1. Tổng quan về người Mạ ở xã Đạ Oai, huyện
Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng
Dân tộc Mạ là dân tộc thiếu số bản địa ở tỉnh
Lâm Đồng. Địa bàn cư trú của người Mạ nằm trong vùng Trung và Thượng sông Đồng
Nai (Đạ Đơng), trong đó tập trung đông nhất là ở thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo
Lâm. Ngoài ra người Mạ còn cư trú ở một số huyện phía Nam Lâm Đồng như Đạ
Huoai, Đạ Teh, Cát Tiên...
Tại huyện Đạ Huoai, người Mạ sinh sống tập trung
đông nhất ở xã Đạ Oai với “133 hộ gia đình và 638 nhân khẩu trong đó nam giới
340 người, nữ giới 298 người, trong độ tuổi lao động là 386 người. Số dân người
Mạ ở đây chiếm 16,11% tổng số dân của toàn xã”(1) và là tộc người thiểu số đông
đảo nhất.
Kinh tế truyền thống của người Mạ ở Đạ Oai
là phát rẫy trồng lúa, nhưng năng suất thấp, sản lượng bấp bênh do phụ thuộc
nhiều vào tự nhiên, lại luôn bị muông thú phá hoại. Hiện nay, các rẫy trồng lúa
trước đây được thay thế bằng một số loại cây công nghiệp như điều, cà phê, hồ
tiêu, mía… cho hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho đồng bào. Tuy nhiên, vẫn
còn một số hộ gia đình trồng lúa ở những chỗ đất trũng để tự túc, tự cấp lương
thực. Như vậy cơ cấu cây trồng của đồng bào Mạ ở xã đã có sự thay đổi cơ bản so
với trước. Cùng với trồng trọt, người Mạ còn chăn nuôi bò, dê, gà, vịt, chủ yếu
để tự cung tự cấp cho gia đình, chứ chưa phải là hàng hóa. Cũng có một số hộ
gia đình hiện nay đã nuôi bò để bán nhưng đang còn rất ít. Do vậy, thu nhập của
đồng bào từ chăn nuôi không đáng kể. Ngoài ra, hoạt động kinh tế chiếm đoạt vẫn
giữ vai trò nhất định đối với cuộc sống của đồng bào nơi đây. Người Mạ vẫn thường
xuyên vào rừng săn thú, hái rau, lấy măng... chủ yếu phục vụ cho cuộc sống hàng
ngày của người dân.
Người Mạ là cư dân sinh sống ở Đạ Oai từ rất
lâu với những nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng, trong đó, nổi bất nhất
là lễ hội đâm trâu (tách nang yô sa rơ pu). Lễ hội được diễn ra khi mùa màng đã
thu hoạch xong và bội thu, nhằm báo cáo với các vị thần là năm nay con cháu mạnh
khoẻ, bình an, lúa đầy rẫy, đầy kho, cuộc sống no đủ, sung túc và xin cho năm
sau làm ăn được thuận lợi, lúa được nhiều hơn, đồng thời đây cũng là dịp để thiết
đãi bạn bè, khách quý.
2. Đặc điểm của dòng họ (tum giây)
Mỗi con người sinh ra và lớn lên đều có một
gia đình, dòng họ riêng, nơi họ hướng về với những tình cảm thân thương nhất.
Dòng họ là tập hợp những người cùng huyết thống làm thành các thế hệ nối tiếp
nhau, vì vậy những người cùng dòng họ thường có chung một ông tổ (nếu huyết thống
tính theo dòng cha) hoặc bà tổ (nếu huyết thống tính theo dòng mẹ). Dòng họ
giúp phân biệt một tập hợp người cùng tổ tiên, dòng máu này với một tập hợp người
cùng tổ tiên dòng máu khác. Tên của dòng họ luôn đi đôi với tên chính (và cả
tên đệm nếu có), nên nó góp phần cá thể hóa, phân biệt người này với người
khác. Khi hai người cùng tên đệm, tên chính nhưng khác họ, chức năng cá thể hóa
của họ rất rõ. Tuy nhiên, những đặc điểm trên của dòng họ chưa hẳn là đúng với
một số dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam nói chung và người Mạ nói riêng.
Đặc điểm đầu tiên: không có tên họ. “Trước
kia, nhiều dân tộc thiểu số không có họ. Chẳng hạn như người Chăm, người Khơme.
Đến thời Nguyễn, nhà Nguyễn mới ban cho người Chăm 4 họ: Ông, Ma, Trà, Chế; người
Khơ me 5 họ: Danh, Kim, Lâm, Sơn, Thạch; người Hrê họ Đinh”(2)... Và năm “1833
vua Minh Mạng ban cho các dân tộc ở huyện Phước Bình (Đồng Nai) các họ: Sơn,
Lâm, Hồng, Nhạn, Ngưu, Mã. Năm 1837, vua lại ban các họ Tòng, Đào, Lý, Dương
cho các dân tộc ở huyện Long Khánh”(3).
Riêng người Mạ cho đến nay vẫn chưa có họ
theo cách hiểu của người Kinh và một số dân tộc khác. Trên giấy tờ hay cách gọi,
tên họ của người Mạ chỉ để phân biệt giới tính nam hay nữ, bắt đầu bằng chữ K,
nhưng nếu là nam thì có dấu phẩy trên chữ K (K’) như: K’ Nhem, K’ Sắc, K’ Lịch…
còn nếu là nữ thì thêm chữ a vào sau chữ K (Ka) như: Ka Siệp, Ka Siêu, Ka
Diêm... Vì vậy, dòng họ người Mạ ở xã Đạ Oai thật sự chưa có tên họ cụ thể.
Đặc điểm thứ hai: tên họ được đặt theo tên
con suối gần nơi họ cư trú. Qua khảo sát thực tế tại địa phương, chúng tôi nhận
thấy, xã Đạ Oai hiện nay vốn là địa bàn cư trú của 6 dòng họ, đồng thời cũng là
6 buôn trước đây, và mỗi buôn đều có một con suối chảy qua với tên gọi là Krơ
Yô Đạ Nar, Lùng Đơn, Cơ Nur Đạ Tràng, Blú Đạ Tràng, Bơ Kẻ, Crìn (4). Trong 6
buôn này, sau năm 1975 theo sự sắp xếp của chính quyền địa phương, buôn Bơ Kẻ
đã chuyển về khu vực suối Tiên. Như vậy, hiện nay tại xã Đạ Oai có 5 dòng họ
người Mạ cư trú: Crìn với 22 hộ gia đình, 121 nhân khẩu, do ông K’Bre làm trưởng
họ; Lùng Đơn có 18 hộ gia đình, 65 nhân khẩu, do ông K’ Mới làm trưởng họ; Cơ
Nur Đạ Chọ có 28 hộ gia đình, 99 thành viên, do ông K’ Khạch làm trưởng họ; Blú
Đạ Tràng với 30 hộ gia đình, 113 nhân khẩu, do ông K’ Lẹt làm trưởng họ; Krơ Yô
Đạ Nar do ông K’ Chơng làm trưởng họ với 35 hộ gia đình và 240 nhân khẩu (5).
Đặc điểm thứ ba: dựa vào đặc điểm riêng của
mỗi dòng họ để phân biệt các dòng họ với nhau. Mỗi dòng họ cư trú ở một vị trí
nhất định, đây là nơi chôn nhau, treo nhau, cắt rốn của mỗi người, là nơi họ đã
sinh ra, lớn lên và khi đi nơi khác, mọi người sẽ biết dòng họ này nằm trong
khu vực có con suối nào và có đặc điểm riêng nổi bật nào. Như dòng họ Krơ Yô Đạ
Nar, đặc điểm nổi bật là người phụ nữ sau khi sinh con xong, nhau thai sẽ được
treo trên cây nên còn được gọi là dòng họ treo nhau (yông sộ)(6). Sở dĩ có
phong tục này là do những người trong dòng họ Krơ Yô Đạ Nar quan niệm đã sinh
ra thì không chôn mà chỉ khi chết mới chôn. Điều này cũng thể hiện được mong muốn
của các thành viên trong dòng họ là những người được sinh ra cứ thế lớn lên,
không bị ốm đau, bệnh tật và sống đến già. Nếu ở dòng họ Krơ Yô Đạ Nar có phong
tục treo nhau thai thì họ Cơ Nur Đạ Chọ lại quan niệm người phụ nữ sau khi sinh
xong phải chôn nhau. Họ bỏ nhau vào một cái hũ rồi đem chôn ở gần nhà. Trong
phong tục sinh đẻ, tuy các dòng họ có sự khác nhau về việc đem chôn nhau hay
treo nhau sau khi sinh, nhưng tất cả các dòng họ người Mạ ở Đạ Oai đều có một
phong tục giống nhau là đứa trẻ sinh ra, sau khi được cắt rốn, họ sẽ lấy một phần
cuống rốn bỏ vào lọ để cầu khấn thần linh cho đứa trẻ lớn lên không ốm đau, bệnh
tật, được mạnh khỏe và giàu có. Không những vậy, nét khác nhau giữa các dòng họ
còn thể hiện qua việc đòi lễ vật trong đám cưới mà người Mạ gọi là phần. Có
dòng họ thách rất nhiều phần, có dòng họ thách ít: Cơ Nur Đạ Chọ thách 30 phần,
Crìn thách 22 phần, Krơ Yô Đạ Nar thách 18 phần, Lùng Đơn thách 18 phần, Blú Đạ
Tràng thách 15 phần. Mỗi phần chính là một lễ vật mà nhà trai phải đưa sang nhà
gái như: trâu (rơ pụ), ché rượu cần (rơ nầm), gà (còn iơr), vịt (còn đa), dê
(be), mền (ồi), gùi (sớ)… Phải đưa đầy đủ tất cả các phần nhà gái yêu cầu, nhà
trai mới được đón dâu về. Như vậy, mỗi dòng họ của người Mạ đều có những đặc điểm
riêng để phân biệt với dòng họ khác. Những đặc điểm riêng này chỉ tồn tại trong
tâm thức của mỗi người và được thể hiện qua phong tục của dòng họ đó, chứ chưa
có gia phả để ghi chép như những dòng họ ở địa phương khác.
Một đặc điểm nữa của dòng họ người Mạ ở Đạ
Oai là tiêu chí lựa chọn người trưởng họ. Dòng họ là một thiết chế quan trọng
trong xã hội người Mạ và được tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới. Tất cả những
người trong dòng họ cùng thờ một ông tổ họ, cầu ông ban cho sức khỏe, mùa màng
bội thu, gia đình hạnh phúc, đi xa được bình an vô sự... Người đứng đầu một
dòng họ được gọi là trưởng họ (kơ noar tum), chức này tồn tại theo hình thức
cha truyền con nối, nếu cha là trưởng họ, khi cha chết người con trai trưởng sẽ
thay cha làm trưởng họ. Tuy nhiên nếu người con trai trưởng đó không có năng
khiếu và khả năng về đan, rèn, săn bắn cũng như giao tiếp không tốt, chức trưởng
họ sẽ được giao lại cho người con trai thứ trong gia đình. Người con trai thứ
phải tỏ rõ năng lực hơn hẳn anh mình về nhiều mặt, đặc biệt phải biết ứng xử
trên dưới, trước sau sao cho hợp lý, phải nắm rõ những người trong dòng họ mình
làm gì, ở đâu... Còn nếu như gia đình đó không có con trai hay có con trai
nhưng không đủ yêu cầu dòng họ đặt ra, chức trưởng họ được truyền lại cho người
con gái, nhưng thông thường trường hợp này ít khi xảy ra. Nói chung để trở
thành người trưởng họ của một dòng họ, bản thân người đó phải có năng lực, uy
tín nhất định và đủ khả năng thuyết phục được các thành viên trong họ.
Vai trò to lớn của trưởng họ trong dòng họ
cũng là một đặc điểm của dòng họ người Mạ ở xã Đạ Oai. Ông là người thay mặt
dòng họ giải quyết tất cả công việc từ đối nội đến đối ngoại khi một gia đình
trong họ có việc lớn: cưới xin, tang ma. Công việc đầu tiên của gia đình này là
đến thông báo cho trưởng họ biết, người trưởng họ có thể thay mặt gia đình phân
công công việc phù hợp cho thành viên trong dòng họ, tiếp khách giúp gia đình
và là người đứng ra chủ trì các nghi lễ cúng tế. Hoặc khi người nào đó trong họ
gặp khó khăn, trưởng họ cùng với người già trong dòng họ đứng ra giải quyết,
ông có thể quyết định mỗi gia đình trong họ sẽ giúp đỡ người khó khăn bằng hình
thức nào. Bên cạnh đó, ông còn là người đứng ra giải quyết những xích mích,
xung đột xảy ra trong dòng họ hoặc dòng họ mình với dòng họ khác. Lúc đó, trưởng
họ phải thể hiện được vị trí, vai trò, trí tuệ, sự khôn khéo để giải quyết êm
thấm mọi xung đột, xích mích, giúp mọi người hiểu nhau, thông cảm cho nhau và bỏ
qua những hiểu lầm. Đặc biệt, vai trò của trưởng họ được thể hiện rõ nhất trong
quá trình sản xuất. Đó là trước khi chọn một khu rừng để tiến hành sản xuất,
người trưởng họ phải tập hợp thành viên trong họ lại, sau đó nói kế hoạch để mọi
người cùng biết và chuẩn bị. Đầu tiên là người trưởng họ, đồng thời là già làng
(7) chọn ngày để phát rẫy (mur mir) và tiến hành cúng xin thần rừng cho mình
cùng con cháu được phát rừng làm rẫy, tiến hành trồng trọt. Lễ vật khi cúng phải
có cá bắt dưới sông, một bó rau lấy ở trong rừng, một con gà trống. Sau lễ
cúng, mọi người cùng nhau bắt tay vào phát rừng kể cả trưởng họ. Sau khi phát
khoảng 1 tháng, họ tiến hành đốt rẫy (chu mir), ngày đốt thường là vào ngày
trăng tròn (ngày rằm), vì họ cho rằng đốt vào ngày trăng tròn mới được mùa, còn
nếu đốt vào ngày trăng khuyết sẽ bị mất mùa do cây không phát triển được. Họ
cũng kiêng đốt vào ngày trăng mọc (ngày đầu tiên có trăng của kỳ đó) vì sợ cỏ sẽ
mọc nhiều, lấn át cả cây trồng. Lửa để đốt được tạo ra từ cây mum khô với dây
mây cọ với nhau, đốt xong mọi người dọn lại và bắt đầu xuống giống (tụch tìl
kòi tờm ụ). Khi xuống giống, người trưởng họ cùng các thành viên tập trung lại
cùng nhau cúng thần linh, đây chính là lễ cúng đầu mùa (lơh yàng tầm sơ nam) của
người Mạ, trong lễ cúng phải có gà, rượu cần, cơm nếp. Khi cúng xong, tất cả mọi
người trong dòng họ gieo giống và cùng nhau làm cỏ, chăm sóc cho cây sinh trưởng,
phát triển. Đến lúc thu hoạch thì trước khi chuẩn bị thu hoạch, họ lại cúng một
lần nữa, gọi là cúng cuối mùa (lơh yàng gơh sơ nam), lễ vật khi cúng là gà trống,
trứng gà, một nắm cơm nếp và một ché rượu cần. Kết thúc buổi lễ cũng là lúc mọi
người tiến hành thu hoạch và đưa nông sản về kho, khi thu hoạch, họ không chỉ
cúng ở ngoài rẫy mà còn cúng ở kho lúa. Như vậy, trưởng họ của người Mạ ở xã Đạ
Oai giữ vai trò vô cùng to lớn, ông là người khởi xướng, hướng dẫn các công việc
đồng thời cũng là người chủ trì các nghi lễ trong quá trình sản xuất của một
dòng họ.
Đặc điểm cuối cùng của dòng họ người Mạ ở
xã Đạ Oai là tính hiếu khách được thể hiện rõ nét trong lễ hội đâm trâu (tách
nang yô sa rơ pu). Công việc đầu tiên trong lễ hội đâm trâu là mời khách (wá
rơh drang) đến tham dự. Người chủ (trưởng họ) trộn gạo với củ nghệ tượng trưng
cho ngày lễ, rồi bỏ vào một cái ống mang đến nhà người mà mình muốn mời tới dự,
khi mời nếu như người đó đồng ý đi thì sẽ cắn một hạt gạo và được xem như là một
giao ước. Công việc mời khách đã xong, tiếp đến là việc chuẩn bị cho lễ hội đâm
trâu, công tác chuẩn bị được tiến hành trong khoảng một tháng. Con trai trong
dòng họ vào rừng chặt cây để làm cây nêu, dựng một nhà rông nhỏ mang tính tượng
trưng, con gái đi kiếm rau, giã gạo, lấy củi, lấy nước... Tất cả những công việc
này được làm ban ngày, còn tối đến họ tập trung lại tập đánh cồng chiêng, múa,
hát. Đến ngày mở lễ hội, khi khách đã đến đông đủ, các thành viên trong dòng họ
tổ chức lễ hội đâm trâu, mang cơm nếp và rượu cần ra để tiếp khách. Một điều
không thể thiếu trong lễ hội đâm trâu là trước khi uống rượu, người trưởng họ
tiến hành cúng tế thần linh. Sau đó, cả chủ và khách đều tham gia nghi lễ đâm
trâu (đâm 2 phát vào phía sau con trâu, nhưng trâu vẫn chưa chết). Người trưởng
họ tiếp tục dùng một con gà trống, một ché rượu cần, một tấm đắp để cúng tế, vừa
cúng vừa đâm trâu, kêu yàng cho năm sau được mùa, con cháu mạnh khỏe, không bệnh
tật, buôn làng bình an. Sau khi trâu đã chết, họ lấy tấm đắp đắp lên mình trâu,
bôi tiết gà vào đầu trâu rồi mới làm thịt đãi khách và chia phần. Cả khách lẫn
chủ cùng mọi người trong buôn ăn uống vui vẻ, hát ca, nhảy múa, đánh cồng
chiêng trong khoảng 6 ngày. Đến ngày thứ 7, trưởng họ làm lễ tiễn khách, kết
thúc lễ hội đâm trâu, khi về, những người khách tham dự được biếu một phần thịt
trâu mang về. Như vậy, lễ hội đâm trâu của người Mạ ở Đạ Oai không chỉ mang ý
nghĩa cầu cho mùa màng tốt tươi, bội thu mà còn là dịp để dòng họ này thể hiện
tấm lòng hiếu khách của mình với dòng họ kia. Hiện nay, việc tổ chức lễ hội đâm
trâu giữa các buôn, các dòng họ như trên không còn diễn ra nữa, và dù góp phần
làm giảm sự tốn kém, lãng phí cho cộng đồng nhưng nó lại làm mất đi bản sắc văn
hóa riêng của người Mạ nơi đây.
Khi
người Mạ sống quây quần tại một khu vực nhất định với những ngôi nhà ván, nhà
xây hay ngôi nhà tình thương thì
cũng là lúc tất cả các dòng họ của Mạ chỉ có một già làng duy nhất, và những đặc
trưng riêng của từng dòng họ bị mờ nhạt dần, cách thức tổ chức trong dòng họ bị
thay đổi và mối quan hệ giữa các dòng họ không còn được thể hiện đậm nét qua lễ
hội đâm trâu... đặc biệt vai trò của trưởng họ trong mỗi dòng họ giảm đi rõ rệt. Họ vẫn giữ vai trò là trưởng họ nhưng không còn thay mặt
các gia đình trong dòng họ giải quyết tất cả công việc. Hiện nay, mỗi gia đình
của người Mạ nơi đây đã tự
quyết định mọi lĩnh vực liên quan đến cuộc sống của gia đình từ ăn, ở, sinh hoạt,
sản xuất cho đến đối nội, đối ngoại. Tuy nhiên, ở một số công việc, họ vẫn hỏi
ý kiến của trưởng họ nhưng không còn
bị động, phụ thuộc vào trưởng họ như
trước kia.
Như vậy, đặc điểm của dòng họ người Mạ ở
xã Đạ Oai đã góp phần quan trọng tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa của con
người nơi đây. Tuy nhiên, những đặc trưng này đang dần dần bị mờ nhạt và mất
đi, thay vào đó là yếu tố văn hóa hiện đại. Bên cạnh những thuận lợi do sự thay
đổi này mang lại thì văn hóa truyền thống của người Mạ cũng mất đi những nét đẹp
vốn có của nó mà không biết lúc nào mới có thể khôi phục lại được.
Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét