A Lưới là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thừa
Thiên Huế, nơi đây là địa bàn cư trú lâu đời của ba dân tộc thiểu số thuộc nhóm
ngôn ngữ Môn Khơme, mà trong đó, đông và tập trung nhất là dân tộc Tà ôi- bao gồm
cả nhóm tự gọi là Pakoh- chiếm trên 80% tổng dân số của cả huyện.
Cũng như các cộng đồng tộc người cư trú dọc
Trường Sơn, dân tộc Tà ôi còn bảo lưu, duy trì được những yếu tố văn hóa đặc sắc
của tộc người, tiêu biểu cho cơ tầng văn hóa bản địa ở vùng lục địa Đông Nam Á.
Những hoạt động sản xuất của cộng đồng tộc
người, tuy là vượt qua giai đoạn kinh tế cướp đoạt, đã tiến sâu vào giai đoạn
kinh tế sản xuất với nền nông nghiệp lệ thuộc vào thiên nhiên, mà hình thái kinh
tế chủ yếu là làm nương rẫy, ruộng vườn... nhưng hình thái săn bắt hái lượm vẫn
mang đậm dấu ấn trong đời sống văn hóa của họ. Ở đó còn tiềm ẩn những tín hiệu
văn hóa đặc thù liên quan đến sự giao thoa tiếp biến của truyền thống, mà trong từng lĩnh vực, cần được tiếp tục
nghiên cứu và giải mã.
Tuy nhiên, văn hóa cổ truyền dân tộc Tà
ôi, cũng như các tộc ít người khác trong cộng đồng các dân tộc Việc Nam, như lời
cảnh báo của GSTS Tô Ngọc Thanh: vốn dược sinh ra trong điều kiện của nền văn
minh nông nghiệp lạc hậu và của xã hội chậm phát triển, đang bị thử thách gay gắt
trước những yêu cầu của sự phát triển của xã hội hiện đại, mà trước hết là xu
hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa mọi mặt đời sống của con người.
Vì vậy, nếu không quan tâm đến vấn đề văn hóa thì quá trình phát triển cũng đồng
thời là quá trình hủy diệt văn hóa. Quá trình này, có một nhà nghiên cứu đã diễn
giải cụ thể, thực tế và rất hình ảnh: xích lô về làng đã đưa xe kéo tay vào bếp.
Máy bơm nhiều mã lực có mặt trên đồng ruộng thì gàu sòng, gàu giai ra đi. Ti
vi, phim ảnh lên núi, thì người múa hát dân dã bỏ dần vốn cổ “cây nhà lá vườn”
...nói chung, như nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Tiệp nhận định: đó là
nguyên nhân làm rạn nứt các tập tục cổ truyền.
Việc chuyển từ ở nhà sàn sang ở nhà đất đã
ảnh hưởng đến sự sắp xếp lại nơi ăn chốn ở; sự vắng mặt của ngôi Nhà Dài (dân tộc
Tà ôi-Pacoh), là nơi bảo lưu rất rõ nét cơ cấu đại gia đình phụ quyền, đã tác động
sâu sắc đến vấn đề hôn nhân và gia đình.
Quá trình hôn nhân của người Tà ôi thường
diễn ra theo ba giai đoạn. Giai đoạn tiền hôn nhân. Giai đoạn hôn lễ, và giai
đoạn kết thúc quá trình hôn nhân, trong đó hầu hết đều có sử dụng âm nhạc gắn
bó với các bước của các lễ thức.
Cũng như đa số dân tộc ít người khác ở Việt
Nam, các loại hình nghệ thuật của dân tộc Tà ôi chủ yếu tồn tại dưới dạng “phi
vật thể” trong phương thức tổng thể nguyên hợp của văn hóa dân gian. Nó chỉ được
lưu truyền qua trình diễn và ghi nhớ bằng trí nhớ con người. Trong đời sống của
họ, âm nhạc luôn có mặt trong các sinh hoạt: trong nghi lễ tín ngưỡng, trong
các lễ thức phong tục cũng như trong giao tiếp vui chơi... đã được phân định rõ
nét về thể loại, chẳng hạn như điệu hát Ântoiq chỉ dùng trong đám cưới, và cũng
chỉ ở giai đoạn tiến hành lễ thức cuối dùng, còn Karlơi thì hát trong các lễ thức
ở giai đoạn đầu... Karlơi và Baboiqlà thể hát của người có tuổi, nhưng Karlơi
được dùng rộng rãi hơn, trong giao tiếp, giáo dục khuyên răn con cái, vui
chơi..., còn Baboiq thuộc về thể tự sự, nỗi niềm, gần với hát ru. Chachâp thì
thường thích hợp với nam nữ thanh niên để trao gửi, giao duyên.
Nhạc cụ của người Tà ôi tuy đơn giản, thô
sơ được chế tác chủ yếu bằng các nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên xung
quanh họ như tre nứa, gỗ... nhưng không kém phong phú về chủng loại. Với trên
mười loại nhạc cụ khác nhau có thể xếp vào các nhóm loại như: Nhóm hơi thổi gồm
6 loại: Areng, Tireel, Tale,Khên, Karyok ayol, Târkòi; nhóm dây gảy và kéo gồm
4 loại: Âmplưng, Abel, Âmpreng, và ânkoaiq; nhóm gõ gồm đàn: Ântoong, Koong,
Tarlè, Xar và trống hai mặt da Arkư. Trong đám cưới, chỉ sử dụng một vài loại
cho từng giai đoạn của quá trình hôn nhân.
Ở giai đoạn tiền hôn nhân, là sự tìm hiểu
một cách tự do giữa nam nữ khi đến tuổi trưởng thành. Họ được phép hẹn hò nhau
đến một chòi vắng trên rẫy hoặc bên dòng suối vào những đêm trăng sáng, gọi là
“đi sim”. Những buổi đi sim như thế có thể hẹn trước, tuy nhiên nhiều lúc phải
thông tin cho nhau bằng âm nhạc. Người con trai sẽ đến bên nhà sàn, chỗ cô gái
thường ngủ, qua vách nứa mỏng manh, sử dụng một thứ nhạc cụ làm bằng đồng gọi
là Ânkoaiq chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, ngậm vào môi dùng vòm miệng làm hộp cộng
hưởng và ngón trỏ điều khiển làm rung lưỡi gà tạo nên những âm thanh như tiếng ếch
nhái, ễnh ương kêu trong đêm. Cô gái nghe được “tiếng lòng” ấy, liền nhẹ nhàng
rời nhà theo người con trai đến chỗ hẹn hò.
Thổi sáo Areng tỏ tình trong tục “đi sim”
Trong đêm trăng sáng bên dòng suối giữa rừng,
trong một chòi nhỏ họ ngồi bên nhau trao gửi ý tình. Ngoài ngôn ngữ bình thường,
họ thường thổ lộ tình cảm bằng điệu hát chachâp hoặc bằng tiếng sáo Areng, tiếng
đàn Âmplưng hoặc tiếng Khên.
Areeng được làm bằng một đoạn nứa nhỏ, ngắn
khoảng 30cm, phát được 3 âm, đây là loại sáo dọc thường được trai gái sử dụng để
trao gửi tình cảm cho nhau.
Đàn Âmplưng làm từ một ống tre có đường
kính khoảng 8cm và dài khoảng 40cm, có hai dây bằng vỏ tre được tước ra từ
chính ống tre đó, và dùng một miếng tre nhỏ khác làm ngựa đàn căng dây. Theo
GSTS Trần Văn Khê, loại đàn ống tre này không chỉ có ở Việt Nam mà có mặt rất
nhiều nước thuộc Đông Nam Á lục địa và hải đảo như: Mianmar, Philippin,
Inđonêxia .v.v...
Khên là tên gọi của một nhạc cụ rất phổ biến
ở các dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam: Khèn bè. Khèn của dân tộc Tà ôi ảnh
hưởng khèn Lào, gồm 14 ống sậy được sắp xếp song song từng đôi một thành 7 hàng
thứ tự từ ngắn đến dài. Khèn bè là một nhạc cụ thể hiện rõ nét yếu tố đặc trưng
trong âm nhạc Đông Nam Á là thường sử dụng âm trì tục trong hòa tấu cũng như
trong độc tấu ở một số loại nhạc cụ.
Qua nhiều lần tìm hiểu bằng các buổi tối
đi sim, nếu đôi bên đã ý hợp tâm đầu thì họ trao tặng vật làm tin như chiếc
vòng bạc đeo tay hoặc xâu chuỗi cườm.v.v...
Sau đó, người con trai chủ động trình bày
với gia đình tìm người mai mối đến đặt vấn đề với gia đình bên gái. Việc đặt vấn
đề có tốt đẹp, nhanh chóng hay không là tùy thuộc vào việc thõa mãn yêu cầu
thách cưới của nhà gái. Nếu đã được thõa thuận về của cải thì sẽ nhanh chóng định
ngày làm lễ cưới.
Giai đoạn làm lễ cưới, theo phong tục, được
chia làm hai bước. Bước 1, được tổ chức tại nhà gái. Nội nhung và tính chất tựa
như lễ hỏi của người Kinh, được gọi là “lễ bỏ của”.
Trong lễ này, nhà trai phải đưa đến một phần
của cải đã thõa thuận và các vật phẩm khác như lợn, gà, xôi, bánh .v.v...
Hôn nhân của người Tà ôi ngày xưa nặng về
tính chất mua bán với các tục tảo hôn, thách cưới rất nặng nề, nhưng được luật
tục của cộng đồng thừa nhận. Vì vậy, cưới vợ đồng nghĩa với “mua vợ”, và do phải
bỏ số của cải lớn theo yêu cầu của nhà gái, cho nên cô gái về nhà chồng phải quằn
lưng làm lụng vất vả. Nếu không may chồng chết, người vợ không có quyền tái hôn
với người nào khác, mà phải suốt đời ở lại như vật sở hửu của nhà chồng, và luật
tục cổ truyền của người Tà ôi cho phép có thể tiếp tục tái hôn với người trong
gia đình chồng, như lấy em trai hay anh trai chồng, thậm chí cả bố chồng, hoặc
ngược lại con trai có thể lấy vợ lẻ của bố, cháu trai có thể lấy cả vợ của chú
trong trường hợp bố, chú mất...
Trong lễ này, số của cải đã thõa thuận sẽ
được xem xét, tính toán còn lại bao nhiêu mà nhà trai cho phép tiếp tục trả sau
này. Đơn vị của cải này được nhà gái tính toán bằng số lượng hạt ngô...
Nếu không có gì trở ngại, cô dâu được phép
theo họ ngà trai về luôn bên nhà chồng. Theo tục lệ, lễ này phải được diễn ra từ
chiều tối,và cô dâu sẽ được đưa về lúc đêm khuya để tránh sự nhòm ngó của người
khác, tránh điều rủi ro, vợ chồng sẽ không hạnh phúc. Lệ thường, thì sau 5, 7
ngày, hai vợ chồng còn phải trở lại nhà vợ để chính thức từ giã gia đình bằng 2
lễ thức phong tục, là cô dâu cắm một cây dao vào bếp, và ném đôi đũa xới cơm xuống
sàn nhà, chấm dứt thời kỳ phụng dưỡng bố mẹ, để hoàn toàn thuộc về một gia đình
khác.
Bước 2 trong giai đoạn này là sau khi cô
dâu về nhà, sẽ diễn ra một cuộc lễ tại nhà trai để đón gia đình nhà gái. Nhà
trai mời nhà gái những vật phẩm của mình. Phần này có một lễ thức mang tính ước
lệ là đại diện 2 nhà nhúng mảnh lá chuối vào một bát rượu, biểu hiện sự nhất
trí và giao kết giữa 2 họ... Nhà gái cũng mang đến đóng góp những vật phẩm của
mình.
Tiếp đến là phần diễn xướng. Nhà trai mời
nhà gái cùng nhảy múa hát chúc mừng 2 bên trong điệu hát Karlơi rất được ưa chuộng.
Karlơi là một điệu hát khá hoàn chỉnh về cấu
trúc. Một mô-típ âm điệu sử dụng tiếng đệm, được láy đi láy lại ở âm khu cao xuất
hiện nhiều lần sau các vế kể, tạo thành một “đoạn điệp” làm cân bằng kết cấu âm
nhạc. Giai điệu đơn giản nhưng đường nét quán xuyến theo thủ pháp nhắc lại ở
các cao độ khác nhau trong một mô-típ tiết tấu có tiết phách rõ ràng của loại
nhịp chẵn, làm cho điệu hát mang tính giai điệu cao, so với các điệu hát khác của
dân tộc này. Điệu hátKarlơi thường được hát với nhiều nội dung khác nhau, rất
dược ưa thích và thường phải nhún nhảy, lắc lư theo nhịp trống. Đây là một điệu
hát không thể thiếu trong mọi sinh hoạt diễn xướng của người Tà ôi...
Trong lúc vừa hát Karlơi vừa lắc lư theo
nhịp điệu, sẽ thực hiện một lễ thức kết thúc là đại diện 2 họ khoác áo cho
nhau. Nhà gái khoác tấm “dèng” thổ cẩm (là loại vải dùng cho phụ nữ) lên vai đại
diện nhà trai, mang ý nghĩa gửi gắm con gái cho nhà trai, nhà trai thì khoác
cho nhà gái chiếc áo đàn ông.
Giai đoạn cuối cùng là tiến hành lễ “hoàn
tất” (Pẩy Plồh). Theo các nhà nghiên cứu văn hóa-dân tộc học như Nguyễn Hữu
Thông, Huỳnh Đình Kết, Nguyễn Xuân Hồng và Phan Thị Đào, giai đoạn này được xem
như sự đánh dấu cô dâu đã hoàn toàn thuộc về nhà chồng. Phía nhà trai phải
thanh toán trọn vẹn số của thách cưới đang còn thiếu. Lễ hoàn tất có thể tiến
hành ngay sau lễ cưới đối với nhà chồng giàu có, nhưng có thể hằng năm sau mới
tiến hành được nếu nhà chồng khó khăn chưa đủ của cải để trả món nợ thách cưới
của nhà gái. Có khi con cái của 2 vợ chồng đã lớn khôn mới thực hiện được, thậm
chí lúc còn sống chưa trả được, lúc chết đi thì con cái hoặc dòng họ góp sức
làm để trả.
Tùy theo điều kiện mà lễ này được tổ chức
lớn hay nhỏ, nhưng thường có quy mô không kém hơn so với lễ cưới. Bà con hai họ,
láng giềng đông đủ hơn để ăn uống, vui chơi, cũng như để cộng đồng chứng kiến
việc bán gã đã hoàn tất theo luật tục, cô dâu từ đây đã chính thức thuộc về gia
đình nhà trai...
Khi nhà trai tuyên bố xin thanh toán hết số
của cải còn thiếu, nhà gái cũng trao lại cho nhà trai một số của cải tượng
trưng, chủ yếu là dèng, chiếu, một ít thực phẩm đựng trong ống tre... có ý
nghĩa như của “hồi môn” cho con gái trong tục lệ của người Kinh. Có thể đây là
sự giao thoa văn hóa chăng?
Diễn xướng trong giai đoạn này cũng được
xem là một bộ phận của lễ thức... Lúc mọi người vẫn ăn uống vui vẻ trong tiếng
cồng, tiếng trống, chủ nhà gái cất hát Karlơi chúc mừng nhà trai và công nhận
con gái của chúng tôi từ giờ phút này hoàn toàn thuộc về nhà chồng, mong nhà chồng
săn sóc con dâu để đừng ốm đau bệnh tật. Đại diện nhà trai hát đáp lại cảm ơn
gia đình nhà gái đã nuôi nấng dạy dỗ con cái nên người, và đã cho con gái về
làm vợ, làm nội trợ cho gia đình chồng...
Kết thúc phần diễn xướng, chủ của 2 họ lại
làm thủ tục quàng áo cho nhau. Chủ nhà gái quàng cả tấm dèng thổ cẩm lên người
chủ nhà trai và trao cho chủ nhà trai một con gà sống, đồng thời ôm nhau trong
một cử chỉ thân thiện, mãn nguyện.
Buổi lễ kết thúc bằng lễ thức cuối cùng:
hai bên nói lời cam kết bằng điệu hát Ântoiq.
Ântoiq là điệu hát đặc biệt của người Tà
ôi, chỉ dùng trong đám cưới và cũng chỉ ở giai đoạn kết thúc. Đường nét giai điệu
không uyển chuyển như điệu hátKarlơi mà gần với lối “hát nói”, nhịp điệu tự do
tùy hứng. Nội dung của điệu hát Ântóiq là sự cam kết giữa 2 gia đình: Vợ chồng
không được bỏ nhau, phải yêu thương nhau và gắn bó với gia đình chồng suốt đời.
Nếu bỏ nhau phải bồi thường theo lệ làng.
Nhà gái hát cám ơn nhà trai đã bỏ của cải
để cưới con gái, sau đó nhà trai lại hát về việc của cải cho con không được nhiều...
mong nhà gái không đòi con lại, hai gia đình sẽ mãi mãi là sui gia giữ vững
tình đoàn kết thân ái...
Đứng
trước sự phát triển của xã hội hiện đại , những ngôi nhà Dài, nhà Gươl của các dân tộc thiểu số cư trú dọc
Trường Sơn ở Thừa Thiên Huế, đã bắt đầu hiếm hoi. Các tập tục văn hóa cổ
truyền chứa đựng trong nó, được sản sinh ra trong nền kinh tế rẫy nương, săn bắt
đã dần dần mai một đi trong đời sống “ở đất bằng làm ruộng nước” với thiết chế “điện, đường, trường, trạm” như
hiện nay. Giữa thời điểm này, một lễ cưới của người Tà ôi ít nhiều còn bảo lưu
được các tập tục cổ, cũng như nghệ thuật diễn xướng gắn bó với nó, mang tính
nguyên hợp của một loại hình... tưởng cũng là một điều may mắn cho công việc bảo
tồn các biểu hiện văn hóa còn tiềm ẩn những tín hiệu, những yếu tố mang đậm chất
văn hóa bản địa này.
Cũng cần nói thêm rằng, những trình thức
trong đám cưới, điều do các người già điều khiển qua sự tái tạo lại bằng trí nhớ;
những điệu hát ở mỗi giai đoạn trong lễ cưới, cũng do người già nhớ và hát; các
loại nhạc cụ cũng do người già chế tác... Giới trẻ, hầu như vắng mặt trong đời
sống tinh thần của quá khứ, và như thế, những sinh hoạt mang tính phong tục, tập
quán đặc trưng của tộc người khó mà lưu giữ được vào ký ức văn hóa của họ, như
ý kiến cảnh báo của các nhà nghiên cứu: “truyền thống văn hóa của một dân tộc sẽ
chấm hết khi thế hệ cuối cùng lưu giữ nó chết đi”... Và điều này, đang đúng với
thực trạng văn hóa của các dân tộc thiểu số miền núi ở Thừa Thiên Huế.
Triệu Minh Bắc (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét