Giải mã "vũ điệu chọc lỗ" của dân tộc Khơ Mú (Nông Thị Hằng)

Không chỉ diễn tả động tác chọc lỗ tra hạt trên nương, vũ điệu tra hạt của người Khơ Mú Nghĩa Sơn (Văn Chấn, Yên Bái) thể hiện khát vọng sinh sôi, ấm no hạnh phúc của đồng bào thiểu số nơi này.
Những ai đã từng biết về nỗi khổ cực của người Khơ Mú trước cách mạng tháng tám, mới thấy hết sức sống mãnh liệt của một dân tộc qua “vũ điệu sinh sôi” này.
Thuở ấy, người Khơ Mú bị gọi miệt thị là “Xá cẩu” – tức Xá chó. Cuộc sống của họ rất cực khổ, suốt đời chỉ đi làm phu phen, nô dịch cho bọn phìa, tạo, thống lý của các dân tộc khác. Đồng bào sống chui lủi trong các căn lều tạm bợ ven con suối Nậm Tộc, khi mái lá úa vàng, họ lại dắt díu nhau đi dựng căn lều mới. Bởi vậy người ta còn gọi người Khơ Mú Nghĩa Sơn là Xá Toong đương  (tức Xá lá vàng).


Ngày ấy, mỗi khi nhà lang tạo có đám ma, người Khơ Mú phải ngồi dưới quan tài canh ma cà rồng, mặc cho nước hôi thối rỏ vào người, rồi còn phải thay nhau ngày đêm canh mả không cho ma cà rồng bới xác. Có lẽ do luôn phải sống trong sợ hãi mà ngày ấy mỗi khi gia đình có người qua đời, người Khơ Mú Nghĩa Sơn lại lặng lẽ đem ra rừng chôn rồi san đất cho bằng, không nhận ra dấu vết mộ để không bị kẻ ác đào xới…
Có thời điểm, người Khơ Mú chỉ còn 300 khẩu, sống lay lắt, chui lủi ở các bờ suối. Và rồi nhờ có cách mạng tháng tám thành công, người Khơ Mú được đổi đời. Họ được đứng ngang hàng với các dân tộc khác, được bảo vệ chăm lo và phát triển.

Vũ điệu tra hạt – niềm lạc quan bất tận của đồng bào

Thoát khỏi cuộc sống tối tăm, lệ thuộc vào các dân tộc khác, người Khơ Mú không ngừng sáng tạo trong đời sống và lao động của mình. Khi còn sống du canh du cư, họ làm nên chiếc gậy chọc lỗ tra hạt. Có lẽ cuộc sống muôn sắc màu, đầy những âm thanh tuyệt diệu của tự nhiên đã tạo cảm hứng cho những nghệ nhân dân gian sáng tạo nên chiếc gậy độc đáo này. Chiếc gậy không chỉ trở thành công cụ lao động mà còn là nhạc cụ đem lại những phút giây thư giãn trong trẻo trong quá trình lao động.


Chiếc gậy chọc lỗ tra hạt này làm bằng gỗ cứng, dài từ 1,8m đến 2m, đẽo nhọn ở đầu, có khi còn được bịt sắt. Gậy này có ba phần: phần đầu bằng gỗ cứng, phần thân thường bằng tre và phần cuối  được gắn với các nhạc cụ được chế tác đơn giản, gồm những ống tre, nứa nhỏ cho những viên sỏi vào trong.
Khi chọc lỗ, âm thanh dội lên ở phần thân bằng tre như một hộp cộng hưởng. Những viên sỏi va đập vào ống tre, nứa tạo nên những âm thanh trầm, bổng tươi vui, rộn rã giữa non ngàn.
Người Khơ Mú làm nương theo lối đổi công, có thể là một nhóm, có khi cả bản cùng làm. Đàn ông khỏe mạnh dàn hàng ngang đi trước, vừa nhún nhẩy, vừa vung gậy chọc lỗ tra hạt, những âm thanh như đánh thức đất trời, khích lệ những người tham gia lao động.


Các cô gái theo sau nhịp nhàng vung tay gieo những hạt lúa giống vào lỗ, chân gạt nhẹ lấp đất. Tất cả đều nhịp nhàng uyển chuyển, hài hòa trong khúc dân ca của chính người Khơ Mú: “Mưa rơi cho cây tốt tươi/Búp chen lá trên cành/ Trên nương hương thơm nếp vàng/ Măng cười hé lên cùng/Ngạt ngào hương thơm bay theo gió/Những chim nướng cùng nếp thơm/Nhìn mà no!”.Tiếng cười vang xa mấy cánh rừng, bao nỗi mệt nhọc tan biến. Sau mỗi mùa vụ, nhiều đôi thanh niên nam nữ nên vợ nên chồng.
Sau mỗi mùa vụ, đồng bào thường treo cây gậy chọ lỗ này trên gác bếp để tránh mối mọt. Cũng có gia đình để trên nương để thờ “ma nương”, vụ sau lại đem dùng.
Mỗi độ xuân về, người Khơ mú Nghĩa Sơn đều tổ chức lễ hội cầu mùa và vũ điệu chọc lỗ tra hạt với chiếc gậy độc đáo gắn với nhạc cụ bao giờ cũng được thể hiện tưng bừng rộn rã như sự giao hòa âm dương, thức dậy những khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Nông Thị Hằng (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét