng chảy của dân tộc và nhân loại mà không bị hoà tan.
Tìm hiểu và nghiên cứu các tộc người thiểu số Việt Nam là
trách nhiệm của mỗi chiến sĩ BĐBP, bởi nắm chắc đặc điểm văn hóa của các tộc
người thiểu số sẽ góp phần thiết thực trong công tác vận động quần chúng tích cực
tham gia thực hiện đúng và có hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của nhà nước.
Triệu Thị Bắc (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét