Độc đáo lễ cúng nhà mồ của Dân tộc Tà Ôi (Hoàng Hải)

Nghi lễ nhảy múa xung quanh nhà mồ.

Dân tộc Tà Ôi còn được gọi bằng những cái tên khác như Tôi Ôi, Pa Cô, Ba Hi hay Pa Hi. Người Tà Ôi quan niệm khi còn sống hồn con người nằm trong khoảng từ ngực đến đầu; lúc con người chết đi, hồn vẫn hiển hiện khắp nơi để mỗi khi không bằng lòng với ai thì sẵn sàng trở về quấy phá người đó.

Hồn cũng biết chuyện trò, biết gõ cửa, biết hóa thân vào trong những giấc mơ của người sống. Hồn người chết vẫn tác động đến người sống, có thể làm cho người sống ốm đau, nợ nần, mất mùa, đói kém. Lễ cúng nhà mồ của người Tà Ôi có bề dày hàng trăm năm nay đã khởi thủy từ quan niệm đó.
Tùy theo điều kiện kinh tế của người dân mà trưởng bản đề ra kế hoạch tổ chức lễ cúng nhà mồ to hay nhỏ. Niên hạn lễ cúng không được ấn định trước, thường thì 10-15 năm tổ chức một lần. Đi kèm với lễ cúng nhà mồ có nghi thức cải táng mồ mả. Người Tà Ôi cho rằng di cốt phải được cất bốc, quy tập về khu mồ chung của dòng họ, làng bản để con cháu quanh năm tiện bề hương khói và thể hiện đạo hiếu nghĩa, lòng tôn kính với người đã khuất. Lễ cúng này chiếm vị trí độc tôn trong tâm thức của người Tà Ôi nên dù có đi xa họ vẫn liên lạc với nhau trở về cúng tế cho phải đạo.

Trung tâm lễ cúng là cây nêu. Đây là nơi trú ngụ của các vị thần và hồn người quá cố mà con cháu mời về dự lễ; là không gian gặp gỡ, chuyện trò của các già làng, trưởng bản lân cận cũng như khách khứa được mời mọc. Trước khi lễ cúng diễn ra, cây nêu phải được chuẩn bị theo cách chỉn chu và sặc sỡ nhất. Mỗi người một việc. Người vào rừng chọn một cây tre già, cao, to, thẳng, lóng tre đều, không cụt ngọn, trên ngọn còn nguyên chùm lá tươi. Người chuẩn bị lồng đèn, cờ, lá phướn, chuông gió để treo phía dưới chùm lá tre. Khi cây nêu được dựng lên tại khu nhà mồ, không khí lễ hội đã thực sự rộn ràng, sau đó bà con lại bắt tay vào công việc làm nhà mồ cho người quá cố. Nhà mồ của người Tà Ôi được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền Việt Nam, 4 cột gỗ chịu lực, mái trước cao hơn mái sau, từng mối nối liên kết với nhau bằng các con chạm hình đôi nam nữ khỏa thân, là dấu chỉ của ham muốn hạnh phúc và sinh trưởng bất tận trong kiếp nhân sinh hữu hạn. Độc đáo nhất chính là cách thức lợp mái nhà mồ. Các ống tre được chẻ đôi ra, kết lại thành 5 lớp theo hình thức úp ngửa, mỗi lớp mái được nối nẹp lại chắc chắn với nhau bằng dây mây rừng. Xong xuôi, từng hộ gia đình khiêng nhà mồ tới đặt ở khu mồ mả của bản làng gần khe suối, bốn mùa nước chảy bởi như vậy ở bên kia thế giới hồn người chết mới được mát mẻ, thanh thoát. Không phân biệt thứ bậc cao thấp, không phân biệt gái trai, già trẻ, cứ theo thứ tự nhà mồ người chết sau được đặt trước và ngược lại, đầu quay về phía núi, ngay hàng thẳng lối, trước sau như một.  

Nghi lễ nhảy múa xung quanh nhà mồ.
Khi công tác chuẩn bị lễ cúng đã xong, các gia đình cử người đại diện tiến hành bốc hài cốt của người quá cố mà trước đây đã được an táng tại khu rừng ma. Hài cốt được hốt hết vào tiểu sành, riêng những nấm mồ không tìm thấy xác, đồng bào vẫn tiến hành cất bốc theo hình thức cầu hồn. Họ để một ít thức ăn trên tấm khăn rồi dùng tên người quá cố khấn vái. Lúc côn trùng bắt đầu xâm nhập vào thức ăn, họ lập tức quấn vải lại kính cẩn đặt trong tiểu sành xem như người chết đã trở về. Khi hài cốt người thân được chôn cất xong ở khu mồ chung, lễ cúng của đồng bào Tà Ôi chính thức bắt đầu. 

Tiếng tù và, chiêng, khèn, thanh la, trống vang ầm trong suốt lễ cúng. Lễ vật để dâng tiến thần linh và hồn người quá cố phải là thực phẩm tươi sống trâu, lợn, gà, trầm hương, rượu, gạo, nếp, đậu xanh... Già làng sấp mình trước cây nêu nói dõng dạc: “Hỡi con dân Tà Ôi và anh em khắp xứ về dự lễ, chúng ta nguyện thề đoàn kết, suốt đời tương trợ lẫn nhau. Xin thần linh và người đã khuất chứng giám, chấp nhận lòng thành và tiếp tục phù hộ cho chúng tôi”. Lời thề vừa dứt, tục lệ “đánh trống chiêng nuôi người đã khuất” suốt 3 ngày 3 đêm chính thức bắt đầu. Chủ lễ và khách thập phương ăn uống, ca hát, nhảy múa cho đến giờ tan lễ.

Vượt trên những suy diễn mang tính phàm tục, lễ cúng nhà mồ của người Tà Ôi là nơi kế thừa và phát triển giá trị đạo đức truyền thống tộc người; là nét văn hóa tâm linh biểu thị lòng tôn kính, hiếu thảo với người đã khuất; khơi dậy tinh thần đoàn kết, ham muốn cố kết cộng đồng nơi các dân tộc anh em.

 Hoàng Hà (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét