Tục lấy nước đầu năm mới của người Khơ Mú là một tập tục
rất độc đáo mà cũng chứa đựng trong đó rất nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả.
Đồng bào Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn ăn Tết cổ
truyền “Mạz chiêng” với rất nhiều phong tục, tập quán riêng biệt và mang nhiều
giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc, trong đó độc đáo nhất chính là tục lấy nước
đầu năm mới.
Nếu người Dao quan niệm lấy nước vào ngày Tết thì năm đó trời
sẽ hạn hán, mất mùa thì với người Khơ Mú, tục lấy nước vào buổi sáng đầu năm mới
là một tập quán quan trọng, thể hiện cách ứng xử của người dân với môi trường
thiên nhiên và các quan niệm về vai trò của nước trong cuộc sống. Với họ lấy nước
vào buổi sáng mồng một sẽ đem lại sự may mắn cho mọi người trong gia đình, bởi
vậy sáng sớm ngày mồng Một tết, gia đình nào cũng phải dậy thật sớm (thường từ
4 giờ 30 phút đến trước khi trời sáng hẳn) để đi lấy nước mới đầu năm về. Trong
gia đình thường chọn ra một người có sức khỏe (thường là thanh niên chưa có vợ,
có chồng), nếu không thì chính bà chủ gia đình sẽ là người đi lấy nước đầu năm.
Có lẽ, cũng do theo quan niệm của người Khơ Mú, người phụ nữ trong gia đình là
người giữ vai trò quan trọng hơn cả, người hết mực thương yêu, chăm sóc cho gia
đình, luôn cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình, hơn nữa người phụ nữ lại
là người lo liệu và phụ trách việc bếp núc, cày cấy và gieo trồng, do vậy nước
gắn chặt với công việc hàng ngày của người phụ nữ. Vì thế, người phụ nữ là người
đi lấy nước mới trong ngày đầu năm cho toàn thể gia đình.
Người Khơ mú thường dùng dụng cụ lấy nước là ống nứa to, đẹp
và mới. Nước được chọn để lấy nước đầu năm phải là khe nước đầu nguồn, chảy từ
trên cao xuống. Vì vậy để có nguồn nước trong lành, sạch sẽ, từ ngày 25, 26 tết,
già làng trưởng bản đã huy động người dân làm vệ sinh từ đầu nguồn, thay
máng nước mới. Thông thường, đồng bào vào rất sâu, tới tận đầu nguồn để lấy
được những giọt nước tinh khiết nhất trong ngày đầu năm mới. Người phụ nữ sẽ bè
(gánh) nước mới về, sau đó rót nước mới cho các thành viên trong gia đình mỗi
người uống một ngụm để lấy may và cầu mong một năm mới luôn được khoẻ mạnh.
Theo quan niệm của đồng bào nước mới sẽ thanh lọc cơ thể con người và lấy đi hết
mọi bệnh tật của năm cũ, giúp mọi người trong gia đình luôn được khoẻ mạnh. Họ
tin rằng, sử dụng nước đầu tiên của khe nước trong năm mới sẽ tốt lành.
Nếu gia đình nào không đi lấy nước mới trong ngày đầu năm,
người ta cho rằng cả năm đó gia đình ấy sẽ không gặp may mắn, năm mới làm ăn
không tốt đẹp như năm cũ, mùa màng sẽ không tốt tươi bội thu, các thành viên
trong gia đình sẽ không được khoẻ mạnh. Họ cũng cho rằng nếu như năm nào đi lấy
nước mới, nguồn nước đục hoặc nước ít thì như điều báo hiệu cho một năm mới
không suôn sẻ, không tốt... mọi người lấy nước về cầu xin thần thánh phù hộ và
ban cho một năm mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc cho gia đình. Sau khi lấy được
nước, người đi lấy nước sẽ thò tay xuống suối để mò một hòn đá (khi mò đá không
được nhìn mà phải quay mặt đi chỗ khác) nếu mò được hòn đá mầu trắng thì đó là
tín hiệu tốt lành cho một năm làm ăn may mắn phát đạt.
Tục lấy nước đầu năm mới của người Khơ Mú là một tập tục rất
độc đáo mà cũng chứa đựng trong đó rất nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả. Từ tập tục
này đồng bào đã giáo dục cho con cháu phải biết bảo vệ và giữ gìn nguồn
nước trong sạch , đồng thời cũng phải có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường
thiên nhiên để phục vụ cho đời sống, cho sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy mà
phong tục này đã được giữ gìn và lưu truyền qua rất nhiều thế hệ người Khơ Mú.
Lý Hải Ninh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét