Người Mạ là cư dân bản địa sinh sống lâu đời
ở phía Nam Tây Nguyên. Trải qua quá trình phát triển của dân tộc, cuộc sống người
Mạ có nhiều đổi thay, mặc dù vậy người Mạ vẫn duy trì được bản sắc văn hóa độc
đáo của mình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trong hoạt động sản xuất, Người Mạ chủ yếu
là canh tác nương rẫy luân canh và xen canh. Công cụ sản xuất là con dao, cuốc,
gậy chọc lỗ, liềm gặt… Nương của người Mạ trồng xen canh bên cạnh cây lúa là
ngô, đỗ, bầu, bí, thuốc lá… Chăn nuôi chủ yếu là trâu, bò, lợn, gà, dê để tiến
hành nghi lễ hiến tế. Một số gia đình nuôi ngựa và nuôi voi vào việc vận chuyển.
Nghề thủ công của người Mạ là nghề phụ
trong gia đình, các nghề thủ công đem lại hiệu quả cao như nghề rèn sắt, dệt vải
khung nhỏ, đan mây tre, gốm… Người Mạ ở ven sông Đạ Dương có kĩ thuật làm thuyền
độc mộc để đi lại, vận chuyển, đánh cá trên sông.
Làng của người Mạ thường tọa lạc trên bãi
phẳng sườn đồi trong thung lũng gần sông suối tiện nguồn nước sinh hoạt. Mỗi
làng tập trung khoảng 5 - 10 ngôi nhà sàn dài, cũng có khi gồm vài ba chòm xóm,
mỗi chòm xóm có một hai ngôi nhà sàn dài.
Nhà sàn người Mạ hiện nay phổ biến sàn chỉ
cao 0,4 đến 0,6 mét, có những ngôi nhà sàn còn thấp hơn ngôi nhà sạp, trong khi
ngôi nhà sàn cổ trước kia sàn thường cao trên 1,5 mét. Trong nhà thường mỗi gia
đình chiếm 3 khoang: khoang giữa chỗ gần cửa bếp, trên bếp bắc giàn để các thứ
hạt giống như thóc, ngô, đỗ và các thứ cần bảo quản khô như thuốc lá, thịt sấy
khô; hai khoang hai bên được bố trí làm nơi nghỉ ngơi, tiếp khách, nơi để đồ
dùng nhà bếp, ống nước. Xung quanh nhà ở thường được dựng nhiều kho lúa để cất
lúa, ngô.
Về trang phục, phụ nữ Mạ thường mặc váy quấn
dài qua bắp chân, trên mặc áo ngắn ngang thắt lưng, chui đầu, kín tà, hai vạt
sau trước đều bằng nhau. Váy áo đều may ngang khổ vải, dệt nhiều đường hoa văn
chạy dọc, nên quanh váy, quanh thân áo, ống tay áo có nhiều đường hoa văn chạy
song song. Trước đây, đàn ông Mạ chủ yếu đóng khố, cởi trần. Khố có hai loại,
đơn giản chỉ là một đoạn vải màu chàm đen, có loại dệt cầu kì hai đường hoa
văn, chạy dài hai bên mép khố, đầu có nhiều tua dài, đính hạt cườm.
Người Mạ có tập quán cà răng, căng tai, phụ
nữ thích đeo các đồ trang sức. Hiện nay thì tục này không còn nữa, song trong cộng
đồng vẫn còn nhiều người già có vành tai rất rộng bởi vì đã từng đeo những vòng
to bằng gỗ hay ngà voi ở lỗ tai. Trong các ngày lễ hội, phụ nữ Mạ còn đeo thêm
các vòng xoắn tay, xoắn chân hay vòng cổ to bản, vòng hạt cườm nhiều màu sắc…
Thanh niên đeo nhiều vòng đồng ở cổ tay có ngấn khắc chìm như là ký hiệu của
các lễ hiến sinh tế thần linh, cầu may cho bản thân.
Gia đình người Mạ là gia đình nhỏ phụ quyền,
hôn nhân theo chế độ một vợ, một chồng. Khi con trai đến tuổi trưởng thành (khoảng
16, 17 tuổi), cảm mến cô gái nào thì báo cáo cha mẹ để tìm người mai mối. Lễ
nghi bắt buộc trong ngày cưới là đôi trai gái trao vòng tay cho nhau, nếu chưa
thực hiện có nghĩa là nghi lễ chưa được chính thức. Sau hôn nhân thường cư trú
bên nhà chồng, nhưng tàn dư mẫu hệ và hình thức cư trú song phương vẫn còn tồn
tại ở nhiều nơi. Tập quán phổ biến là sau lễ cưới chàng rể thường ở nhà vợ, sau
khi hoàn tất các lễ vật mới đưa vợ về nhà mình. Một số nơi có tập quán nhà gái
đi hỏi chồng và cư trú luân phiên mỗi bên vài năm cho đến khi cha mẹ không còn
nữa thì ở hẳn bên có cha mẹ còn sống.
Trong đám tang người Mạ, khi có người qua
đời, người làng khỏe mạnh được cử vào rừng tìm gỗ làm áo quan. Thi hài được mặc
đồ quý nhất và bỏ vào quan tài những đồ trang sức. Người thân họ hàng mỗi người
cắt một nhúm tóc bỏ vào trong áo quan để người chết có cái lợp nhà và tang chủ
chia nhiều đồ dùng cho người chết như: dao, rìu, đồ dùng bếp… những đồ này phải
làm cho nó méo mó, đập rúm đi vì đó là đồ dùng của ma chứ không phải cho người.
Sau khi chôn cất người chết, người Mạ bỏ mả luôn, tang chủ phải kiêng cữ 7 ngày
không được đi rẫy, đi rừng.
Người Mạ theo tín ngưỡng đa thần. Cúng thần
vào những dịp vui như: Cưới hỏi, sinh đẻ, lên nhà mới, kết nghĩa anh em và cúng
thần vào những dịp chẳng lành như ốm đau, tang ma, dịch bệnh, thiên tai… Lễ hội
độc đáo nhất của người Mạ là Durê hay còn gọi là lễ ăn cơm mới. Hàng năm tùy
theo khả năng kinh tế gia đình và mức độ thu hoạch của mùa màng mà bà con định
ra quy mô hành lễ. Lễ nhỏ ở gia đình vật tế là heo, gà, dê. Lễ lớn ở mức cộng đồng
có thể mổ trâu. Lễ thường tổ chức dịp cuối năm sau mùa thua hoạch.
Người Mạ có một kho tàng văn học truyền miệng
phong phú, đó là truyền thuyết về sự khai thiên lập địa gọi là yealian. Người Mạ
có câu ca dao, tục ngữ, truyện ngụ ngôn, truyện cười phản ánh về đời sống lao động
hồn nhiên, về thời tiết, mùa vụ… Họ cũng có những điệu hát dân ca. Nhạc cụ của
người Mạ gồm có bộ chiêng đồng 6 chiếc, trống lớn bịt da trâu, khèn bầu 6 ống,
bè trên 4 ống, bè dưới 2 ống, tù và, đàn lồ ô 6 dây, sáo trúc 3 lỗ gắn vào vỏ
trái bầu.
Cũng như nhiều dân tộc khác trong cộng đồng
54 dân tộc Việt Nam, do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau nên văn
hóa truyền thống của người Mạ đã có phần bị mai một. Do vậy, chú trọng vào việc
bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mạ, nhất là
các lễ hội, hoa văn, cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và nghề truyền thống là rất cần
thiết, đòi hỏi chúng ta phải biết trân trọng, bảo vệ, phát huy và coi đó là nét
văn hóa đặc sắc cần giáo dục cho các thế hệ mai sau.
Hồng Hải (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét