Dân ca dân nhạc dân tộc Mạ (Hải Ninh)

Người Mạ (có tên gọi khác Chau Mạ, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngăn, Cqâu Mạ, Chi Hạ. Mạa) là dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Tiếng dân tộc Mạ thuộc ngữ chi Ba Na của ngữ tộc Môn-Khmer. Người Mạ có gốc tích Indonésien.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Mạ ở Việt Nam có dân số 41.405 người, cư trú tại 34 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Mạ cư trú tập trung tại các tỉnh: Lâm Đồng (31.869 người, chiếm 77,0% tổng số người Mạ tại Việt Nam), Đắk Nông (6.456 người), Đồng Nai (2.436 người), Bình Phước (432 người), Sài Gòn (72 người).


Bản đồ các dân tộc nằm trong thị trấn ĐẠTẺH – huyện DATEH – tỉnh Lâm Đồng.

Dân tộc Mạ thời Pháp thuộc.

Rất ít người biết rằng trước đây cả vùng Đồng Nai thượng thuộc Tỉnh Lâm Đồng có một "Tiểu vương quốc" của người "Mạ" nằm giữa "Chân Lạp (Khmer)""Chiêm Thành (Champa)".

“Tiểu vương quốc” này mờ dần trên con đường Nam tiến của người Việt và bị xoá nhòa vào thế kỷ 17 khi cả một vùng của “Chân Lạp” và “Chiêm Thành” thuộc về “Việt Nam“.

“Tiểu quốc Mạ” là một “cổ vương quốc” của các bộ tộc mà phần lớn là người Mạ ở khu vực cao nguyên Di Linh thuộc nam Tây Nguyên, Việt Nam, được hình thành từ khoảng cuối thế kỷ 15 và chấm dứt sự tồn tại sau khi phân rã ra thành các bộ tộc riêng biệt vào khoảng cuối thế kỷ 17.

Dân tộc Mạ thời Pháp thuộc.

Dân tộc Mạ thời Pháp thuộc.

Lãnh thổ người Mạ đã từng ổn định trong lịch sử, khiến cho một số tài liệu gọi nó là “Tiểu vương quốc Mạ” hoặc “Xứ Mạ“. Lãnh thổ người Mạ rất rộng, nhưng đến cuối thế kỷ 17 và đặc biệt là dưới ách thống trị của người Pháp, người Mạ đã rút sâu vào rừng núi để bất hợp tác và chống chính quyền này. Địa bàn vùng Mạ đã bị thu hẹp lại trong phạm vi một số xã của huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng ngày nay.

Tộc người Mạ đã xác lập được chế độ phụ hệ vững chắc trong hôn nhân gia đình. Đây là điều khác nhau giữa người Mạ với người K’ho, Chil, Lạt và Mnông. Trong tập tục hôn nhân của tộc người Mạ nhà trai làm chủ động, nhưng sau lễ cưới chú rể phải sang ở nhà vợ, đến khi nộp đủ đồ sính lễ cho nhà gái mới được đưa vợ về ở hẳn nhà mình.

Sơn nữ Mạ dệt thổ cẩm.

Gia đình người Mạ đang thu hoạch thời Pháp thuộc. Gia đình người Mạ và nhà sàn truyền thống thời Pháp thuộc.

Người Mạ sống thành từng bon (làng), mỗi bon có từ 5 đến 10 nhà sàn dài (nhà dài là nơi ở của các thế hệ có chung huyết thống). Đứng đầu bon là quăng bon (già trưởng làng). Người Mạ làm nương rẫy trồng lúa và cây khác như ngô, bầu, bí, thuốc lá, bông… Công cụ sản xuất thô sơ, có các loạixà-gạt, xà-bách, dao, rìu, gậy chọc lỗ. Trong tỉnh Lâm Đồng (huyện Cát Tiên), người Mạ có làm ruộng nước bằng kỹ thuật lùa cả đàn trâu xuống ruộng để trâu giẫm đất đến khi sục bùn thì gieo lúa giống (xạ lúa).

Người Mạ nuôi trâu, bò, gà, vịt, ngan… theo cách thả trâu, bò vào rừng sống thành đàn, chỉ khi cần giết thịt hoặc giẫm ruộng mới tìm bắt về. Phụ nữ Mạ nổi tiếng về nghề dệt vải truyền thống với những hoa văn tinh vi hình hoa lá, chim thú với nhiều màu sắc. Nghề rèn sắt nổi tiếng ở nhiều làng. Họ tự luyện quặng lấy sắt để rèn các công cụ sản xuất và vũ khí như xà gạt lưỡi cong, lao… Ở vùng ven Đồng Nai, người Mạ làm thuyền độc mộc để đi lại, vận chuyển và đánh cá trên sông.

Người Mạ thời Pháp thuộc.

Sơn nữ Mạ thời Pháp thuộc.

Hút thuốc là một thói quen của người dân tộc Mạ cũng như uống rượu. Họ hút bằng ống điếu, quấn lá, đàn bà ưa ăn thuốc.

Nhà người Mạ không chỉ có những đặc trưng đáng chú ý mà còn có thể “đại diện” cho nhà của người K’Ho, Chil trên cao nguyên Lâm Đồng. Mạ là cư dân lâu đời trên mảnh đất này. Hiện nay nhà người Mạ đã có rất nhiều thay đổi. Nhà sàn chỉ còn ở những vùng cao, vùng thấp nhà đất đã chiếm ưu thế. Nhà ở cổ truyền của người Mạ là nhà sàn dài tới 20–30 m (nay đã hiếm). Nay vẫn là nhà sàn nhưng là nhà ngắn của các gia đình nhỏ.

Bộ khung nhà với ba vì, hai hoặc bốn cột. Kết cấu đơn giản thường là ngoãm tự nhiên và buột lạt. Mái hồi khum tròn nhưng không có “sừng” trang trí. Hai mái chính cũng hơi khum nên mặt cắt của nóc có hình “parabôn”. Mái nhà rất thấp nên phần mái bên trên cửa, người ta phải làm vồng lên để ra vào khỏi đụng đầu.

Thôn bản Mạ thời Pháp thuộc.

Đội nhạc cồng chiêng Mạ thời Pháp thuộc.

Tổ chức mặt bằng sinh hoạt cũng có những đặc điểm đáng chú ý: khu vực giữa nhà là nơi sinh hoạt chung của mọi gia đình (tiếp khách, cúng bái…), nơi này có bàn thờ thần bếp và có một cái cột để buộc ché rượu cần khi tiếp khách. Còn dưới chân vách hậu là một dãy dài những ú, ché đựng rượu cần… Các hộ gia đình ở về hai bên của khu trung tâm.

Phần diện tích và không gian trong nhà dành cho các gia đình cũng có những đặc điểm rất dễ nhận: giữa nhà là một kho thóc, mặt sàn kho các mặt sàn nhà khoảng trên 1 mét.

Dưới gầm kho thóc đặt bếp. Trên bếp có dựa treo. Giáp vách hậu là sạp dành cho mọi thành viên trong gia đình. Giáp vách tiền là một sạp nhỏ và thấp (khoảng 70–80 cm) trên để bát, đĩa, vỏ bầu khô và các thứ lặt vặt khác.

Bếp người Mạ xưa.

Bản làng người Mạ thời Pháp thuộc.

Nhà người K’Ho hoặc Chil về hình thức thì nhà của họ cũng giống nhà người Mạ. Cái khác ở cách bố trí trong nhà là giáp vách tiền, cái sạp ở nhà người Mạ thì người K’ho còn kết hợp làm chuồng hà.

Trang phục người Mạ nam thường để tóc dài búi sau gáy, ở trần, đóng khố. Khố cũng có nhiều loại khác nhau về kích thước và hoa văn trang trí. Loại khố trang trọng có đính hạt cườm, tua dài. Bên cạnh đó họ còn mặc áo chui đầu, xẻ tà, vạt sau dài hơn vạt trước che kín mông. Áo có các loại: tay ngắn, tay dài . Thủ lĩnh búi tóc cắm lông chim có bộ khiên giáo kèm theo.

Phụ nữ người Mạ để tóc dài búi sau gáy. Xưa họ ở trần mặc váy, có bộ phận mặc áo chui đầu. Áo nữ mặc vừa sát thân, dài tới thắt lưng, không xẻ tà, vạt trước và sau áo bằng nhau; cổ áo tròn thấp. Tổng thể áo chỉ là hình chữ nhật màu trắng. Nửa thân dưới áo trước và sau lưng được trang trí hoa văn các màu đỏ, xanh là chính trong bố cục dải băng ngang thân với các mô típ hoa văn hình học là chủ yếu. Chiều dọc hai bên mép áo được dệt viền các sọc trang trí. Váy là loại váy hở được dệt trang trí hoa văn với những phong cách bố cục đa dạng. Về cơ bản là các sọc: màu xanh, đỏ, vàng, trắng trên nền chàm chủ yếu là hoa văn hình học theo nguyên tắc bố cục dải băng ngang truyền thống. Có trường hợp nửa trên váy dệt trang trí hoa văn kín trên nền sáng (trắng) với hoa văn hình học màu đỏ xanh.

Sơn nữ Mạ thời Pháp thuộc.

Đội nhạc cồng chiêng Mạ trong một ngày lễ thời Pháp thuộc.

Nam nữ thường thích mang vòng đồng ở cổ tay có những ngấn khắc chìm – ký hiệu các lễ hiến sinh tế thần cầu mát cho chủ nhân nó. Nam nữ đều đeo hoa tai cỡ lớn bằng đồng, ngà voi, gỗ; cổ đeo hạt cườm. Phụ nữ còn mang vòng chân đồng nhiều vòng xoắn.

Kho tàng văn học dân gian Mạ gồm nhiều truyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại độc đáo và những bài dân ca trữ tình “Tam bớt”. Nhạc cụ truyền thống có bộ chiêng đồng 6 chiếc không núm. Khi hoà tấu có trống bịt da trâu đánh giáo đầu, giữ nhịp và đổ hồi trước khi kết thúc. Con trai Mạ thường thổi khèn bầu, sáo trúc, tù và sừng trâu, khèn sừng trâu, đàn lồ ô, sáo trúc 3 lỗ gắn vào trái bầu khô.

Dưới đây mình có các bài:
– Độc đáo nghi lễ mừng lúa sinh trưởng của người Mạ, Đắk Nông
– Lễ hội cúng thần lúa của người Mạ ở Đồng Nai
– Thổ cẩm – Nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Mạ, Đồng Nai
– Trang phục dân tộc Mạ
– Nhà của người Mạ

Lễ mừng lúa sinh trưởng của người Mạ.

Độc đáo nghi lễ mừng lúa sinh trưởng của người Mạ, Đắk Nông
Lễ mừng lúa sinh trưởng là một trong những nghi lễ quan trọng trong nông nghiệp của đồng bào Mạ ở huyện Dak Glong (Đắk Nông), được tổ chức với mục đích chấm dứt những điều kiêng kị cho người giữ rừng, xua đuổi sâu bọ và thú dữ để mùa màng luôn tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 dương lịch hàng năm. Theo quan niệm của người Mạ, muốn cho cây trồng trên rẫy sinh trưởng và phát triển tốt, người trong làng phải bầu ra một người giữ rừng là một chàng trai khỏe mạnh, chuyên đến thăm nương rẫy của bà con trong bon và cùng với già làng tổ chức các lễ hội nông nghiệp trong năm. Để làm được điều đó, người giữ rừng không ăn thịt mỡ, da các con vật, đầu cá… nếu vi phạm, nương rẫy sẽ bị cạn khô và cây lúa sẽ không có hạt.

Lễ vật gồm một con dê, một con heo, một con gà, một con vịt do người dân trong bon đóng góp. Phần Lễ được bắt đầu bằng việc già làng cùng người giữ rừng năm đó dắt dê đi từng đám rẫy của bon. Đi đến rẫy nhà nào thì nhà ấy có trách nhiệm đón tiếp và chuẩn bị lễ vật làm lễ cho cây lúa: một con gà và một ché rượu cần. Già làng tiến hành cắt tiết các con vật hiến tế và bôi lên cây nêu, cắt một ít lông dê kẹp vào cây nêu. Cây nêu trong lễ mừng lúa sinh trưởng thường được làm bằng nứa nhỏ, cao gần 2m, dựng gần chòi rẫy cùng với mâm cơm trứng gà, chén đựng máu vật hiến tế… Đó là nơi dành cho các các thần về dự lễ và trông coi lúa, là nơi trú ngụ của hồn lúa. Vì vậy, những cây lúa ở đó sẽ được tuốt sau cùng, khi làm lễ mừng lúa mới thì họ mới lấy rơm đó về nhà và được kẹp bên cạnh kho lúa của gia đình.

Nhảy múa trong lễ hội.Nhảy múa trong lễ hội.

Sau khi đi khắp các rẫy trong làng thì lễ mừng lúa sinh trưởng được tổ chức ở bãi đất trống của làng. Già làng tiến hành cắt tiết dê, tiết các con vật bôi lên cây nêu để cầu cho mùa màng tươi tốt, bôi lên trán những người trong làng dưới sự chứng kiến của thần linh để xua đuổi bệnh tật, mang lại sự bình an, hạnh phúc.

Lời khấn của già làng trong lễ mừng lúa sinh trưởng có nội dung là mời tất cả các thần về dự lễ nhằm tạ ơn cũng như gửi gắm các thần trông coi cây lúa, xua đuổi thú rừng, chim muông và gọi hồn lúa về. Bởi từ ngày tỉa hạt cho đến thời điểm làm lễ mừng lúa sinh trưởng, hồn lúa không trú ngụ trong thân cây lúa mà trú ngụ ở đâu đó, không ai biết được. Tháng 8, tháng 9, cây lúa đã lớn, bắt đầu đơm bông kết trái nên người dân phải tổ chức lễ hội này để gọi hồn lúa về cho cây lúa phát triển tốt, chắc hạt.

Trong buổi lễ từng hồi chiêng dồn dập như mời gọi mọi người đến tận hưởng cái không khí thiêng liêng, nhưng rất ấm áp, bình dị của cộng đồng. Người già say sưa uống rượu cần, kể chuyện bên cây nêu, nam nữ nắm tay nhau nhảy múa nhịp nhàng, trẻ em tò mò đứng ngắm cây nêu từ xa… Tiếng hát múa, reo hò và chúc nhau vang động một góc rừng.

Chuẩn bị tế lễ.

Lễ hội cúng thần lúa của người Mạ ở Đồng Nai
(TH-Cinet-DTV)
Trong năm, người Mạ có nhiều lễ cúng. Lễ cúng thần Lúa là lễ lớn nhất trong năm với hình thức hiến sinh bằng việc dâng trâu.

Là một trong bốn cư dân bản địa vùng đất Đồng Nai, dân tộc Châu Mạ được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Chau Mạ, Chê Mạ, Mạ Ngan, Mạ Xôp, Mạ Tô, Mạ Xrê… Họ sống tập trung tại Tà Lài (huyện Tân Phú-Đồng Nai)… Người Mạ tin có thần (Yàng). Họ thờ cúng nhiều Yàng như Yàng Hiu (thần nhà),Yàng Koi (thần lúa), Yàng Bơnơm (thần núi). Họ thường giết súc vật tế thần vào những dịp được mùa, sinh đẻ, bệnh tật, chết chóc.

Lễ hội này còn gọi là Lễ đâm trâu, vì có tục đâm trâu để thực hiện nghi thức đầu tiên của buổi cúng và chia thịt trâu cho cộng đồng cùng ăn.

Thời gian cúng thường được tổ chức vào tháng hai đến tháng ba âm lịch, khi mùa màng thu hoạch xong. Người Mạ dựng khoảng ba cây nêu trước sân theo hình tam giác. Cây nêu lớn dùng để cột trâu, các cây nêu nhỏ cột dê hoặc heo hoặc bò. Trước đây, lễ thường kéo dài nhiều ngày, nhiều đêm, nhưng ngày nay rất ít được tổ chức. Trên các cây nêu, người Mạ chia làm nhiều bậc để trang trí. Theo họ quan niệm, cây nêu phần trên hướng thẳng lên trời tượng trưng cho thần linh, phía giữa là tổ tiên và dưới gốc là con người. Trên các cây nêu, họ tạo những bông tre xoắn thành chùm, tượng trưng cho bông lúa lớn. Hai màu xanh, đỏ được dùng chủ yếu trong trang trí với quan niệm màu đỏ là huyết con vật được hiến sinh để báo cho thần linh, màu xanh cầu mong cho mùa màng xanh tươi. Dưới gốc cây nêu thường để những ché rượu cần mà mỗi nhà người Mạ làm đem đến.

Lễ cúng thần Lúa là lễ lớn nhất trong năm với hình thức hiến sinh bằng việc dâng trâu.Lễ cúng thần Lúa là lễ lớn nhất trong năm với hình thức hiến sinh bằng việc dâng trâu.
Lễ đâm trâu thường được tiến hành vào buổi xế chiều. Cộng đồng người Mạ khi tổ chức thường mời các buôn làng khác đến dự. Nghi thức tiếp đón bằng cách già làng đem rượu trong ống tre ra ngoài cổng mời khách. Đoàn khách vừa đi đến vừa đánh cồng chiêng. Khi mời rượu xong, già làng đọc lời cúng trong bàn thờ và làm nghi thức tẩy uế để dâng trâu.

Tiếp đến, những người có uy tín trong cộng đồng, khoảng ba người, được chọn để đâm trâu. Trong khi đoàn người đi xung quanh các cây nêu hát múa thì những người đâm trâu lựa thế dồn trâu vào để đâm cho trâu nhanh chết. Khi đâm trâu, bò và heo (hoặc dê) xong, họ xẻ thịt ngay và nướng trên đống lửa được đốt sẵn, rồi chia cho cộng đồng tham gia ăn và uống rượu cần.

Trong buổi lễ, các thanh niên nam nữ Mạ múa hát, các người già thì tập trung uống rượu cần và hát kể cho nhau nghe về cộng đồng của mình. Cồng chiêng được đánh thâu đêm suốt sáng…

Người phụ nữ Mạ dệt thổ cẩm.

Thổ cẩm – Nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Mạ, Đồng Nai
Trong số hơn 30 dân tộc ít người đang cộng cư trên địa bàn Đồng Nai, Châu Mạ là một trong số ít tộc người vẫn còn bảo lưu được nhiều nét độc đáo trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Là một trong những cư dân bản địa của vùng đất Đồng Nai (gồm các tộc người Chơro, Mạ, S’tiêng, K’ho), vốn di sản văn hóa vật chất, tinh thần được lưu truyền tự bao đời của người Mạ đã góp phần không nhỏ làm phong phú bản sắc văn hóa trong đại gia đình các tộc ít người anh em.

Đối với đồng bào dân tộc, nói đến trang phục là trước tiên nói đến các chủng loại thổ cẩm được dệt theo phương pháp thủ công truyền thống. Dệt thổ cẩm là hoạt động không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng Châu Mạ ở Hiệp Nghĩa (huyện Định Quán) và Tà Lài (huyện Tân Phú). Do vậy nghề dệt thổ cẩm của người Mạ trở thành biểu trưng cho các dân tộc ít người ở Đồng Nai.

Phụ nữ dân tộc Mạ là những kỹ thuật viên điêu luyện trong lĩnh vực tạo sắc màu nhuộm chỉ và dùng chủ yếu các nguyên vật liệu sẵn có tại nơi mình cư trú. Bằng các loại vỏ, quả, lá và củ cây rừng họ pha chế để cho ra các màu trên vải dệt truyền thống là đen, đen chàm, đỏ, vàng, trắng, xanh trong đó đen chàm là màu chủ đạo… Bàn tay tài hoa của người phụ nữ Mạ kết hợp với một số bí quyết tích lũy tự bao đời đã tạo ra những cuộn chỉ dệt chất lượng cao, màu không lây sang quần áo khác cùng giặt, trải qua đôi mươi mùa rẫy mà thổ cẩm vẫn giữ được sắc màu nguyên thủy.

Người phụ nữ Mạ vừa dệt thổ cẩm đồng thời cũng vừa dệt hoa văn trên thổ cẩm. Trí sáng tạo, mắt nhìn thẩm mỹ của mỗi người tạo nên vẻ đẹp riêng, đa dạng, màu sắc được phối hợp hài hòa tạo những đường nét rực rỡ. Tùy thuộc vào từng chủng loại thổ cẩm làm ra và mục đích sử dụng mà từ đó người dệt sẽ thể hiện nên những mô típ hoa văn phù hợp.

Các chủng loại thổ cẩm phổ biến là khố, áo, chăn, khăn, váy, túi, mền (được nối từ nhiều tấm vải lại với nhau)… Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có kích thước, hình dạng, kiểu cách khác nhau khi dệt.

Vào các dịp hiếu hỷ, cưới hỏi, lễ hội là cơ hội để người Mạ trình diện bộ trang phục truyền thống của mình. Đó là những bộ trang phục đẹp mắt, khoe sắc màu rực rỡ, tươi tắn, phù hợp với không khí ngày vui trong buôn làng. Hình ảnh nam nữ Châu Mạ trong trang phục truyền thống say sưa hát múa, biểu diễn các loại nhạc cụ như cồng, chiêng, khèn bầu, khèn môi, đàn tre… trong các dịp lễ hội, các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ… đã không còn là điều xa lạ, mới mẻ sau một thời gian tưởng chừng đã bị mai một, lãng quên.

Vấn đề quan trọng đặt ra là việc khôi phục, bảo tồn và phát huy tác dụng các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của các tộc người ở Đồng Nai trong cả lĩnh vực vật thể và phi vật thể cần được quan tâm đúng mức và tiến hành đồng bộ. Việc làm này đòi hỏi không chỉ có ngành văn hóa mà còn có sự chung sức của cả cộng đồng trong đó giữ vai trò quan trọng là những chủ thể của loại hình di sản văn hóa độc đáo này.

Trang phục truyền thống dân tộc Mạ.

Trang phục dân tộc Mạ
Phụ nữ Mạ từ lâu đã nổi tiếng về nghệ dệt vải truyền thống với những hoa văn tinh vi hình hoa lá, chim thú với nhiều màu sắc khác nhau. Y phục truyền thống của người Mạ mang những sắc thái chung về loại hình của các dân tộc Tây Nguyên.

Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mạ là họ mặc váy quần dài quá bắp chân, áo chui đầu vừa sát thân, dài tới thắt lưng và kín tà. Trong khi đó, Nam đóng khố, áo hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước, về mùa đông thì nhiều người ở trần.

Khố của nam giới có loại dài: loại ngắn, có loại đơn giản chỉ một màu chàm sẫm và hai đường hoa văn đơn sơ dọc theo rìa mép. Có loại ở hai đầu khố còn đính thêm những chuỗi hật cườm và đề những dải tua dài. Nam nữ đều có áo chui đầu, áo nam thường rộng hơn một chút, hở tà, vạt sau dài hơn vạt trươc và dài che kín mông. Có loại còn thêu tua dài nổi ở vạt sau. Áo có nhiều loại: Áo dài tay, ngắn tay và cộc tay. Mùa lạnh, những người già thường khoác thêm một tấm mền.

Nữ mặc áo sát thân, dài tới thắt lưng, không xẻ tà, vạt trước và vạt sau bằng nhau, cổ áo tròn thấp. Nửa thân áo trước và sau lưng được trang trí hoa văn màu đỏ và xanh trong bố cục dải băng ngang thân với các mô típ hoa văn hình học là chủ yếu. Chiều dọc hai bên mép áo trang trí bằng các sọc nhiều màu sắc. Có trường hợp nửa trên váy dệt trang trí hoa văn kín trên nền trắng với hoa văn hình học màu đỏ, xanh.

Trang phục dân tộc Mạ.

Nghệ thuật phối màu của người Mạ đạt tới mức tinh tế và điêu luyện. Sử dụng màu sắc đáng được chú ý, bởi người Mạ dùng màu đen làm màu chủ đạo. Bố cục hoa văn và các mảng màu vượt ra khỏi đăng đối đơn điệu, cứng nhắc, tạo cho người ngắm một cảm giác dễ chịu. Sự phối màu thể hiện được sự tinh tế của họ, màu sắc của các sợi vải được nhuộm từ các loại cây khác nhau.

Quan niệm về màu sắc rất độc đáo, màu đen tượng trưng cho đất đai mà cả cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến lúc chết con người đều gắn bó; màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, ý chí vươn lên của một con người, tình yêu – màu xanh là màu của đất trời, cây lá – màu vàng là màu của ánh sáng, là sự kết hợp hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Qua việc phối màu của họ trên trang phục cũng như các sản phẩm thủ công, chúng ta có thể hiểu người Mạ đang mong muốn điều gì, đồng thời chúng ta cũng có thể hiểu thêm về nét văn hóa ăn, ở, mặc của họ.

Người Mạ còn có tục “cà răng, căng tai”, đeo nhiều vòng trang sức như đôi vòng hoặc bông tai cỡ lớn bằng đồng, kền, ngà voi hoặc bằng gỗ hay những khoanh rứa (kar) vàng. Đàn bà thường mang ở cổ những chuỗi hạt cườm có nhiều màu sắc bên cạnh những chiếc vòng đồng. Nam nữ đều thích mang nhiều vòng đồng ở cổ tay có những ngấn khắc chìm, đó là ký hiệu ghi nhận của các lễ hiến sinh tế thần linh mong cầu may cho chính mình.

Hiện nay thì tục này không còn nữa, song trong cộng đồng vẫn còn nhiều người già có những vành tai rất rộng bởi vì đã từng đeo những vòng to bằng gỗ hay ngà voi ở lỗ tai.

Y phục của người Mạ hiện nay đã có nhiều thay đổi, trong lúc lao động, đàn ông thường mặc quần đùi (quần xà lỏn), chỉ có một số người già còn mặc khố. Nữ giới tuy vẫn còn mặc váy quấn nhưng nhiều cô gái đã ưa mặc váy tân thời (váy ống), khi đi xa, nam giới có nhiều người mặc quần âu và áo sơ mi, phụ nữ thường mặc áo dệt kim hoặc áo may sẵn của các cửa hàng tạp hóa.

Nhà của người Mạ.

Nhà của người Mạ
Trải qua quá trình phát triển của dân tộc, cuộc sống người Mạ có nhiều đổi thay, mặc dù vậy người Mạ sinh sống ở nhiều địa phương vẫn duy trì được bản sắc văn hóa độc đáo trong ngôi nhà của mình.

Người Mạ (tên gọi khác là Châu Mạ và các nhóm địa phương, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngắn), cư trú hiện nay ở Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lắc và Đăk Nông. Tuy nhiên, người Mạ sống tập trung ở Lâm Đồng là chủ yếu.

Nhà ở người Mạ là nhà trệt, được làm bằng gỗ, mái lợp lá tranh, hoặc lá mây rừng. Cũng có nơi mái nhà được lợp bằng những tấm gỗ, xung quanh được che phên bằng tre nứa hoặc gỗ. Mái nhà thường kéo dài sát đất, từ xa nhìn lại chỉ thấy mỗi mái nhà. Hầu như không nhà nào có cửa sổ, cửa ra vào được làm thành hình cửa tò vò và rất thấp, chỉ cao độ 1,5m, đi qua cửa phải cúi đầu. Theo lý giải, sở dĩ nhà được làm thấp như vậy là để tránh gió rét của miền rừng núi.

Nhà người Mạ thời Pháp thuộc.

Ngay gian giữa trong nhà, bà con bố trí bếp. Bếp thường đỏ lửa cả ngày làm cho căn nhà ấm cúng. Đây cũng được xem là nơi linh thiêng và trung tâm của ngôi nhà. Ngay trên bếp, nhà nào cũng làm một cái gác để đựng lương thực và treo thực phẩm như: thịt thú rừng hay ngô, đậu…

Ở hai gian bên cạnh, người Mạ không làm giường ngủ riêng biệt như người Kinh mà họ thường dùng ván gỗ hay tre nứa ghép lại thành một chiếc sàn dài và rộng, vừa làm chỗ ngủ vừa là nơi sinh hoạt hằng ngày.

Bếp là nơi linh thiêng nhất trong ngôi nhà của người Mạ.

Người Mạ có tính cộng đồng rất cao thể hiện ở cả hai mặt đời sống là gia đình và xã hội. Đứng đầu buôn làng là chủ làng (quăng bon), bên cạnh đó còn có già làng, tộc trưởng, thầy cúng là người có uy tín trong làng… Các gia đình thường tồn tại ở dạng dòng tộc với nhiều thế hệ, sống tập chung trong một ngôi nhà lớn còn gọi là nhà dài (hìu rọt). Trong một ngôi nhà dài có thể có nhiều hộ gia đình nhỏ cùng dòng tộc sinh sống với nhiều thế hệ khác nhau. Các tiểu gia đình tuy sống chung trong một ngôi nhà nhưng có một sự độc lập tương đối trong tổng hòa các mối quan hệ của đại gia đình.

Đứng đầu mỗi ngôi nhà dài là một chủ nhà (pô hìu). Chủ nhà là người chỉ huy toàn bộ hoạt động của mọi thành viên trong nhà dài, từ việc làm nương rẫy, săn bắt, duy trì các hoạt động trong nhà… cho đến việc cúng tế các thần linh. Người đứng đầu gia đình thường là người đàn ông cao tuổi nhất. Khi người chủ nhà mất, quyền hành được trao cho người con trai lớn. Mọi việc quan trọng trong gia đình sẽ do người con trai lớn quyết định nhưng vẫn phải tham khảo ý kiến của người già dù đó có thể là phụ nữ.
Hải Ninh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét