Dân Ca X'tiêng (Hoàng Thị Thắng)

Người Xtiêng hay còn gọi là người S’tiêng hay Giẻ Xtiêng(không lầm với tộc Giẻ Triêng) là một dân tộc thiểu số sinh sống tại Việt Nam.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Xtiêng ở Việt Nam có dân số 85.436 người, có mặt tại 34 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Xtiêng cư trú tập trung tại các tỉnh

Bình Phước (81.708 người, chiếm 95,6% tổng số người Xtiêng tại Việt Nam)
Tây Ninh (1.654 người)
Đồng Nai (1.269 người)
Lâm Đồng (380 người)
Bình Dương (153 người).

Theo tài liệu khảo cổ học, từ những di tích, chỉ tìm được ở Đốc Chùa (Tân Uyên), thành Cổ Tròn (Bình Long) thì khả năng xuất hiện của người Xtiêng ước lượng từ 2.000 đến 5.500 năm. Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp chiếm đất của người Xtiêng để lập đồn điền cao su, đẩy người Xtiêng ngày càng lùi sâu vào vùng rừng núi phía Bắc.

Thí sinh Hoa Hậu Dân Tộc, Điểu Thị Thu Trinh, dân tộc S’Tiêng với tấm khăn choàng làm bằng thổ cẩm của người S’Tiêng, đã được truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình cô.Thí sinh Hoa Hậu Dân Tộc, Điểu Thị Thu Trinh, dân tộc Xtiêng với tấm khăn choàng làm bằng thổ cẩm của người Xtiêng, đã được truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình cô.
Về đặc điểm tộc người ngôn ngữ của người Xtiêng thuộc ngữ hệ Môn-Khmer Đông Nam Á. Trong các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn – Khmer ở Tây Nguyên thì người Xtiêng là nhóm cư dân có dân số đông thứ ba sau Ba Na và H’Rê.

Là một dân tộc thuộc cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, và là chủ nhân lâu đời của miền đất Nam Trường Sơn, dân tộc Xtiêng có một nền văn hóa mang nhiều sắc thái chung với những người anh em Tây Nguyên nhưng cũng không thiếu những nét độc đáo, phong phú mang tính chất đặc thù bản sắc của dân tộc mình. Cư ngụ ở Nam Tây Nguyên, Xtiêng như một cánh cửa đón nhận sự giao lưu, hội nhập của văn hóa người Việt, người Khmer, người Mnông. Vì lẽ đó, những gì thuộc bản sắc Văn hóa Xtiêng rõ ràng phải có một sức sống mãnh liệt mới có thể tồn tại và phát triển được.

Ngày nay người Xtiêng ở nhiều nơi đã định canh định cư, từng gia đình làm nhà ở riêng. Họ Điểu là họ phổ biến khắp vùng Xtiêng. Làng Xtiêng có truyền thống tự quản, đứng đầu là một già làng am hiểu tập tục, có uy tín lớn, tháo vát và thường là người giàu có ở làng. Mức giàu được tính bằng tài sản như: trâu, bò, chiêng, cồng, ché, vòng, trang sức và còn rất nhiều thứ khác nữa. Về hình thái kinh tế, có thể tạm chia dân tộc này thành hai nhóm là nhóm Bù Đéc ở vùng thấp, biết làm ruộng nước và dùng trâu, bò kéo cày từ khá lâu và nhóm Bù Lơ ở vùng cao, làm rẫy là chủ yếu, sống gần gũi với người M’Nông, người Mạ.

Tín ngưỡng của người Xtiêng là “vạn vật hữu linh”, họ quan niệm vật gì cũng có hồn, do đó họ thờ đa Thần, Thần Mặt Trời, Thần Mặt Trăng, Thần Gió, Thần Mưa, Thần Núi, Thần Sông, Thần Thác Nước…. nhưng quan trọng đối với người Xtiêng là vị thần Yang Liêng, người đã khai sáng ra vùng đất của người Xtiêng hiện nay. Bên cạnh đó là các vị thần được tôn thờ như Thần Núi Yang Yumbra (cư ngụ trên đỉnh núi Bà Rá). Thần Thác Liêng Hur, người chiến thắng các Thần Thác Nước khác trong vùng.

Nhà sàn của tộc Xtiêng.Nhà sàn của tộc Xtiêng.

Nhà ở của người Xtiêng không đồng nhất giữa các khu vực. Chẳng hạn ở Bù Lơ người Xtiêng sống trong nhà đất dài với gia đình lớn theo chế độ phụ hệ; ở Đắc Kia người Xtiêng cư trú trong nhà sàn, nhà nứa và nhà đất ngắn với gia đình nhỏ; ở Bù Đeh người Xtiêng lại sống trong nhà sàn dài với gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ.

Bộ khung nhà người Xtiêng dù nhà sàn hay đất đều trên cơ sở vì hai cột (không có kèo). Căn cứ vào cấu tạo của bộ khung nhà đất của người Xtiêng hiện nay còn thấy thì nhà đất của người Xtiêng là rất thô sơ. Nhà đất của người Xtiêng chỉ như là một cái chòi, mái được kéo gần sát mặt đất. Cửa ra vào rất thấp, mở ở hai đầu hồi và một cửa ở mặt trước nhà, mái trên cửa cũng phải cắt bớt hoặc làm vòng lên như ở nhà người Mạ.

Người Xtiêng lấy vợ, lấy chồng khác dòng họ. Thông thường con trai từ tuổi 19-20, con gái từ tuổi 15-17 bắt đầu tìm bạn đời. Sau lễ cưới chú rể về nhà cô dâu. Hiện nay, ở một số vùng con gái cũng về nhà chồng.

Trang phục của người Xtiêng khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Mùa đông họ choàng một tấm vải để chống rét. Người Xtiêng để tóc dài búi sau gáy, tai sâu lỗ, hoa tai bằng gỗ, ngà voi và xăm mặt, xăm mình với những hoa văn giản đơn. Mọi người nam, nữ, già, trẻ đều thích đeo các loại vòng. Trẻ em còn nhỏ đeo lục lạc ở hai cổ chân.
Người Xtiêng có khá nhiều truyền thuyết, truyện kể, thơ ca dân gian nói về nguồn gốc tộc người, về sự tích lai lịch các vị Thần, về lịch sử đấu tranh và xây dựng của cộng đồng, về những sinh hoạt thường ngày, về tình yêu nam nữ… Những già làng, lão làng ở Đắk Ơ, Đắk Nhau là những người thuộc nhiều, nhớ nhiều vốn văn học này. Đáng chú ý ở cộng đồng người Xtiêng có lối hát nói, hát kể (Tâm – pơt) do một hoặc hai người cùng thể hiện, là một hình thức chuyển tải những truyền thuyết huyền thoại, sự tích hoặc tâm tư nguyện vọng của người Xtiêng đối với cộng đồng mình. Người càng cao tuổi càng biết nhiều bài Tâm – pơt và hát càng hay hơn.

Người Xtiêng bản tính đôn hậu trầm lắng và rất yêu ca hát. Trong vốn âm nhạc cổ truyền của tộc Xtiêng, nghệ thuật cồng chiêng nổi lên như một viên ngọc sáng. Cũng như các anh em khác trên dọc dãy Trường Sơn, cồng chiêng đã gắn bó với cộng đồng người Xtiêng như máu thịt, nó đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần của họ. Nghệ thuật cồng chiêng Xtiêng mang nhiều nét chung của cồng chiêng Tây Nguyên và cũng có rất nhiều yếu tố độc đáo mang tính đặc thù của dân tộc mình. Nó đã tự khẳng định được một chỗ đứng vững chắc, một giá trị đáng tự hào trong đại gia đình cồng chiêng Việt Nam.

Chiêng của tộc Xtiêng thường thấy nhất là bộ chiêng 6 cái. Chiêng không được gõ ở ngoài nhà, trừ ngày lễ đâm trâu. Chiêng dùng trong hội lễ, cả trong bộc lộ tình cảm, hòa giải xích mích giữa các gia đình. Ngoài chiêng còn có cồng, khèn bầu cũng được người Xtiêng ưa thích.

Âm nhạc cổ truyền Xtiêng còn có một khối lượng dân ca phong phú và đa dạng. Người Xtiêng có lối hát kể (Tâm – pơt), có thể loại tình ca (Nao – lan), trường ca (O-Kroong), có hát ru, có đồng dao và nhiều bài sinh hoạt khác.

Nói đến âm nhạc của người Xtiêng, không thể không nhắc đến các nhạc cụ dân gian và các bài bản dân nhạc. Người Xtiêng biết chế tác và sử dụng nhiều nhạc cụ như kènM’buốt, Sáo Tơ lết, Sáo U-Kooc-le, Sáo Pia, Sáo N’hôm, kèn Nung biên, đàn Đinh put, và một số loại trống.

Những nhạc cụ trên có khi được biểu diễn đệm cho hát, có khi diễn tấu những bản nhạc ngắn. Dân nhạc Xtiêng là những bài bản ngắn, gọn, đơn giản, thường thể hiện mô phỏng tiếng suối, tiếng gió, tiếng con chim, con sóc, những hiện tượng tự nhiên gần gũi với cuộc sống của tộc người.

Về nghệ thuật múa, người Xtiêng có điệu múa trong lễ hiến sinh. Trong lễ cúng “Con Bà Bóng (Mê Prak), những động tác, đội hình mang tính chất múa như khi biểu diễn cồng chiêng đi diễn vòng… Ngoài ra, ở một số nơi sống gần gũi hoặc đan xen với người Khmer, lớp trẻ tiếp nhận ở người Khmer điệu múa Lâm thôn…

Bài Hát Thương Nhau
Con lươn nằm yên ở đầu nguồn
Tình đôi ta sẽ không hề thay đổi
Từ lúc tôi đến bên nàng
Tất cả buôn làng đều đồng ý
Núi rừng đã biết đièu thầm kín
Rể cây đa quấn quít thân cây
Làm sao đôi ta thương nhau
Mà giấu tất cà mọi người

NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.

Cuộc Tình Chia Tay

NS Nguyễn Đình Nghĩa Ký âm.

Múa Lễ tạ ơn của người Xtiêng.

Múa tín ngưỡng của tộc người Xtiêng
Tín ngưỡng là một loại hình sinh hoạt văn hóa đặc trưng của các tộc người thiểu số ở Việt Nam, nó tồn tại lâu đời trong tiến trình hình thành phát triển văn hóa của từng tộc người. Tín ngưỡng là một nhu cầu trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của con người, nơi gửi gắm niềm tin, ước vọng, giải thoát của nhiều tộc người thiểu số. Bởi vậy, tín ngưỡng gắn bó với quá trình vòng đời của mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội.
Người Xtiêng quan niệm rằng “vạn vật hữu linh” tất cả đều linh thiêng đều có thần trú ngụ, như thần mặt trời, thần mặt trăng, thần núi, thần rừng, thần gió, thần mưa… nên đều phải có cúng lễ cầu, mong thần ban phúc.
Trong các thần được tôn thờ và quan trọng là thần Yang Liêng, thần khai sáng các vùng đất của người Xtiêng, sau đó là thần lúa (Tut ba) có nơi còn gọi là mẹ lúa.
Quá trình thực hiện tín ngưỡng là quá trình phản ánh các nội dung về tín ngưỡng, phù hợp với các nghi lễ, luật tục của từng tộc người. Từ đó người Xtiêng đã hình thành các loại tín ngưỡng sau:
Tín ngưỡng thờ thần thác (Liêng Hur)
Tín ngưỡng cầu mong (cầu mưa, lửa) (Loh dak nnao rhe)
Tín ngưỡng cúng thần lúa (Tut ba)
Tín ngưỡng mừng được mùa (Xerhâyba)
Tín ngưỡng mừng cơm mới (pabakhiêu)
Tín ngưỡng cầu mong bình an (thần rừng, núi, nước, tổ tiên) (Tarăm prắk tròok bri)
Tín ngưỡng tạ ơn (thần rừng, nước lúa) (Lóh prăh yang bri dak pa)
Tín ngưỡng ăn trâu (Tam boh tạpưng bal Khel)
Tín ngưỡng đuổi ma (Craih chêer rlang tăng khăng)
Tín ngưỡng tìm hồn, cầu phép (Mê prăh dih séh hăn doi Kmôônh)
Tín ngưỡng vòng đời (Âp prăh kungpu múh)…

Trong các tín ngưỡng nghi lễ của người Xtiêng phải kể đến hai nghi lễ quan trọng có ảnh hưởng tới tình cảm đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Xtiêng.
Lễ cúng cơm mới (paba Khiêu)
Lễ cúng cơm mới là thể hiện tấm lòng tôn kính thần lúa đã đem lại cuộc sống ấm no cho người Xtiêng. Từ đó họ tổ chức lễ cúng cơm mới (pabakhiêu) vào những dịp thu hoạch mùa màng bội thu, theo nghi lễ của người Xtiêng.

“Trong các nghi lễ này, nhất là lễ cúng cơm mới, lễ thu hoạch lúa, người Xtiêng thường có tục hiến sinh (giết gà, heo, trâu) để tế thần. ở lễ hiến sinh có tục đâm trâu (có nơi gọi là lễ đâm trâu) khá hấp dẫn lôi cuốn các thành phần trong buôn (bon) tham gia.

Cùng với tiếng nhạc cồng chiêng là tục đâm trâu, lễ hiến sinh trở thành một nội dung quan trọng của người Xtiêng trong đời sống hàng ngày.

Trong lễ hội này người ta có sự chuẩn bị công phu:
–  Rượu ngâm trước hàng tháng.
–  Chọn cây nêu và chạm trổ hoa văn cây nêu (cột buộc trâu) thật đẹp.
–  Chăm sóc con trâu kĩ lưỡng để tế thần.
–  Chuẩn bị quần áo đẹp để đi trẩy hội.
–  Ngày lễ chọn một số trai, gái trong bon khỏe và đẹp nhảy múa vòng quanh con trâu theo vùng ngược kim đồng hồ để làm lễ đâm trâu. Trâu được mổ thịt chia đều cho dân bon cùng mở hội hân hoan, mừng lúa rẫy tươi tốt.
–  Trai làng cùng nhảy múa, một số người khỏe mạnh trai tráng thì tham gia “đâm trâu” cùng với già làng (hoặc người có uy tín trong làng) được làng cử ra làm trưởng lễ.

Lễ đâm trâu là biểu hiện tinh thần trọng vọng thần linh của người Xtiêng. Người Xtiêng giết trâu để dâng hiến thần linh nhờ che chở phù hộ, biểu hiện lòng biết ơn của mình đối với các vị thần đã cho họ mùa màng bội thu.”(1)

Trong những tín ngưỡng trên, có các điệu múa tham gia như là một thành tố quan trọng không thể thiếu vắng. Những điệu múa do các thầy cúng, ông bóng, bà bóng thực hiện. Thầy cúng, bà bóng là trung gian chuyển tải mối quan hệ giữa thần linh với người trần gian. Từ nhu cầu của sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mà người Xtiêng đã sáng tạo hình thái múa tín ngưỡng.

Múa tín ngưỡng có đặc điểm cơ bản là yếu tố ngẫu hứng và mang tính độc diễn. Tuy theo bài bản, quy ước chung, nhưng nó vẫn mang dấu ấn sáng tạo cá thể. Đó là phụ thuộc vào nghệ thuật của các thầy cúng, bà bóng. Song nó vẫn bảo tồn đặc trưng, bản sắc, bài bản, quy ước của từng tộc người. Do vậy, đều là tín ngưỡng cầu mùa, tín ngưỡng thờ thần nước, thần núi, thần rừng nhưng nghệ thuật múa tín ngưỡng có khác nhau. Mặt khác còn phụ thuộc vào phong tục, tập quán, nghi lễ, luật tục và truyền thống văn hóa của từng người.

Múa tín ngưỡng của người Xtiêng phần lớn do bà bóng thực hiện, bà bóng được xem như người có nhiều phép thuật có khả năng sai khiến âm binh, trừ ác quỷ, chữa bệnh cho người. Những phép thuật ấy thông qua sự trình diễn của bà bóng, thông qua những lời khẩn cầu, thông qua những điệu múa, điệu hát và múa dâng lễ cầu khẩn các thần linh (yang) phù hộ.
Múa dâng lễ là điệu múa khởi đầu để cúng khấn các vị thần linh, rồi tiếp đến các nghi lễ của tín ngưỡng thờ thần linh.
Múa dâng lễ có hai cách: Một là đội mâm lễ vật hoa quả, trái cây, hoặc múa tay không, không có đội mâm lễ vật mà chỉ là tượng trưng.
Múa dâng lễ được trình bày ở phần này là múa tay không, chỉ là tượng trưng đội mâm lễ vật.
Động tác múa chủ đạo

Động tác tay, là hai tay tạo thành hai đường dây cung đối nhau giơ lên cao, hai bàn tay ngửa lên trên, và khi biến đổi thì hai bàn tay xòe lòng bàn tay hướng phía trước, phối hợp với động tác tay là người xoay bên phải, xoay bên trái, rồi trở về người ở thế tự nhiên.

Động tác chân, một chân nhún tại chỗ, đồng thời chân kia đá nhẹ lên phía trước, sau đó chân đá kéo về nhún nhẹ tại chỗ, chân trụ làm trụ đá nhẹ lên phía trước. Cứ như vậy hai chân hoán vị cho nhau, nhún đá tiến phía trước, hoặc lùi, hoặc xoay tròn tại chỗ.

Múa dân gian của người Xtiêng.

Múa quay cây nêu (cây Ser)
Các tộc người thiểu số vùng Tây Nguyên nói chung, tộc người Xtiêng nói riêng, cây nêu là một biểu tượng thiêng liêng, một biểu tượng của tín ngưỡng, nghi lễ cộng đồng. Nó gắn bó với con người trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lớn của toàn cộng đồng. Trong đó ẩn chứa các hồn, các thần linh và nhiều phong tục, tập quán, luật tục, văn hóa nghệ thuật của tộc người.
Cây nêu cũng được xem như cây vũ trụ có ảnh hưởng tới đời sống văn hóa tín ngưỡng của mọi thành viên trong cộng đồng. Nơi đây cũng là nơi gửi gắm nỗi niềm tâm linh, ước vọng của con người. Nên nhiều tín ngưỡng nghi lễ lớn quan trọng đều diễn ra ở quanh cây nêu, cây vũ trụ.
Cây nêu được trang trí rất đẹp, rực rỡ nhiều màu sắc, hoa văn. Cây nêu thường được làm bằng cây tre lớn, cây vầu, hoặc gỗ. Trên cây nêu thường có những lông chim và hoa Cam rai hoặc chim thần thường ở trên đỉnh cây nêu. Phía dưới là bông lau, bông lúa, những loài động vật như chim, cá, ếch, mặt trời, mặt trăng… và các loài hoa dây bằng giấy hoặc vải.
Khi vào rừng lấy cây tre, gỗ và khi dựng cây nêu đều phải tiến hành nghi lễ cầu cúng, cho hồn vía thần vào cây nêu. Đó là một nghi lễ luật tục rất quan trọng không thể bỏ qua.
Động tác múa chủ đạo 1 (múa tay không)
Động tác tay, hai tay đưa chéo xuống, chếch rộng sang hai bên, cổ bàn tay gập xuống rồi bật lên. Khi gập bật cổ tay đồng thời hai vai hơi nhấc lên, hạ xuống. Cứ như vậy liên tục gập, bật cổ tay.
Động tác chân, hai chân đưa rộng sang hai bên ở thế tự nhiên, hai bàn chân cách nhau khoảng 30cm, hai gối khuỵu, nhún đều lên xuống theo nhịp gập, bật cổ tay. Chân nhún bật theo hướng xoay bên phải, rồi xoay sang trái.
Kết hợp với động tác tay chân là người luôn khom (gập phía trước khoảng 45 độ).
Động tác múa chủ đạo 2 (múa có đạo cụ cầm hoa Cam rai)
Hoa Cam rai là các khúc tre, thanh tre vót mỏng, uốn cong, tỏa ra như bông hoa. Hoa Cam rai là loại hoa cao quý để dâng lễ, cúng thần linh.
Động tác tay, hai tay song song đưa sang bên phải, bên trái đồng thời hai tay vuốt nhẹ lên và uốn bàn tay úp xuống, đưa sang bên hông. Rồi từ từ đưa tay lượn vòng phía trước, giơ lên cao trước ngực rồi vuốt nhẹ đưa sang bên hông.
Động tác chân vừa nhún bước tiến lên và hơi đưa chân ra phía trước, đồng thời chân hướng xoay bên phải, xoay bên trái.
Kết hợp với động tác tay, chân là người khom (gập nhẹ) phía trước và xoay người sang bên theo hướng hoạt động của động tác tay. Múa với đạo cụ cầm tay là hoa Cam rai thao tác như múa tay không, luật động như múa tay không.
Động tác múa chủ đạo 3 (múa tay không)
Động tác tay, hai nữ đối diện nhau, cầm tay nhau đưa lên, hạ xuống liên tục múa theo khổ nhạc cồng chiêng, và trống Xa gơ. Rồi biến đổi hai tay giơ lên cao xoay người giáp lưng nhau, hai tay giơ lên, hạ xuống bên phải, bên trái vẫn ở thế giáp lưng, tiến hành theo khổ nhạc cồng chiêng. Rồi đồng thời xoay người trở về lúc đầu (hai người đối diện nhau). Tiếp tục múa giơ tay lên, hạ xuống đồng thời xoay người giáp lưng nhau.
Động tác chân, hai chân ở thế tự nhiên, nhún xuống bật lên đồng thời xoay sang phải, sang trái. Cứ như vậy phối hợp đồng bộ động tác tay, chân, người, tạo thành một tổ hợp múa chủ đạo, đặc trưng, bản sắc độc đáo của nghệ thuật múa Xtiêng.
Múa đuổi ma (Craih Chêer riang Tăng khăng)
Người Xtiêng cũng như các tộc người thiểu số khác đều quan niệm rằng ốm, đau, bệnh tật, sinh tử đều có mệnh trời, đều có ma quỷ, hồn vía, ma lành, ma ác… ma lành, làm lễ khấn cúng thì ma nó đi, ma ác thì nó ở lại với con người, làm cho con người không khỏi bệnh và chết. Nhất là “Ma Lai” thì các tộc người thiểu số vùng Tây Nguyên rất căm ghét nó thuộc ma ác, làm chết người.
Có nơi, có tộc người thấy “Ma Lai” nhập vào người trần vào thì còn tìm cách diệt, để nó không ám hại được người, toàn cộng đồng căm ghét. Điều đó rất nguy hiểm, có khi ám hại người có bệnh, mà một thầy cúng nào đó nói là “Ma Lai” nhập vào người, thì rất nguy hiểm đến tính mạng người đó.
Nhưng phổ biến là làm lễ khấn vái để đuổi tà ma cứu người mắc bệnh, nghi lễ cúng ma, đuổi ma của người Xtiêng khá phức tạp và theo nhiều bước.
Trước tiên, gia chủ phải đặt trên bàn thờ hương hoa và các vật lễ khác, rồi mời thầy cúng đến trước bàn thờ khấn vái khẩn cầu xin phép đón mời thần linh, các Yang (các thần) về phù hộ. Rồi sau đó tiếp các thủ tục nghi lễ đuổi trừ tà ma, tăng sức cho người bệnh. Thầy cúng đến bên người bệnh, người bệnh nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng. Thầy cúng tiến hành nghi lễ và múa làm phép đuổi tà ma. Khi tiến hành múa đuổi tà ma là luôn đọc lời cầu nguyện cho ma đi cùng với âm nhạc là cồng chiêng, kèn bầu.
Động tác múa chủ đạo
Thầy cúng một tay cầm chén rượu, một tay cầm nén nhang, tay cầm nhang vẽ những đường tròn, ngang, dọc, lượn quay trong không gian, như ám hiệu, như trừ tà ma. Một tay cầm chén rượu cùng múa lượn đi lượn lại phối hợp tay cầm nhang múa. Tay cầm nhang múa lượn vẽ quanh chén rượu làm phép. Rồi thầy cúng ngậm rượu phun lên người bệnh. Tiếp theo tay cầm chén rượu vừa múa, vừa đổ rượu xung quanh người bệnh.
Động tác chân ở thế một chân tấn (khuỵu) một chân duỗi trước hoặc ngang, rồi bước đổi chân, tiếp tục đi quanh người bệnh.
Tiếp theo, thầy cúng cầm một bát gạo trong bát gạo đó có cây nến và một tay cầm bát than hồng (loại than bằng gỗ thơm hoặc vỏ cây thơm).
Rồi hai tay cầm bát gạo và bát than vừa đi vừa múa quanh người bệnh theo chiều ngược kim đồng hồ rồi đi ngược lại, vừa đi vừa múa, vừa đọc tụng lời khấn.
Rượu, nhang như là phép màu nhiệm của thần linh (Yang) để đuổi tà ma.
Gạo, than như là phép của thần linh đem lại sức khỏe cho con người, như truyền sức mạnh của thần linh cho con người. Con người sẽ khỏi bệnh, mạnh khỏe và luôn nhớ ơn thần linh.

Trong các tín ngưỡng nghi lễ của người Xtiêng phải kể đến “lễ cúng cơm mới”

Lễ cúng cơm mới (paba Khiêu) của người Xtiêng
Người Xtiêng quan niệm rằng “vạn vật hữu linh” tất cả đều linh thiêng đều có thần trú ngụ, như thần mặt trời, thần mặt trăng, thần núi, thần rừng, thần gió, thần mưa… nên đều phải có cúng lễ cầu, mong thần ban phúc.
Trong các tín ngưỡng nghi lễ của người Xtiêng phải kể đến “lễ cúng cơm mới” – nghi lễ quan trọng có ảnh hưởng tới tình cảm đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Xtiêng.
Lễ cúng cơm mới thể hiện tấm lòng tôn kính thần lúa đã đem lại cuộc sống ấm no cho người Xtiêng. Được tổ chức vào những dịp thu hoạch mùa màng bội thu, theo nghi lễ của người Xtiêng.
Trong lễ cúng cơm mới, người Xtiêng thường có tục hiến sinh (giết gà, heo, trâu) để tế thần. Ở lễ hiến sinh có tục đâm trâu (có nơi gọi là lễ đâm trâu) khá hấp dẫn lôi cuốn các thành phần trong buôn (bon) tham gia.
Trong lễ hội này người ta có sự chuẩn bị công phu: Rượu ngâm trước hàng tháng. Chọn cây nêu và chạm trổ hoa văn cây nêu (cột buộc trâu) thật đẹp. Chăm sóc con trâu kĩ lưỡng để tế thần. Chuẩn bị quần áo đẹp để đi trẩy hội.
Ngày lễ chọn một số trai, gái trong bon khỏe và đẹp nhảy múa vòng quanh con trâu theo vùng ngược kim đồng hồ để làm lễ đâm trâu.
Trai làng cùng nhảy múa, một số người khỏe mạnh trai tráng thì tham gia “đâm trâu” cùng với già làng (hoặc người có uy tín trong làng) được làng cử ra làm trưởng lễ. Sau đó, trâu được mổ thịt chia đều cho dân bon cùng mở hội hân hoan, mừng lúa rẫy tươi tốt.
Lễ đâm trâu là biểu hiện tinh thần trọng vọng thần linh của người Xtiêng. Người Xtiêng giết trâu để dâng hiến thần linh nhờ che chở phù hộ, biểu hiện lòng biết ơn của mình đối với các vị thần đã cho họ mùa màng bội thu.

Tổ chức đâm trâu trong lễ cúng cơm mới.Tổ chức đâm trâu trong lễ cúng cơm mới.

Ngoài thịt trâu, thức ăn thiết đãi khách trong buổi lễ còn có cơm lam, rượu cần, cháo bồi, canh thụt, đọt mây nướng… Tiệc kéo dài thêm một vài ngày nữa cho đến khi hết thịt, rượu nhạt.

Trong những tín ngưỡng trên, có các điệu múa tham gia như là một thành tố quan trọng không thể thiếu vắng. Những điệu múa do các thầy cúng, ông bóng, bà bóng thực hiện. Thầy cúng, bà bóng là trung gian chuyển tải mối quan hệ giữa thần linh với người trần gian. Từ nhu cầu của sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mà người Xtiêng đã sáng tạo hình thái múa tín ngưỡng.

Múa tín ngưỡng có đặc điểm cơ bản là yếu tố ngẫu hứng và mang tính độc diễn. Tuy theo bài bản, quy ước chung, nhưng nó vẫn mang dấu ấn sáng tạo cá thể. Đó là phụ thuộc vào nghệ thuật của các thầy cúng, bà bóng. Song nó vẫn bảo tồn đặc trưng, bản sắc, bài bản, quy ước của từng tộc người. Do vậy, đều là tín ngưỡng cầu mùa, tín ngưỡng thờ thần nước, thần núi, thần rừng nhưng nghệ thuật múa tín ngưỡng có khác nhau. Mặt khác còn phụ thuộc vào phong tục, tập quán, nghi lễ, luật tục và truyền thống văn hóa của từng người.
Việc tổ chức lễ hội cúng cơm mới truyền thống đối với đồng bào Xtiêng rất quan trọng, nhằm phát huy và gìn giữ nét đẹp văn hóa bao đời, tạ ơn trời đất, mừng được mùa, gắn kết cộng đồng…

Lễ cột chỉ tay Toon ty Kon là một trong những nghi lễ quan trọng trong các nghi lễ vòng đời người của dân tộc Xtiêng.

Lễ cột chỉ tay Toon ty Kon – nét đẹp văn hóa của người S’tiêng
Lễ cột chỉ tay Toon ty Kon là một trong những nghi lễ quan trọng trong các nghi lễ vòng đời người của dân tộc S’tiêng, là một nét đẹp văn hóa mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm của gia đình và gia tộc đối với con, cháu.
Cũng như các dân tộc khác, người S’tiêng có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Trong số các giá trị văn hóa đó, tồn tại qua thời gian và được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua sự giáo dục của gia đình, dòng tộc và xã hội là “lễ cột chỉ tay Toon ty Kon”.

Người S’tiêng cho rằng, việc nuôi con trưởng thành đến tuổi 13 là một niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Xuất phát từ điều kiện khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, điều kiện kinh tế… việc nuôi con khôn lớn trưởng thành là một dấu mốc quan trọng. Đánh dấu bằng nghi lễ cột chỉ tay mà bất cứ một người S’tiêng nào đã trải qua nghi lễ này thì suốt đời không thể quên.

Thời gian để tiến hành nghi lễ thường là vào tháng 2 tháng 3 âm lịch, khi ngoài đồng, hay trên rẫy chỉ còn lại những gốc rạ, trên chòi lúa đã đầy ắp… là thời điểm nông nhàn nhất có thể tập trung được nhiều người đến dự lễ.

Để thực hiện được nghi lễ này gia đình – có khi là cả gia tộc có con, cháu sắp đến tuổi trưởng thành phải chuẩn bị lễ vật trước đó từ 1 đến 3 năm. Tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình hoặc gia tộc lễ vật có thể là một con heo nuôi từ nhỏ, có khi là một con trâu, ngoài ra rượu cần, gạo nếp để nấu cơm lam là những lễ vật cũng phải chuẩn bị trước đó một thời gian dài..

Trong lễ “cột tay bà mụ”, sau khi bày biện các món ăn ngon nhất dâng lên cúng thần linh và tổ tiên, sẽ đến phần lễ “cột chỉ cổ tay”. Một bó dây chỉ bằng sợi vải dệt thổ cẩm được nhúng sơ vào huyết gà được dọn ra.
Các thành viên trong gia đình, họ tộc đến dự lễ lấy dây chỉ nhúng vào huyết gà rồi cột vào cổ tay đứa trẻ vừa đầy tháng nhằm gửi gắm đứa trẻ cho “bà mụ”, là một vị thần trông nom, bảo vệ sức khỏe cho đứa bé. Ngoài ra, với người S’Tiêng, khi đứa trẻ tròn 13 tuổi thì gia đình cũng làm lễ cột chỉ tay “Cờ ty con” nhằm đánh dấu, chúc mừng một bước trưởng thành của đứa bé, đồng thời qua đó cầu xin thần linh ban ơn phù hộ cho đứa bé có sức khỏe, chăm ngoan.
Sau khi làm lễ buộc chỉ tay cho đứa trẻ và chúc phúc cho gia đình, anh em, bạn bè của gia đình cũng tặng đứa trẻ những món quà kỷ niệm để cho nhân vật chính của buổi lễ chuẩn bị bước vào đời.
Những người đến vui chơi với gia đình không phân biệt già, trẻ, gái, trai không phân biệt địa vị xã hội. Họ đến dự lễ với một điều rất đơn giản là chúc phước lành cho đứa trẻ, sau đó cùng với gia chủ và mọi người vui chơi, ca hát. Ngoài việc chúc phúc cho đứa trẻ và gia chủ, thì địa điểm hành lễ còn là nơi để mọi người có dịp để thoải mái vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả. Những làn điệu dân ca, dân vũ, hát đối đáp, các làn điệu cồng chiêng được các nghệ nhân, nam thanh, nữ tú cùng nhau hòa tấu ngân vang giữa núi rừng… tiếp nối năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, những mê khúc ấy được lưu truyền – bảo tồn và phát triển.
Lễ cột chỉ tay Toon ty Kon là một nghi lễ đặc trưng của dân tộc S’tiêng, mang những giá trị nhân văn cao cả. Qua nghi lễ ta thấy được cách ứng xử của con người với con người, con người với thần linh và những nét văn hóa đặc sắc riêng của người S’tiêng.

Giới thiệu dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của người S’tiêng, Bình Phước.

Bình Phước: Khôi phục Lễ hội văn hóa ẩm thực và trang phục dân tộc S’tiêng
Vừa qua, tỉnh Bình Phước đã tổ chức Lễ hội truyền thống văn hóa ẩm thực và trang phục của đồng bào dân tộc S’tiêng, với nỗ lực phục dựng lại những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, những món ăn, thức uống, những sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào.
Trong khuôn khổ Lễ hội, Ban tổ chức đã tập trung trình diễn 2 mô hình là dệt thổ cẩm, trang phục và mô hình về ẩm thực của dân tộc S’tiêng.
Theo đó, các nghệ nhân S’tiêng đã quảng bá và giới thiệu về văn hóa cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, rượu cần, các món ăn tiêu biểu như cơm ống, cơm nắm, cơm bầu, canh bồi, canh thụt, thịt trâu nấu lá nhíp, cá lóc nướng, thịt heo nướng, đọt mây nướng…

Chế biến ẩm thực của người S’tiêng.

Những người tham gia trong dịp quảng bá sẽ hiểu rõ hơn về cách thức chế biến các món ăn, thức uống có nguồn gốc truyền thống lâu đời từ các loại lá, rễ cây mà hiện nay, trong cộng đồng dân tộc S’tiêng vẫn còn có những cách bảo tồn khác nhau. Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện 2 mô hình này nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức, tay nghề, nâng cao vai trò của chủ thể văn hóa trong việc khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống của đồng bào S’tiêng. Qua đó giúp cho việc phát triển văn hóa, du lịch ở Khu bảo tồn văn hóa S’tiêng tại Sóc Bom Bo. Trên cơ sở đó sẽ nhân rộng hoạt động du lịch về lịch sử, văn hóa của người S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Có thể thấy, trước thực tế nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang bị mai một trước sự xâm nhập của văn hóa khác nhau từ nhiều vùng miền. Việc Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước tổ chức đợt quảng bá mô hình các sản phẩm ẩm thực và trang phục truyền thống của dân tộc S’tiêng là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần phát huy, gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh.

Ông bà cụ người Xtiêng ở Tà Lài, Tân Phú, Đồng Nai (ảnh Nguyễn Phương).

Lễ Hội Văn Hóa Ẩm Thực Và Trang Phục Của Đồng Bào Dân Tộc S’Tiêng
Ban Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy trang phục, ẩm thực truyền thống của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước” vừa phối hợp Sở KH&CN, Sở VH-TT&DL, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước và huyện Bù Đăng tổ chức lễ hội truyền thống văn hóa ẩm thực và trang phục của đồng bào dân tộc S’Tiêng tại sóc Bom Bo.

Lễ hội nhằm tạo điều kiện cho đồng bào S’Tiêng gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống; giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa này đến du khách; đồng thời đưa phong trào văn hóa văn nghệ của đồng bào và địa phương đi lên.

Sau đây là ghi nhanh những hình ảnh ấn tượng tại buổi lễ này:

Tái hiện hình ảnh giã gạo trên sóc Bom Bo.Tái hiện hình ảnh giã gạo trên sóc Bom Bo.



Ăn với cơm lam nấu trong ống lồ ô.Ăn với cơm lam nấu trong ống lồ ô.

Món cơm nắm quen thuộc khi lên nương rẫy của đồng bào.

Món canh bồi đặc trưng.

Sử thi tộc người Stiêng “Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas”

Phụ nữ Xtiêng.Phụ nữ Xtiêng.

A. TÓM TẮT TÁC PHẨM
Krông Kơ Laas là con của vua trời Vrah Ơn Lơ Wak và bà Lươm Jiang Nơar. Vì muốn như chị của mình là Lươm Cao Vrah, được người dưới mặt đất dâng đồ cúng, Krông Kơ Laas quyết định xuống mặt đất để tìm một người vợ làm trung gian tổ chức lễ bà bóng và dâng đồ cúng cho chàng. Đồng thời, chàng nghe lời đồn đại rằng ở dưới mặt đất có nàng Rơ Liêng Mas, đã có chồng là chàng Vram, vô cùng xinh đẹp. Vì thế, bỏ mặc những lời khuyên nhủ và ngăn cản của cha mẹ, Krông Kơ Laas quyết tâm xuống đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas về làm vợ mình.
Trên đường bay xuống mặt đất, Krông Kơ Laas được thần rừng Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach đón tiếp và chiêu đãi chu đáo. Lần lượt, Krông Kơ Laas còn được các thần: thần sông, thần suối, thần núi, thần đèo chào hỏi ân cần. Krông Kơ Laas đã đi qua rất nhiều ngôi làng, nhiều khu rẫy trù phú. Chàng còn đi qua cả ngôi làng cũ của Jiang Yâu Wdra, Lươm Kơ Sap Ca, Mlach Lơ Ha Yâu Keng Rơach với cảnh vật hoang vắng, u buồn.
Sau khi vượt qua được quãng đường khá xa, vì sợ bị phát hiện, Krông Kơ Laas liền hóa thân thành con chim cu và bay tới đậu trên cây dừa rồi cây cau trước nhà nàng Rơ Liêng Mas. Được tận mắt chiêm ngưỡng sắc đẹp của Rơ Liêng Mas, Krông Kơ Laas quá mừng rỡ. Lợi dụng sự vô ý của Rơ Liêng Mas khi đang chuyện trò với chồng là Vram, Krông Kơ Laas từ lốt con chim cu liền hóa thành con ong bay đến cướp hồn của Rơ Liêng Mas rồi bay đi mất. Mặc cho lời kêu cứu thảm thiết của Vram, cơ thể Rơ Liêng Mas mễm nhũn ra vì đã mất hồn. Nghe tiếng kêu cứu, mọi người chạy đến, trong đó có anh trai Jiang Sơ Đơach Lơ[1] và chị dâu Lươm Koon Gơôr của Rơ Liêng Mas. Khi đã nghe Vram tường thuật đầu đuôi sự việc, Jiang Sơ Đơach Lơ mơ hồ nhận ra có một sự bất thường ở đây nên sai con trai là Nglon Hơr đi nhờ các thầy bà bóng đoán tìm nguyên nhân. Nglon Hơr lập tức đi tìm các thầy bà bóng. Chàng đi qua nhiều làng, đến nhà nhiều thầy bà bóng nổi tiếng nhưng tất cả đều lắc đầu bất lực. Ngay cả đến bà thầy có tiếng tăm nhất là bà Vôk Di Vrâu Da Vrah Jơ Ngơat cũng đành chịu thua. Nglon Hơr quay về trong nỗi thất vọng. Trong lúc đó, Jiang Sơ Đơach Lơ chợt nhớ ra Lươm Koon Gơôr cũng là thầy bà bóng giỏi, liền kêu Lươm Koon Gơôr hãy lên đồng đoán việc. Lươm Koon Gơôr lấy đèn sáp, lấy nhang đốt lên rồi dò tìm thật tỉ mỉ. Từ đồ dùng, vật nuôi trong nhà đến các thần: thần núi, thần suối, thần sông, thần đầu nguồn nước, thần cuối nguồn nước, thần cây to cây nhỏ, thần cây sao, thần cây sến, thần cây si, thần cây bồ đề, thần chòi rẫy, thần chòi lúa, thần đá to, thần núi lớn đều được Lươm Koon Gơôr thăm dò nhưng nàng không thể phát hiện ra một sự bất thường nào dù là nhỏ nhất.
Về phần Krông Kơ Laas, từ khi đoạt được hồn của Rơ Liêng Mas, chàng quá hạnh phúc, ngày đêm ôm ấp linh hồn ấy không rời nửa bước. Trong khi đó, Jiang Sơ Đơach Lơ vô cùng đau khổ và tìm mọi cách để cứu em gái mình. Sau một thời gian suy tính, Jiang Sơ Đơach Lơ quyết định sai Nglon Hơr tìm đến Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach nhờ nàng ta cứu giúp. Đi cùng Nglon Hơr còn có em trai của chàng là Tung Vrơlênh. Họ bay qua những cánh đồng, những khu rẫy và cuối cùng cũng đến được nhà của Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach. Sau khi nghe Nglon Hơr trình bày, Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach đồng ý giúp đỡ. Nàng lấy đèn sáp, lấy nhang đốt lửa lên rồi đọc thần chú, hai tay và môi rung lên. Một hồi thật lâu, thần đã nhập vào người. Khi tắt lửa đèn sáp và nhang, Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach mới tỉnh người và tường thuật lại cho anh em Nglon Hơr biết. Nguyên nhân là do Krông Kơ Laas, con của vua trời Vrah Ơn Lơ Wak, cướp linh hồn của Rơ Liêng Mas, muốn cho Rơ Liêng Mas ngã bà bóng. Đồng thời chàng cũng muốn sau này hàng năm Rơ Liêng Mas phải dâng đồ cúng bà bóng. Nếu không thực hiện đúng theo lời dặn tổ chức lễ bà bóng cho Rơ Liêng Mas thì nàng sẽ chết dần.
Anh em Nglon Hơr tức tốc quay trở về thông báo với làng. Mọi người gấp rút chuẩn bị lễ hội bà bóng để cứu Rơ Liêng Mas. Để tổ chức đúng theo yêu cầu, Nglon Hơr cùng với hai ba người đi chặt lồ ô ở trên đầu núi Con Ó. Họ phải chặt từng cây một, lựa chọn những cây không bị dơi đục làm tổ và không bị thấm nước bên trong. Những người khác thì mỗi người mỗi việc, nào là làm cây nêu bảy tầng, cái miếu nhỏ dâng lễ thần với nhiều cach thức, màu sắc, loại kiểu. Nhóm khác thì phụ trách đánh trống, thổi kèn, đánh cồng chiêng. Các thầy bà bóng thì đọc thần chú và lên bà bóng. Một số khác giết gà, mổ vịt, cắt tiết heo để đãi khách đủ ba ngày ba đêm.
Lễ hội diễn ra long trọng, thấu đến thiên đình nhưng mặc cho lời khuyên nhủ của bà Lươm Jiang Nơar, Krông Kơ Laas vẫn chưa muốn thả hồn Rơ Liêng Mas về mặt đất. Chàng tiếp tục đòi hỏi là phải có Tơ Boong Mas đánh trống và Vram đánh cồng chiêng. Chuyện này tới tai Jiang Sơ Đơach Lơ, lập tức Jiang Sơ Đơach Lơ sai Nglon Hơr đi mời Tơ Boong Mas tới. Tơ Boong Mas là người yêu cũ của Rơ Liêng Mas. Dù Rơ Liêng Mas đã có chồng nhưng Tơ Boong Mas vẫn còn lưu luyến chuyện ngày xưa. Ngay khi Nglon Hơr đến mời, Tơ Boong Mas tức tốc lên đường. Từng kỷ niệm tái hiện trong suốt đoạn đường đi khiến cho Tơ Boong Mas nhiều lần rơi nước mắt.
Khi Tơ Boong Mas xuất hiện, lễ hội càng thêm long trọng bởi tiếng trống và cồng chiêng của Vram. Âm thanh của lễ hội lại vang đến thiên đình và lần này Lươm Cao Vrah nghe thấy. Nàng buộc em trai phải trả linh hồn Rơ Liêng Mas trở về thể xác. Và đến lúc này, Krông Kơ Laas không thể nào làm khác được. Chàng lại hóa thân thành con chim cu, mang linh hồn Rơ Liêng Mas trả về mặt đất. Khi tỉnh dậy, Rơ Liêng Mas hòa vào đám đông và nhảy múa. Cũng trong buổi lễ này, Jiang Koon Coh Srơ Môk – một vị khách – đã thương thầm sắc đẹp của nàng. Còn Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng thì bị ngải duyên của Lươm Koon Gơôr làm cho si mê như điên dại. Chính vì vậy, hắn mưu toan cướp Lươm Koon Gơôr về làm vợ mình. Hắn giả vờ giao kèo trao đổi vật dụng giữa hai buôn làng với Jiang Sơ Đơach Lơ. Sau đó, hắn trở về làng huy động đồ đạc, vũ khí và những thanh niên khỏe mạnh nhằm thực hiện một cuộc trao đổi trá hình. Lợi dụng sự vô ý của Jiang Sơ Đơach Lơ, Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng chuốc rượu có thuốc mê cho Jiang Sơ Đơach Lơ uống rồi trói chàng vào gốc cây và đánh đập. Hắn buộc Jiang Sơ Đơach Lơ phải nhường vợ cho mình. Chuyện này bị Rơ Liêng Mas phát hiện. Ngay lập tức, nàng báo cho Lươm Koon Gơôr. Lươm Koon Gơôr hoảng hốt hóa thân thành con thằn lằn và chui trốn vào trong ống khung dệt vải. Bọn Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng kéo đến nhà Jiang Sơ Đơach Lơ để bắt cóc Lươm Koon Gơôr nhưng không tìm thấy. Chúng buộc Rơ Liêng Mas trong ba ngày phải giao nộp Lươm Koon Gơôr nếu không Jiang Sơ Đơach Lơ sẽ không được thả. Rơ Liêng Mas tìm đến nhà Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach nhờ nàng ta tạo ra một người bằng sáp ong và bạc giống hệt Lươm Koon Gơôr. Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach đồng ý. Nàng nhờ những thợ giỏi gia công bằng cách lấy bạc trộn với sáp ong đổ vào khuôn rồi đặt lên đống than quạt cho ra gió để than cháy thành lửa. Mười cái quạt gió nhập thành một rồi lửa phụt cháy lên. Ngọn lửa cao bằng nóc nhà, rồi bạc và sáp ong tan thành nước hỗn hợp với nhau trong khuôn thành một. Sau đó, các thợ nhấc ra lấy búa đập và rèn thành con người. Người thì nặn mặt mũi, người thì nặn chân tay, người thì nặn đầu làm tóc giống hệt Lươm Koon Gơôr. Rồi họ lấy nước thánh đổ vào người bằng bạc sáp ong, đặt lên khuôn và lò lạnh quạt cho đều gió. Người bằng bạc sáp ong hắt hơi, bắt đầu cựa quậy và nói được tiếng người. Sau đó, Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach rắc ngải duyên và nước thánh lên người của Lươm Koon Gơôr. Rơ Liêng Mas giao Lươm Koon Gơôr giả cho Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng và tạm gửi Lươm Koon Gơôr thật ở chỗ Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach.
Jiang Sơ Đơach Lơ sau khi được tha về, không biết người được giao cho Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng là Lươm Koon Gơôr giả nên chàng vô cùng đau buồn, không thiết ăn uống, ngày đêm than khóc vì nhớ vợ. Trong khi đó, Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng thì rất vui mừng vì cướp được vợ đẹp. Nhưng niềm vui ấy không tồn tại bao lâu, kế tráo người của Rơ Liêng Mas đã bị Lươm Cao Vrah Koon Vrah Ơn Lơwak phát hiện và nàng ta làm phép thuật khiến cho Lươm Koon Gơôr giả bị tan chảy dưới ánh nắng mặt trời gay gắt gấp mười lần mức bình thường. Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng nổi trận lôi đình. Hắn lập tức tập hợp dân làng để chuẩn bị sang đánh làng Jiang Sơ Đơach Lơ nhằm cướp Lươm Koon Gơôr một lần nữa, nhưng Jơ Lang Gak – một vị già làng có uy tín – xuất hiện. Ông ta phân tích sự ngang ngược của Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng khi đi cướp vợ người, đồng thời lên tiếng phản đối cuộc xâm lược sắp tới. Dân làng lắng nghe và hiểu ra điều hay lẽ phải. Họ nhất quyết không nghe theo lời Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng và giải tán về nhà. Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng quá đau buồn và xấu hổ, đành quay về ôm mặt khóc.
Jiang Sơ Đơach Lơ dần phục hồi sức khỏe nhưng nỗi buồn vẫn không vơi. Rơ Liêng Mas vì muốn thử lòng anh mình đối với vợ nên giả vờ xui khiến anh trai đến gá nghĩa với nàng Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach. Jiang Sơ Đơach Lơ quyết định đến nhà Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach với ước mong tìm được Lươm Koon Gơôr, đó là niềm hy vọng cuối cùng của chàng. Qua bao cánh đồng làng mạc, cuối cùng Jiang Sơ Đơach Lơ cũng tìm thấy nhà Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach. Chàng được Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach tiếp đón ân cần. Họ cùng ăn cơm và uống rượu với nhau rất vui vẻ nhưng khi Jiang Sơ Đơach Lơ hỏi về vợ mình thì Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach vờ lắc đầu phủ nhận. Sau đó, Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach giả vờ say rượu và đi ngủ sớm. Còn lại một mình, Jiang Sơ Đơach Lơ đánh liều đi vào buồng của Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach để tìm Lươm Koon Gơôr vì Jiang Sơ Đơach Lơ tin rằng Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach đang giấu vợ mình. Khi ấy, Lươm Koon Gơôr đang nằm trong buồng thì thấy Jiang Sơ Đơach Lơ bước vào. Nàng hốt hoảng phủ chăn khắp người để Jiang Sơ Đơach Lơ không phát hiện. Jiang Sơ Đơach Lơ cứ tưởng đó là Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach nên bôc bạch tâm sự về nỗi lòng của mình khi xa vợ, rồi chàng ngủ thiếp đi. Lươm Koon Gơôr xúc động rơi nước mắt trước tấm lòng của chồng. Nàng lấy xác trầu cau rải lên người Jiang Sơ Đơach Lơ rồi van vái cho Jiang Sơ Đơach Lơ được mơ thấy nàng. Và Jiang Sơ Đơach Lơ đã nằm mơ thấy Lươm Koon Gơôr, chàng giật mình tỉnh giấc thì chỉ thấy người nằm phủ chăn. Bán tín bán nghi, Jiang Sơ Đơach Lơ giả vờ xin ra ngoài và nhờ người kia thắp đèn. Đến lúc này thì Lươm Koon Gơôr không thể tránh mặt chồng mình được nữa. Hai vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Sáng hôm sau, họ từ giã Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach và quay trở về làng. Họ hàng, làng xóm hay tin Jiang Sơ Đơach Lơ tìm thấy Lươm Koon Gơôr liền tụ tập đông đủ và làm lễ cột tay ăn mừng cho Lươm Koon Gơôr. Mọi người cùng nhau vui chơi, ăn uống say sưa ba ngày ba đêm rồi ai trở về nhà nấy. Còn lại người trong gia đình, Jiang Sơ Đơach Lơ tường thuật lại câu chuyện. Hai vợ chồng lại sống hạnh phúc như xưa.

Hoa tai ngà voi, dân tộc Xtiêng.Hoa tai ngà voi, dân tộc Xtiêng.

B. BIÊN TẬP VĂN HỌC
1. Xác định thể loại tác phẩm
Trong qua trình phát hiện, dịch thuật và tìm hiểu, chúng tôi xác định tác phẩm Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas thuộc thể loại sử thi. Đi vào phân tích tác phẩm sử thi Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas, dựa trên bốn tiêu chí nhằm xác định thể loại như: tính truyền thống (chức năng thể loại trong đời sống cộng đồng), tính diễn xướng cộng đồng (nghệ nhân hát kể trước công chúng), đề tài, nội dung có tính rộng lớn, kể về sự kiện trọng đại của quá khứ, và hình thức truyện kể tự sự trường thiên xen văn vần (yếu tố thi pháp), chúng tôi xin cụ thể hóa từng vấn đề như sau:
1.1. Tính truyền thống (chức năng thể loại trong đời sống cộng đồng)
Sử thi nảy sinh và tồn tại trong đời sống các tộc người không chỉ với tư cách một tác phẩm nghệ thuật mà còn là pho lịch sử, cuốn bách khoa toàn thư của dân tộc đó. Vì thế mà người Ấn Độ đã tự hào khẳng định “Cái gì không có trong sử thi Mahabharata thì cũng không thể tìm ở đâu trên đất nước An Độ”. Sức ảnh hưởng của sử thi đối với tâm thức con người vô cùng lớn lao, sử thi được ví như một loại thánh kinh của tộc người, là niềm tự hào của họ khi bước ra thế giới văn minh. Mỗi áng sử thi vượt qua khuôn khổ của một tác phẩm văn học để đảm nhận những chức năng quan trọng trong đời sống, tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng.
Khảo sát nội dung tác phẩm, chúng tôi còn nhận thấy rằng yếu tố thần linh đóng vai trò khá bền chặt trong đời sống cộng đồng. Có rất nhiều vị thần được thờ cúng trong Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas: thần sông, thần suối, thần núi, thần đèo, thần cây to, thần cây nhỏ, thần đầu nguồn nước, thần cuối nguồn nước, … Hầu như trong từng sự kiện quan trọng của tác phẩm đều có sự chạm tay của thần linh. Rơ Liêng Mas bị đoạt hồn là do Krông Kơ Laas, con của vua trời, thực hiện. Việc tìm hiểu nguyên nhân vì sao Rơ Liêng Mas bị ngất xỉu là do Lươm Pơ Đoong Koon Vrah Rơach được người cõi trên nhập hồn và mách bảo cho người dưới mặt đất biết. Ngay cả đến việc tạo dựng một Lươm Koon Gơôr giả tạo bằng bạc và sáp ong là một thành quả vĩ đại trong ước mơ của con người xưa kia thì cũng phải sử dụng nước thần và ngải duyên để Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng bị mê hoặc và không nghi ngờ. Các nhân vật đều biết bay, có thể biến hóa thành động vật /môtíp biến hình: con chim, thằn lằn, … Điều này chứng tỏ việc mô tả các sự kiện đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của lối tư duy thần thoại vào thời đại sử thi.
Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, người Stiêng trong tác phẩm này luôn có thái độ trân trọng đối với mọi vật xung quanh. Họ có thể giao tiếp và thấu hiểu được chúng. Điển hình qua những cuộc đối thoại giữa con người và loài vật: Nglon Hơr nói chuyện với thú rừng, Jơ Rông Sut Koon Sơ Đơach Tăng nói chuyện với chó, Jiang Sơ Đơach Lơ nói chuyện với chó, … Chi tiết này phản ánh quan niệm tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” của người Stiêng xưa rất rõ. Với họ, loài vật cũng có đời sống xã hội giống con người nên việc loài vật nghe và hiểu tiếng người là điều dễ hiểu trong tác phẩm. Cụ thể hơn, tác phẩm còn chứa đựng một số nghi lễ tổ chức lễ hội mang tính truyền thống được giữ gìn cho đến ngày nay như: lễ hội bà bóng để dò đoán nguyên nhân và chữa trị cho người có bệnh; lễ phá bào tát cạn nước, bắt cá, rồi dùng nơm chụp cá, kéo lưới, phát cỏ và ăn uống cùng nhau, lễ cột tay dành cho những người bị bắt hoặc đi lạc được trở về, …
Ngoài ra, qua sử thi này, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều tập tục khá thú vị của người Stiêng xưa: nếu trong nhà có heo đẻ ba con, dê đẻ bốn con và gà bay ban đêm thì phải giết ngay để tránh điềm xấu, bệnh tật; khi đến nhà người khác thì phải leo lên thang đến hàng hiên lấy nước rửa chân rửa tay và mặt rồi mới bước lên nhà; sau lễ cúng bà bóng, mỗi thầy bà bóng phải tự đi về, không cho ai đưa đón, nếu sai luật sẽ bị người cõi trên quở trách; muốn đánh thức người khác đang ngủ thì nên nhai trầu rồi lấy bã đặt lên ngực, người đó sẽ mơ thấy người đat bã và tự động thức dậy; tập tục mang trầu cau ăn theo dọc đường, … Bên cạnh đó, những nghề truyền thống của người Stiêng cũng được nhắc đến: người đàn bà dệt thổ cẩm, người đàn ông vót mây đan gùi, rèn đồ dùng và trang sức. Đây là những công việc lao động được duy trì trong một thời gian dài.
Hoàng Thị Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét