Người dân tộc Mảng còn có các tên gọi khác
là Mảng Ư, Xá lá vàng; đây là một dân tộc thiểu số thuộc nhánh Bắc Môn-Khmer của
ngữ tộc Môn-Khmer.
Dân số và địa bàn cư trú
Tại Việt Nam, người dân tộc Mảng cư trú chủ
yếu ở các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Mường Lay thuộc tỉnh Lai Châu.
Theo kết quả điều tra dân số năm 1999, dân tộc Mảng có khoảng 2.663 người. Họ
là một trong số 54 dân tộc được Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính
thức công nhận.Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Mảng ở Việt
Nam có dân số 3.700 người, cư trú tại 14 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố.Người
dân tộc Mảng cư trú tập trung tại tỉnh Lai Châu 3.631 người, chiếm tỷ lệ 98,1%
tổng số người Mảng tại Việt Nam, ngoài ra họ còn có mặt ở tỉnh Đồng Nai 17 người,
tỉnh Đăk Lăk 15 người; các tỉnh khác không quá 10 người.
Tại Trung Quốc có khoảng 500 người dân tộc
Mảng sinh sống tại huyện Kim Bình, Châu tự trị dân tộc Cáp Nê-Di Hồng Hà, tỉnh
Vân Nam, Trung Quốc. Tại đây, họ được gộp nhóm chung trong nhóm không phân loại.
Về phong tục tập quán
Người dân tộc Mảng thờ vị thần cao nhất là
trời, đấng sáng tạo tối cao. Ở đây có cả truyền thuyết về sự xuất hiện loài người
theo mô típ truyện quả bầu. Người ta quan niệm vũ trụ có bốn tầng: trên trời là
thế giới thần linh sáng tạo, mặt đất là thế giới người và các loại ma, dưới đất
là người lùn xấu xí và dưới nước là thế giới thuồng luồng. Người dân tộc Mảng
tin có nhiều ma, trong đó ma nhà có vị trí đặc biệt quan trọng. Ma nhà được
cúng vào dịp tết hoặc khi trong nhà có người đau ốm. Bên cạnh đó họ cũng thờ ma
Ðẳm, tổ tiên, dòng họ.
Họ có cuộc sống hôn nhân tự do, lúc đưa
dâu thường có tập tục đánh nhau giả tạo giữa họ nhà trai và họ nhà nhà gái để
giành cô dâu. Người dân tộc Mảng cư trú theo dòng họ, có tính cách riêng biệt
và thường ở loại nhà sàn. Mỗi làng bản đều có trưởng bản cai quản cùng với hội
đồng già làng. Trưởng bản trông coi về thu thuế tạp dịch. Trong bản thường có một
dòng họ lớn, các trưởng họ cùng với hội đồng già làng điều hành mọi hoạt động xã
hội, tôn giáo theo tập quán. Người dân tộc Mảng có năm họ chính, mỗi họ lấy một
con vật làm vật tổ.
Về văn hoá, trang phục và kinh tế
Người dân tộc Mảng có đặc trưng văn hoá
lâu đời với tập tục xăm cằm, lễ thành đinh và các làn điệu dân ca. Trang phục của
người dân tộc Mảng có đặc điểm người phụ nữ mặc váy dài, áo ngắn xẻ ngực,
choàng tấm vải trắng có trang trí hoa văn. Người nam mặc quần, áo xẻ ngực. Nét
độc đáo trong y phục phụ nữ Mảng là tấm choàng quấn quanh thân được cắt may bằng
vải thô màu trắng, ở giữa thêu hàng chỉ đỏ, đầu thường để trần, tóc buộc thành
chỏm trên đầu bằng dây có tua khá đẹp, chân quấn xà cạp.
Về đời sống kinh tế, người dân tộc Mảng
thường làm nương rẫy, họ là cư dân "ăn nương" chuyên sống bằng nông
nghiệp nương rẫy với lối sống du canh, du cư. Công cụ sản xuất thô sơ, dụng cụ
để làm nương rẫy thường có rìu, dao, gậy chọc lỗ. Năng suất lúa thường thấp do
đất đai cằn cỗi, tài nguyên rừng còn non, đời sống khá bấp bênh và thiếu ăn
quanh năm. Trong thời gian gần đây, người dân tộc Mảng đã biết làm nương cuốc;
một số nơi làm ruộng bậc thang, năng suất lúa ổn định hơn. Việcchăn nuôi còn
theo lối thủ công và chưa phát triển, họ thường nuôi trâu, bò, dê, gà, lợn... Việc
hái lượm, săn bắt suốt 4 mùa trong năm vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động
kinh tế của người dân tộc Mảng. Họ còn làm nghề thủ công đan lát, nhiều sản phẩm
đan lát của người dân tộc Mảng như bem, cót, gùi... rất được các dân tộc khác ưa
chuộng.
Long Chính Đức (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét