Nhà ở của người Xinh Mun.
Nhà
sàn của người Xinh Mun mang một nét đẹp riêng biệt, đơn sơ nhưng không kém phần
trang nhã.
Người
Xinh Mun sống ở nhà sàn, nhà có sàn trái và sàn phải. Điều lạ là bên trái hay
phải là theo quy ước của mỗi gia đình, dường như người Xinh Mun không có quan
niệm phân biệt rõ ràng thế nào là bên trái, bên phải. Nhà sàn của người Xinh
Mun mang một nét đẹp riêng biệt, đơn sơ nhưng không kém phần trang nhã.
Dân tộc Xinh Mun là cư dân sinh sống ở miền Tây Bắc nước
ta. Họ cư trú ở lưng chừng núi trên dải đất dọc biên giới Việt - Lào, từ thành
phố Điện Biên tới Mộc Châu và một số huyện thuộc Yên Châu, Sông Mã và Mai Sơn nằm
trong phạm vi thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu và một số khác sống ở
vùng Trung Thượng Lào.
Ngôi nhà được làm bằng các loại cây thân gỗ và các loại
cây như tre, vầu, nứa... lợp bằng cỏ gianh hay lá cọ. Thay vì đóng đinh thì giữa
các mấu nối được buộc bằng dây chằng, thắt nút khá công phu và tinh xảo. Dây buộc
là cây giang, mây hoặc vỏ những cây chuyên dùng như năng hu, năng xa. Khi làm
nhà để nối cái cột kèo, người Kinh thường lắp mộng còn nhà sàn người Xinh Mun sử
dụng những đòn dầm xuyên suốt qua các cột. Kiến trúc của nhà sàn của người Xinh
Mun nhìn đơn giản nhưng chắc chắn.
Nhà ở của người Xinh Mun, về cơ bản và trông từ bên
ngoài, tương tự như nếp nhà cổ truyền của dân tộc Thái (ngành Thái đen): Nhà
sàn, vật liệu chủ yếu bằng gỗ và tre, 2 mái dài, 2 chái hình mai rùa. Mỗi nhà
có 2 cầu thang, đặt ở 2 đầu quản. Riêng cái cầu thang, người Xinh Mun không đặt
thành vấn đề số bậc lẻ hay chẵn. Cầu thang ở cuối nhà dành cho phụ nữ đi. Còn cầu
thang phía trước nhà dành cho nam giới và khách đi. Khách vào nhà chỉ được đi vào
phía sàn dành cho đàn ông.
Trong nhà, người Xinh Mun chia không gian làm 2 phần, phần
"PLầng" và phần "Xìa". Phần "PLầng" (gốc) là nơi
ngủ của khách và con trai chưa vợ, con rể tuyệt đối không được ngủ ở đây. Phần
"PLầng" có một bếp lửa, dùng để sưởi ấm và đun nước tiếp khách; trong
hoàn cảnh nào cũng không sử dụng bếp này để nấu thức ăn. Người Xinh Mun kiêng
nhất chuyện làm nhà quay cửa vào nhau, hoặc nhà nằm theo hướng chéo nhau.
Nhà của người Xinh Mun có mái giống hình con rùa, họ cho
rằng con rùa dạy người ta làm nhà cho nên ngôi nhà khum khum giống lưng rùa.
Phía trên mái nhà có Khau Cút là 2 thanh tre để chéo nhau. Những thanh tre hoặc
gỗ, họ cũng được chia nhiều kiểu dáng khác nhau, thể hiện các tầng lớp trong xã
hội. Người giàu thì luôn làm khau cút hình hoa sen thể hiện sự thanh tao và
giàu có. Còn ngược lại dân thường thì làm thanh gỗ vắt ngang và không có họa tiết
gì. Còn những gia đình mới ra ở riêng thì làm hình người phụ nữ mang bầu để cầu
mong sự sinh sôi nảy nở.
Lò thị Ân (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét