Lạ kỳ tộc người đếm thời gian theo tiếng sấm (Hoàng Thị Vinh)

Bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An) là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc ít người nhất xứ Nghệ - tộc người Ơ Đu cùng bao biến cố thăng trầm đã phải mưu sinh mòn mỏi để bảo tồn nòi giống, tập tục văn hoá. Nơi thâm sơn cùng cốc này còn bao câu chuyện huyền thoại mà nhiều người chưa biết.

Từ thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), vượt chặng đường dài gần 70km chúng tôi đến bản Văng Môn - nơi duy nhất còn lại vỏn vẹn khoảng gần 600 nhân khẩu dân tộc Ơ Đu. Theo lịch sử ghi lại, khoảng thế kỷ XIV, tộc người Ơ Đu (ở khu vực phía Tây của Nghệ An, giáp Lào) có một xã hội khá phát triển, họ sống bằng nghề làm ruộng, chài lưới, phát nương làm rẫy, đào đãi vàng và buôn bán trên sông.

Cụ Lo Văn Bằng nhớ về bản cũ. Ảnh: H.H

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, họ mới quy tụ về sinh sống ở bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa. Một vài hộ thì sinh sống rải rác ở bản Tạ Xiêng (xã Kim Tiến), bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng), thuộc huyện Tương Dương.

Tính thời gian theo tiếng sấm
Ơ Đu, theo tiếng Thái có nghĩa là: thương lắm. Người Ơ Đu còn có tên gọi khác là Tày Hạt (nghĩa là: đói rách). Mặc dù cuộc sống của người Ơ Đu khắc nghiệt, nhưng tộc người này đã có những nét văn hóa đặc sắc… với quan niệm về vũ trụ, tín ngưỡng, cách tính thời gian riêng…

Cách tính thời gian của người Ơ Đu không theo lịch thông thường mà theo tiếng sấm. Đối với người Ơ Đu, bắt đầu năm mới, bắt đầu vụ gieo trồng là khi có tiếng sấm đầu tiên vang rền trên bầu trời. Sấm nghĩa là năm mới đến. Sấm nghĩa là mùa gieo trồng bắt đầu... Tiếng sấm có mặt trong tất cả mọi sinh hoạt, nghi lễ thiêng liêng… và theo suốt cuộc đời người Ơ Đu từ lúc sinh ra cho đến  lúc chết đi.

Trong những tập tục cổ xưa nhất của người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới là lễ hội thiêng liêng nhất trong năm. Lúc này, người dân Ơ Đu tề tựu tại bản làng mổ trâu, giết lợn cúng tế thần linh, mong cho một năm mới an lành, no đủ... Nghi lễ đầu tiên trong ngày có tiếng sấm là phong sắc, phong tước cho các chức sắc trong bản như trưởng họ, già làng, các chức sắc trong giới thày mo và đổi tên cho những người đàn ông đã trưởng thành. Khi trẻ em sinh ra phải đợi cho đến khi nghe tiếng sấm đầu đời mới được đặt tên, bắt đầu tính tuổi.

Lạ kỳ tộc người đếm thời gian theo tiếng sấm - 2
 khi có khách lạ đến chơi thì thủ tục đầu tiên là phải đến nhà trưởng bản để “thưa chuyện và báo cáo”. Người lạ mặt sẽ không được ở qua đêm, hay qua trưa khi không có sự đồng ý của trưởng bản. Món ăn đặc sản của người Ơ Đu đãi khách quý là món “pá pọc” và hũ rượu “lậu sả thô”. Món “pá pọc”  được đựng trong ống nứa có hoa văn bên ngoài, bên trong chứa rau, cà, hoa chuối, thịt heo, thịt chuột… Còn “lậu sả thô” là loại rượu được làm từ  gạo nếp, đựng ủ lên men như rượu cần.

Mỗi khi có dịp vui, họ lại dùng ống bưng đập xuống sàn nhà thay nhịp rồi cùng nhau múa hát: “Nào chúng ta bên nhau, mời hỡi ai say sưa”. Tuy nhiên hiện nay, lễ hội tiếng sấm cũng như nhiều tập tục khác của người Ơ Đu đã bị đánh mất. Bao nhiêu năm, nó chỉ có thể tồn tại trong nỗi nhớ, trong ý thức tự nhiên, bền bỉ truyền đời.

Câu hỏi “đi tìm thời gian đã mất”?
Trước sự mai một và nguy cơ biến mất những giá trị văn hoá độc đáo của tộc người ít nhất này, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ dân tộc Ơ Đu. “Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ Đu” với nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, văn hoá, giáo dục, công tác khuyến nông, khuyến lâm… đã được triển khai trong nhiều năm qua.

Trong bản, người biết nói tiếng Ơ Đu chỉ đếm đầu ngón tay thôi, nhưng cũng không nói với nhau nhiều, vì các con các cháu đều nói tiếng Thái, tiếng Khơ Mú. Mình nói tiếng Ơ Đu chúng không hiểu. Ngôn ngữ của người Ơ Đu đang mất dần trong đời sống sinh hoạt.
Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét