Theo phong tục người Giẻ Triêng, trước khi tiến hành nghi lễ
“bắt chồng” thì người con gái phải đốn đủ 100 bó củi và sản phẩm dệt để đem đến
nhà chồng, điều này đã đi vào đời sống của mọi người hàng ngàn năm nay và trở
thành “luật bất thành văn”. Ngày nay phong tục này vẫn còn được lưu giữ, nhưng
do cần phải bảo vệ tài nguyên rừng nên số củi cũng được giảm bớt, nhưng ít nhất
vẫn phải có từ 1 – 2 bó.
Theo quan niệm của người Giẻ Triêng, đây là những thanh củi
“hứa hôn”, thể hiện phẩm chất, tài khéo léo, siêng năng của người con dâu. Phía
nhà trai, nếu khá giả mang bò, chiêng, ché, nồi đồng và không thể thiếu đồ đan
lát như gùi để tặng nhà gái. Trong lễ vật của nhà trai bắt buộc phải có chim,
chuột rừng.
Lễ cưới được chính thức diễn ra dưới sự điều hành của người
mai mối. Đám cưới phải được tổ chức vào ban ngày, mở đầu bằng việc chuyển củi từ
nhà gái sang nhà trai.
Trong lễ cưới, người làm mai mối giết gà lấy tiết để cúng gọi
các vị thần xuống chứng giám cho đôi bạn trẻ đã nên vợ nên chồng và phù hộ cho
họ sau này làm ăn no đủ, sinh con đẻ cái khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc.
Một sản phẩm dệt không thể thiếu mà nhà gái đem đến nhà
trai đó là tấm dồ (Rơ moong), thể hiện tấm lòng của cô dâu dành cho nhà chồng.
Còn, nhà trai tặng cho nhà gái gùi, đây là sản phẩm để khoe tài năng đan lát của
mình với nhà gái, chiếc gùi mang nhiều may mắn và cô dâu tương lai sẽ luôn mang
chiệc gùi chứa đầy hạnh phúc.
Người làm mai mối trao cho cô dâu, chú rể cần rượu, hai người
cùng uống và đổi cần rượu cho nhau, họ cùng trao nắm cơm và cùng nhau ăn (mỗi
người ăn 7 nắm), thể hiện sự gắn kết hạnh phúc bên nhau suốt đời.
Sau khi làm lễ xong, người mai mối kêu gọi dân làng đến
cùng chia vui và chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Họ cùng đánh cồng chiêng, uống
rượu cần, hò hát, múa xoang...
Quang Huynh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét