Tục ngữ, ca dao dân tộc Thái và Tục ngữ, ca dao người Kinh (Cảnh Thụy)

Cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam có khoảng hơn 1,5 triệu người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh thuộc địa bàn Tây Bắc. Theo nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu, người Thái xuất hiện ở Tây Bắc cách đây hàng nghìn năm, qua các đợt di cư của tộc người Thái từ Vân Nam (Trung Quốc) xuống và từ Thái Lan sang. Dân tộc Thái có truyền thống văn hóa lâu đời, đạt đến trình độ cao. Ngoài chữ viết, người Thái còn bảo tồn được kho tàng văn hóa, lễ hội, luật tục, tục ngữ, ca dao, dân ca rất phong phú và đặc sắc.

Cũng như kho tàng văn hóa các dân tộc khác, tục ngữ, ca dao của dân tộc Thái là một kho kinh nghiệm về sản xuất, đời sống tinh thần; qua đó, thể hiện  thế giới quan, nhân sinh quan, tư tưởng, tình cảm của con người. So sánh tục ngữ, ca dao của người Thái với người Kinh, chúng ta sẽ tìm thấy ở đó có sự tương đồng thú vị, trên cơ sở đó, có những phân tích, đánh giá và đặt ra những vấn đề cần lý giải.
Trong khuôn khổ giới hạn, bài viết này, xin chỉ trình bày bước đầu so sánh, tìm hiểu những nét tương đồng về nội dung giữa tục ngữ, thành ngữ dân tộc Thái và với thành ngữ, tục ngữ dân tộc Kinh, trong khuôn khổ nguồn tư liệu còn hạn hẹp: “Luật tục Thái ở Việt Nam” của Ngô Đức Thịnh và Cầm Trọng (NXB Văn hóa dân tộc, 2012) và “ Thơ ca nghi lễ dân tộc Thái” (Hội Văn nghệ dân gian- NXB Văn hóa dân tộc, 2012)        
1. Về kinh nghiệm sống
Tổ chức  xã hội theo truyền thống của người Thái là bản, mường. Bản  của người Thái nhỏ nhất vài ba nóc nhà, lớn thì hàng chục, hàng trăm nhà. Trong cộng đồng ấy, con người được gắn kết với nhau bằng tình cảm và những luật tục, nghi lễ. Lễ hội “xên bản, xên mường” của người Thái kết tinh cao giá trị văn hóa, lịch sử và nhân văn. Do vậy, tục ngữ Thái khuyên răn con người ta sống phải biết yêu quý bản mường của mình, gắn kết với nơi ăn, trốn ở nơi mình sinh sống:
- Rời nơi ăn chốn ở mãi mãi rồi cũng thành ma
Bỏ nhà mất vò mẻ
Bỏ chốn mất nơi ăn
Bỏ bản mất cây ăn qua
Rời làng bỏ gốc trầu

Tương tự như vậy, người Kinh có câu:
- Ta về tắm nước ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
- Trâu ta ăn cỏ đồng ta
- Sểnh nhà ra thất nghiệp



Tinh thần đoàn kết cộng đồng, muôn người như một, tạo thành sức mạnh được người Thái ví von bằng những hình ảnh rất cụ thể và gần gũi:
- Vỗ tay cần nhiều ngón
Bàn bạc cần nhiều người
- Chuối đến lúc trĩu buồng phải có cây chạc chống
Lúc đó cây chống chuối
Chuối dựa cây
Mình trông cậy người
Người nhờ mình, tốt quá
hoặc:
- Khỏe một mình làm không được
Khôn một mình làm không xong
Tương tự như vậy, tục ngữ người Kinh có những câu:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Ngựa chạy có bày, chim bay có bạn
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Trong phạm vi rộng, tục ngữ Thái khuyên con người biết đoàn kết cộng đồng trong bản, trong mường; ở phạm vi hẹp, tục ngữ Thái khuyên con người đoàn kết anh em trong một nhà:
-  Anh em đừng bỏ nhau
Không nặng tiếng trái lời
Không thóc mách nhỏ nhen
Phải năng tới hỏi thăm
Phải đoàn kết, nhớ lấy

Để nhắc nhở anh chị em trong một nhà đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau, người Kinh cũng có những câu:
- Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần
- Chị ngã em nâng
-  Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau

Điều thú vị là trong kho tàng ca dao, tục ngữ của người Thái và người Kinh, số lượng ca dao, tục ngữ nói về đoàn kết gia đình, đoàn kết cộng đồng khá phong phú. Qua đó cho thấy, tinh thần đoàn kết được xây dựng từ gia đình- tế bào của xã hội, được người Thái và người Kinh rất coi trọng. Nó là bài học của con người qua đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn và chống kẻ thù để bảo vệ cuộc sống bình yên.
         Vượt lên những kinh nghiệm thông thường được con người đúc rút qua thực tiễn, thể hiện nhân sinh quan, mối quan hệ ứng xử giữa người với người, tục ngữ Thái còn có những câu đậm tính triết lý, khái quát những quy luật của tự nhiên, xã hội, thể hiện một trình độ tư duy cao, có tính biện chứng. Đọc những câu sau, ta thấy cái nhìn của người Thái về thế giới không phải là bất biến, trái lại, rất động:
- Mưa nhiều không cần nắng, cũng nắng
Nắng nhiều không cần mưa, cũng mưa
- Không ai gặp xấu cả năm
Không ai gặp tốt cả đời
- Người biết già
Rượu biết nhạt
- Người ta có gặp vận rủi
Qua vận rủi rồi cũng phải tới vận may

Tuy thuộc hai nền văn hóa khác nhau, nhưng người Thái với người kinh lại gần nhau trong quan niệm về thế giới. Cả người Thái và người Kinh đều nhìn thế giới với con mắt "vạn vật hữu linh". Tục ngữ Thái có câu :
Một cái cây to bằng cái đũa cũng có thần
Một miếng đất bằng cái quạt cũng có chủ
Cũng giống như câu tục ngữ của người kinh :
- Đất có thổ công, sông có hà bá

Nhìn sự thay đổi của tạo hóa theo quy luật, người Thái cũng có những câu thật triết lý :
- Hoa tàn hoa về cây
Hoa úa hoa về cành
Cũng như người Kinh quan niệm :
- Lá rụng về cội



Quan niệm của người Thái về khả năng của con người trong nhận thức thế giới khách quan cũng rất gần với triết học hiện đại vì nó thừa nhận thế giới là vô cùng tận, nhận thức của con người về thế giới luôn hữu hạn :
- Không ai nhìn thấy gáy
- Không ai biết ngày tận

Những câu tục ngữ trên rất gần với quan niệm của Kinh qua các câu tục ngữ :
- Không ai nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng
Nhìn cuộc sống theo quy luật nhân quả, người Thái có cái nhìn rất hướng thiện :
- Làm lành ắt gặp phúc
Làm ác thể nào cũng gặp ác
Người không đáp thì ma cũng đáp

Quan niệm đó trùng với quan niệm của người Kinh, tuy người Thái ít chịu  ảnh hưởng bởi quan niệm của Phật giáo:
- Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác
- Gieo gió gặt bão

Khi phát triển về trình độ tư duy, con người ta nhận thức được đúng với sai, thật với giả, mà cao hơn là phân biệt được sự khác nhau giữa hiện tượng và bản chất, hình thức với nội dung. Tục ngữ Thái có nhiều câu chỉ rõ mối quan hệ này:
- Người đi kẻ lại phải xem biết ai tốt xấu
Mặc rách rưới, người có lòng nhân nghĩa cũng nên
Người mặc đẹp, ăn ngon,  lòng dối trá cũng có
Người Kinh cũng có những câu tương tự:
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
- Mật ngọt thì ruồi chết tươi
Những nơi cay đắng là nơi thật thà
- Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài lại đen

Qua những câu tục ngữ đúc rút kinh nghiệm về nhìn nhận, đánh giá con người, có thể thấy người Thái cũng như người Kinh, đều nhìn nhận con người về thể chất và nhân cách như là sản phẩm của tự nhiên và môi trường xã hội. Cho nên, trong việc chọn vợ gả chồng người Thái khuyên răn người ta phải chọn dòng giống, nhìn vào gia phong:
- Lấy vợ trông mẹ vợ
Tậu trâu coi con đầu đàn
Kén vợ, kén chồng không chỉ đi tìm gương mặt bề ngoài
Chọn con dao chứ không phải chọn vỏ dao
Phải biết thật kỹ đáy lòng mà nắm bắt được ngay, gian
Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống

Cũng giống như quan niệm của người Kinh:
- Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh
- Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu
- Giỏ nhà ai quai nhà nấy
- Rau nào sâu nấy

Mặc dù đặc điểm và trình độ phát triển xã hội ở hai cộng đồng người Thái và Kinh không giống nhau, nhưng tổng kết, đúc rút về thói đời, người Thái có câu :
- Đời nối đời ghi nhớ
Lúc làm nên thì luôn thấy chín bà vợ
Khi không làm nên thì chỉ có một em vợ cũng chẳng thấy
-  Anh em rượu đắng khác hẳn với anh em cùng chịu mùi tanh hôi

(“Anh em rượu đắng” ở đây chỉ những người dưng, chỉ anh anh em em bên chiếu rượu (với người Thái, rượu đắng là rượu ngon). Còn “anh em cùng chịu mùi tanh hôi” là anh em ruột rà, máu mủ. Có thể ngày thường anh em ít gặp nhau, nhưng khi cha mẹ mất (bốc mùi hôi tanh) thì cùng nhau gánh chịu:
Tương tự như vậy, người Kinh cũng có những câu:
-  Lúc khó thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em
- Bần cư thành thị vô nhân vấn
Phú tại sơn lâm hữu khách tầm
 (nghèo ở thành thị không có người hỏi, giầu thì ở rừng núi có người tìm đến)

Trong quan hệ ứng xử, người Thái cũng có cái nhìn tinh tế và sâu sắc:
- Uống rượu đừng nói chuyện ruộng
Ngủ với vợ (chồng) không nói chuyện tình cũ

Để con người sống có nghĩa, có tình, sống hướng thiện, trong kho tàng tục ngữ của người Thái cũng như người Kinh, có nhiều câu đúc rút những kinh nghiệm giáo dục con cháu. Trách nhiệm giáo dục con cháu thuộc về ông bà, cha mẹ. Nếu như người Kinh quan niệm “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “con dại, cái mang” thì người Thái cũng quan niệm “Con cháu gây tội ác, tất cả bậc cha mẹ đều phải lo”. Việc đề cao giáo dục trong gia đình là bài học quý về giáo dục mà đến nay vẫn còn mang tính thời sự. Người Thái có những câu răn dạy:
- Người già hãy bảo con cháu
Để quá thì chúng lớn khó bảo
Lúc quá thời dạy dỗ
Con cháu thành đần độn
Lớn lên tưởng mình cao bằng núi
Những đỉnh núi cao không vượt gối của người

Và người Kinh cũng có những câu tương tự:
- Uốn cây từ lúc còn non
- Dạy con từ thưở còn thơ

Trong nền văn minh nông nghiệp, người Thái cũng như người Kinh rất trọng kinh nghiệm. Tục ngữ Thái có câu:
Kẻ khôn ngoan nhà tạo không bằng người đi dạo khắp muôn mường
Đi nhiều thấy nhiều điều khôn ngoan hơn mình
Ghi vào lòng để hiểu biết và khôn

Và tương tự, người Kinh cũng quan niệm:
- Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
- Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn

Vì đề cao kinh nghiệm, nên người Thái cũng như người Kinh rất tôn trọng người già. Gìa làng, trưởng bản luôn là người có uy tín, được cộng đồng tôn sùng. Tục ngữ Thái có câu:
- Cây nhọn không bằng sắt cùn
Trẻ hiểu biết không bằng già quên
Cũng giống như quan niệm của người Kinh:
- Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già

Có thể nói, người Thái có cả một kho tàng kinh nghiệm rất phong phú, đúc rút từ cuộc sống xã hội, cho thấy cộng đồng người Thái có những mối quan hệ xã hội khá phong phú ở trình độ xã hội đã được tổ chức cao.

2. Những chuẩn mực đạo đức
Tục ngữ Thái có rất nhiều câu răn dạy người ta sống theo đạo làm người. Thông qua đó, chúng ta thấy quan niệm nhân sinh của người Thái.
Các nhà dân tộc học gọi người Thái là người của « nền văn minh thung lũng ». Tục ngữ Thái có câu : Tsả kin tói phạy, Tay kin tói nặm (Xá ăn theo lửa , Thái ăn theo nước). Vùng đất có sông, suối là nơi người Thái chọn để cư trú. Do vậy, người Thái có tập quán canh tác từ rất sớm : trồng lúa nước ở nơi thung lũng lòng chảo, nơi gần nguồn nước và làm nương rẫy trên sườn núi, đánh bắt cá dưới sông suối, dùng thuyền bè để đi lại, lợi dụng sức nước để sản xuất. Người Thái sớm biết dùng trâu kéo cày, chăn nuôi nhiều gia súc. Người đàn ông Thái nếu không biết phát nương, săn thú,  đánh bắt cá sẽ bị chê cười ; người phụ nữ Thái phải biết chăn tằm, ươm tơ, dệt vải, thêu thùa... Bởi thế, trong những chuẩn mực đạo đức, người Thái đặc biệt coi trọng sự chăm chỉ, hay lam hay làm và phê phán thói lười biếng. Tục ngữ Thái có rất nhiều câu khuyên con người phải biết chăm làm, không ngại việc :
- Phải lam lũ  mới có
Phải chịu khó mới giầu
- Đừng chây lười ngại việc
Đừng tiếc công tiếc sức, gắng lòng làm ăn
Việc làm được, lớn như đồi núi chưa đủ
Đổ mồ hôi, cạn kiệt sức mới vừa tầm
Bởi vì có lao động mới có cái ăn
- Muốn để bụng đói hãy nằm im
Muốn ăn ngon trồng quả
Muốn ăn ở nghèo khó thì chỉ nói, không làm
Muốn thành lớn hãy bắt tay từ việc nhỏ
- Lười biếng bụng trống rỗng
Chăm làm bụng no
- Người giàu có, nhờ làm ăn liên tục
Người nghèo khó bởi làm ăn dông dài

Tất cả mọi của cải trên đời đều từ bàn tay lao động của con người. Không có gì tự dưng sẵn có:
- Bạc vàng là của trời
Trong đó có ít người số may mà được
Nhìn chung mọi người phải nghĩ, phải lo mới có được
Nếu không nghĩ, không lo để tìm kiếm thì kho bạc, kho vàng của nhà trời cũng không tự đến
- Của ngon ai cũng biết
Cố cùng bạn làm lụng, nó khắc tới mình

Lao động còn khiến con người thêm hiểu biết, thông minh, tài giỏi. Quan niệm đó rất duy vật và có cơ sở khoa học:
- Nhẫn được thành người khôn
Chăm được thành người tài

Tục ngữ người Kinh cũng khuyên con người chăm chỉ làm ăn:
- Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ mang phần đến cho
- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ

Người Thái cho rằng nếu không lao động mà chỉ hưởng thụ thì của cải dẫu có bao nhiêu cũng hết:
- Chẳng làm gì, gác chân ăn, mỏ vàng bằng trái núi cũng hết

Người Kinh đúc kết điều này trong một câu tương tự:
- Miệng ăn núi lở

Người Thái khuyên con cháu phải biết tự lực, chỉ có của cải do chính mình làm ra mới đảm bảo cuộc sống được ổn định, bền vững; đừng ỷ nại người trên, trông chờ vào của cải ông bà, cha mẹ để lại:
- Của cải từ tay chân làm ra là nguồn tuôn chảy
Của cải từ cha mẹ để lại là nước lũ cuốn đi

Còn người Kinh dặn dò con cháu:
- Của làm ra là của trong nhà
Của ông bà là của ngoài sân
Của phù vân có chân nó chạy

Do nền sản xuất nông nghiệp còn ở trình độ thấp, thiên tai bất thường, con người phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên người Thái cũng như người Kinh, đều nhắn nhủ nhau “tích cốc phòng cơ”, đề phòng rủi ro, thiên tai, và phải  tiết kiệm. Tục ngữ Thái có câu:
- Gom của phòng mùa thiếu
Khi đói để mua ăn
- Vừa ăn lại vừa để, tốt lắm
Vừa kiệm lại vừa giành, tốt quá

Người Kinh có câu:
- Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện

Khuyên con người phải biết chăm chỉ lao động, tiết kiệm, tục ngữ Thái cũng dạy người ta không tham lam, trộm cắp:
- Không tham lam của cải
- Đừng trộm hái rau quả của vườn người

Cũng như tục ngữ của người Kinh:
- Đói cho sạch, rách cho thơm

Người Thái đặc biệt coi trọng tình cảm gia đình và những quy ước đạo đức trong phạm vi gia đình. Con cái luôn luôn phải vâng lời ông bà, cha mẹ; không được hỗn hào làm cha mẹ phiền lòng:
- Đừng làm cho cha mẹ mếch lòng
Không thét mắng thốt những lời nặng tiếng
- Ơn mẹ dưỡng cha sinh
Nhọc nhằn ấy hơn cả trái núi lớn
Nhưng vẫn còn có nhiều người
Điên dại, chẳng nghĩ gì tới công cha mẹ nuôi nấng
Họ còn đánh đuổi, chửi thét mắng, lời bỉ ổi xui cho chết

Người Thái cũng có những hình ảnh tương tự nói về công lao trời biển của mẹ cha đối với con cái và nghĩa vụ của con cái đối với các đấng sinh thành:
- Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Với người Thái, con cái cưỡng lại cha mẹ là con hư:
- Rùa bé lại muốn thi chạy nhanh
Vì thế chúng mới cưỡng cha mẹ
- Con cháu cưỡng lại bậc cha ông ắt dẫn đến chỗ lìa khỏi cộng đồng
- Đạo người do trời phân đặt xuống
Cây cối còn có gốc
Loài chim còn có tổ
Người dựng mới thành bản
Người xây mới thành mường
Bởi thế mới có người làm gốc, làm ngọn

Người Việt cũng quan niệm vậy:
- Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư

Nếu người Thái cho rằng con người có tổ tông như cây có gốc, chim có tổ, thì người Kinh lại có thêm hình ảnh “sông có nguồn” bên cạnh “cây có cội”:
- Con người có cố có ông
Như cây có cội, như sông có nguồn

Coi trọng mối quan hệ họ hàng, người Thái khuyên con cháu phải thường xuyên thăm hỏi để duy trì tình cảm:
- Cây không róc thành gai
Người thân không thăm hỏi cũng thành người dưng

Người Kinh cũng có lời khuyên như vậy, dưới hình thức lời cô gái khuyên chàng trai mà mình yêu mến:
- Năng mưa thì giếng năng đầy
Anh năng đi lại mẹ thầy năng thương
Nếu không “năng đi lại” thì rất dễ rơi vào tình trạng: “Xa mặt, cách lòng”.
Và nếu người Thái có các câu tục ngữ :
- Đừng ném đá qua vai

Để khuyên con người nên tuân theo những luật lệ ở đời, không được vượt quá những quy định,  thì người Việt cũng có câu: “Mặc áo không qua khỏi đầu” để diễn đạt điều này. Câu “Nhập gia tùy tục” của người Kinh trong một số trường hợp cũng có ý nghĩa tương đương với câu: “Vào thuyền nào cầm tay chèo thuyền đó” của người Thái.
Trong những chuẩn mực về đạo đức, người Thái đặc biệt chú trọng đến lời ăn tiếng nói. Cũng như người Kinh, quan niệm « lời nói, đọi máu », nên răn dạy con người cách ăn nói như thế nào cho phải. Trong Luật mường, người Thái dựa vào cách ăn nói của mỗi người mà phân ra từng loại người khác nhau, ví dụ:
- Loại người hay đi nói những điều người khác đã bảo cần giữ kín để làm hại người đã nói với mình, gọi là người xỏ xiên (cồn xéo lách)
- Loại người đối với người trên thì nịnh, thì nâng; đối với người nghèo thì khinh, thì dèm pha gọi là người nịnh, người hại người (cồn xăm)
- Loại người vừa đi vừa nói vui miệng là nói theo, như gió thổi chiều nào hùa theo chiều đấy, điều nào cần giấu lại nói toẹt ra hết gọi là người hớt lẻo (cồn bẻo)
- Loại người gốc bằng đũa, ngọn bằng quạt (cốc tỏ thú, pai tỏ bi), thấy bé lại xé ra to gấp ba bốn lần, gọi là người khoác lác (cồn cáo phứa)
- Loại người có điều đáng giấu ngàn đời, lúc vui chuyện mở miệng nói ngay, ruột để ngoài da cho người khác thấy, gọi là người nhẹ dạ (cồn bấu đăm)
- Loại người nhà ào có rượu thịt cho ăn thì coi như người ăn ở có đầu có đũa (chảu hua, chảu hang); nhà nào nghèo không được chấm mút gì thì chửi đổng họ suốt từ sáng đến tối, gọi là người kiếm ăn (cồn kiếm kin).
- Loại người làm gì thì làm thật,  ăn gì thì ăn thật, nói gì thì nói thật, mọi thứ đều làm vừa lòng người khác thì gọi là người thực bụng (cồn thực)…vv

Quy định cụ thể và chi tiết về từng loại người, nên luật tục của dân tộc Thái cũng quy định rất rõ việc với những người xấu bụng thì xử lý ra sao. Những người ăn nói vi phạm chuẩn mực đạo đức quy định của cộng đồng thì sẽ bị xử phạt khá nặng, ví dụ:
- Đối với người hay hớt lẻo, xỏ xiên, chiểu theo luật, tội nhỏ thì bắt, tội to thì giết.
- Đối với người hay nịnh trên, chèn dưới, chiểu theo luật lần đầu thì mắng, mắng không chừa thì bắt.
- Đối với người gian ác, chiểu theo luật thì đừng cho ở gần..

Coi trọng lời ăn tiếng nói như vậy, nên không có gì khó hiểu khi trong tục ngữ, thành ngữ Thái, số câu khuyên bảo con người cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói khá nhiều. Người Thái kỵ nhất là nói dối:
- Không ăn gian nói dối
Nhiều lần sẽ lụy thân
và đành đưa thân vào vòng tội lỗi

Và khẳng định:
- Đường dối trá tuy biết mọc mầm
Nhưng cũng có lúc phải tận

Người Kinh cũng có câu: « Thật thà là cha quỷ quái » để đề cao những lời nói thật, lên án những kẻ hay dối trá.
Nói dối hại thân vì nói dối không thể lừa người được mãi. Những gì là sự thật sẽ nhanh chóng được phơi bày. Tục ngữ Thái :
- Dù có hai ba rặng núi che khuất
Lời thì thầm người dưng cũng hay
- Nói dối người sẽ biết
Bởi vì tiểu nhân có tai như tai nai ; bậc tạo, nàng có tai hình ống tre, ống bương
- Những việc cong queo không theo là tốt nhất
Bởi vì có loài ma kề trên đôi vai
Mình làm điều dở tự khắc có điều tường

Tục ngữ người Kinh có nhiều câu tương tự:
- Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra
- Bức vách có tai
- Ở đây tai vách mạch rừng
Có mồm thì nói xin đừng ba hoa
- Tai vách mạch rừng

Tục ngữ Thái khuyên con người tránh xa những kẻ nịnh hót, cơ hội:
- Đừng ăn nấm một chân
Đừng với theo những kẻ nịnh hót, mách qué
Không nên nghe lời xúc xiểm, bịa đặt
- Người nói hãy nghe xem
Có tai nghe thật kỹ
Đừng vội vàng hấp tấp
Mà bỏ chấy vào đầu

Bởi thế nên, nhiều câu tục ngữ của người Thái khẳng định con người cần phải biết cách nói năng sao cho không cộc cằn, không mất lòng người khác, cũng đừng tự phụ, huênh hoang… Nếu lời nói dễ nghe, sẽ làm đẹp lòng mọi người:
- Thương nhau ở bát canh
Mến nhau ở lời nói
- Đừng nói quá lời
Đừng kể quá câu
Đừng khen mình, chê người
- Lời nói không phải mua
Lời khéo dùng lời ngon lời ngọt
Phải xưng ông xưng tôi
Không nặng tiếng nặng lời
Không kiếm việc để mắng, chê, chửi
Không kháy cạnh, gièm pha
- Đừng nhặt lời đi, xoay tiếng lại
Đừng khó tính bẩn bụng cáu gắt
Mình biết lựa lời nói cho vừa thì người cũng khéo lắng tai nghe

Tục ngữ của người Kinh diễn đạt điều ấy qua những câu ngắn gọn thế này:
- Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Cả người Thái và người Kinh đều dạy bảo con cháu phải suy nghĩ chín chắn trước khi cất lời nói. Tục ngữ Thái có câu:
- Nói phải nghĩ
Bàn phải suy

Còn tục ngữ người Kinh có câu:  “Ăn có nhai, nói có nghĩ
Nói phải nghĩ, phải lựa lời nhưng không được nói dối. Chính vì vậy nên nhiều khi lời nói thật lại vụng về. Thà vụng về còn hơn nói dối. Tục ngữ Thái:
Nói trước còn hơn để về sau phải trách móc.
Tục ngữ người Kinh cũng khẳng định:
- Mất lòng trước, được lòng sau.
Tục ngữ Thái có câu khuyên con người đừng nên cãi vã, tranh khôn bằng lời:
- Đừng nhặt lời đi, xoay tiếng lại
        
Tục ngữ Kinh cũng nêu sự tai hại của việc cãi vã:
- Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại

Cũng từ lời ăn tiếng nói, người Thái khuyên con cháu không khoe khoang, không nói trước huênh hoang những việc chưa thành:
- Đương làm việc gì cần giữ kín, chưa thành đừng vội thốt
- Không khoe khoang, khoác lác

Còn người Kinh chê trách những kẻ chưa đâu vào đâu đã lên mặt với mọi người xung quanh:
- Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng
- Bảy mươi chưa què, chớ khoe rằng tốt

Ngoài những quy định về lời ăn tiếng nói, tục ngữ Thái còn rất nhiều những quy định khác gần gũi với những quy định chuẩn mực đạo đức của người Kinh. Khuyên con người không nên so bì, tị nạnh, người Thái có câu:
- Ở nơi này chớ khoe khoang nơi kia
Ở bậc dưới không khoe khoang bậc trên
Xem núi này thì thấp
Nhìn núi nọ thì cao
Bỏ chốn cũ sang nơi ở mới liên tiếp rồi cũng thành kẻ tôi đòi

Người Kinh cũng dạy con cháu bằng những hình ảnh tương tự thế:
- Đừng đứng núi này trông núi nọ
- Đừng tham bát bỏ mâm
        
Dạy con người ý tứ trong đi đứng, hành động, người Thái dặn dò :
- Nhổ nước miếng phải nhìn khe sàn
Ngồi xổm nhìn khe đùi

Và người Kinh cũng vậy:
- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng

Trong đối nhân xử thế, người Thái tâm niệm:
- Mình khinh người, người lại khinh mình
Ta nhường nhịn người, người nhường nhịn lại ta
Mình thương người, người lại thương mình

Người Kinh cũng đồng quan điểm ấy:
- Cười người chớ vội cười lâu
Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

3. Về kinh nghiệm sản xuất
Đây là mảng ít có sự tương đồng nhất trong kho tàng tục ngữ, thành ngữ của người Thái và người Kinh. Bởi lẽ điều kiện tự nhiên cũng như tập quán canh tác của người Thái khác người Kinh. Tuy nhiên, cùng trồng lúa nước, nên trong kho kinh nghiệm sản xuất của người Thái, những câu nói về sản xuất lúa nước rất giống với kinh nghiệm của người Kinh được đúc kết trong tục ngữ. Người Thái ý thức rất rõ rằng trong việc trồng lúa nước, thì yếu tố nước vô cùng quan trọng:
- Làm ruộng mương phai tốt
Ắt có thóc đầy bồ đầy bịch
- Có thỏi bạc thỏi vàng dài tới chín sải tay, dầy bằng chín nắm tay để chồng
Không bằng có con mương dẫn nước to bằng bịch thóc đổ vào ruộng
- Buôn bán không hay bằng làm mương phai, làm ruộng thu thóc lúa
Làm mương không phí
Làm phai không hoài

Với người Thái, nguồn nước tự nhiên rất quan trọng. Có nước là có sự sống. Có nước là có thể cấy trồng. Trồng lúa nước lại càng không thể thiếu nước. Những cánh đồng của người Thái được tạo nên bằng cách “dẫn thủy nhập điền” đã đúc kết trong câu thành ngữ ngắn gọn: “mương, phai, lái, lin”. Đây là bốn cách người Thái lấy nước cho đồng ruộng: mương – (đào) mương dẫn nước từ sông, ngòi, suối; phai: (đắp) đập ngăn dòng chảy; lái: các cọn nước để dẫn nước qua các chướng ngại vật, nắn lại dòng chảy cho thích hợp với địa hình và nhu cầu sử dụng; lin: các máng dẫn nước vào ruộng. Có làm mương, phai tốt thì cây lúa mới có nước, mới cho nhiều thóc gạo. Người Kinh cũng đặt tầm quan trọng của nước lên hàng đầu trong quá trình canh tác:
- Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống

Là cư dân sống ở vùng thấp, nên người Thái ngoài việc săn bắn thú trên rừng còn biết đánh bắt cá dưới sông, suối. Do vậy, họ cũng đúc rút được những kinh nghiệm, như:
Nước vơi thì đi khuya
Nước lũ thì đi xúc

Người Kinh cũng có câu:
Tôm đi chạng vạng
Cá đi rạng đông
Trong lao động, sản xuất cũng như đời sống, thiên tai luôn là nỗi ám ảnh với con người. Người Kinh có câu: “Thủy, hỏa, đạo, tặc” để xếp hạng những yếu tố gây nguy hiểm cho cuộc sống con người. Trong đó, “thủy” đứng ở vị trí đầu tiên. Chắc hẳn những trận lụt kinh hoàng đã thành ám ảnh không phai đối với người Kinh xa xưa. Sau “thủy” là “hỏa”. Nạn lửa chỉ sau nạn cháy, còn nguy hiểm hơn cả trộm cướp và giặc giã. Còn với người Thái thì:
- Không nạn nào hơn nạn lửa, nạn nước
Dùng nước phải biết tránh nguồn nước
Dùng lửa hãy giữ gìn nạn cháy
- Bừa bãi lửa thường sinh nạn cháy

Kinh nghiệm sản xuất của người Kinh thiên về cấy trồng, mùa vụ còn kinh nghiệm sản xuất của người Thái ngoài việc trồng trọt, chăn nuôi, còn có săn bắn, hái lượm, cách thức đi rừng, kinh nghiệm khai thác lâm sản…mà ở đề tài này, ca dao tục ngữ của người Kinh không nhiều.

4. Kết luận
Đi sâu tìm hiểu ca dao, tục ngữ của người Thái với người Kinh, chúng ta thấy có nhiều nét tương đồng. Sự tương đồng được thể hiện ở nhiều lĩnh vực: từ sản xuất đến đời sống, từ tư tưởng đến tình cảm, thế giới quan đến quan niệm sống, quan niệm về giá trị đạo đức, nhân văn…
Những nét tương đồng đó là kết quả của nhiều nguyên nhân: do sự tương đồng về tự nhiên, điều kiện sống, trình độ canh tác, hoặc do sự tương đồng trong cách cảm, cách nghĩ và ảnh lẫn nhau trong giao lưu văn hóa…Tuy nhiên, những sự tương đồng này chỉ được đề cập ở phương diện nội dung, tư tưởng. Đi sâu vào tìm hiểu, trong sự tương đồng vẫn có sự khác biệt, kể cả về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật, mà trong bài viết này chưa có dịp đề cập đến.
Những nét tương đồng đi cùng với sự khác biết, vừa thể hiện nét chung về văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam vừa phản ánh bản sắc riêng trong văn hóa của mỗi dân tộc. Bởi thế mà nền văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy.

Tài liệu tham khảo
1. Hội Văn nghệ dân gian (2012), Thơ ca nghi lễ dân tộc Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.       

2. Ngô Đức Thịnh và Cầm Trọng (2012), Luật tục Thái ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét