Lâm
Tuyền Tĩnh. Một số câu đố và tục ngữ Mạ ở Lâm Đồng
Người
Mạ là một thành phần dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Theo cứ liệu
dân tộc học, người Mạ có khoảng gần
4 vạn người ở Tây Nguyên và các tình Sông Bé, Đồng Nai, Bình Thuận.
Dân
tộc Mạ ở Lâm Đồng hơn 23.000 người sống tập trung theo lưu vực sông Đạ Đờng (Đồng
Nai), phía Bắc huyện Bảo Lộc và hai bên Nam- Bắc đường 20, xen kẽ với các dân tộc
anh em: Việt, Koho, M'nông, Stiêng, Raglai và Churu.
Hoạt
động kinh tế chủ yếu trước đây là đốt rừng làm rẫy, trồng lúa. Những sinh hoạt
săn bắt, hái lượm cũng còn tồn tại như hoạt động kinh tế phụ để bổ sung nguồn lương thực, thực phẩm cho gia đình.
Ngoài
ra, người Mạ còn phát triển
hai nghề thủ công rèn và dệt.
Do
hoạt động kinh tế và đời sống vật chất, với ý thức tự giác dân tộc, người Mạ
phân vùng dân cư theo các tên gọi,
như Mạ Tơ Lăm (Mạ vùng dưới), Mạ Tô hay Mạ ngăn (Mạ vùng trên, đầu nguồn hay Mạ
gốc), Mạ Hoàng hay Mạ Sộp (Mạ vùng sâu hay Mạ vùng có nhiều cây dứa, dùng đan
túi, đan chiếu) và Mạ Xrê (Mạ vùng ruộng)...Tiếng nói thuộc ngữ hệ Môn -Khơ me.
Văn học dân gian Mạ, một kho tàng phong
phú, đa dạng và độc đáo. Văn học dân gian Mạ với tính cách biểu hiện đời sống
tinh thần và gắn bó với mọi sinh hoạt vật chất của bà con dân tộc Mạ. Vốn văn học
dân gian Mạ không chỉ mang ý nghĩa, đặc thù riêng phục vụ cho dân tộc mình mà
còn là một bộ phận quan trọng trong kho tàng văn học dân gian chúng của các dân
tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên.
Dễ nhận biết ở người Mạ là âm thanh tiếng
nói, nghe rất tình cảm, cuốn hút, có nhịp rung trong tâm hồn như hát, dù ta
chưa rành rẽ ngôn từ hay mới lần đầu gặp gỡ.
Đến các làng buôn Mạ, sáng mai ta nghe náo
nức khúc nhạc rừng qua cây lá lao xao và suối reo róc rách. Chiều về, tiếng
chày đôi, chày ba giã lúa nhịp nhàng, rộn rã. Đêm đến, bên bếp lửa hồng, tiếng
cing dròng (bộ chiêng), khèn mvuat (khèn bầu 6 ống) ngân vang lúc nhộn nhịp,
lúc êm đềm quanh ché rượu cần say sưa, hứng khởi. Thích thú hơn, khi ta nghe những
câu đố (nhhồr), tục ngữ (nhdrih), truyện cổ (prơ yau), các bài dân ca (yal yau,
tam pớt, lăh lông, dơs crih...) và những bản trường ca chan chứa, các sử thi cổ
xưa...
Có thể nói văn học dân gian Mạ đã phản ánh
một cách trung thực, sinh động mọi hoạt động, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và
thẩm mỹ của người Mạ từ ngàn xưa đến nay trong việc chống cái ác và giữ cái thiện
để sinh tồn dân tộc. Đây cũng chính là cái gốc - văn nghệ gốc , cần được khai
thác, sưu tầm, thừa kế và phát huy những di sản vô giá ấy.
CÂU ĐỐ (NHHỒR)
Câu đố Mạ là những câu hỏi ngắn gọn, được
đặt ra để chỉ một hình thái hoạt động của nhận thức nhằm đoán biết một điều
"bí ẩn" nào đó mà người già thường nêu lên trước lớp trẻ, cũng nhằm vận
động suy nghĩ của con người bằng cách liên hệ, so sánh mà tri thức thu được
trong khi quan sát các sự vật, hiện tượng thiên nhiên và xã hội.
Câu đố Mạ là một loại hình sáng tác dân
gian, phản ánh các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan theo một lối
nói ẩn dụ rất hay.
Câu đố Mạ thường là phương tiện kiểm tra
nhận thức các sự vật, hiện tượng theo lối nói chệch, nói một đằng hiểu một nẻo
để giúp người ta hiểu biết về cuộc sống, về kinh nghiệm làm ăn và đấu tranh
sinh tồn mà các bậc cha mẹ thường kể với con cái sau các bữa ăn, khi đi rẫy,
lúc nghỉ ngơi hay những ngày lễ hội...
Các vật đố là mọi hiện tượng thường ngày
muôn màu muôn vẻ như các dụng cụ sản xuất, cây, con, nhà cửa, vật dụng, và con
người với con người .
Câu đố Mạ rất gắn bó với lao động sản xuất
và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân lao động trên mọi phạm vi và đem ra đố, hỏi.
Vì thế, câu đố Mạ còn là tư liệu giúp cho con người hiểu biết đời sống kinh tế
và văn hóa qua các thời kỳ lịch sử.
Câu đố Mạ, không chỉ là những câu hỏi giải
trí mà còn thử thách tài năng ứng đối trong chức năng thẩm mỹ toàn diện thực tại
xã hội. Có nhiều câu đố được đưa vào dân ca mà người Mạ vận dụng sáng tạo trong
khi giao tiếp và uống rượu.
Có thể nói: mọi vật chung quanh người Mạ đều
có thể là câu đố cả. Đa số câu đố Mạ, mới nghe tưởng là tục ngữ, bởi sự cấu
trúc của nó cũng ngắn gọn, cô đúc và vần điệu. Câu đố Mạ được xây dựng hình tượng
trên cơ sở đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc. Nội dung, hình thức câu đố Mạ rất khôn khéo và kín kẽ.
Câu đố Mạ ngày nay vẫn còn khả năng tồn tại
và đang được bà con dân tộc Mạ ưa dùng như:
-Con trâu đằm sâu trong nước , là gì?
(cái lợp đơm cá!)
-Đứng
dậy đi ra oa oa con khóc?
(đánh
chiêng!)
-Bằng
cái cây trên nước đầy không chìm?
(con
vịt!)
-Trăm
người đây đi trên dây mây không đứt?
(con đường!)
-Buôn
Kòn Dòn địu con bên hông?
(nương
ngô!)
-Ở đầu cây suốt ngày lập cập ?
(lưỡi
con chó!)
-Người đầy gian (nhà) không gan không ruột
?
(cái trống lớn!)
-Một khoảnh rừng con người chôn không hết?
(bếp lửa!)
-Người một mắt, mắt hàng trăm?
(vó
lưới!)
-Chém sâu mà đâu có vết?
(nước!)
-Ở rừng xám như cọp, về nhà trắng như ngà
con voi?
(cái đọt măng!)
-Cái cán dao, ném vào đầu ruộng?
(cái đuôi trâu!)
-Nước mưa không đưa lọt giếng?
(cái nách người!)
-Ném trên bờ nhiều, ném chả bao nhiêu dưới
nước?
(tóc trên đầu!)
-Một mình bác, vác sáu cây?
(khèn bầu!)
-Như Ka Đê tóc dài, như dài tay Ka Nga?
(Con vượn!)
-Để cúng giàng lại càng không tắm?
(con cọp!)
-Đất nát đừng giẫm, vật cứng rắn đừng
nhìn?
(than bùn và mặt trời!)
-Thịt cứng đựng máu ngọt?
(rượu cần!)
-Hàng hàng k'Đàng dăng tay?
(hàng rào!)
-Người to dài đi hoài không dấu?
(con thuyền!)
...
TỤC NGỮ (NHDKIH)
Cũng như các dân tộc anh em khác, tục ngữ dân tộc Mạ là câu nói ngắn,
xuôi tai, văn vẻ hàm súc do nhân dân lao động sáng tác nên và lưu truyền, phát
triển trong buôn làng người Mạ qua nhiều thời đại.
Tục ngữ Mạ là những câu nói theo thói quen, Chính từ những câu nói quen
miệng, hợp lý, sau mới trở nên gọn gàng, cân đối, vần vè...được truyền miệng
qua nhiều thế hệ. Tục ngữ không nhất thiết phải có vần điệu. Nhưng, hầu hết các
câu tục ngữ Mạ đều có vần điệu quyện vào âm thanh uyển chuyển, nhịp nhàng. Vần
bắt liền nhau hay chữ cuối câu trên bắt vần với chữ đầu, chữ giữa câu dưới. Tục
ngữ Mạ có thể là những câu riêng lẻ hoặc được cắt lọc trong các bài ca dài.
Vì thiên về diễn ý, đúc kết
một số ý kiến, dựa trên kinh nghiệm, dựa theo tục lệ, lý luận để nhận xét về
con người và vũ trụ dưới nhiều khía cạnh, nên con người Mạ nói và dùng ngữ
nghĩa rất chuẩn, đúng như M.Gorky nói về tục ngữ: "diễn đạt rất hoàn hảo
toàn bộ kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm xã hội, lịch sử của nhân dân lao động"
như:
-Rau một lá, cá một khúc.
-Nhà đổ còn xà, cậu già còn cháu.
-Cha thế nào, chú hao hao thế ấy.
-Nói không nghe, đe không được.
-Đất một trái chung, chim cùng tổ đẻ, con
người một mẹ, một cha.
-Ruột một bụng, tóc một đầu, lươn một bàu,
diều một gió..
-Người đau bệnh nằm liệt, công việc người
khỏe lo, thói đời ăn no tức bụng.
-Ruộng nhuyễn gạo thơm ngon, ruộng sinh
bùn thuần thục, trâu nuôi lâu béo tốt, người khỏe nói tinh khôn.
-Cây có vui mưa xuống, cái ná muốn con chồn,
con cá nơi đầu nguồn tung tăng mừng cái rổ.
-Chứa một trăm xá đo rõ dài tay.
-Làm cồng giỏi, làm chiêng hay.
-Trống, chiêng vui làng buôn, cháu con vui
nhà dài.
-Làm rẫy kịp nước mưa, kiếm cá chờ nước đục,
phong tục lấy con cậu...
-Con gái chỉ một phương, con trai thường
tám hướng.
-Ngủ với cô một lúc, hạnh phúc với cô một
thời, chơi với cô một buổi.
-Uống rượu phải hút thuốc, ăn cơm phải có ớt,
ghẹo gái phải khoèo chân.
-Gặp gái đẹp thì lấy, thấy con trai đẹp
thì ngủ.
-Giữ kỷ niệm không phai màu sắc,
Xa cách rồi sẽ gặp nhau thôi,
Qua cơn lẻ bạn có thời ở chung.
-Vững chà gạc phải tìm cán chắc,
Muốn kiếm thú phải đặt bẫy cắm cần,
Muốn lấy vợ gần phải tìm con cậu.
-Người đi một tốp,
Nơm chộp một cái,
Con gái ôm một cô.
-Ăn ớt, ăn sả thì cay,
Lấy
vợ thì khó, trả nợ vay dễ dàng.
-Ăn ớt,
ăn sả thì cay,
Lấy
vợ thì nợ, vót bông tre dầy Giàng chê!
-Bỏ
ăn hòi đòi chiêng sáu,
Vợ
chồng bỏ nhau phạt vạ chiêng mười.
-Chiêng dùng thì sống, ống dùng thì chết.
...
Khai thác, bảo vệ, thừa kế và phát huy vốn
văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng là những đề tài nghiên cứu
lớn, đòi hỏi nhiều trí tuệ, công phu của nhiều người. Với khát vọng "về
nguồn" - một xu thế hiện nay ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới,
bước đầu, chúng đã đưa ra một ít câu đố, tục ngữ của người Mạ ở Lâm Đồng để
cùng tham khảo.
Vi Đức Cường (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét