Lễ cúng mừng sức khỏe của người Mạ ở Đắk Nông
Lễ cúng mừng sức khỏe được người Mạ tỉnh Đắk
Nông coi là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng trong đời sống tâm
linh, sinh hoạt hàng ngày.
Lễ cúng sức khỏe được tổ chức không theo một
thời gian cố định, mà tùy theo người được mừng thọ và gia đình họ. Tuổi được
làm lễ mừng thọ thường trên 70, có khi thấp hơn, lễ to hay nhỏ tùy vào kinh tế
gia đình. Lễ thường được tổ chức vào thời điểm sau khi thu hoạch vụ mùa xong.
Nhờ đó mọi người có thời gian vui chơi ca hát, cồng chiêng… Đa số lễ được tổ chức
trong gia đình và khách mời là họ hàng, làng xóm. Nghi thức lễ không thể thiếu
già làng đến làm lễ.
Trước ngày làm lễ, người chủ trong gia đình
sẽ huy động con cháu chuẩn bị những thứ cần thiết như gà, lợn, ché rượu cần, gạo
nếp loại ngon nhất, rau rừng… để làm món ăn trong ngày cúng. Sau đó, con cháu sẽ
đi báo tin mời bà con, họ hàng trong buôn tham dự và mời già làng làm chủ lễ.
Bên cạnh những món ăn truyền thống như cơm lam, canh thịt, thịt nướng… trong
ngày lễ không thể thiếu cây nêu được trang trí hình hài những loài chim, thú rất
công phu… để thể hiện sự tôn nghiêm, tôn kính thần linh. Lễ cúng được tổ chức
ngay tại gia đình của những người được cúng mừng sức khỏe. Ngoài ra, lễ này cũng
được tổ chức chung cho cả buôn làng tại bến nước, đầu làng thành một lễ cúng lớn
và trang trọng, cả buôn tham gia. Trong ngày vui đó, tiếng chiêng, tiếng trống
là món ăn tinh thần không thể thiếu. Những bài chiêng nói về cuộc sống lao động,
sự biết ơn các Yàng sẽ được thể hiện trong suốt ngày cúng.
Vào buổi lễ chính thức, bên cạnh cây nêu
là những ché rượu cần được xếp hai bên con gà… Già làng thực hiện nghi lễ cầu
nguyện, cám ơn Yàng (thần sông, thần núi, thần lúa…) đã mang lại ấm no hạnh
phúc cho gia đình, tạ ơn Yàng đã ban cho những người được mừng tuổi, mong phù hộ
họ sống lâu trăm tuổi… Sau lời cúng của già làng, cùng tiếng chiêng trống vang
lên rộn rã, rồi thịt gà, heo được mang đến nướng sẵn sàng bên lửa hồng để bắt đầu
đãi dòng họ, bà con trong buôn. Tiếp nghi lễ cúng cầu Yàng, già làng tiến hành
nghi thức trao vòng sức khỏe cho được mừng sức khỏe, đút nắm cơm nếp thơm, uống
rượu cần ngon. Cuối cùng, con cháu thực hiện các nghi lễ dâng mừng sức khỏe cho
ba mẹ, ông bà, thể hiện sự biết ơn công lao của họ. Trong ngày lễ, những người
đến tham dự góp vui có những lễ vật của riêng mình như con gà, ché rượu, nếp
thơm… để góp vào cuộc vui mừng cho chủ nhà. Cuộc vui diễn ra cả ngày đêm, có
khi kéo dài đến hai, ba ngày, cùng với tiếng chiêng trống, lời ca, điệu múa mừng
chủ nhà…
Hiện nay, Lễ cúng sức khỏe được tổ chức tập
trung, thông thường được tổ chức từ các ngành văn hóa địa phương nên bà con
tham dự chỉ để tái hiện lại tập tục đó: Ngày xưa, Lễ cúng mừng sức khỏe là lễ
vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của không chỉ riêng dân tộc Mạ. Lễ
cúng nhằm thể hiện sự tôn trọng biết ơn đối với người đã có tuổi, đối với thần
linh. Ngày nay, cuộc sống hiện đại cùng với sự thay đổi phương thức làm ăn khiến
cho phong tục không còn phù hợp với lối sống bà con ngày xưa. Nếu muốn giữ lại
các phong tục ấy chỉ còn cách là thường xuyên tổ chức các lễ trên để cho nó
không bị mất hoàn toàn”. Hiện nay, ở tỉnh Đắk Nông, đề án: “Bảo tồn lễ hội, văn
hóa, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ” là một trong những hoạt động
thiết thực để “giữ lửa” khôi phục các tập tục, bản sắc độc đáo ấy.
Minh Thắng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét