Gốc gác dòng họ Cơ Tu (Triệu Bôn)

Làng mới của người Cơ Tu. Ảnh: ALăng Ngước

Người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam, Thừa Thiên  Huế, Đà Nẵng và ở tỉnh Sê-Kông nước bạn Lào là chủ nhân của một vùng rừng núi rộng lớn có nền văn hóa lâu đời và đặc trưng của tộc người mình. Một trong những đặc trưng đó là người Cơ Tu có các dòng họ, tộc họ (Ca bhu, Tô-theo cách gọi của người Cơ Tu).

Không phải duy nhất chỉ người Cơ Tu có dòng họ mà một số tộc người thiểu số khác ở vùng miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên có dòng họ nhưng số này không nhiều như Ba Na, Gia Rai… Ca bhu, Tô - của người Cơ Tu đã cho thấy từ rất xa xưa, người Cơ Tu đã có một hệ thống thân tộc, thích tộc rất rõ ràng, nghĩa là có dòng bên cha và dòng bên mẹ, dòng trai, dòng gái sau khi lập gia đình. Ca bhu, Tô của người Cơ Tu là cội nguồn của tộc người mà theo truyền thuyết thì một dòng họ, tộc họ đều có một sự tích, câu chuyện cổ hình thành nên tên gọi của dòng họ, tộc họ của mình.
Sự tích, câu chuyện cổ, truyền thuyết ấy có thể là một sự kiện đặc biệt trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, đời sống xã hội từ thời xa xưa; là khởi đầu từ một hiện tượng đặc biệt của tự nhiên hay một sự kiện khác thường từ sản xuất của con người. Việc người Cơ Tu có sự tích, lý giải sự hình thành nên các dòng họ, tộc họ của mình theo như các nhà nghiên cứu lịch sử, dân tộc học, văn hóa dân gian… là sự phản ánh quy luật phát triển của lịch sử tộc người đó là có sự hình thành từ các tô-tem (vật tổ, sự tích tổ tiên).
Truyền thuyết người Cơ Tu huyện Đông Giang, Tây Giang ở những người mang họ Hiêng kể lại rằng tổ tiên họ vào thời xa xưa bị ong đốt trong một mùa rẫy thất bát phải bỏ chạy vào phương Nam tìm đất mới sinh cơ lập nghiệp (du canh du cư); nhớ chuyện xưa ấy dân làng tự đặt mình là Ca bhu, tô Hiêng - nghĩa là dòng họ “con ong”. Dòng họ Cơ Lâu lại bắt nguồn từ câu chuyện cổ vì con trâu của mình chết, quá thương tiếc con vật quý giá nên người chủ con trâu đã khóc lóc thảm thiết; từ chuyện khóc con trâu chết nên có dòng họ Cơ Lâu-dòng họ “khóc”. Dòng họ Ria  ra đời bởi từ một câu chuyện cổ tích một chàng trai trong cuộc thi tài đã đi qua dòng suối không bị ướt vì chàng trai đã đào đường ngầm bên dưới dòng suối để đi qua và đã thắng cuộc thi, dân làng nói nó như “cái rễ cây” trong đất, nó là Ria - rễ cây; chàng trai đó lấy họ Ria truyền mãi cho đến sau này. Người Cơ Tu có dòng họ Zơrâm cho mình là dòng họ “con chó” bởi từ sự tích cội nguồn từ chuyện xa xưa trời mưa, lũ lụt nước dâng ngập hết núi rừng, chỉ còn một ngọn núi và trên ấy có một người đàn bà và một con chó sống sót, sau đó họ lấy nhau và sinh ra con cháu như bây giờ; nhớ chuyện xa xưa ấy, họ đặt mình là dòng họ Zơrâm. Lại có cội nguồn một dòng họ từ câu chuyện tình yêu, chuyện vợ chồng đó là dòng họ Pơloong - dòng họ “Trôi”. Người già kể lại rằng, có một chàng trai khi đi rẫy về, đến con suối ngoài làng rửa ráy, hái một trái ươi thả xuống dòng suối, trái ươi trôi xuống bám vào chân một cô gái trong nhiều cô gái cũng đang rửa ráy phía dưới dòng suối, cô gái ném đi nhưng trái ươi cứ bám vào chân, tức mình cô gái ăn trái ươi. Sau đó tự nhiên cô có mang và sinh ra một bé trai, dân làng bất bình vì không có chồng mà lại có con, đem ra xử theo luật tục và khi ấy thì đứa con chạy đến chàng trai đã thả trái ươi trôi trên dòng suối năm xưa và nói rằng đây là cha tôi, nhờ trái ươi trôi trên dòng suối nên mẹ đã sinh ra tôi; già làng gọi nó là Pơloong- là “Trôi”; từ đó có dòng họ Pơloong.
Đi kèm với việc gốc gác để hình thành nên các dòng họ, tộc họ với nhiều sự tích khác nhau là mỗi một dòng họ, tộc họ có những điều kiêng cử mà người mang dòng họ, tộc họ ấy không được vi phạm như Zơrâm thì không ăn thịt con chó, Riah thì không được đào rễ cây… Theo một khảo sát, điều tra và nghiên cứu mới đây ở huyện Đông Giang và liên hệ mở rộng đến các nghiên cứu ở các huyện Tây Giang, Nam Giang của các nhà dân tộc học, văn hóa học và các giấy tờ tư pháp thì ở người Cơ Tu hiện tại có gần 60 dòng họ với tên gọi khác nhau. Trong đó có 33 dòng họ với cách gọi và cách viết thuần Cơ Tu, có 11 dòng họ xưa kia là một và sau này tách ra làm hai; số còn lại người Cơ Tu lấy theo họ người Kinh, từ các cuộc hôn nhân với các dân tộc khác và kể cả tên dòng họ tự đặt (!). Việc cần làm là xác định rõ nguồn gốc các dòng họ của người Cơ Tu, có bao nhiêu dòng họ và từ đó cách nói và cách viết thế nào là đúng nhất; mà vấn đề này không chỉ với Đông Giang mà còn với Tây Giang, Nam Giang, nơi có đồng bào Cơ Tu sinh sống, tập trung lâu đời. Người Cơ Tu có nhiều dòng họ, nguồn gốc thì người dân có biết nhưng khi viết ra theo chữ phổ thông thì lại sai; không đúng với cái gốc của dòng họ mình.
Chuyện các dòng họ, tộc họ của người Cơ Tu còn nhiều điều để tìm hiểu như chuyện dòng họ con Kiến (Bhing), dòng họ con Cá (Abing), dòng họ con Tắc kè (Arất), con Gấu (Arâl), con Vượn (Avô)… nhưng có một điều thật đặc biệt là mỗi dòng họ, tộc họ đều có một sự tích hình thành tên gọi để kế truyền từ đời này sang đời khác và là niềm tự hào của những người mang họ đó. Một tộc người có các sự tích về cội nguồn, về tên gọi của các dòng họ, tộc họ của mình là không nhiều trong cộng đồng các dân tộc ở đất nước ta.  Gìn giữ dòng họ, tộc họ là gìn giữ một phần hồn cốt văn hóa của dân tộc mình mà người Cơ Tu đã, đang và sẽ mãi mãi làm.

Triệu Bôn (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét