Rìu - một nét văn hóa của dân tộc Giẻ-Triêng ở KonTum (Hà Nhung)

Kon Tum là tỉnh có mật độ dân số thấp nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Trên địa bàn Kon Tum có 35 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 46,4% dân số toàn 
tỉnh, tiếp đến là người Xơ Đăng chiếm 25,1%; người Ba Na 12,0%; người Giẻ Triêng 8,1%; người Gia Rai 5,1%...
Dân tộc Giẻ - Triêng hiện có 31.644 người, chiếm 8,1% tổng dân số toàn tỉnh (điều tra dân số ngày 1/4/2009), đứng thứ tư sau Người Kinh, dân tộc Xơ Đăng và dân tộc Bah Nar.Cư trú tập trung trên địa bàn hai huyện Đắk Glei và Ngọc Hồi.

Văn hoá dân tộc Giẻ - Triêng thể hiện qua cách ăn, cách nói, dáng đi, cử chỉ, qua các hoạt động sản xuất, những công cụ lao động sản xuất,…của người Giẻ - Triêng mà "không nơi nào có được" vừa thể hiện được tính tổng hợp nhưng lại mang đậm giá trị văn hoá gốc, văn hoá vùng. Văn hoá dân tộc Giẻ - Triêng thể hiện bằng sự tinh tế, khéo léo trong lối ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội; theo phong cách riêng - phong cách người Giẻ - Triêng.
Quá trình cộng cư và phát triển lâu dài đã tạo ra những yếu tố văn hoá đặc trưng; yếu tố văn hoá riêng của người Giẻ - Triêng được thể hiện qua các hoạt động hàng ngày như: lễ hội, ăn uống, sản xuất,…Đặc biệt là các công cụ lao động đã tạo nên một nét văn hoá riêng cho người Giẻ - Triêng.
Với người Giẻ - Triêng thì công cụ lao động sản xuất là những vật dụng không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của họ nhưng trong đó, rìu là công cụ được "ưu ái" hơn và nổi trội hơn hẳn các loại công cụ khác về kiểu dáng cũng như hình thức trang trí.
Không chỉ ở dân tộc Giẻ - Triêng mà ở hầu hết các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều sử dụng Rìu. Nhưng ở mỗi dân tộc có sự khác nhau về kiểu dáng và cách thức trang trí.
Đây là dụng cụ được đồng bào sử dụng vào những việc chủ yếu như: chặt gỗ, đẽo cột, chặt củi, chẻ củi,…Những nguyên liệu để làm rìu đều có sẵn trong tự nhiên và gần gũi với cuộc sống của người Giẻ - Triêng. Rìu (Chung) gồm ba bộ phận chính là:
Lưỡi (C’la)
Cán (Biu)
Ốp lót tay (Bút)

Hình.1

Để làm ra một cái rìu (Hình.1) phải trải quan 3 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Rèn lưỡi rìu. Thường ở trong làng có một hoặc hai người thợ chuyên rèn các loại công cụ lao động như: cuốc, dao, rìu,…Ai muốn rèn thì phải mang mảnh sắt đến và nhờ thợ rèn làm cho. Công thì trả bằng các vật phẩm sẵn có như: heo, gà, lúa,…hoặc phải nuôi cơm gia đình người thợ trong suốt thời gian (một lưỡi rìu rèn từ 1 đến 2 ngày) rèn lưỡi rìu. Bên cạnh việc trả công thì phải ngồi thụt lửa trong suốt thời gian rèn lưỡi.

Hình.2

Bước 2: Làm cán. Trừ thời gian đi tìm cán ở trên rẫy, trong rừng,…ra thì làm cán rìu cũng đơn giản và không mất nhiều thời gian. Người Giẻ - Triêng chọn loại cây gỗ mà họ gọi là Loong tă để làm cán. Nếu làm cán cong (Hình.1) thì phải uốn, còn làm cán thẳng (Hình.2) thì để nguyên.
Bước 3: Làm ốp lót tay. Được làm bằng ống nứa dài khoảng 25 – 30cm. Đây là công đoạn đòi hỏi sự công phu nhất và mất nhiều thời gian nhất.
Phải chọn đoạn nứa thẳng, đẹp, đủ độ già (không non quá và không già quá) và vừa với tay cầm. Sau đó tiến hành khắc hoa văn. Chỉ bằng một con dao nhỏ, với bàn tay khéo léo và cặp mắt thẩm mỹ của mình, người đàn ông Giẻ - Triêng đã cho ra một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp thỏa mãn với nhãn quan của mình cũng như những người được chiêm ngưỡng.
Công cụ để làm rìu chủ yếu là dao (Chang). Trong đó, có loại dao to (Chang Tăng), dao nhỏ (Chang xeng), nhưng chủ yếu là loại dao nhỏ (Chang xeng).

Các họa tiết hoa văn (Đe) trang trí trên cán rìu.

Các hoạ tiết hoa văn ở đây là hoa văn khắc chìm. Trong đó, chủ yếu là các loại hoa văn như: hình học, khắc vạch, sóng nước,…Nhìn chung ở đây được khắc hoạ những hoạ tiết hoa văn truyền thống của người Giẻ - Triêng.
Màu sắc được sử dụng là màu đen được làm từ khói cây xà nu kết hợp với lá rau tàu bay. Người Giẻ - Triêng thường hơ lên khói xà nu sau đó lấy lá rau tàu bay trà đi trà lại nhiều lần sẽ làm cho màu ngấm vào các đường khắc làm nổi bật lên các hoạ tiết hoa văn.
Sau khi làm xong thì ráp các bộ phận lại với nhau. Riêng phần cán được đẽo nhỏ lại để đút vừa ốp lót tay, phía cuối cán để thừa khoảng 2cm để tạo rãnh tròn và thắt đai dây mây tạo độ chắc chắn và thẩm mỹ cho cán rìu.
Một nét đẹp trong nghệ thuật trang trí cổ truyền trên cán rìu của người Giẻ - Triêng cần nói tới đó là việc sử dụng những lạt mây quấn tròn để tăng độ bền chắc cho cán rìu theo kiểu bố cục dải đường diềm đơn giản. Người ta cũng không quên tạo ra một vài chấm phá những nét hoa văn nổi bằng sợi mây, guột ở điểm nhấn cần thiết trên công cụ.
Với người Giẻ - Triêng thì rìu không thể thiếu được trong cuộc sống của họ. Thường trong mỗi gia đình có từ 3 – 5 cái. Trong đó có loại to nhỏ khác nhau để dùng cho các thành viên trong gia đình từ bé đến lớn, từ nam đến nữ, và thường của ai thì người đó dùng.
Đặc biệt đối với nam nữ Giẻ - Triêng hiện nay, rìu không chỉ là công cụ lao động hàng ngày mà nó có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đời của họ. Đó là khi đến tuổi lập gia đình thì con gái phải chuẩn bị 100 bó củi (thường là gỗ Dẻ) để tặng cho nhà trai. Lúc này rìu là một vật dụng rất quan trọng vì nó không chỉ dùng để chặt củi mà nó còn là vật dụng đánh dấu mốc thời gian và tình cảm mà cô gái gửi gắm cho chàng trai cùng gia đình trước khi về làm vợ.
Ngược lại, với nam giới, rìu là một vật dụng để họ thể hiện vai trò của người nam giới, người đàn ông trong gia đình. Đó là việc chặt gỗ, đẽo gỗ,…để làm nhà ở, nhà rông,…và một số công việc khác của gia đình cũng như của làng. Không chỉ vậy, rìu còn là một tác phầm nghệ thuật mà họ gửi gắm vào đó tâm huyết và trình độ thẩm mỹ của mình. Với dụng cụ đơn giản: Con dao vót nan nhọn đầu, có hình dáng giống như chiếc lá tre cắm vào cái cán tre đặc, cong dài - đủ tầm để tỳ vào sườn, kẹp nách khi thao tác kỹ thuật, hoặc với con dao rừng đa năng, họ đã khắc lên cán rìu những nét chìm nghệ thuật, vừa để gửi gắm một vẻ đẹp âm ỉ trong tâm hồn, vừa để khẳng định quyền sở hữu của chính mình bằng ký tự hoa văn.
Hơn thế nữa, chiếc rìu còn là vật phẩm mà những chàng trai tặng cho người mình yêu để làm kỷ vật (thường là 2 cái) trước khi cưới cô gái về làm vợ. Điều đó khẳng định rằng: “những chiếc rìu mà chàng trai tặng cho người mình yêu là những tác phẩm văn hoá - nghệ thuật để đời” của họ.
Ngày nay, việc sử dụng rìu vẫn đang tồn tại khá phổ biến và đậm nét ở dân tộc Giẻ - Triêng. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa vật chất mà có ý nghĩa rất lớn về mặt văn hóa tinh thần - văn hoá nghệ thuật. Do đó, chúng ta phải không ngừng nghiên cứu, sưu tầm nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – nghệ thuật của loại hình này./.
Hà Nhung (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét