Khám phá văn hóa dân tộc Cơ Tu (Hoàng Bích Khuyên)

Trang phuc của các cô gái khi mừng lễ hội

1. Gươl: Theo người dân Cơ Tu, đã có nhà ở, bếp khói ấm cúng thì phải có gươl cho người dân trong thôn hội họp, trẻ em ngủ trưa. Gươl là nhịp sống của làng, thiếu nó thì làng cũng mất đi giá trị vốn có của nó. Già làng Bhling TrơNgâr tuổi đã cao nhưng vẫn hăng say cùng con cháu đục đẽo, khắc hoạ mọi hình thù khác lạ trong thân gỗ làm gươl. Với già làng, đó là trách nhiệm cần phải làm để cho con cháu sau này noi theo.

Gươl thôn Apát, xã Avương vừa hoàn thành xong
Già làng Arất TrơNgâr cho biết, dựng gươl ai ở làng cũng biết, nhưng để làm cho nó nổi bật giữa làng, thể hiện được sức mạnh cộng đồng làng thì rất là khó, vì nó thể hiện qua những điêu khắc giàu tính tưởng tượng, cách chọn cây rừng, bố trí phù hợp, hài hoà với từng mái cột.
2. Văn hóa ăn mặc của người Cơ Tu
Cũng như nhiều dân tộc anh em khác sinh sống trên dãy Trường Sơn, đồng bào Cơtu Quảng Nam có trang phục rất riêng, đàn ông đóng khố, cởi trần, phụ nữ chỉ buộc một mảnh vải như cái yếm để che ngực, váy ngắn đến đầu gối… Những trang phục mang đậm bản sắc văn hóa người Cơ Tu đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Làng truyền thống Cơtu Tây Giang, mở hội “Mừng Lúa Mới”, từ sáng sớm, các cô gái Cơtu đã chọn cho mình những bộ thổ cẩm truyền thống đẹp nhất, để đem ra mặc tại lễ hội. Bên cạnh bộ thổ cẩm, các cô gái Cơtu còn điểm thêm vòng hạt cườm, vòng đá trang sức quanh cổ. Và kèm theo đó là những chiếc nơ thắt ngang, giữ cho mảnh vải che ngực thêm chắc chắn …Trong trang phục thổ cẩm dành cho ngày hội thật sặc sỡ, các cô gái nhanh chóng hòa mình vào điệu tung tung za zá đầy quyến rũ. Đây được coi là một hình ảnh đẹp, một điểm nhấn của lễ hội Mừng lúa 

3. Lễ hội đâm trâu – niềm háo hức của người Cơ Tu
Chú trâu khỏe khoắn, nặng hơn 2 tạ, sừng vuông cong vút, được tròng trong cuộn dây mây đan kết chắc nịch. Cột trụ giữa sân sừng sững, được trang trí sắc màu. Bà con thôn bản ngồi trên bậc thang tiền sảnh nhà gươl đang còn thơm mùi gỗ mới. Lễ hội đâm trâu chuẩn bị diễn ra. Người già đăm đăm, đám thanh niên háo hức, lũ gái trai dắt díu thì thầm.

Lễ hội đâm trâu

4. Ngủ Duông – Lướt Dướng
Ở người Cơtu còn tồn tại một phong tục mà chỉ ở cư dân này mới có, đó là tục ngủ duông (lướt zướng). Tục ngủ duông là một thông điệp gửi gắm những mối tình trai gái Cơ Tu nên vợ nên chồng để hôm nay nó vẫn còn trường tồn mãi với thời gian.
Nhà ngủ duông được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng, gọi là nhà nhưng thực chất đây là một chòi được làm bằng các vật liệu tạm bằng cây lá và nhà này được cả làng đều biết và được người Cơ Tu gọi là nhà ngủ duông.
Tuỳ ở mỗi đôi nam nữ Cơ Tu mà có thể từ 3 đến 5 đêm hoặc hơn thế nữa để họ tự do tìm hiểu mà không phải lén lút, thầm kín… Tuy đôi nam nữ có quyền tự do tìm hiểu nhưng luật tục Cơtu cũng quy định rất rõ và rất nghiêm khắc xử lý những trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi hoặc có thai trước khi cưới. Nếu trường hợp này xảy ra, tuỳ ở mức độ vi phạm, thường thì chàng tai bị phạt rất nặng, làng bắt người con trai đó phải giết heo có khi là trâu, bò mang từng phần đến từng gia đình trong làng để tự thú tội và chia cho cả làng cùng ăn (Lươl hơpoong a coó á oóc) đôi khi phải đền bù cho nhà gái nào là ché, chiêng, đồ trang sức quý… hoặc phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác và đôi khi bị cộng đồng ruồng bỏ không ai tiếp xúc với những con người phạm tục. Sự phạt nặng này từ xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người cho nên nam nữ Cơ Tu khi tiếp xúc, quan hệ tình cảm với nhau đều luôn có ý thức giữ gìn, tôn trọng đạo đức.
Tục ngủ duông của người Cơ Tu là sự hội tụ của những nét đẹp văn hoá đặc sắc còn bảo lưu nhiều yếu tố truyền thống trong nghi thức đám cưới truyền thống của người Cơ Tu. Và với yếu tố này, vừa phản ánh đặc điểm tộc người, vừa có nghĩa giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực hôn nhân được họ giữ gìn trân trọng từ bao đời. Người Cơ Tu ngày nay không chỉ tiếp nhận những yếu tố văn hoá của cuộc sống văn minh, hiện đại mà tục ngủ duông mang đậm bản sắc của một cư dân miền núi sống qua ngàn đời mà vẫn tồn tại như nguyên vẹn. Đây là kết quả của ý thức về cội nguồn của cộng đồng dân tộc Cơ Tu.

“Ngủ duông” – nét đẹp trong hôn nhân người Cơ Tu
Hoàng Bích Khuyên (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét