Người Gié Triêng còn
được biết qua các tên: Đgiéh, Ta Reh, Giảng Rây, Pin,
Triêng, Treng, Ta Liêng, Ve, La-Ve, Bnoong, Ca Tang. Có thể cùng là
một dân tộc với người Talieng tại
Lào. Dân tộc này thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Gié
Triêng ở Việt Nam có dân số 50.962 người, cư trú tại 29 trên tổng số 63 tỉnh,
thành phố. Người Gié Triêng cư trú tập trung tại các tỉnh: Kon Tum (32.644 người,
chiếm 62,1% tổng số người Gié Triêng tại Việt Nam), Quảng Nam (19.007 người,
chiếm 37,3% tổng số người Gié Triêng tại Việt Nam), ngoài ra còn có tại Đắk Lắk
(78 người) và một số ít ở các tỉnh khác.
Mỗi người Gié Triêng (trừ
nhóm Bnoong) đều có họ kèm theo tên, nhưng họ của đàn ông
khác với họ của đàn bà. Mỗi họ đều có việc kiêng kỵ, một truyện cổ giải thích về
tên họ và điều kiêng kỵ đó. Xưa kia, con trai theo họ bố, con gái theo họ mẹ.
Người Gié Triêng sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy. Ngoài ra
học còn săn bắn, đánh cá, hái lượm các loại rau rừng, hoa quả, nấm… làm thức ăn
hàng ngày. Người Gié Triêng còn nuôi trâu, bò, heo, gà nhưng chủ yếu chỉ dùng
vào lễ hiến sinh.
Y Hải Yến, sơn nữ Gié Triêng, trình diễn
trang phục truyền thống trong một cuộc thi Hoa Hậu Dân Tộc VN.
Theo tục lệ cũ, con trai khoảng 10 tuổi bắt đầu ngủ đêm tại
nhà rông, khoảng 13-15 tuổi thì cà răng và sau đó vài ba năm sẽ lấy vợ. Con gái
chủ động trong việc hôn nhân của mình và sự lựa chọn của con cái được cha mẹ
tôn trọng. Trước khi lập gia đình, con trai phải biết đan lát, biết tấu chiêng
cồng, các cô gái phải thạo đan chiếu, dệt vải (ở những vùng có nghề dệt). Cô
gái phải chuẩn bị đủ 100 bó củi đẹp để nộp cho nhà trai trong lễ cưới. Sau đám
cưới, đôi vợ chồng trẻ phải sống và luân phiên chuyển nhà từ nhà cha mẹ vợ sang
nhà cha mẹ chồng, và ngược lại cứ ba đến bốn năm một lần, cho đến khi cha mẹ một
bên qua đời mới định cư một chỗ.
Người Gié Triêng ở nhà sàn dài, nhiều nơi làm mái đầu hồi
uốn khum hình mu rùa. Thường thì các nhà trong làng được xếp thành hình tròn
xung quanh nhà rông. Khác với nhà rông của một số dân tộc khác, nhà sàn Gié
Triêng được hành lang chạy dọc chia đôi: một nửa dành cho nam giới, nửa kia
dành cho phụ nữ.
Hiện nay, người Gié Triêng ở Kon Tum làm nhà sàn ngắn và
vài hộ gia đình cùng chung sống với nhau. Những nhà này cũng có những đặc trưng
đáng quan tâm: nhà sàn mái hình mai rùa, hai đầu đốc được trang trí bằng hai sừng
trâu.
Nam giới để tóc ngắn hoặc đội khăn chàm theo lối chữ nhất
trên đầu. Thân ở trần hoặc mặc tấm áo, khoác ngoài chéo qua vai, màu chàm có
các sọc trang trí. Họ mang khố khổ hẹp, dài không có tua, thân và các mép khố
được viền và trang trí hoa văn ở hai đầu trên nền chàm. Nam cũng đeo vòng cổ,
vòng ngoài khố mang chuỗi hạt vòng. Trong các dịp tết lễ, họ mang thêm tấm
choàng rộng màu chàm, có các sắc màu trang trí phủ kín thân.
Sơn nữ Gié Triêng (nhóm Triêng) dệt thổ
cẩm.
Phụ nữ Gié Triêng để tóc dài, quấn sau gáy. Họ không mặc
áo mà mang loại váy dài, cao sát nách. Đây là loại váy ống tương đối dài rộng.
Đầu váy, giữa thân và gấu váy được trang trí các sọc hoa văn màu đỏ trên nền
chàm. Lối mặc có tính chất vừa váy, vừa áo này là một đặc điểm rất khác biệt của
phụ nữ Gié Triêng, ít gặp ở các dân tộc khác từ Bắc vào Nam. Đây cũng là một lý
do trang phục Giẻ Triêng được chọn vào “Làng văn hóa các dân tộc”. Lối mặc váy,
đặc biệt là quấn mép ra trước giữa thân, đầu váy còn thừa (váy loại này thường
dài – cao gấp rưỡi váy bình thường), lộn ngược ra phía trước hoặc quấn thành
nhiều nếp gấp ra xung quanh trông như một chiếc áo ngắn. Phụ nữ còn mang vòng
tay vòng cổ.
Dân tộc Gié Triêng có bộ nhạc cụ phong phú, quan trọng nhất
là cồng chiêng. Tuỳ nơi, người ta dùng 3 cồng với 7 hay 9 chiêng, hoặc 6
chiêng, hoặc 4 chiêng… Có khi cồng chiêng tấu cùng với trống, với ống nứa.
Nguyên ống nứa cũng là loại nhạc cụ để thổi, vỗ, gõ. Các loại đàn sáo, khèn đều
đơn giản, thông dụng trong đời sống âm nhạc. Người Gié-Triêng, cũng như các tộc
khác, có những làn điệu dân ca cổ truyền và nhiều truyện cổ.
Sáo Đinh tút của dân tộc Gié Triêng.
Độc đáo sáo Đinh Tút của đồng bào Triêng (Quảng Nam)
Người Triêng lớn lên trong tiếng đinh tút và tiếng sáo độc
đáo này cũng góp phần làm nên những tình yêu đôi lứa. Người Triêng (một nhóm địa
phương thuộc dân tộc Gié Triêng), nơi có nền văn hóa cổ truyền từ ngàn đời, hội
đủ những đặc trưng của cư dân miền núi. Đồng bào sinh sống chủ yếu ở ba xã La
Dêê, Ðắc Pre và Ðăk Pring thuộc huyện miền núi cao Nam Giang, Quảng Nam.
Qua bao đời nay, người Triêng vẫn lưu giữ nhiều vốn văn
hóa quý, trong đó có âm nhạc truyền thống và đặc biệt giá trị của loại sáo đinh
tút, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần. Mỗi khi tiếng sáo đinh tút
thổi lên hòa cùng tiếng trống và cồng chiêng, âm thanh ấy lan tỏa, bay bổng vào
ngõ ngách, trên các triền núi cao, nơi định cư của người Triêng, tạo nên một
không gian văn hóa huyền ảo…
Già làng Zơrâm Ớt 84 tuổi, dân tộc Triêng, hiện ở thôn
Ðăk tà Vâng, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, đinh tút được
làm từ cây trúc, loại này mọc rất nhiều ở vùng của người Triêng sinh sống,
nhưng không phải cây nào cũng làm được đinh tút đúng kỹ thuật và cho âm hay.
Ðinh tút của người Triêng gồm có sáu ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau được làm
từ thân cây trúc.
Các ống Đinh Tút theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến
ngắn nhất: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Mỗi
cây Đinh Tút có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu rỗng được vót hai bên
tạo cho ống có dáng hình phễu để thổi. Muốn thổi được Đinh Tút, phải có sức khỏe
và có kỹ thuật. Bộ Đinh Tút của họ hiện nay so với Đinh Tút truyền thống thì ống
nhỏ và ngắn hơn, vì vậy có nhiều người biết thổi.
Đinh Tút – loại nhạc cụ có nguồn gốc xuất
xứ và cách trình diễn độc đáo.
Muốn thổi Đinh Tút thông thường phải có từ tám người trở
lên. Trong đó tám nghệ nhân thổi Đinh Tút tùy vào sở trường của từng người mà mỗi
người phụ trách một ống, còn lại hai nghệ nhân hòa điệu cồng chiêng. Ðinh Tút
hay, hay dở là phụ thuộc vào người tạo ra nó, từ khâu chọn loại trúc đến việc
thẩm âm là kinh nghiệm của nghệ nhân đó.
Ðinh tút là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống
sinh hoạt hằng ngày, trong lao động sản xuất, nhất là vào dịp mùa xuân. Ngoài
ra, trong các dịp lễ hội của cộng đồng như: lễ lập làng, lễ mừng nhà mới, mừng
cưới hỏi… và đặc biệt nó luôn có mặt trong lễ hội Choóc đăil truyền thống thường gọi là ngày hội
Đinh Tút của người Triêng.
Già làng Zơrâm Ớt cho biết thêm: Tùy thuộc vào từng bài
đinh tút mà người thổi hòa âm với nhau theo ba hoặc bốn cặp một. Trong quá
trình thổi đinh tút thì cặp đinh tút ngắn và nhỏ nhất sẽ thổi trước, kế đến là
cặp trung, rồi đến cặp dài nhất cùng hòa âm với nhau thành tám điệu, gọi là tám
bài đinh tút tương ứng gồm: Za zá, pê lách, túk chiêng hoong, troong zục, trơn
lăil, zức zăih… hòa cùng những điệu múa tạo nên một dòng chảy không dứt làm cho
hội đinh tút luôn tiếp diễn.
Sự chuyển hóa linh hoạt của những bài đinh tút và sự uyển
chuyển của các cô gái Triêng trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, với các
bài múa và những điệu sáo đinh tút vang lên bên những thung lũng hẹp, núi rừng
vào hội tạo âm thanh giàu cảm xúc, phóng khoáng làm cho tâm hồn người Triêng
luôn được thoải mái, nhẹ nhàng…
Nghệ nhân Brôl Vẻ – dân tộc Gié Triêng –
bên bộ sưu tập nhạc cụ.
Tiếng sáo Đinh Tút thổi lên, âm thanh của nó cứ bay bổng,
lan tỏa trên các triền núi cao nơi định cư lâu đời của người Triêng hòa cùng trống,
cồng chiêng vào núi rừng đại ngàn tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo, thôi
thúc mọi người tạm gác mọi lo toan của cuộc sống đời thường để cầu mong một năm
an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và no đủ, mọi người
thương yêu và đùm bọc nhau.
Ngoài công việc nương rẫy, những lúc rảnh rỗi, họ đều
dành thời gian để truyền nghề cho lớp trẻ và mọi người đều thích thú học để thổi
loại nhạc cụ độc đáo này. Ðến nay, các xã như: La Dêê, Ðăl Pre và Ðăk Pring đã
hình thành nên nhiều đội Đinh Tút như: Ðội Đinh Tút làng Ðăktà Vâng, Ðăk Chờđây,
Ðăk Lôi, Ðăk Hlôil, Ðăk Ôốc, Ðăk Rế…
Nếu có dịp đến các vùng của đồng bào Triêng sinh sống vào
mùa lễ hội, du khách vẫn còn nghe tiếng sáo Đinh Tút mọi lúc mọi nơi cứ bay bổng
ngân nga ăn sâu vào tiềm thức và là thông điệp gửi gắm những điều tốt lành cho
cộng đồng người Triêng. Ðây là dấu hiệu đáng mừng của cộng đồng này trong việc
bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc truyền thống.
NHẠC CỤ CỦA DÂN TỘC GIÉ TRIÊNG (NHÓM TRIÊNG) TẠI TỈNH KON TUM
Người Gié Triêng còn có các tên gọi khác: Đgiéh, Ta reh,
Giảng rây, Pin, Triêng, Treng, Ta liêng, Ve, La-Ve, Bnoong, Ca yang. Truyền thống
âm nhạc của người Triêng khá đa dạng, thông qua các làn điệu dân ca như: Dư chầu (hát ru), Tam prai(hát trong khi dệt vải), Nêng rẹt (hát trong đám cưới). Do đó, các nhạc cụ
của người Triêng cũng rất độc đáo và giàu có. Để giúp các bạn hiểu hơn về đời sống
âm nhạc của các dân tộc ít người tại tỉnh Kon Tum, Tạ Thâm xin giới thiệu với
các bạn các nhạc cụ của dân tộc Gié Triêng tại tỉnh Kon Tum. Bài viết có tham
khảo tư liệu của nhà nghiên cứu âm nhạc Tạ Quang Động và Hoàng Anh Thái.
Nhạc cụ của người Triêng khá đa dạng, gồm có nhạc cụ màng
rung (trống H’gơr, pa thân), nhạc cụ hơi (gor, đơl đô, ta lun, ta lin, brưl, ta lẹh, đinh tút, khèn, ka jol),
nhạc cụ tự thân vang (chiêng, lột, rinh) và nhạc cụ dây
(m’bin, m’bin puil, ong eng).
H’gơr là một cặp trống
khá lớn. Thân trống được làm từ một khúc gỗ liền có chiều dài 101cm, ở giữa
phình to và thuôn nhỏ về hai đầu. Mặt lớn được bưng bằng da bò, có đường kính
là 33cm; mặt nhỏ được bưng bằng da sơn dương, có đường kính là 30cm. Dọc theo
tang trống, người ta sử dụng dây mây để giữ căng hai mặt da của trống. Trước
khi chơi, người ta hơ mặt trống vào lửa để điều chỉnh cao độ của 2 mặt trống.
Hai mặt của một trống thường được chỉnh âm cách nhau khoảng một quãng 5 và hai
trống đó có cao độ khác nhau khoảng một quãng 2. Cụ thể cao độ của hai trống
sau khi đã chỉnh âm là: C – G và D – A (cao độ này có thể hơi non hoặc hơi già
một chút, bởi vì khi vừa hơ lửa thì mặt trống căng lên và để càng lâu thì mặt
trống càng trùng đi). Như vậy, người Triêng đã không chỉ sử dụng trống đơn giản
như một nhạc cụ đệm tiết tấu mà họ còn quan tâm đến cao độ của nhạc cụ này. Dùi
trống được làm bằng gỗ, đầu gõ có bọc vải để tạo cho âm sắc ấm hơn, chiều dài của
dùi trống là 45cm.
Khi diễn tấu, trống được treo trên xà nhà rông. Mỗi người
sử dụng một trống, một tay giữ, một tay dùng dùi gõ. Âm thanh của h’gơr rất mạnh
mẽ, có khả năng vang vọng khắp núi rừng. H’gơr là nhạc cụ kiêng kỵ, chỉ được sử
dụng khi có lễ hội, do nam giới sử dụng và không bao giờ mang ra khỏi nhà rông.
Pa thân là loại trống
hai mặt làm bằng da bò, có đường kính 23cm. Tang trống được làm bằng một khúc gỗ
liền dài 65cm, ở giữa phình to và thuôn nhỏ về phía hai đầu. Dọc theo tang trống,
người ta sử dụng dây mây để giữ căng hai mặt da của trống. Khi diễn tấu, trống
đươc đặt ngang trước bụng ở dưới rốn, có dây đeo qua gáy và dùng hai bàn tay để
vỗ vào hai mặt trống. Pa thân là nhạc cụ dùng cho nam giới và thường được dùng
để hòa tấu với dàn chiêng, để đệm cho múa trong các dịp vui của cộng đồng.
Gor là nhạc cụ hơi,
chi lưỡi gà rung tự do. Gor được làm bằng một ống nứa nhỏ có đường kính lòng ống
là 1,2cm, có chiều dài là 96cm, một đầu rỗng, một đầu rỗng, một đầu có mấu. Ở đầu
có mấu, người ta khoét một lỗ thổi hình chữ nhật và có gắn lưỡi gà làm bằng
tre. Trên thân sáo chỉ có một lỗ bấm nằm cách đuôi sáo 20cm. Nhạc cụ này dành
cho nam giới sử dụng độc tấu trong sinh hoạt hàng ngày.
Đơl đô là loại sáo thổi
ngang, chi lỗ vòm. Sáo được chế tác từ một ống nứa dài khoảng 90cm, hai đầu rỗng
và chỉ có một lỗ thổi nằm ở giữa thân sáo. Khi diễn tấu, người thổi điều khiển
âm thanh bằng cách dùng lòng bàn tay phải bịt mở ở một đầu ống để tạo ra những
cao độ khác nhau. Nhạc cụ này dành cho nam giới sử dụng độc tấu trong sinh hoạt
hàng ngày.
Ta lun là loại sáo thổi
dọc, chi lỗ vòm. Sáo được chế tác từ một ống nứa dài 64cm, một đầu có mấu, một
đầu rỗng. Trên thân sáo có 3 lỗ bấm tạo cao độ. Thang âm của ta lun: c1 (non) –
d1 – es1 – f1 – g1 – c2. Ta lun là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng. Nó có thể
được dùng để độc tấu, hòa tấu hoặc đệm cho hát.
Ta lin là loại sáo thổi
dọc, chi lỗ vòm. Sáo được chế tác từ một ống nứa dài 26cm, một đầu có mấu, một
đầu rỗng. Trên thân sáo có 4 lỗ bấm tạo cao độ. Thang âm của ta lun: d2 (non) –
f2 – g2 – h2(non) – des3. Ta lun là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng. Nó có thể
được dùng ddeeer độc tấu, hòa tấu hoặc đệm cho hát.
Ta lẹh là loại sáo thổi
ngang và chỉ có một lỗ thổi nằm ở giữa thân sáo. Ta lẹh được chế tác từ một ống
nứa dài khoảng 70cm, hai đầu đều rỗng. Khi diễn tấu, người thổi điều khiển âm
thanh ở một đầu bằng cách dùng lòng bàn tay phải bịt mở đầu ống để tạo những
cao độ khác nhau. Ta lẹh là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng, dùng để độc tấu,
đệm cho hát trong sinh hoạt hàng ngày hoặc trong những ngày lễ, ngày vui của
gia đình cộng đồng.
Đinh tút là nhạc cụ hời
thổi gồm 6 ống nứa dài ngắn khác nhau, mỗi ống cho một cao độ. Chiều dài các ống
từ 60 – 105cm, đường kính khoảng 3cm. Các ống đinh tút có cấu tạo khá đơn giản,
một đầu rỗng để thổi và một đầu có mấu kín. Đầu thổi được khoét vát hai bên tạo
thành hình bán nguyệt để khi diễn tấu môi dưới của người thổi ôm khít vào một
bên miệng ống. Để chơi đinh tút cần phải có 6 người, mỗi người thổi một ống.
Đinh tút là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng.
Khêl là nhạc cụ hơi thổi,
chi lưỡi gà rung tự do (nhạc cụ này có cấu tạo tương tự như khèn bè của người
Thái). Nhạc cụ này gồm 14 ống nứa tép ghép thành hai hàng song song. Các cặp ống
song song có chiều dài bằng nhau. ở các đoạn ống nứa nằm phía trong của bầu thổi
có gắn một lưỡi gà bằng đồng. Lỗ bấm tạo âm thanh được khét gần chỗ bầu thổi,
sao cho phù hợp với vị trí ngón tay của người diễn tấu. Sau khi xuyên qua các ống
qua bầu thổi bằng gỗ, người ta lấy sáp ong đen miết kín các kẽ hở. Khi diễn tấu,
mỗi bàn tay ôm vào một bên hàng ống, hai ngón cái của hai tay đảm nhiệm lỗ bấm
của hai ống dài nhất, ngón tay tiếp theo ống ngắn hơn và ngón út ống ngắn nhất.
Khêl là loại nhạc cụ đa thanh, âm vực hơn một quãng 8, kỹ thuật diễn tấu linh
hoạt. Khêl là nhạc cụ dành cho nam giới sư rdungj. Nó được dùng để độc tấu, hòa
tấu và đệm cho hát.
Ka jơl là nhạc khí hơi
thổi, chi lưỡi gà rung tự do. Ka jơi được làm bằng sừng sơn dương có chiều dài
khoảng 15m, một đầu hở. Lưỡi gà được làm bằng tre và gắn ở vị trí ¼ về phía đầu
nhỏ của chiếc sừng. Khi trình diễn, người ta đặt ka jơi ngang miệng và ngậm vào
nơi đặt lưỡi gà, tay trái giữ sáo, tay phải vỗ nhẹ vào miệng sừng tạo ra những
âm thanh có cao độ khác nhau. Đặc điểm của ka jơi là âm thanh chỉ được phát ra
khi hít hơi vào. Ka jơl là một loại nhạc khí mang tính chất truyền tin. Khi đi
săn thú rừng, người Triêng vừa thổi ka jơi vừa chạy từ rừng về làng báo tin. Tiếng
ka jơi vang vọng gọi cả làng đi đón thú rừng.
Dàn chiêng gồm có 3 chiếc chiêng bằng (không núm), làm bằng
đồng. Pặp (chiêng bố) là chiếc chiêng to nhất có đường
kính 49cm, thành cao 8,5cm; Nê (chiêng mẹ)
có đường kính 35cm, thành cao 5,5cm; Kon (chiêng
con) là chiếc chiêng nhỏ nhất có đường kính 28,5cm, thành cao 4cm. Thang âm của
dàn chiêng: C (non) – H – ges1 (non). Trong lễ hội, dàn chiêng thường đi trước
đội soang (múa), khi đi vòng quanh cây nêu.
Rinh là nhạc cụ gõ bằng
nứa. Rinh được chế tác từ một ống nứa, một đầu có mấu kín, một đầu hở, có chiều
dài khoảng 65cm. Sau đó người ta gọt vát từ khoảng giữa của ống về phía đầu hở
để điều chỉnh âm thanh, sao cho cao độ của thành ống bằng cao độ của phần ống
hơi còn lại để tạo cho âm thanh vang xa. Khi hòa tấu cùng với dàn chiêng trên,
cao độ của rinh là nốt e1.
Ong eng là nhạc cụ
dây, chi cung kéo. Về hình thức ong eng cáu tạo tương tự như đàn nhị của người
Kinh nhưng chỉ có một dây bằng sắt. Cần đàn là một đoạn tre nhỏ có đường kính
khoảng 2,5cm, dài 97cm. Hộp cộng hưởng được làm từ một ống tre dài 12cm, đường
kính khoảng 8cm, mặt đàn bịt bằng da ếch, Cần kéo đơn giản là một thanh tre vót
mỏng. Khi diễn tấu, người chơi ong eng ngồi bệt dưới đất, dùng ngón cái và ngón
trỏ bàn chân phải kẹp vào phía sau của hộp cộng hưởng để giữ hộp đàn, tay phải
kéo, tay trái vừa giữ đàn vừa vuốt vào dây đàn để điều chỉnh cao độ. Ong eng có
thể được dùng để độc tấu, hòa tấu cùng với đang M’bin puil hoặc đệm cho hát.
M’bin là nhạc cụ dây gẩy.
Nhạc cụ này có hai dây sắt được lên dây cách nhau một quãng 5 (c1 – g1). Hộp cộng
hưởng của m’bin hình chữ nhật được khoét rỗng từ một khúc gỗ, chiều dài 28cm, rộng
16cm. Mặt đàn được ghép bởi một miếng gỗ mỏng khác, mặt sau hộp cộng hưởng có
khoét lỗ để thoát âm. Cần đàn m’bin cũng làm bằng gỗ, dài 44cm. Đây là nhạc cụ
dành cho nam giới sử dụng, dùng để hòa tấu với các nhạc cụ khác hoặc đệm cho
hát, múa.
M’bin puil là nhạc cụ
dây, chi gẩy. Nhạc cụ có hai dây bằng sắt, lên dây cách nhau một quãng 5 (e1 –
h1). Ở phía dưới của dây lên nốt h1 có gắn thêm 2 phím bấm để tạo thêm 2 cao độ
là: d2 (già) và e2 (non). Thân đàn là một ống tre nhỏ dài 70cm. Hộp cộng hưởng
được làm từ vỏ của một quả bầu khô (puil) cắt bỏ đi phần nậm, sau đó họ buộc phần
đáy của quả bầu vào thân đàn. Khi diễn tấu, phần miệng quả bầu được úp vào bụng
của người chơi và với động tác khép mở miệng quả bầu vào thành bụng để tạo ra
những sắc thái khác nhau. Ngón trỏ tay pải dùng để gảy đàn, tay trái vừa giữ cần
đàn vừa bấm phím. M’bin puil là nhạc cục dành cho nam giới sử dụng, dùng để hòa
tấu cùng các nhạc cụ khác hoặc đệm cho hát, múa.
Trong lễ mừng nhà Rông mới không thể thiếu
lễ dâng trâu.
Lễ hội mừng nhà Rông mới của người Gié Triêng, Kon Tum
Lễ hội mừng nhà Rông mới của đồng bào dân tộc Gié
Triêng tại làng Đăk Gô, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei (Kon Tum) với mong muốn cầu
xin hạnh phúc, hòa bình hay một mùa màng bội thu…
Lễ mừng nhà Rông mới của đồng bào Gié Triêng ở Kon Tum được
bắt đầu bằng những công việc rất nhỏ: Chị em phụ nữ xuống suối bắt cá, đi hái
rau rừng…, các chàng trai vào rừng săn bắn lấy thực phẩm cho lễ mừng nhà Rông mới.
Không gian lễ hội mừng nhà Rông mới của người Giẻ Triêng bao giờ cũng phải có
cây nêu, rồi đến con trâu. Những chàng trai có bàn tay khéo léo tài hoa sẽ được
các già làng chọn vào rừng chặt cây nêu cúng Giàng. Trước khi đi, chàng trai Giẻ
Triêng phải lên nhà Rông ngủ chay 3 ngày 3 đêm, sau đó họ xuống suối tắm rửa sạch
sẽ rồi mới được vào rừng chặt cây về làm cây nêu.
Với người Kinh, con trâu là đầu cơ nghiệp, thì đối với
người Gié Triêng, con trâu còn có ý nghĩa hơn thế, nó là một người bạn thân thiết,
đó là con vật thiêng liêng của họ. Bởi đồng bào Giẻ Triêng theo chủ nghĩa đa thần,
con trâu là vật thiêng liêng cúng Giàng, là vật thế mạng họ để cầu xin thần
linh cho buôn làng khỏe mạnh, vì vậy họ vô cùng yêu quý con trâu. Chính vì vậy,
trong lễ mừng nhà Rông mới không thể thiếu lễ đâm trâu.
Một nghi lễ hết sức đặc biệt trước ngày diễn ra lễ đâm
trâu là lễ “khóc trâu”. Khi mặt trời của ngày hôm trước đã lặn, con trâu đã được
cột vào thân cây nêu, bà con trong làng tổ chức đánh cồng chiêng, khóc trâu suốt
một đêm ròng. Họ cảm ơn con trâu đã vất vả, đã phải chịu đựng hy sinh, chịu đựng
đau đớn thay họ để làm vật hiến sinh cúng Giàng, để cầu cho dân làng họ được khỏe
mạnh, no ấm… Sau một đêm đánh cồng chiêng múa hát cùng trâu, than thở cùng
trâu, tâm sự cùng trâu, cầu xin trâu giúp đỡ họ… mới đến lễ đâm trâu.
Biểu diễn những điệu nhảy mừng nhà Rông
mới.
Trước khi tiến hành nghi lễ đâm trâu, già làng sẽ thực hiện
nghi lễ để con trâu trở thành con trâu thiêng, trở thành vật hiến sinh cúng
Giàng của người Giẻ Triêng. Họ cắm vào sừng trâu những chùm hoa sặc sỡ. Sau khi
nghi lễ được tiến hành xong, người dân trong làng hò reo, các chàng trai vừa nhảy
vừa đánh cồng chiêng vòng quanh cây nêu và con trâu. Những phụ nữ cùng nhau múa
những điệu múa mộc mạc đơn giản nhưng vô cùng sinh động thể hiện những động tác
trong lao động sản xuất của người Giẻ Triêng, từ làm cỏ lúa, gieo hạt, xua đuổi
sâu bọ phá hại mùa màng đến những động tác thể hiện việc chào mời khách vào
cùng chơi, cùng vui hội với họ…
Khi những người tham gia lễ hội như được thông linh với
thần, họ trở nên thăng hoa, nhịp chiêng của các chàng trai ngày càng náo nức,
nhộn nhịp, các cô gái cũng chuyển từ điệu múa xoang sang điệu Bông rốk vô cùng
mạnh mẽ… Theo sự phân công của già làng, một chàng trai khỏe mạnh trong làng cầm
giáo đuổi theo và đâm vào con trâu thiêng đã được cột sẵn. Sau một vài nhát
giáo đâm tượng trưng, người trong làng đưa trâu đi mổ, thịt trâu được chia đều
cho tất cả mọi người dân trong làng, ai cũng có phần để được may mắn.
Lễ hội đâm trâu kết thúc, mọi người được mời vào nhà
Rông, cùng đánh cồng chiêng, cùng múa điệu Bông rốk, cùng uống rượu thiêng… để
mừng làng mới, mừng nhà mới, và mừng một vụ mùa bội thu sắp tới.
Nhà Rông của dân tộc Gié Triêng
Nhà sàn dài – Kiến trúc nhà truyền thống của người Gié Triêng
Dù các làng của người Gié Triêng rất nhỏ nhưng kiến trúc
nhà sàn dài truyền thống của họ luôn mang đậm những nét độc đáo riêng. Những
ngôi nhà của họ khá tỉ mỉ, chi tiết, có không gian và luôn tuân thủ nghiêm ngặt
nguyên lý “Đông – Tây”.
Làng của người Gié Triêng không lớn, thường ở những sườn
đồi thấp, trũng, len lỏi theo các con suối, thỉnh thoảng xuất hiện một vài làng
lập trên đỉnh đồi trọc hình bầu dục. Chính vì thế, ngay từ thời xa xưa, các thế
hệ trong một gia đình đã sinh sống với nhau trong những ngôi nhà sàn dài.
Cũng như nhiều nhà sàn dài của các dân tộc khác, nhà sàn
của người Gié Triêng có mái lợp tranh, vách bằng gỗ. Tuy nhiên, ngôi nhà của họ
vẫn mang những nét kiến trúc độc đáo riêng. Kết cấu, bố cục và quy mô nhà sàn
dài của người Triêng được làm khá chi tiết, tỉ mỉ, chắc chắn và không gian lớn
hơn.
Nhà sàn của người Gié Triêng thường được dựng trên nền đất
hình chữ nhật, sàn thường cách mặt đất từ 0,8 – 1m. Thông thường, ngôi nhà có
chiều dài khoảng 15m, chiều rộng từ 6 – 10m. Diện tích ngôi nhà lớn hay nhỏ phụ
thuộc vào số thế hệ và số thành viên sống trong gia đình.
Thành phần chính để cấu tạo nên một sườn nhà của người
Triêng cũng giống như người Kinh, gồm: cột, xuyên, trính, vì kèo, đòn tay, đòn
đông… nhưng hình dáng, vị trí và kết cấu của từng bộ phận thì hoàn toàn khác
nhau, thể hiện nét văn hóa độc đáo vừa truyền thống vừa tinh tế của cộng đồng.
Để làm hoàn thành một ngôi nhà, đồng bào nơi đây phải sử dụng ít nhất 200 đến
250 bó tranh lợp (mỗi bó gồm nhiều mớ, nặng khoảng 20kg) và trên dưới 20m3 gỗ.
Mái nhà hình mai rùa, hai đầu đốc được trang trí bằng hai
sừng trâu là hai nét đặc trưng trong kiến trúc nhà sàn của người Gié Triêng.
Nhà sàn dài của người Gié Triêng Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt hãy còn
hình thức nhử : giữa là một hành lang dùng làm lối đi, hai bên là nơi dành cho
các hộ gia đình.
Trang trí và sắp đặt các vật dụng sinh hoạt trong một
ngôi nhà truyền thống của người Triêng luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên lý
“Đông-Tây”. Đồng bào quan niệm hướng Đông là hướng quan trọng nhất (là hướng gốc).
Theo quan niệm của họ, hướng Đông gắn liền với ánh nắng mặt trời toả đi khắp
các hướng khác sưởi ấm cho các thần linh, vạn vật của núi rừng để cây cối hoa
màu luôn tốt tươi, tạo ra của cải dồi dào, đem lại hạnh phúc cho mọi người dân.
Do vậy, hai cửa ra vào (ploong) bố trí ở hai bên hông của
ngôi nhà và luôn chếch theo hướng Đông-Tây. Trong đó, cửa chính bao giờ cũng được
bố trí ở hướng Đông, cửa phụ nằm ở hướng Tây. Quan niệm này được thể hiện rõ
trong cách lập bếp của họ, nếu một ngôi nhà của người Gié Triêng có nhiều thế hệ
cùng sinh sống (thường là 3 thế hệ ông-bà, cha-mẹ, con cái) thì phải được lập
hai bếp (tang-blo) để nấu ăn. Trong đó, bếp chính đặt ở hướng Đông gần cửa
chính của ngôi nhà dành riêng cho thế hệ lớn nhất (ông-bà). Bếp phụ được đặt ở
hướng Tây của ngôi nhà. Bếp này chỉ phục vụ cho hai thế hệ cha-mẹ và con cái mà
thôi. Xung quanh bếp là chỗ ngủ của các thành viên thuộc thế hệ bề trên của một
gia đình.
Có thể thấy, nhà sàn dài của người Gié Triêng luôn có những
nét kiến trúc hóa hợp với thiên nhiên và gắn liền với những bếp lửa ấm cúng, đậm
tình người.
Trang phục dân tộc Gié Triêng.
Trang phục dân tộc Gié Triêng
Trang phục dân tộc Gié Triêng có đặc điểm riêng, có cá
tính trong phong cách tạo hình và ăn vận, cùng với một số dân tộc khác khu vực
Trường Sơn – Tây Nguyên, chúng tạo nên giá trị văn hóa quan trọng, có ảnh hưởng
lớn tới quá trình hình thành và phát triển chung của lịch sử trang phục ở Việt
Nam.
Từ xa xưa, người Gié Triêng tranh thủ lúc nông nhàn để dệt
vải, khung cửu người Gié – Triêng khá thô sơ, chỉ dệt được vải khổ hẹp, đồng
bào thường trồng bông vào tháng 5 ở những đám rẫy gần nhà và thu hoạch vào
tháng 10. Bông được phơi khôm bật tơi, xe thành sợi rồi đem nhuộm trước khi dệt.
Theo truyền thống, nam giới người Gié Triêng để tóc ngắn
hoặc đội khăn chàm theo lối chữ nhất trên đầu, có xâu lỗ tai, đeo hoa tai bằng
gỗ quý, bằng tre ngà hoặc bằng ngà voi và xăm mình với những đường nét hoa văn
hình học khá đơn giản. Ngoài ra đàn ông – Triêng còn mặc khố, ở trần, trời lạnh
thì mặc thêm tấm áo, khoác ngoài chéo qua vai, màu chàm có các sọc trang trí.
Trang phục dân tộc Gié Triêng.
Khố của người Gié Triêng là loại khổ hẹp, dài không có
tua, thân và các mép khố được viền và trang trí hoa văn ở hai đầu trên nền
chàm. Nam cũng đeo vòng cổ, vòng ngoài khố mang chuỗi hạt vòng. Trong các dịp tết
lễ, họ mang thêm tấm choàng rộng màu chàm có các sắc mầu trang trí phủ kín
thân.
Riêng trẻ dưới 4 tuổi thường đeo đôi lục lặc ở hai cổ
chân. Hủ tục cà răng, căng tai không còn thịnh hành ở người Xtiêng như trước nữa…
Trong khi đó, phụ nữ Gié Triêng thường để tóc dài, quấn
sau gáy. Họ không mang áo mà mang loại váy dài cao sát nách. Đây là loại váy ống
tương đối dài rộng. Đầu váy giữa thân và gấu váy được trang trí các sọc hoa văn
màu đỏ trên nền chàm. Lối mặc có tính chất vừa váy, vừa áo này là một đặc điểm
rất khác biệt của phụ nữ Gié Triêng ít gặp ở các dân tộc khác từ Bắc vào Nam, rất
cổ truyền và cũng không kém phần hiện đại. Đây cũng là một lý do trang phục Gié
Triêng được chọn vào “Làng văn hóa các dân tộc” và tham gia vào các cuộc thi
“Trang phục dân tộc”.
Trang phục nam Gié
Triêng.
Lối mặc váy đặc biệt là quấn mép ra trước giữa thân, đầu
váy còn thừa (váy loại này thường dài – cao gấp rưỡi váy bình thường), lộn ngược
ra phía trước hoặc quấn thành nhiều nếp gấp ra xung quanh trông như một chiếc
áo ngắn. Phụ nữ còn mang vòng tay vòng cổ.
Cũng như nhiều dân tộc khác, phụ nữ Gié – Triêng làm đẹp bằng nhiều loại trang sức như vòng bạc, đồng, chuỗi cườm, đeo cổ tay, chân và tai. Đối với tầng lớp phụ nữ khá giả, họ thường đeo hoa tai bằng ngà voi.
Cũng như nhiều dân tộc khác, phụ nữ Gié – Triêng làm đẹp bằng nhiều loại trang sức như vòng bạc, đồng, chuỗi cườm, đeo cổ tay, chân và tai. Đối với tầng lớp phụ nữ khá giả, họ thường đeo hoa tai bằng ngà voi.
Ngày nay, quá trình phát triển kinh tế đã ảnh hưởng tới
trang phục truyền thống của đồng bào Gié – Triêng, đặc biệt là trang phục của
người Việt (dân tộc Kinh) đã thâm nhập đến tận các làng bản xa xuôi hẻo lánh.
Trong sinh hoạt đời thường, người dân tộc Gié – Triêng ăn mặc đơn giản nhưng
trong các dịp lễ hội quan trọng, trang phục cổ truyền vẫn được họ trình diễn và
ưa chuộng.
Tục táng treo của người Gié Triêng không
còn nhưng người dân không dám đặt chân tới đây vì sợ bị ma bắt.
Vì sao người Gié Triêng treo quan tài trên cây?
Những cỗ quan tài bên trong chứa thi hài người chết được
treo lơ lửng trên cây hoặc giá đỡ của người Giẻ Triêng cư trú ở miền Bắc Tây
Nguyên lâu nay vẫn là điều huyền bí, kỳ lạ.
Để tìm lời giải cho phong tục “thiên táng” đầy bí ẩn này,
chúng tôi đã có cuộc hành trình qua nhiều buôn làng của người Gié Triêng. Hầu hết
các làng mà chúng tôi đi qua, theo lời kể của những người lớn tuổi, xưa kia đều
có tục táng treo nhưng sau giải phóng, những tập tục này đã vơi dần và mất hẳn ở
nhiều làng. Hiện những ngôi mộ treo trong các khu rừng rậm chỉ còn ghi nhận ở
làng Biên Loong, Đak Xay, Dục Lang và Vai Trang, xã Đắk Long, huyện Đắk Glei
(Kon Tum).
Hầu hết những người lớn tuổi mà chúng tôi có dịp tiếp cận
đều trả lời phong tục này đã có từ lâu lắm rồi, không biết từ thời nào, đời
nào. Chỉ biết rằng, các thế hệ người Gié Triêng sinh ra và lớn lên trong buôn
làng đã thấy tập tục này có rồi.
Duy chỉ có già làng Vai Trang, xã Đắk Long, huyện Đắk
Glei (Kon Tum), là cụ A Jáp, có cách lý giải về tập tục táng treo của dân tộc
mình. Ở cái tuổi ngoài 90, theo quy luật tự nhiên con người phải già yếu, trí
nhớ suy giảm nhưng cụ A Jáp thân hình vẫn quắc thước, cường tráng, tinh thần
minh mẫn và là nhân chứng sống của buôn làng trải qua nhiều thời kỳ thay đổi.
Khi tôi đặt vấn đề về tục chôn người kỳ lạ của dân tộc
Gié Triêng, già làng A Jáp vẫn ngồi trầm ngâm như một một pho tượng đặt vững
chãi giữa nhà rông của các tộc người Tây Nguyên. Cụ đang lần lại trong trí nhớ
một điều gì đó rất xa xôi, huyền bí nhất của dân tộc người Gié Triêng. Tôi biết,
cụ đang chạm trí nhớ vào một sự linh thiêng nhất của dân tộc mình, trông cụ có
phần phảng phất lo lắng.
Một cỗ quan tài trong khu rừng ma.
Thế rồi, sau những phút giây hồi hộp chờ đợi, lòng tôi sướng
rơn khi giọng già làng A Jáp ồm ồm cất lên từng tiếng chắc chắn, dõng dạc như
hình ảnh một người tù trưởng mà tôi từng bắt gặp trong những áng sử thi kỳ vĩ của
người Êđê, Bana trên vùng đất cao nguyên này. “Anh đã từ xa tới đây, nhiệt tình
như vậy già làng tôi cũng không muốn giấu điều gì. Chỉ có điều, nghe xong chuyện
rồi nhà báo đừng bắt tôi phải dẫn vào khu “nhà ma” đó. Tôi già rồi, sợ con ma về
bắt đi lắm!…” – già làng A Jáp lo lắng.
Sau ngậm nước đặc quánh sóng sánh vàng được nấu từ lá cây
lấy ở rừng về, già làng A Jáp chậm rãi kể lại cho tôi nghe một câu chuyện kỳ
thú để lý giải tập tục táng treo của người Giẻ Triêng ở Bắc Tây Nguyên.
Tương truyền rằng, chẳng biết từ thời nào, trong cộng đồng
người Gié Triêng có hai anh em trai khôi ngô, tuấn tú và thông minh nhất buôn
làng. Thế nhưng, cuộc đời cả hai sớm gặp bất hạnh khi cha mẹ lần lượt qua đời.
Hai anh em phải đi làm thuê mọi công việc để có gạo, bắp sống qua ngày.
Đến tuổi trưởng thành, vốn bản tính thông minh và bản
lĩnh hơn người, hai anh em quyết chí làm ăn để trở thành những người tù trưởng
giàu có nhất buôn làng. Người anh tạm biệt em ra đi theo hướng biên giới làm
nghề buôn bán tận bên Lào. Người em ở nhà chăm chỉ cuốc nương tỉa bắp, gieo
lúa, vào rừng săn thú về thuần phục.
Chẳng mấy chốc, cả hai anh em đều trở nên giàu có, tiếng
tăm lừng lẫy khắp các làng gần xa khiến cộng đồng phải nể phục. Để xem ai giàu
hơn ai, một hôm người anh đưa ra đề nghị thi làm nhà mà tường phải bọc bằng da
trâu, nếu ai bọc được nhiều thì người đó giàu hơn, sẽ là người chiến thắng.
Đến hẹn, người anh cậy mình có nhiều trâu nên hùng hổ giết
thịt và cắt từng mảng da trâu lớn treo đầy vào cây lồ ô đã được dựng sẵn. Người
em chỉ giết một con trâu, khéo léo dùng dao lột mỏng da, kéo căng da để phủ lên
được nhiều hơn. Nhờ biết cách căng miếng da trâu mà người em đã giành chiến thắng.
Người anh thua cuộc, từ đó tính ghen tức nổi lên, tình cảm
anh em bị rạn nứt nghiêm trọng. Người anh kéo một nửa dân làng đến vùng biên giới
Việt – Lào ngày nay lập làng, buôn bán và nhanh chóng trở nên giàu có. Thế
nhưng, chẳng bao lâu, làng bị một bộ tộc hung dữ ập tới cướp bóc, giết sạch
không còn một ai.
Những người đi theo người em tìm đến một con suối có nhiều
lau lách thì dừng lại lập nên làng Vai Trang ngày nay. Từ đó về sau, làng Vai
Trang lấy trồng trọt và chăn nuôi làm nghề chính, sống đoàn kết, yêu thương,
hòa thuận với các dân làng khác trong vùng.
Nhớ công ơn người thủ lĩnh đức độ, tài cao, hết mực thương
yêu, giúp đỡ người nghèo nên khi người em qua đời, dân làng khóc lóc thảm thiết
suốt nhiều ngày liền mà không ai nỡ chôn thủ lĩnh của mình xuống đất. Họ đã
nghĩ ra cách treo chiếc quan tài lên cây để không thú rừng nào có thể ăn thịt
được, khi nhớ thì có thể ra đó thăm viếng. Và họ tin rằng, làm như vậy linh hồn
của người thủ lĩnh sẽ bảo vệ, che chở cho dân làng.
Xuất phát từ tín ngưỡng đó, sau này những gia đình giàu
có, quyền lực và nhiều địa vị trong cộng đồng khi có người qua đời đều đặt người
chết vào quan tài rồi đem vào khu rừng rậm rạp để treo trên cây hoặc treo trên
bốn cọc gỗ được đóng chắc chắn xuống đất.
Rìu của người Gié Triêng.
Rìu – một nét văn hóa của dân tộc Gié Triêng ở KonTum
Kon Tum là tỉnh có mật độ dân số thấp nhất trong 63 tỉnh,
thành phố. Trên địa bàn Kon Tum có 35 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 46,4%
dân số toàn tỉnh, tiếp đến là người Xơ Đăng chiếm 25,1%; người Ba Na 12,0%; người
Gié Triêng 8,1%; người Gia Rai 5,1%…
Dân tộc Gié Triêng hiện có 31.644 người, chiếm 8,1% tổng
dân số toàn tỉnh (điều tra dân số ngày 1/4/2009), đứng thứ tư sau Người Kinh,
dân tộc Xơ Đăng và dân tộc Bah Nar. Cư trú tập trung trên địa bàn hai huyện Đắk
Glei và Ngọc Hồi.
Văn hoá dân tộc Gié Triêng thể hiện qua cách ăn, cách
nói, dáng đi, cử chỉ, qua các hoạt động sản xuất, những công cụ lao động sản xuất,…
của người Gié Triêng mà “không nơi nào có được” vừa thể hiện được tính tổng hợp
nhưng lại mang đậm giá trị văn hoá gốc, văn hoá vùng. Văn hoá dân tộc Gié
Triêng thể hiện bằng sự tinh tế, khéo léo trong lối ứng xử với môi trường tự
nhiên và xã hội; theo phong cách riêng – phong cách người Gié Triêng.
Quá trình cộng cư và phát triển lâu dài đã tạo ra những yếu
tố văn hoá đặc trưng; yếu tố văn hoá riêng của người Gié Triêng được thể hiện
qua các hoạt động hàng ngày như: lễ hội, ăn uống, sản xuất,…Đặc biệt là các
công cụ lao động đã tạo nên một nét văn hoá riêng cho người Gié Triêng.
Với người Gié Triêng thì công cụ lao động sản xuất là những
vật dụng không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của họ nhưng trong đó,
rìu là công cụ được “ưu ái” hơn và nổi trội hơn hẳn các loại công cụ khác về kiểu
dáng cũng như hình thức trang trí.
Không chỉ ở dân tộc Gié Triêng mà ở hầu hết các dân tộc bản
địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều sử dụng Rìu. Nhưng ở mỗi dân tộc có sự khác
nhau về kiểu dáng và cách thức trang trí.
Đây là dụng cụ được đồng bào sử dụng vào những việc chủ yếu
như: chặt gỗ, đẽo cột, chặt củi, chẻ củi,…Những nguyên liệu để làm rìu đều có sẵn
trong tự nhiên và gần gũi với cuộc sống của người Gié Triêng. Rìu (Chung) gồm ba bộ phận chính là:
Lưỡi (C’la)
Cán (Biu)
Ốp lót tay (Bút)
Rìu 1
Để làm ra một cái rìu (Hình Rìu 1) phải trải
quan 3 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Rèn lưỡi rìu. Thường
ở trong làng có một hoặc hai người thợ chuyên rèn các loại công cụ lao động
như: cuốc, dao, rìu,…Ai muốn rèn thì phải mang mảnh sắt đến và nhờ thợ rèn làm
cho. Công thì trả bằng các vật phẩm sẵn có như: heo, gà, lúa,…hoặc phải nuôi
cơm gia đình người thợ trong suốt thời gian (một lưỡi rìu rèn từ 1 đến 2 ngày) rèn
lưỡi rìu. Bên cạnh việc trả công thì phải ngồi thụt lửa trong suốt thời gian
rèn lưỡi.
Bước 2: Làm cán. Trừ thời
gian đi tìm cán ở trên rẫy, trong rừng,… ra thì làm cán rìu cũng đơn giản và
không mất nhiều thời gian. Người Gié Triêng chọn loại cây gỗ mà họ gọi là Loong
tă để làm cán. Nếu làm cán cong (Hình Rìu 1) thì phải uốn, còn làm cán thẳng
(Hình Rìu 2) thì để nguyên.
Bước 3: Làm ốp lót tay. Được
làm bằng ống nứa dài khoảng 25 – 30cm. Đây là công đoạn đòi hỏi sự công phu nhất
và mất nhiều thời gian nhất.
Phải chọn đoạn nứa thẳng, đẹp, đủ độ già (không non quá
và không già quá) và vừa với tay cầm. Sau đó tiến hành khắc hoa văn. Chỉ bằng một
con dao nhỏ, với bàn tay khéo léo và cặp mắt thẩm mỹ của mình, người đàn ông
Gié Triêng đã cho ra một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp thỏa mãn với nhãn quan của
mình cũng như những người được chiêm ngưỡng.
Công cụ để làm rìu chủ yếu là dao (Chang). Trong đó, có loại dao to (Chang Tăng), dao nhỏ (Chang xeng), nhưng
chủ yếu là loại dao nhỏ (Chang xeng).
Các họa tiết hoa văn (Đe) trang trí trên cán rìu.
Các hoạ tiết hoa văn ở đây là hoa văn khắc chìm. Trong
đó, chủ yếu là các loại hoa văn như: hình học, khắc vạch, sóng nước,…Nhìn chung
ở đây được khắc hoạ những hoạ tiết hoa văn truyền thống của người Gié Triêng.
Màu sắc được sử dụng là màu đen được làm từ khói cây xà
nu kết hợp với lá rau tàu bay. Người Gié Triêng thường hơ lên khói xà nu sau đó
lấy lá rau tàu bay trà đi trà lại nhiều lần sẽ làm cho màu ngấm vào các đường
khắc làm nổi bật lên các hoạ tiết hoa văn.
Sau khi làm xong thì ráp các bộ phận lại với nhau. Riêng
phần cán được đẽo nhỏ lại để đút vừa ốp lót tay, phía cuối cán để thừa khoảng
2cm để tạo rãnh tròn và thắt đai dây mây tạo độ chắc chắn và thẩm mỹ cho cán
rìu.
Một nét đẹp trong nghệ thuật trang trí cổ truyền trên cán
rìu của người Gié Triêng cần nói tới đó là việc sử dụng những lạt mây quấn tròn
để tăng độ bền chắc cho cán rìu theo kiểu bố cục dải đường diềm đơn giản. Người
ta cũng không quên tạo ra một vài chấm phá những nét hoa văn nổi bằng sợi mây,
guột ở điểm nhấn cần thiết trên công cụ.
Với người Gié Triêng thì rìu không thể thiếu được trong
cuộc sống của họ. Thường trong mỗi gia đình có từ 3 – 5 cái. Trong đó có loại
to nhỏ khác nhau để dùng cho các thành viên trong gia đình từ bé đến lớn, từ
nam đến nữ, và thường của ai thì người đó dùng.
Đặc biệt đối với nam nữ Gié Triêng hiện nay, rìu không chỉ
là công cụ lao động hàng ngày mà nó có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đời của
họ. Đó là khi đến tuổi lập gia đình thì con gái phải chuẩn bị 100 bó củi (thường
là gỗ Dẻ) để tặng cho nhà trai. Lúc này rìu là một vật dụng rất quan trọng vì
nó không chỉ dùng để chặt củi mà nó còn là vật dụng đánh dấu mốc thời gian và
tình cảm mà cô gái gửi gắm cho chàng trai cùng gia đình trước khi về làm vợ.
Ngược lại, với nam giới, rìu là một vật dụng để họ thể hiện
vai trò của người nam giới, người đàn ông trong gia đình. Đó là việc chặt gỗ, đẽo
gỗ,…để làm nhà ở, nhà rông,…và một số công việc khác của gia đình cũng như của
làng. Không chỉ vậy, rìu còn là một tác phầm nghệ thuật mà họ gửi gắm vào đó
tâm huyết và trình độ thẩm mỹ của mình. Với dụng cụ đơn giản: Con dao vót nan
nhọn đầu, có hình dáng giống như chiếc lá tre cắm vào cái cán tre đặc, cong dài
– đủ tầm để tỳ vào sườn, kẹp nách khi thao tác kỹ thuật, hoặc với con dao rừng
đa năng, họ đã khắc lên cán rìu những nét chìm nghệ thuật, vừa để gửi gắm một vẻ
đẹp âm ỉ trong tâm hồn, vừa để khẳng định quyền sở hữu của chính mình bằng ký tự
hoa văn.
Hơn thế nữa, chiếc rìu còn là vật phẩm mà những chàng
trai tặng cho người mình yêu để làm kỷ vật (thường là 2 cái) trước khi cưới cô
gái về làm vợ. Điều đó khẳng định rằng: “những chiếc rìu mà chàng trai tặng cho
người mình yêu là những tác phẩm văn hoá – nghệ thuật để đời” của họ.
Ngày nay, việc sử dụng rìu vẫn đang tồn tại khá phổ biến
và đậm nét ở dân tộc Gié Triêng. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa vật chất
mà có ý nghĩa rất lớn về mặt văn hóa tinh thần – văn hoá nghệ thuật. Do đó,
chúng ta phải không ngừng nghiên cứu, sưu tầm nhằm góp phần bảo tồn và phát huy
giá trị văn hóa – nghệ thuật của loại hình này.
Thu Nga (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét