Độc đáo tục xây nhà mồ của dân tộc Cơ Tu ở Thừa Thiên - Huế (Nông Thế Thật)

Nhà mồ và quan tài là một trong những kiến trúc “độc nhất vô nhị” mang tính tín ngưỡng dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Thừa Thiên - Huế để hướng về ông bà, tổ tiên.

Những ngôi nhà mồ với kiến trúc độc đáo là tín ngưỡng của dân tộc Cơ Tu ở các huyện miền núi: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam) và huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế). Theo quan niệm của người dân tộc Cơ Tu, nhà mồ, quan tài (dạng thuyền độc mọc - PV)
và tượng điêu khắc gỗ nhà mồ không chỉ phản ánh những khía cạnh về đời sống tâm linh, tín ngưỡng dân gian truyền thống của đồng bào mà nó còn mang một dấu ấn nghệ thuật “độc nhất vô nhị” của bộ tộc này. Để trang trí cho một nhà mồ, các già làng, trưởng bản hoặc các nghệ nhân điêu khắc phải chọn những cây gỗ tốt, đẽo lấy phần lõi của cây để làm tượng. Trên quan tài và các hệ thống mái, đồ thờ tự... đều có các hình điêu khắc rất công phu.

Đặc biệt, trên nhà mồ có các hình đầu trâu, gà, chim, kỳ đà, lá đùng đình, hình răng cưa, cối giã gạo và hình ảnh con người... Người Ka Tu quan niệm rằng, trong điêu khắc, các con vật làm chủ đề thường được bố trí theo cặp đối xứng trong không gian, hay tuân thủ các yếu tố đực, cái. Theo đó, sẽ tạo nên một cảnh quan hài hoà giữa thiên nhiên, con người và các mối quan hệ xã hội như láng giềng, thông gia... Điều này thể hiện ước muốn của người chết ở thế giới bên kia, nơi mà những con vật trên sẽ đi theo để cùng sống với họ.

Trong quan niệm của đồng bào dân tộc Cơ Tu, thế giới người chết cũng tương tự như trần gian và linh hồn của họ, luôn ẩn hiện xung quanh mọi người. Nếu như linh hồn người chết muốn có nhà mồ thì sự báo hiệu này sẽ được bắt đầu từ một số gia súc, gia cầm bị chết, rồi đến sự ốm đau của con người. Chính vì vậy ước muốn ấy sẽ được người sống thực hiện bằng được, dù cho họ hoàn toàn không có khả năng về kinh tế để thỏa mãn những điều ấy. Sự báo mộng của người chết đối với người thân trong gia đình xuất phát từ những ám ảnh, lo sợ hồn ma trở lại phá hại khi mà những tâm thức xưa vẫn còn trong nếp sống, suy nghĩ của bộ tộc này.

Song thực tế hiện nay cũng cho thấy, nguồn tài nguyên rừng đang ngày càng cạn kiệt, các nghệ nhân điêu khắc bậc cao niên cũng dần qua đời. Hơn nữa, để đầu tư cho một ngôi nhà mồ bằng gỗ là rất tốn kém, kể cả thời gian lẫn công sức và kinh tế. Trong khi đó, một ngôi nhà mồ bằng bê tông chỉ mất khoảng 6 triệu đồng và xây dựng chưa đầy một tháng, đặc biệt nhà mồ bê tông sẽ tồn tại bền vững hơn nhiều so với nhà mồ bằng gỗ.

Chính vì lí do trên, hiện nay người Cơ Tu thuộc các xã ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã dần chuyển sang làm nhà mồ cho người quá cố bằng bê bông lợp tôn với kiểu dáng không giống các ngôi nhà mồ truyền thống xưa. Thay vào đó, mô típ nhà mồ được bà con thay bằng con rồng, phụng, cúc, mai với những gam màu xanh, đỏ, vàng, tím trong nghệ thuật trang trí..., được du nhập từ đồng bằng. Sự thay đổi này xuất phát từ những tư duy thực tế của họ trong đời sống hiện nay và cũng chính điều này đã làm cho con người yên tâm hơn khi họ tiến hành làm lễ bỏ mả (lễ cải táng - PV).

Dưới đây là một số hình ảnh về tục xây nhà mồ của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Thừa Thiên - Huế.

Những pho tượng người bằng gỗ được đồng bào Cơ Tu thờ phụng tại nhà mồ nhằm thể hiện lòng biết ơn giữa người sống và người quá cố

Những nghệ nhân đang tập trung thực hiện khâu chạm trỗ đầu trâu và trang trí phần còn lại để dựng nhà mồ cho người quá cố



Một số dạng nhà mồ được làm bằng bê tông hóa lợp tôn của người Cơ Tu hiện nay

Những pho tượng thờ phụng cũng được làm bằng bê tông





Trang trí và phần lễ ngôi mộ người thân khi hạ quan tài xuống đất

Nông Thế Thật (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét