Ca dao Người Tà Ôi (Hoàng Thị Vinh)

Cho đến nay, theo sự hiểu biết của chúng tôi, chưa có một công trình dạng sách nào nói về ca dao của người Tà một cách độc lập. Mà chỉ qua một số bài nghiên cứu nhỏ trên các báo và tạp chí ở địa phương, trung ương (1).
Đứng trước thực trạng đó, trong những năm qua, bằng sự cố gắng và sự nhiệt tình, chúng tôi đã tiến hành công việc sưu tầm, biên soạn ca dao của người Tà ôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng lân cận Quảng Trị. Càng đi sâu vào công việc chúng tôi thấy càng thú vị về một loại hình di sản văn hóa phi vật thể dần như bị lãng quên, phai nhạt.

Nếu như so với các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam thì kho tàng ca dao, câu đố, đồng dao, tục ngữ và trò chơi dân gian của người Tà ôi còn ít cả về số lượng lẫn nội dung. Chính vì điều đó mà công việc giới thiệu bộ phận di sản văn hóa tinh thần của người Tà ôi càng trở nên bức thiết hơn.
Một đặc tính rõ nét nhất của người Tà ôi là “Cho dù ngày cũ thiếu cơm, thiếu chữ, nhưng mọi thế hệ nối tiếp nhau qua đi vẫn trân trọng gìn giữ bản sắc phong phú độc đáo của mình thể hiện trong nền văn hóa văn nghệ dân gian đa dạng, hồn nhiên khỏe mạnh giàu tính chiến đấu và giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc”(2). Chính những truyền thống tốt đẹp đó mà ngày hôm nay thế hệ trẻ Tà ôi vẫn còn nghe được, xem được những câu ca dao, câu đố, đồng dao, tục ngữ và trò chơi dân gian đầy tính triết lí và nhân bản sâu xa.
Người Tà ôi gọi ca dao là Parnai tavear hoặc Pracăm nghĩa là những hát lối, thể loại này có một vị trí rất quan trọng trong sự hình thành nền văn hóa bản địa. Ca dao Tà ôi có lối thể hiện bằng các ngôn từ đằm thắm nhằm gửi gắm những tâm sự, tình cảm, nguyện vọng của mình qua các nội dung: Tình yêu đôi lứa; Than thân; Gia đình, quê hương, đất nước, con người; Phê phán thói hư tật xấu.
Cũng giống như ca dao người Việt hay ca dao của các dân tộc thiểu số anh em khác, ca dao về tình yêu đôi lứa của người Tà ôi cho chúng ta thấy được những bước đi, những tình huống thường gặp trong tình yêu. Đó là những giây phút lưu luyến trong tình yêu:
Da diết tưởng như lở núi
Mỏi mòn tưởng như trôi sông.
Hoặc:          
Người sao khỏe mạnh phi thường
Để tình em muốn thương.
Đối với người phụ nữ Tà ôi, khi yêu họ không thích người con trai hứa hẹn bằng lời vì họ sợ lời nói như gió thoảng mây trôi. Mà ngược lại họ mong có một vật gì đó làm chứng hoặc người con trai có thể làm một công việc gì đó có ích cho nhà gái là được:
Em không thích hứa bằng lời
Em không thích hẹn bằng miệng.
Khi đã yêu nhau rồi thì:
Yêu nhau quên cả mưa dầm
Yêu nhau quên cả đường về nhà Rông.
Trong tình yêu, trai gái Tà ôi thường có những lời hẹn ước sâu lắng, trữ tình nhưng lại rất chân thật:
Lời hẹn hai ta ở núi đá chênh vênh
Lời hẹn hai ta ở gốc cây ba nhánh.
Họ cũng có những lời thề thốt:
Đôi ta đã trao mật gửi gan
Đôi ta không nỡ bỏ, không đành rời nhau.
Tình yêu của họ cũng có thể vượt qua được những rào cản, định kiến xã hội, giàu nghèo, xấu xí, mồ côi, bệnh tật...
Thương nhau quấn quýt như sợi dây xe
Mười người lôi không đứt, mười người bứt không rời.
Để rồi mong được gặp gỡ, được ở bên nhau vĩnh viễn:
Chân như có gai, muốn chạy lên thượng nguồn tìm em
Lòng như có lửa, cứ muốn đến thượng nguồn gặp em.
Những câu ca dao trong tình yêu đôi lứa có những hình ảnh mới, đậm chất Tà ôi như:
Mặc dù em bé nhỏ nhưng anh vẫn thích
Mặc dù nghèo khó nhưng hợp lòng hợp dạ
Mặc dù xấu xí nhưng tốt bụng
Mặc dù cha mẹ ngăn cấm nhưng mình vẫn quyết lấy nhau.
Hoặc:    
Cồng chiêng anh đã sắm đủ,
Bạc tiền anh đã sẵn sàng.
Nếu như ở phần tình yêu đôi lứa đầy những câu mật ngọt, luyến lưu, nhớ nhung thì ở phần ca dao than thân lại mang một sắc thái khác. Ca dao mang chủ đề than thân của người Tà ôi sẽ là than cho cảnh góa bụa, lẻ loi, tăm tối của những kiếp người, cảnh đời, số phận, ví như:
Thương cảnh chúng ta tăm tối,
Cảm phận chúng ta lẻ loi.
Hoặc:                
Thân phận nghèo hèn mặc người ta đánh đập,
Phận nghèo hèn mặc người ta dọa giẫm.
Có đi sâu vào từng câu ca dao mới thấy hết những nỗi nhọc nhằn của tầng lớp dưới, đó là sự khinh miệt, nghèo hèn, tục lệ quá ư hà khắc, đói khổ và bệnh tật:
Tục lệ quá ư hà khắc,
Kẻ thù quá ư bóc lột.
Hoặc:                
Chúng tôi đây như một bó củi mót,
Chúng tôi đây như một cụm cuốc rựa.
Nhân vật được nêu trong các câu ca dao than thân thường là: phụ nữ, góa bụa, người nghèo, trẻ em, người xấu xí, người già...họ than thân để mong được sẻ chia, thông cảm, than thân để được cứu giúp, họ ước mong sao có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Trong môi trường sống của người Tà ôi, do khung cảnh núi rừng, sông suối hùng vĩ nên đã tạo cho người Tà ôi tính phóng khoáng. Gia đình, người thân, bản làng của họ luôn là đề tài muôn thuở và họ đã gửi gắm vào những câu ca dao thuộc chủ đề gia đình, quê hương, đất nước, con người. Nội dung của những câu ca dao này đều khẳng định một gia đình hạnh phúc là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất:
Anh về coi sóc rẫy vườn,
Anh về nở rộ chiếc vòng đeo tay.
Trong gia đình còn có những mối quan hệ thân ruột khác như:
Không có bố như cung nỏ không có mũi tên,
Không có mẹ như phên vách không được đan lát.
Hoặc:                
Bố mẹ như ánh mắt soi đường,
Anh em như đôi chân, đôi tay làm lụng yêu thương.
Hoặc trong mối quan hệ cộng đồng làng bản:
Làm nhà thì làm chung tay chung sức,
Kiếm được sản vật rừng thì chia cho cộng đồng.
Dân làng tốt làm ấm lòng ấm dạ,
Anh em tốt xua tan nỗi vất vả, khó khăn.
Qua những câu ca dao dẫn chứng trên cho chúng ta thấy người Tà ôi rất coi trọng trách nhiệm cộng đồng, thể hiện rõ nét thông qua mô hình làm chung - ăn chung - ở chung để cho phù hợp với điều kiện thực tế địa hình hiểm trở, dốc núi cheo leo, khí hậu khắc nghiệt, hệ thống sông suối dày đặc và thói quen di canh, di cư của người dân.
Ở công việc săn bắt hái lượm cũng vậy, người Tà ôi xưa chủ yếu tổ chức săn bắt hái lượm theo tập thể dưới sự chủ trì của Areaih veel(3). Đối tượng tham gia thường là các trai làng, các bậc trung niên. Người phụ nữ chỉ tham gia vào các chuyến hái lượm cây trái trong rừng nhưng cũng rất hy hữu. Sản phẩm họ kiếm được đều được mang về làng chia đủ phần cho tất cả tùy theo số lượng người trong mỗi hộ.
Mối quan tâm đối với sản phẩm thu được của họ là các cụ già và trẻ con. Những đối tượng này thường được chia nhỉnh hơn, đặc biệt khi họ đang trong cảnh ốm đau bệnh tật. Vì theo quan niệm của người Tà ôi, các vị thần rừng, thần núi, thần sông, thần suối...dành sự ưu ái lớn nhất cho người già và trẻ nhỏ về các sản phẩm tự nhiên mà mình đang ngự trị thông qua bàn tay săn bắt hái lượm của đoàn người trong làng. Cho nên đoàn người lên rừng, xuống suối luôn phải làm tròn trách nhiệm được giao phó.
Vốn sống trong sự tương thân tương ái từ ngàn đời nay, người Tà ôi bên cạnh cùng hưởng chung sản phẩm làm ra và thu được, còn giúp nhau trong hoạn nạn. Điều này thể hiện ở chỗ, một người nào đó một mình vào rừng săn bắt, không may bị tai nạn, bị thú rừng chống trả hoặc bị trúng bẫy đặt sẵn của người khác được báo tin, cả làng dang tay cứu giúp, tháo gỡ không một chút câu nệ.
Khi nhắc đến thói hư tật xấu thì ở cộng đồng dân tộc nào cũng có, với nhiều hạng người khác nhau. Khảo sát số lượng câu ca dao ở mảng đề tài chúng tôi nhận thấy, người Tà ôi nêu ra những thói hư tật xấu thường gặp trong cuộc sống, thể hiện qua những câu ca dao như:
Phê phán thói lười biếng:
Chàm àm quanh hiên nhà,
Chềnh ềnh dưới gầm sàn.
Phê phán những kẻ tham ăn, tham uống mà còn lắm lời:
Hồng hộc tham ăn,
Hồng hộc tham mặc.
hoặc:                 
Đâu phải hồng hộc ta tham ăn,
Đâu phải hồng hộc ta tham uống.
Phê phán lối sống trơ tráo, lẳng lơ:
Gái hư thì cứ bẻ tay sau lưng,
Bà góa hỏng thì cứ hứng đựng.
hoặc:                 
Ghê rợn đàn óc nóc,
Bẩn thỉu đàn lóc trê.

Và một điều đặc biệt là, người Tà ôi cũng giống như người Việt, họ đề cao công lao trời biển của bố mẹ nuôi nấng con cái nên người và phê phán con cái nuôi bố mẹ trốn tránh trách nhiệm:
Bố mẹ nuôi con, êm ấm,
Con cái nuôi bố mẹ, nuôi ngẩng mặt nhau.
Câu ca dao này của người Tà ôi giống với câu ca dao của người Việt là:
Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.
Qua quá trình khảo tả ca dao Tà ôi chúng tôi nhận thấy những hình ảnh có trong ca dao Tà ôi đều mang những sắc thái riêng so với ca dao người Việt. Một điều cho chúng ta thấy rằng: ở những nơi có địa hình, địa vật đặc thù thì ca dao Tà ôi vắng bóng con thuyền, bến nước, cây đa mà trong khi đó họ lại đưa vào trong những câu ca dao các hình ảnh về núi đồi, rượu, nương rẫy và cồng chiêng.
Không gian và thời gian trong ca dao Tà ôi thường lấy cảnh núi đồi, nương rẫy, lấy thời gian buổi sáng là chủ đạo, tiếp đến là thời gian lễ hội và thời gian khi đêm về.
Ca dao Tà ôi cùng một lúc nó chuyển tải đến cho người thưởng thức thấy được nhiều nội dung phong phú như tình yêu trai gái, tình cảm mẹ con, tình yêu nương rẫy, núi đồi. Tất cả đều không nằm ngoài mục đích là hướng mọi người sống chan hòa với vạn vật và thời gian. Trong một chừng mực nào đó có sự tương đồng giữa nhiều câu ca dao người Tà ôi và người Việt, hy vọng rằng đó là một đề tài mới, khi có thời gian chúng tôi sẽ khảo cứu so sánh sâu hơn về mảng này.
Trước đây, người Tà ôi đang còn sống khép kín trong bức rào kiên cố của hủ tục, mê tín và còn hạn chế rất nhiều về kiến thức khoa học, đời sống kinh tế gần như lệ thuộc vào thiên nhiên và những thế lực siêu hình, nhân dân Tà ôi bị áp bức nhiều mặt, truyền thống cần cù trong lao động không đủ để có một đời sống kinh tế ổn định. Cho đến khi những quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội cũ bị phá vỡ trước những bước tiến lên của đất nước, người Tà ôi đã nhanh chóng hội nhập với đời sống mới và điều này đã được họ gửi gắm qua những lời nói có vần, có lớp toát lên đầy đủ những điều mà họ suy nghĩ, họ muốn nói, căn dặn, khuyên răn. Ở trong họ có sự vui mừng, có sự căm giận, có sự cảm thông, có tinh thần lạc quan yêu đời đều lấy ca dao để giãi bày, để quên đi nhọc nhằn.
Tuy trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Tà ôi vẫn luôn tin tưởng thiết tha vào tương lai cuộc sống. Họ mượn các thể loại của văn học, văn hóa dân gian để gửi gắm những niềm tin ấy.
 Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét