Độc đáo Lễ mừng nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu (Chu Thị Hiển)

Nhà Gươl được coi là nơi tôn kính, chốn linh thiêng thờ các vị thần linh dân gian, ông bà tổ tiên và nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu.

Đồng bào dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam hiện đang sinh sống chủ yếu ở 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nhắc đến tộc người Cơ Tu, không thể không nhắc đến Gươl, ngôi nhà chung của đồng bào, do chính người trong làng lập nên.

Đối với đồng bào dân tộc Cơ Tu, nhà Gươl (còn gọi là nhà làng) được coi như một biểu tượng văn hóa, niềm hãnh diện của mỗi làng. Nhà Gươl không chỉ mang đặc trưng kiến trúc dân tộc mà còn là nơi hội tụ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Cơ Tu.

Đó là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng, nơi các già làng (Tacooh puol) quyết định những vấn đề quan trọng của cộng đồng và đặc biệt là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu (Pơ-ngoót), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví)…
Những trai làng chưa vợ, những người già mỗi đêm thường đến ngủ trong nhà làng, vì người Cơ Tu coi đây là nơi linh thiêng, luôn có sự hiện diện của các thần linh và tổ tiên, ông bà họ...

Lễ mừng nhà Gươl (Langtơrí) của dân tộc Cơ Tu.
                 
đối với mỗi làng Cơ Tu, việc xây dựng một ngôi nhà Gươl là việc hệ trọng. Sau khi đã chọn được đất làm nền thì người Cơtu tổ chức lễ dựng nhà Gươl. Lễ này được tổ chức vào sáng sớm khi Mặt trời vừa mọc. Đầu tiên là dựng cây cột cái, khi cột này được dựng ngay ngắn, già làng lấy một ít nước đổ vào cây cột cái đó như cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng khoẻ mạnh, sống hoà thuận, đoàn kết, hạnh phúc, thương yêu nhau…
Nhà Gươl của người Cơ tu gần giống nhà sàn của người Cơtu, làm bằng gỗ, lợp bằng lá gồi hoặc lá mây nhưng nó bề thế và được chạm khắc công phu hơn. Nhà Gươl được xây dựng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Nét đặc trưng nổi bật của nhà gươl Cơ tu chính là bộ mái cao, cuốn tròn hai đầu hồi. Nhà Gươl cũng khác với đa số nhà của các tộc người khác là con số chẵn: số gian chẵn, số cột chẵn... thậm chí đòn nóc cũng chẵn.

Gươl cũng gắn với cồng chiêng, những điệu múa tung tung-da dá, những đêm hát lý của người Cơ Tu. Gươl không thể thiếu trong đời sống văn hóa-xã hội và tinh thần của người Cơ Tu...

Phía trên hai đầu nhà Gươl thường được chạm, khắc hình gà trống hoặc hai đầu trâu nhô sừng lên đối diện. Bên trong được chạm các hình ảnh rất độc đáo, mang những nét văn hóa riêng của người Cơtu, như: hình ảnh các chàng trai, thiếu nữ Cơtu múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng...
Là loại hình kiến trúc độc đáo được đồng bào dân tộc Cơ Tu sáng tạo từ lâu đời, mang sắc thái đặc thù lãnh thổ rất rõ rệt của cộng đồng. Gươl cũng gắn với cồng chiêng, những điệu múa tung tung-da dá, những đêm hát lý của người Cơ Tu. Gươl không thể thiếu trong đời sống văn hóa-xã hội và tinh thần của người Cơ Tu...
 Chu Thị Hiển (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét