Trang phục dân tộc Tà Ôi trong múa hát điệu
Cà lơi Cha chấp, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Ảnh: Thanh Tùng.
-
Trong trang phục truyền thống của dân tộc Tà Ôi hai màu đen và đỏ là chủ đạo,
ngoài ra còn pha lẫn trắng, tím, vàng, xanh dệt các đường viền và tạo các dải
màu để bố cục thành hoa văn cho từng sản phẩm.
Nguyên
liệu tạo ra trang phục
Trước khi biết đến nghề trồng bông, đay để
xe sợi dệt vải thì người Tà
Ôi đã biết sử dụng vỏ cây để tạo ra trang phục hoặc chế tác thành sợi dệt
vải. Cách chế tác trang phục cổ truyền được chứng minh qua những sản phẩm là những
chiếc áo, chiếc khố, chiếc chăn... từ những nguyên liệu bản địa được sản xuất từ
vỏ cây Amưng. Từ thân cây Amưng được chọn, họ dùng gậy đập nhiều lần lên lớp vỏ
cây cho dập ra để dễ bóc tách thành từng tấm, rồi đem lớp vỏ này ngâm vào hỗn hợp
nước gồm lá mía, lá sả giã
nát trong khoảng thời gian 10 ngày để khử nhựa độc, sau đó đem tấm vỏ cây này
phơi nhiều ngày mới có được một loại
nguyên liệu như tấm vải. Người ta dùng dây mây/cà rày vót thành sợi nhỏ thay chỉ
để khâu thành sản phẩm sử dụng là tấm áo vỏ cây.
Về sau khi biết đến nghề trồng bông, đay để
kéo sợi dệt vải thì trang phục của người Tà Ôi mang màu sắc và kiểu dáng phong
phú hơn phù hợp với điều kiện và quan niệm thẩm mỹ của mình.
Họ trồng bông, đay lấy sợi rồi tách bông,
cán bông, vấn bông, xe sợi... Ban đầu phần chỉ sợi lấy được là màu trắng ngà về
sau họ dùng các loại cây, lá có sẵn nơi địa bàn cư trú để chế tác thành sợi
tinh hơn và làm thuốc nhuộm tạo màu đen, đỏ, xanh, vàng... tùy theo ý thích để
đưa vào khung dệt nên những sản phẩm. Thông qua kỹ thuật dệt, người Tà Ôi tiếp
tục sáng tạo nên sắc màu, hoa văn trang trí… nhằm phản ánh về đời sống vật chất
và tinh thần của họ.
Trang phục
dân tộc Tà Ôi trong múa hát điệu Cà lơi Cha chấp, xã A Túc, huyện Hướng
Hóa, Quảng Trị. Ảnh: Thanh Tùng
Hoa văn trang trí
Các mô típ hoa văn thường thấy trên trang
phục người Tà Ôi được tạo bằng kỹ thuật dệt, trang trí theo dải băng ngang và
được liên tưởng từ các hiện tượng tự nhiên xung quanh, gồm: hệ mô típ thực vật
như cây cổ thụ kating, lá trầu không, aừm (cây ngô/bắp), tù vạt (lá cây đùng
đình)… Hệ mô típ động vật như hình con châu chấu, con nhện, con bướm, con dơi…,
hệ mô típ đồ vật như hoa văn hình răng sói, hình thoi giao nhau (tượng trưng hạt
mã não/atềêng), hình chữ X… và các mô típ hình học khác...
Nhìn chung, trang phục của người Tà Ôi
mang những nét chung của các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Theo truyền thống
thì một bộ đồ mặc đầy đủ của người Tà Ôi thường có: 1 cái khố/nài, 1 cái
áo/ado/chù hoe cho người đàn ông; 1 cái váy/xịn/xấn và một cái áo/ado/chù hoe
cho người phụ nữ.
Trang phục nữ
Phụ nữ Tà Ôi mặc áo đơn giản hơn. Họ gấp
đôi tấm vải, thu phần hai bên nhỏ lại để tạo thân và tay áo ngắn, khoét phần cổ
để tạo chiếc áo kiểu cổ chui, tay ngắn hoặc không tay. Áo và váy được trang trí
bằng các dải băng ngang cách đều 2 màu đen, đỏ. Váy của phụ nữ Tà Ôi được dệt từ
sợi bông, may theo kiểu váy ống và được may ghép từ hai khổ vải thổ cẩm, dệt
theo kiểu cổ truyền gọi là xịn, ado tía (váy, áo cổ xưa).
Ngày nay, váy, áo phụ nữ được dệt các sợi
thổ cẩm đính với hạt cườm bằng nhựa nhiều màu để tạo nên tấm váy, áo gồm nhiều
màu sắc sặc sỡ để tôn vẻ đẹp, sang trọng cho người phụ nữ và dùng thắt
lưng/xarong bằng kim loại để cố định chiếc váy cho chắc chắn. Qua những chuyến
điền dã tại cơ sở, cho thấy việc sử dụng hạt cườm để dệt (ảnh hưởng của văn hóa
đồng bào thiểu số Cơ Tu ở A lưới - Thừa Thiên Huế) trên nền đỏ đen chủ đạo của
đồng bào Tà Ôi và sử dụng dây thắt lưng/xarong (ảnh hưởng văn hóa các bộ tộc
Lào).
Để tô điểm thêm vẻ đẹp trang phục người Tà
Ôi họ còn sử dụng các loại hình trang sức là vòng/kiềng đeo cổ, còng đeo tay và
khuyên tai bằng bạc trắng và chuỗi đá hạt mã não để tôn thêm vẻ đẹp sang trọng
và qúy phái của mình.
Trang phục nam
Trang phục của đàn ông Tà Ôi khá đơn giản,
thường ngày thì cởi trần hoặc mặc áo cổ chui không tay như phụ nữ. Trong những
ngày se lạnh hoặc tham gia lễ hội họ sử dụng khố/nài và áo pahôl (loại áo không
có trang trí hoa văn cườm, diềm tua) và một tấm choàng vắt chéo 2 lần qua tạo
hình chữ X trước ngực. Đây là loại trang phục truyền thống của đàn ông Tà Ôi.
Có thể nói, trang phục truyền thống của
người Tà Ôi không chỉ có giá trị văn hóa vật chất để bảo vệ con người mà còn
mang giá trị văn hóa tinh thần và xã hội, gắn bó với sinh hoạt, nếp sống văn
hóa của gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó với hoa văn trang trí, màu sắc và
hình dáng đa dạng trang phục đã thể hiện tính thẩm mỹ dân gian và tính thống nhất
trong sự đa dạng của tộc người. Đồng thời trang phục cũng là nguồn sử liệu phản
ánh giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần của cộng đồng Tà Ôi.
Tuấn Mai (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét