Nghề trồng bông dệt vải. Ảnh: Tấn Vịnh
Dân tộc Cơ Tu là một trong số ít các dân tộc ở vùng Trường
Sơn-Tây Nguyên còn bảo lưu nghề trồng bông, dệt vải. Đồng bào Cơ Tu có nhiều giống
bông bản địa, đó là kpay plâng, kpay lao, kpay plưng, các nhà khoa học gọi là
giống “bông thượng” hay “bông cỏ”. Sau khi bảo quản, người Cơ Tu đã sáng tạo ra
nhiều công cụ khác nhau để chế biến sợi: đó là công cụ tách hạt (êết); dụng cụ
bật bông (tơrơmế); que quấn bông (plau); máy se sợi (chia); khung quấn sợi thô
(trước khi nhuộm); công cụ tạo búp sợi (tra ca)...
Để sản phẩm dệt cần có sắc màu phong phú, đồng bào lại
cất công đi tìm những nguyên liệu tạo màu để làm cho sợi từ không màu, đơn sắc
trở thành các màu đặc trưng, độc đáo mang đậm sắc thái dân tộc. Người Cơ Tu có
nhiều kinh nghiệm trong chế biến và nhuộm màu cho sợi bông. Càng về sau, bảng
màu của đồng bào càng phong phú hơn nhờ trao đổi sợi bông với các dân tộc khác
và sợi chỉ, sợi len ngoài thị trường.
Người Cơ Tu bảo lưu kiểu khung dệt được coi là cổ sơ nhất của
nhân loại, các nhà nghiên cứu gọi là khung dệt inđônêsiên. Khung dệt này tuy
còn thô sơ, năng suất thấp, khả năng dệt hoa văn bị hạn chế, nhưng nó lại có thể
dệt được những khổ vải theo ý muốn. Kỹ thuật dệt của người Cơ Tu gắn liền với
chất liệu, trong đó nổi bật là dệt hoa văn chỉ màu, hoa văn gợn sóng, hoa văn hạt
cườm và kỹ thuật khâu đáp.
Khi đề cập đến sản phẩm dệt của người Cơ Tu, chúng ta không
thể không nói đến các hoa văn hạt cườm, bởi chính số lượng những hạt cườm, sắp
xếp thành những biểu tượng đã làm nên giá trị của thổ cẩm, trang phục. Arắc hay
còn gọi là alùng là từ dùng để chỉ những hạt cườm phối trí thành hoa văn trên tấm
tút của người Cơ Tu. Đồng bào rất thích dùng những bộ váy áo, khố có trang trí
hoa văn hạt cườm. Chèn cườm, kết cườm hay tạo hoa văn bằng cườm là một thao tác
đặc biệt. Bằng cách bố trí từng hạt chì hoặc cườm, rất tỉ mỉ và công phu, họ vừa
dệt vừa tạo hoa văn thật tài tình. Hạt cườm được làm bằng hạt cây, cỏ, đá, chì
và hạt cườm nhựa.
Phụ nữ Cơ Tu dệt thổ cẩm. Ảnh: Tấn Vịnh
Nghề trồng bông dệt vải của dân tộc Cơ Tu đã sáng tạo nên
nhiều sản phẩm, chủng loại khác nhau. Mỗi sản phẩm đều có giá trị sử dụng và
giá trị thẩm mỹ nhất định. Những tấm vải thổ cẩm dù lớn hay nhỏ đều in đậm dấu ấn
sáng tạo của người thợ dệt. Ta có thể phân biệt các sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu qua
những loại hình cụ thể như sau: tấm aduông (tấm dồ); áo (adooh); áo
choàng (adây); áo chữ X (chrơ gul, chrơ peng); khố (h’giăl hay g’hul); váy
(hđooh); khăn trùm đầu; tấm địu con ( aduông kon); túi thổ cẩm (chơ dhung); yếm
(xờ nát); túp lều bằng tấm htút (g’nâu bh’muối)...
Nghề dệt Cơ Tu thể hiện sức sống mãnh liệt của nền văn hóa
tộc người. Mỗi sản phẩm dệt Cơ Tu có giá trị về nhiều mặt, nó vừa là vật dụng, bảo
đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no,
giàu có và hơn thế nữa, nó như những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh
hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc.
Người Cơ Tu là một tộc người còn bảo lưu được một cách
tương đối nguyên vẹn các yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, trong đó có
nghề dệt và trang phục. Đây là một trong những thành tố góp phần hình thành
không gian văn hóa đặc sắc của tộc người Cơ Tu cư trú trên dải Trường Sơn. Nghề
dệt thổ cẩm-nghề thủ công truyền thống thực sự là một di sản quý giá còn được bảo
lưu, giữ gìn cho đến ngày nay.
Mai Hạnh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét