Nhà Rông thờ thần Yang Plút và là nơi tổ chức lễ hội
ăn mừng lúa mới. Ảnh: Đ.V
Cồng
chiêng là linh hồn của các lễ hội, gắn liền với đời sống văn hoá, tâm linh của
dân tộc, nên các gia đình trong làng đều một lòng gìn giữ; đồng thời tiếp tục
duy trì những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp để tạo “đất” cho cồng chiêng
tiếp tục sống...
“Cả
làng còn giữ được gần 100 bộ chiêng, dù cuộc sống còn khó khăn, rất nhiều người
cũng đã lân la đến hỏi mua, nhưng dân làng không ai bán những bộ chiêng quý cả.
Cồng chiêng là linh hồn của các lễ hội, gắn liền với đời sống văn hoá, tâm linh
của dân tộc, nên các gia đình trong làng đều một lòng gìn giữ; đồng thời tiếp tục
duy trì những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp để tạo “đất” cho cồng chiêng
tiếp tục sống” – Trưởng thôn A Giói ở
làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) khẳng định quyết tâm bảo tồn những
giá trị văn hoá của người Rơ Măm.
Cồng
chiêng – tài sản quý của mỗi gia đình
Làng
Le là địa bàn cư trú của 120 hộ dân
với khoảng 460 nhân khẩu người Rơ Măm, đây là 1 trong 2 dân tộc ít người nhất của
tỉnh, nhưng ở đây người dân lại lưu giữ, bảo tồn được số lượng cồng chiêng lớn.
Cùng với đó là không gian văn hoá cồng chiêng cũng được dân trong làng giữ gìn
và phát triển.
Già A Ren rất tự hào về hai bộ chiêng quý của gia
đình.
Theo đánh giá của Phòng Văn hoá - Thể thao
huyện Sa Thầy, xã Mô Rai là địa phương có số lượng cồng chiêng nhiều nhất trong
huyện với 189 bộ chiêng, riêng làng Le đã có gần 100 bộ, trong đó có 80 bộ
chiêng Hoăn và 20 bộ chiêng Lào. Có nhà còn giữ được tới 2- 3 bộ chiêng như nhà ông A Glá, A Giói, A
Ren…
Có một thời gian, nhiều địa phương đã bị
dòng chảy của đời sống văn hóa hiện đại tràn đến, người dân bị cuốn theo, ngày
càng thờ ơ với giá trị văn hóa truyền thống và vì thế tình trạng “chảy máu” cồng
chiêng diễn ra tràn lan, âm thanh của cồng chiêng vắng dần trong đời sống văn
hoá, tinh thần của đồng bào các DTTS. Không ít gia đình, thôn làng đã bán đi những
bộ chiêng quý; một bộ phận giới trẻ không còn quan tâm tới văn hoá cồng chiêng
và những nét phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.
Thế nhưng, ở làng Le, “cơn bão” ấy dường
như không hề ảnh hưởng tới, bởi người dân ở đây rất coi trọng giá trị của cồng
chiêng và những lễ hội, sinh hoạt văn hoá gắn liền với cồng chiêng. “Dù đời sống
kinh tế của người dân làng Le chưa thể nói là đã khá giả, nếu đem bán hay đổi
những bộ chiêng cổ đi có thể giúp nhiều gia đình bớt khó; thế nhưng, vì yêu quý
tài sản mà cha ông đã để lại, vì sợ văn hoá cồng chiêng bị mai một nên mọi người,
mọi nhà bảo nhau giữ gìn” – Trưởng thôn A Giói tự hào khoe.
Nghe lời giới thiệu của ông A Giói, chúng
tôi tìm đến nhà già A Ren. Già cho biết, nhà ông hiện còn 2 bộ chiêng cổ, mỗi bộ
có 11 chiếc, với ông những bộ chiêng này là tài sản vô giá, dù người ta trả bao
nhiêu cũng không đổi.
Già A Ren nói rằng: Có người đòi đổi bằng
trâu nhưng mình từ chối. Trâu bò quý thật, nhưng cồng chiêng là tài sản ông cha
truyền lại nhiều đời, mình có trách nhiệm giữ gìn để còn truyền lại cho con
cháu. Ngày trước, cùng với lúa, trâu, cồng chiêng cũng là loại tài sản mà các
gia đình thể hiện sự giàu có, nhà nào nhiều chiêng nghĩa là nhà đó khấm khá. Nếu
không có cồng chiêng, những lễ hội là nơi gắn kết cộng đồng cũng sẽ không còn ý
nghĩa, đời sống tinh thần, tâm linh cũng sẽ bị mai một mất thôi.
Cùng với việc gìn giữ cồng chiêng, người
dân làng Le còn biết bảo ban nhau học tập, truyền dạy lại cho lớp trẻ cách đánh
cồng chiêng, nhất là những bài chiêng dùng trong các lễ hội của dân tộc Rơ Măm.
“Nếu có dịp đến làng Le vào những ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ hè, mọi người sẽ dễ
dàng thấy cảnh lũ trẻ say sưa học đánh cồng chiêng; người già thì nhiệt tình
truyền dạy. Lớp trước dạy lớp sau, cứ thế, bao đời nay, người dân làng Le đã giữ
gìn khá tốt văn hoá cồng chiêng” – Trưởng thôn A Giói cho biết thêm.
Bảo tồn những nét văn hoá đẹp
Người Rơ Măm trước đây vốn có rất nhiều tục
lệ; nhưng ngày nay, đời sống văn hoá ngày càng phát triển, người Rơ Măm cũng đã
từng bước từ bỏ những hủ tục và chỉ lưu giữ những tục lệ, nét văn hoá đẹp, độc
đáo của dân tộc.
Theo già làng A Breng, người Rơ Măm luôn
chú tâm lưu giữ những lễ hội văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, trong đó có 3 lễ
hội quan trọng nhất liên quan vòng đời của cây lúa rẫy là: chọc tỉa, cúng mừng
lúa lên đòng và cúng lúa mới. Theo quan niệm của người Rơ Măm, lúa rẫy là món
quà của trời ban, chỉ cần chọc lỗ bỏ hạt xuống mà không cần bón phân, nhọc công
chăm sóc, vậy mà lúa vẫn tốt, vẫn mang về những mùa bội thu nuôi sống người
dân, thế nên từ lúc tra hạt đến khi thu hoạch họ đều làm lễ tạ ơn Yang Plút (tức
thần Ngà voi), theo dân làng thì đây vị thần đã mang may mắn đến cho làng.
Lễ hội chọc tỉa được diễn ra khi các gia
đình chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà
mà có thể làm lễ to hay nhỏ, nhà khá giả thì đập một trâu hay một con heo, nhà
khó khăn thì giết một con gà, cốt yếu là ở tấm lòng cúng thần, cầu mong một năm
mưa thuận gió hòa để cây lúa phát triển tốt, cho nhiều hạt.
Đến khi lúa chuẩn bị trổ bông, các gia
đình cũng làm một cái lễ đơn giản để cúng Yang Plút, cảm ơn thần đã phù hộ để
cây lúa lên xanh tốt và cầu mong thần tiếp tục phù hộ để một vụ mùa bội thu.
Lễ ăn lúa mới là lễ to nhất, quan trọng nhất
trong các lễ hội của người Rơ Măm, nó được diễn ra khi mùa lúa rẫy đã kế thúc,
lúa đã được phơi khô và cất vào kho, đây cũng được coi là tết của người Rơ Măm.
Cùng với lễ hội, tục lệ ma chay cũng được
người Rơ Măm lưu giữ cho đến ngày nay. Theo lời kể của già làng A Breng, khi
trong nhà có người chết, các gia đình sẽ đánh chiêng để thông báo với dân làng
đến chia buồn, giúp đỡ. Nghĩa địa của người Rơ Măm luôn nằm về phía tây của
làng, bởi theo quan niệm nếu đặt về phía Đông thì khi mặt trời mọc và đi qua
làng, linh hồn người chết cũng sẽ đi theo vào làng, như vậy sẽ không mang điều
tốt đến cho làng. Các ngôi mộ của người Rơ Măm cũng được sắp xếp có trật tự khi
chôn, tránh để người dưới mộ "nhìn" về phía làng. Tuy nhiên, tục lệ
ma chay ngày nay của người Rơ Măm cũng đã có những thay đổi tích cực, đó là các
gia đình không còn chôn chung người chết như trước…
Biên giới Mô Rai mùa này nắng gắt, nắng
xém cả mặt người. Người Rơ Măm ở làng Le cũng mới vừa kết thúc vụ thu hoạch lúa
và tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới. Họ sống lặng lẽ dưới chân núi Chư Mom Ray, nỗ
lực phát triển kinh tế và luôn cố gắng bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hoá tốt
đẹp của dân tộc mình trước những tác động của cơn lốc văn hoá hiện đại đang
tràn về.
Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét