Thiếu nữ dệt zèng (vải thổ cẩm) chuẩn bị áo mới
đón tết. Ảnh: HOÀNG SƠN
Trước đây, người Tà Ôi sống trên dãy Trường
Sơn (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) thường đón tết riêng theo nông lịch của
họ. Họ ăn tết ngay sau vụ lúa, vào khoảng tháng 12, khi gạo Ra Dư đã đầy bồ.
Vài năm trở lại đây, tết cổ truyền của cộng
đồng người Tà Ôi đã “góp gạo thổi cơm chung” với tết cổ truyền của người Kinh.
“Ăn tết Acha Aza chỉ vui riêng trong dân tộc Tà Ôi, còn ăn tết chung với anh em
người Kinh thì cái vui còn gấp bội” - già làng Quỳnh Hoàng (xã A Ngo) cho biết.
Phụ nữ làm chủ ngày tết
Dù vậy, người Tà Ôi vẫn giữ được nét đặc
trưng ngày tết của dân tộc mình. Tết cổ truyền Acha Aza của người Tà Ôi chính
là tết ăn cơm mới. Đây là ngày hội quan trọng bậc nhất vì nữ thần Lúa chính là
mẹ Lúa, giúp dân bản có cái ăn, được mùa cũng nhờ thần mà mất mùa cũng do người
quyết. Theo quan niệm của người Tà Ôi, thần Lúa là nữ thần nên người đàn bà
trong gia đình đứng ra làm chủ lễ, thường đó là một nữ cao niên có uy tín với bản
làng.
Với người Kinh, dấu hiệu mùa xuân đến là
mai đào nở, là chim én bay về. Với người Tà Ôi, “khi chim pricoh kêu, lan rừng
đua nở là dấu hiệu quan trọng nhất. Ngày xưa, đồng bào chúng tôi thường ăn tết
cổ truyền ngay sau khi vụ mùa gặt hái xong, tức vào khoảng cuối tháng 12 âm lịch
của người Kinh. Nhưng những năm gần đây, người Tà Ôi ăn tết cùng thời điểm với
tết Nguyên đán” - anh Quỳnh Yêu (thôn 1, xã Hồng Quảng) nói.
Chuẩn bị lễ hội với
trang phục truyền thống.
Tết
ăn cơm mới thường diễn ra trong ba ngày đầu tháng của năm mới. Những ngày cận tết, người chồng lễ vật để người vợ hành lễ. Lễ vật
gồm: một a điên (mâm có bốn chân) cơm nếp, năm ống cơm lam, năm ống thịt, thịt
khô, năm ống cá, cá khô năm xâu, một bát cơm cắm trên một xâu cá nhỏ, một ít
khoai từ hoặc khoai tía, đậu phộng, đậu a vải, một cây mía để nguyên lá, một
chén kì cul (giống trầm hương) để xông cho thơm. Trước khi lễ gọi thần Lúa diễn
ra, người ta thường bắc thang sẵn lên trần nhà, mâm lễ được đặt dưới cái thang
đó. “Làm như vậy là để thần theo thang lên trần nhà, ở với lúa gạo, giữ lúa gạo
cho mình” - già làng Quỳnh Át giải thích.
Khi lễ cúng bắt đầu, người phụ nữ chủ gia
đình sẽ khấn vái liên tục, còn đàn ông lấy tấm vải zèng (vải thổ cẩm) đưa cho
chủ lễ làm vật ký thác cho nữ thần Lúa. Chủ lễ cầm lấy tấm zèng vẩy nhiều lần
lên trần nhà để yên vị hồn thần Lúa. Cũng trong ngày hôm đó, lễ Acha Aza được
tiếp tục bằng việc cúng ở rẫy nhằm cầu mong các vị thần tiếp tục cho mùa bội
thu. Gia chủ có rẫy thường treo 3-5 hàng lúa có nhiều gié được buộc chặt vừa to
vừa no hạt.
Chén kì cul cháy gần hết cũng là lúc lễ
cúng ở gia đình xong xuôi. Cả nhà cùng quây quần bên mâm lễ cúng ăn bữa cơm mới
đầu tiên trong ngày tết với tình cảm gia đình thắm thiết.
Các món ẩm thực độc đáo
Ăn tết cùng thời điểm với người Kinh nhưng
người Tà Ôi hiếm khi dùng các món mứt, hạt dưa, bánh kẹo... Dù giàu hay nghèo,
gia đình vẫn phải có bánh nếp như a quát, adeep man, đệp peng và các món cơm
lam. Thức uống có rượu mía, rượu cần, rượu đoác. Trong đó, nổi lên hai món ăn:
món thịt rừng từ các con vật như dúi, chuột, nhím, gà, heo rừng... do đàn ông
săn được và món cua suối do các thiếu nữ mò được.
Nếu không được mùa, người Tà Ôi sẽ tổ chức lễ hội
đâm trâu. Ảnh: HOÀNG SƠN
Như một thông lệ, trước tết mấy hôm, các
chàng trai thường vào những cánh rừng già để săn thú rừng. Họ chỉ đi gần để
tránh rủi ro, đau buồn cho bản làng trong ngày đầu năm. Cách bẫy truyền thống
là dùng nỏ, đặt bẫy để săn những loại thú bé, tránh bắt những thú lớn bởi người
Tà Ôi quan niệm bắt thú lớn Yàng cũng không vui.
Thú rừng sau khi săn về được làm thịt sạch
sẽ rồi hong trên bếp theo từng xâu nhỏ hoặc làm thịt ống. Thịt chuột sau khi
làm sạch, ướp các loại gia vị như muối, ớt, tiêu rừng kèm theo một số loại rau
củ thái nhỏ như sắn, môn thục, bắp chuối, rau rớn... trộn vào nhau, sau đó lèn
chặt vào trong các ống lồ ô hay ống nứa rồi đem nướng. Nướng xong, các ống thịt
được đặt ngay ngắn trong gùi để dành ăn trong những ngày tết.
Đầu con trâu được cắt ra để làm tế vật thiêng
liêng. Ảnh: HOÀNG SƠN
Các thiếu nữ Tà Ôi đi bắt cua đá ở suối gần
nhà, trong các hốc đá. Cua bắt về được làm sạch, sau đó tách vỏ cua ra làm hai
phần. Sau khi cạo hết phần thịt riêng ra, họ nhét một ít đậu phộng và rau húng
vào rồi đậy nắp vỏ lại, buộc chặt bằng dây lạt nhỏ. Tất cả được đặt vào một cái
rổ nhỏ, để trên giàn bếp một đêm. Hôm sau, họ lấy xuống nướng ăn hoặc làm đồ nhắm
với rượu, còn thịt cua thì kho nấu ăn với xôi.
Già làng Blúp A Măng (xã A Roàng) nói: “Ba
ngày tết Acha Aza, người Tà Ôi rất mến khách. Có bao nhiêu rượu, cơm nếp, bánh,
thịt ống, thịt khô đều mang ra đãi khách”.
Dấu ấn tâm linh
Người Tà Ôi cũng “Mùng 1 tết cha, mùng 3 tết
thầy” như người Kinh. Ngày đầu tiên đầy dấu ấn tâm linh được dành cho các vị thần
và tổ tiên. Ngày thứ hai, cả cộng đồng sinh hoạt với nhau. Thanh niên trai gái
vui chơi trong ngày thứ ba.
Với mong ước một mùa bội thu và mưa thuận
gió hòa, những người con của Yàng thường dành ngày đầu tiên của tết để hướng đến
những vị thần. Họ khấn vái, quỳ lạy để rước điều may vào nhà. Tết ăn cơm mới chỉ
tổ chức vào đúng dịp được mùa lúa, vui vẻ. Năm nào mất mùa, người Tà Ôi sẽ cúng
Yàng bằng vật hiến sinh với lễ đâm trâu trong dịp tết. “Trong ngày này, họ tộc,
gia đình làm lễ cúng thần Tro (thần Lúa). Trong ngôi nhà rông, từ 10 đến 20 gia
đình sẽ góp lễ cúng gồm một a điên cơm nếp, một con gà luộc, một bát ki cul, một
bát gạo” - anh Ploong Điệp (xã Đông Sơn) nói.
Tiếng cồng chiêng báo mùa lễ mới. Ảnh: HOÀNG SƠN
Với các lễ vật này, người chủ họ thắp kì
cul, xông trầm rồi khấn vái cầu xin. Điều họ cầu mong chủ yếu hướng về vụ lúa mới,
mong các vị thần linh phù hộ cho gia đình, họ tộc sang mùa rẫy mới được mùa, cầu
xin mưa thuận gió hòa. Họ cầu cho dân làng không đau ốm, vật nuôi không bị chết...
Việc đốt rẫy, dọn rẫy trong năm mới được nhanh như gió thổi, thú rừng không về
quấy phá.
Ngày thứ hai, dân làng nô nức đến ngôi nhà
rông giữa làng để xem lễ cúng cộng đồng. Đêm đến, hết thảy mọi người đều tập
trung để nghe người già phát biểu ba bói, cà lơi, khuyên bảo con cháu lớp trẻ
ăn ở có hiếu với cha mẹ, ông bà, nhớ ơn cha mẹ nuôi nấng nên người khôn lớn.
Sau đó, mọi người xem lớp trẻ nhảy múa những điệu aza, za zả, cha chấp...
Ngày thứ ba của tết Acha Aza, thanh niên
trong bản được vui chơi thoải mái. Tiếng khèn bè vang lên rộn rã, tiếng cồng
chiêng hòa vào tiếng hát đối đáp. Nhiều đôi uyên ương cũng nhờ ngày mùng 3 tết
mà nên vợ nên chồng. Đây cũng là thời điểm tổ chức các trò chơi dân gian như bắn
nỏ, phóng lao, đá gót, kéo co, đu xà...
“Không khí ăn tết cổ truyền của người Tà
Ôi luôn sinh động, mang đầy bản sắc. Tết Acha Aza đã làm cho văn hóa của sáu
dân tộc anh em Pa Kôh, Tà Ôi, Pa Hi, Vân Kiều, Cơ Tu và Kinh sống trên đỉnh Trường
Sơn thêm phong phú. Có thể nói, hiếm có cái tết nào như cái tết ở A Lưới khi
sáu bản sắc của sáu dân tộc hòa quyện vào nhau làm nên cái chung, nhưng mỗi dân
tộc lại có đặc trưng riêng” - ông Lê Dừa, nguyên Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao
và Du lịch huyện A Lưới, tự hào nhận xét.
Nông Thị Hằng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét