Chuyện cổ tích: Chàng Cơ-Ho và Công Chúa Nai Tơ-Lúy (Trần Ninh)

Ngày ấy, trên những vùng núi Tây Nguyên bát ngát có những bộ tộc người sống thành những buôn làng.
Họ cùng nhau làm rẫy, làm ruộng, vào rừng săn bắn và xuống suối mò tôm cá. Đó là những con người hiền hòa, yêu ca hát hội hè, giỏi đan lát và dệt vải.
Nhưng rồi đến một ngày kia, có một ông vua dẫn quân lính đi từ vùng biển xá xôi đến vùng đất của dân tộc nọ để tìm ngà voi và sừng tê giác. Tên vua này vốn tham lam và tàn bạo. Nhìn thấy những bàn tay con gái khéo léo trỉa bắp, và dệt vải, những bàn tay con trai biết điều khiển voi và giương cây ná cứng, vua thấy trong lòng thèm khát.

Hắn ra lệnh cho quân lính bắt lấy những chàng trai mạnh nhất, những cô gái xinh đẹp nhất, đưa về làm nô lệ. Những buôn làng rủ nhau chạy trốn vào rừng sâu, hang đá. Nhưng cũng rất nhiều người bị giặc bắt, đành gạt nước mắt ra đi vĩnh viễn xa buôn làng thân yêu của mình.

Ở một buôn nọ có một chàng trai tên là Cơ-ho. Chàng đẹp trai, rất giỏi nghề săn bắn. Chàng có mái tóc gợn sóng và đáng đi kiêu hãnh. Đã biết bao nhiêu cô gái mơ ước được chàng yêu.

Hôm ấy, Cơ-ho đi săn trong rừng, vai vác một con hoẵng. Chàng chưa kịp hỏi xem có chuyện gì xảy ra với buôn làng, thì có một toán lính ập tới. Chúng chẳng để cho chàng nói năng gì, cứ hầm hầm trói chàng lại, đưa lên lưng ngựa rồi giải về kinh vua.

Vua thấy chàng trai khỏe đẹp thì lấy làm ưng ý lắm. Hắn bắt tất cả các nô lệ khác phải vào rừng, lên núi, nhưng riêng Cơ-ho được giữ lại để sai bảo việc trong nhà.

Nhà vua có một nàng công chúa rất xinh đẹp, tính tình dịu dàng khác hẳn anh vua cha. Tiếng nói của nàng mềm mại tha thiết. Mới gặp Cơ-ho nàng đã đem lòng yêu mến chàng. Nàng công chúa đó tên là Nai Tơ-luý. Cơ-ho cũng rất mê say nàng Nai Tơ-luý, vì chàng chưa gặp cô gái nào đẹp như thế bao giờ.

Nhà vua cưng con gái lắm, suốt ngày chỉ cho con ở trong cung cấm, chơi với bọn vũ nữ xinh đẹp. Từ hôm gặp Cơ-ho, nàng ngẩn ngơ buồn. Nàng rất muốn gặp Cơ-ho nhưng không dám làm trái ý vua cha. Một hôm, nàng xin vua cho nàng chạy ra chơi ngoài đồng cỏ, cho nàng trèo lên hái trái xoài trên cây xoài mọc bên bờ suối nhỏ. Nhưng nhà vua nghiêm khắc từ chối, vì vua sợ nhưng điều không hay xảy đến với nàng.

Nàng công chúa thèm ăn xoài chín quá. Có một lần vào buổi sáng khi tất cả còn đang ngủ say, nàng lẻn dậy, lẻn chạy ra ngoài đồng, lại lấy cớ rằng sợ, rủ Cơ-ho đi cùng. Hai người cùng chạy trên cánh đồng còn ướt đẫm sương.

Đến gốc cây xoài mọc bên bờ suối nhỏ, Nai Tơ-luý gọi:
- Ơ, Cơ-ho! Anh hãy trèo lên hái cho tôi trái xoài ngọt trên ngọn, trái xoài luôn nhận được những tia nắng và những giọt sương đầu tiên, cao ngang tầm cánh chim và nhìn được dòng sông để ra biển cả! Nhưng Cơ-ho không chịu trèo, chàng trả lời:
- Nàng Nai Tơ-luý! Tôi không biết trèo. Tôi chỉ hái được những trái xoài chua, những trái xoài mọc ra từ cành xoài bé nhỏ, rụt rè nhận những giọt sương và tia nắng muộn màng và chỉ nhìn xa không qua tầm cây lau cây lách!

Cuối cùng, nàng Nai Tơ-luý đành tự mình trèo lên cây xoài, và chàng Cơ-ho đứng dưới đất say mê ngắm nàng. Nàng Nai Tơ-luý thật là xinh đẹp, gương mặt nàng hồng hào rạng rỡ, như trái xoài chín, cổ tay nàng tròn trĩnh tự ngà voi! Bất ngờ nàng Nai Tơ-luý gọi:
Này anh Cơ-ho! Hãy nhặt dùm cho tôi trái xoài chín ngọt ngào này!

Nhưng Cơ-ho cứ mải ngắm nhìn nàng, chẳng để ý đến trái xoài nào cả. Rồi nàng công chúa tụt từ trên cành cao xuống đất. Nàng ngạc nhiên hỏi Cơ-ho:
- Trái xoài chín của tôi đâu rồi? Tôi đã gọi anh nhặt giùm tôi cơ mà!

Chàng Cơ-ho chẳng nói, cứ say mê ngắm nàng Nai Tơ-luý xinh đẹp. Công chúa thoạt đầu ngạc nhiên và cả hơi bực mình nữa, nhưng rồi nàng bẽn lẻn xấu hổ. Hai người vui chơi suốt ngày trên đồng cỏ và dưới gốc xoài, cho đến chiều tối mới rón rén trở về, chẳng ai biết cả. Nhưng không ngờ vì mải vui chơi, chàng Cơ-ho bỏ quên cái xà gạc của mình dưới gốc cây xoài. Về đến nhà chàng mới nhớ ra, nhưng trời tối quá không thể nào ra lấy lại được nữa.

Tối hôm ấy thấy vẻ khác lạ của hai người, vua liền gặng hỏi. Nhà vua lại càng ngạc nhiên khi không thấy Cơ-ho khoác xà gạc trên vai như mọi lần. Vua cứ gặng hỏi mãi, hết ngọt lại xẵng. Cuối cùng vì ngây thơ và thật thà quá, đôi trai gái đành thú nhận tất cả.

Nghe xong câu chuyện, vua đùng đùng nổi giận. Cả triều đình chưa bao giờ thấy như thế bao giờ. Vua cho điều đó là nhục nhã và xấu hổ, liền hạ lệnh cho quân lính trói hai người lại đem vào rừng sâu giết đi rồi đem hai quả tim về làm chứng. Hoàng hậu nước mắt chảy ròng ròng, cố khuyên chồng nguôi giận. Nhưng điều ấy chỉ làm cho nhà vua cáu tiết thêm. Vua sai lính giải hai người đi ngay đêm hôm đó.

Toán lính vừa đi khỏi, thì hoàng hậu nghĩ ra một kế, bà sai hai tên lính thân cận, dặn dò cẩn thận, rồi sai đắt hai con chó săn đuổi theo. Họ đuổi kịp toán lính, truyền lệnh của hoàng hậu thả đôi trai gái vào rừng, rồi giết hai con chó lấy tim đem về dâng vua. Nhà vua ngay đêm hôm ấy nhận được hai quả tim còn nóng hổi, mới bình tĩnh lại hối hận về việc làm nóng nảy của mình thì muộn rồi.

Còn Cơ-ho và nàng Nai Tơ-luý, chạy mãi trong rừng, quần áo bị gai rừng xé nát hết cả. Nàng công chúa mệt lả, Cơ-ho phải cõng nàng trên lưng chạy sâu mãi vào rừng, rồi một hôm, đôi trai gái đã đi suốt cả những cánh rừng, đến một đồng cỏ rộng. Ở ven rừng có một dòng suối chảy. Cơ-ho bảo nàng Nai Tơ-luý:
- Chúng ta dừng lại ở đây thôi! Đất ở đây đẹp quá. Chúng ta sẽ dựng chòi, làm rẫy, trỉa bắp nuôi nhau.

Sáng hôm sau, chàng Cơ-ho lên rừng phát rẫy. Những cây to bị chàng chặt đổ ầm ầm. Đến xế chiều thì khoảng rừng ngổn ngang. Rất hài lòng, chàng về nhà chuyện trò với vợ dự tính công việc ngày mai. Hai vợ chồng định mấy hôm nữa nắng lên thì đốt rẫy.

Nhưng, sáng hôm sau ra rẫy, chàng Cơ-ho sửng sốt vô cùng: trước mắt chàng, khoảng trống hôm qua ngổn ngang cây cối, hôm nay lại xanh tươi như không hề được phá bao giờ, chàng Cơ-ho chẳng nói chẳng rằng, lại tiếp tục phát rẫy. Cho đến chiều tối thì khoảng rừng lại ngỏn ngang cây đổ. Chàng Cơ-ho mệt nhoài, trở về chòi mà trong lòng chưa hết ngạc nhiên và phân vân. Hôm sau, chàng ra rẫy thật sớm, từ lúc còn tối mờ đất. Đến nơi, chàng ngẩn người ra; không còn nghi ngờ gì nữa, khoảng rừng vẫn còn y nguyên. Chàng lại ra sức đẵn cây cho đến chiều tối. Rồi Cơ-ho khoác xà gạc thủng thẳng ra về. Nhưng đến giữa rừng, chàng quay trở lại, núp vào một gốc cây thật lớn rình xem.

Đến nữa đêm vẫn không thấy động tĩnh gì, Cơ-ho đã bắt đầu chợp ngủ, thì bỗng giật mình nghe tiếng lao xao như tiếng suối đổ. Trăng sáng vằng vặc. Cơ-ho nhìn ra khoảng trống, thấy một bầy khỉ rất đông đang nhảy múa. Dẫn đầu bầy khỉ là một con khỉ già rất to lớn có một bộ râu dài bạc trắng. Chúng nhảy múa chán, rồi đến chỗ Cơ-ho ngồi. Con khỉ già ngồi trên một hòn đá, xung quanh là bầy khỉ con. Con khỉ già lên tiếng:
- Hãy yên lặng! Tao sẽ cho chúng mày thấy phép lạ của ta.

Vừa nói, con khỉ già vừa lẩm bẩm cầu khẩn, một tay nó cầm một chiếc mồng, tay kia vỗ nhẹ vào núm mồng. Tức thì tất cả cây cối trên trảng trống lại trở thành rừng rậm như chưa từng được phát bao giờ.

Đến lúc đó thì Cơ-ho tức giận quá không thể nhìn được nữa. Chàng vụt đứng dậy khỏi chỗ núp, túm bộ râu con khỉ già cột chặt vào gốc cây và kề xà gạc vào cổ nó:
- Đồ phá hoại khốn kiếp! Ta đã phát rẫy này suốt ngày. Ta phải giết mày để trị tội!

Con khỉ già hoảng sợ. Nó lạy lục van xin:
Hãy tha chết cho tôi! Tôi sẽ đem đến cho anh sáu chiếc chiêng đồng tiếng vang xa bảy ngọn núi.

Cơ-ho lắc đầu:
Bọn ta ở một mình giữa rừng, có hội hè đâu mà cần chiêng đồng hở khỉ!

Khỉ bèn bảo Cơ-ho:
- Vậy thì tôi sẽ đem đến cho anh chiếc ché quý đựng rượu cần, bên ngoài có hình những thớt voi ngà dài đang uống nước và bầy nai đuổi nhau bên suối.

Cơ-ho vẫn kiên quyết lắc đầu:
Tất cả những thứ đó đều không quý bằng công của ta đã bỏ ra. Ngày mai, lửa nhà ta sẽ ăn bộ râu dài của mày và than hồng nhà ta sẽ ăn thịt mày.

Khỉ run lên như cầy sấy, nó kêu lên:
Hãy khoan đã hỡi chàng trai sắt đá kia! Tôi se tặng anh chiếc mồng quý của tôi. Có nó, anh sẽ có tất cả, chỉ cần anh cầu khẩn và vỗ vào chiếc mồng.

Cơ-ho cầm lấy chiếc mồng. Nó cũng chẳng khác gì chiếc mồng bình thường, nho nhỏ. Chàng nói lên ước muốn trước tiên của mình:
- Ta muốn khu rừng này biến thành một đám rẫy vừa một tầm tên bắn, như đám rẫy ta định làm hôm trước!

Rồi chàng vỗ nhẹ vào núm mồng. Tức thì những cây gỗ to đổ xuống rầm rầm, những cây nhỏ như bị ai vừa mới phát, nằm la liệt, cả khu rừng rậm lại biến thành khoảng trống. Thấy chiếc mồng linh nghiệm, chàng liền giữ lời hứa, thả con khỉ vào rừng.

Sáng hôm sau, Cơ-ho về đến cái chòi đơn sơ của mình ở đồng cô. Nàng Nai Tơ-luý chạy ra đón chồng ở cửa rừng:
- Sao anh về muộn thế? Cả đêm qua em chờ mỏi mắt!

Cho trả lời:
- Hôm qua, anh mải dọn cây ở rẫy dưới. Lúc dừng tay thì trời đã tối mất rồi, anh đành ngủ lại trong rừng, hôm nay mới về được. Em hãy xuống suối múc nước về thổi cơm ăn đi! Anh đói lắm rồi.

Trong lúc nàng Nai Tơ-luý gùi những quả bầu ra suối lấy nước, thì Cơ-ho trở về chòi. Chàng cầm chiếc mồng và cầu khẩn:
- Ta muốn có một dãy nhà sàn dài lợp bằng lá rơsôi, muốn ở trong nhà có chiêng đồng ché quý để thờ cúng tổ tiên, muốn có trống bịt da hươu và sao bầu để làm vui cửa vui nhà, muốn có đàn trâu ăn hết cỏ một vạt đồi và cặp voi ngà dài cuốn vòi bên bến nước!

Lập tức chàng được như ý, Cơ-ho liền cầm mồng và cầu khấn thêm:
- Ta muốn đồng cỏ rậm này biến thành buôn làng có những chàng trai giỏi phát rẫy và săn bắn, những cô gái thạo dệt vải và biết nuôi con!

Khắp đồng cỏ rộng, mọc lên những ngôi nhà sàn lớn nhỏ có những nhà kho ăm ắp lúa bắp, có những bếp lửa cháy rừng rực, có tiếng khèn và những ché rượu cần uống say ngả. Nàng Nai Tơ-luý vừa gùi nước ở dưới suối lên, ngạc nhiên ngỡ mình nằm mơ:

- Ôi sao kỳ lạ thế này! Cái chòi nhỏ của tôi đâu rồi? Đường về chòi của tôi lối nào? Tôi đi lạc vào đâu thế nhỉ?
Nàng Nai Tơ-luý cứ ngạc nhiên, phân vân mãi bên bờ suối, cho đến lúc chàng Cơ-ho chạy ra, dắt nàng về nhà mình và kể rõ sự tình. Từ đó, chàng Cơ-ho và nàng Nai Tơ-luý sống bên nhau, no ấm và hạnh phúc. Vì chàng tốt bụng và tài giỏi nên cả buôn làng tôn chàng làm chủ làng và ai ai cũng mến phục chàng. Buôn làng của Cơ-ho ngày càng giàu có. Những đàn trâu, đàn bò của họ, khi uống nước làm đục cả dòng suối chảy qua làng.

Dòng suối ấy chảy mãi về vùng xuôi, tìm đường ra biển cả, chạy qua kinh đô nhà vua nọ. Một hôm, những toán nô lệ của nhà vua về tâu với vua rằng dòng suối đục quá, không thể nào uống nước được nữa. Nhà vua ngẫm nghĩ.

Lạ thật! Kinh đô của ta ở đây đã ba đời, có bao giờ dòng suối đục đâu. Chắc hẳn có những buôn làng mới dựng ở phía trên ngọn nước, đã làm vẩn đục dòng suối của ta. Ta phải cho lính đi theo dòng suối triệt hạ ngay buôn làng mới, và bắt tên chủ làng về đây hỏi tội.

Những toán lính của vua hùng hổ kéo đi, xuyên qua những cánh rừng già gai góc. Cho đến một sáng kia, chúng đến buôn làng của Cơ-ho, chúng rất ngạc nhiên vì thấy đấy là một buôn làng giàu có, đông đúc lạ thường. Bọn chúng nghênh ngang đi vào làng, quát hỏi những đứa trẻ chăn dê:

Bọn nhỏ kia! Hãy nói cho chúng ta rõ, đây là buôn làng nào và ai làm chủ làng này?
Bọn chăn dê trả lời:
Buôn làng của chúng tôi là buôn làng Cơ-ho và chủ làng của chúng tôi là Cơ-ho. Chàng Cơ-ho đang ở trong nhà sàn dài rộng với nàng Nai Tơ-luý.

Bọn lính hung hăng đến nhà Cơ-ho. Chúng thấy chàng Cơ-ho đang cùng với vợ uống rượu cần bên bếp lửa. Chúng ập đến định đốt nhà và bắt chàng đi. Nhưng chúng chưa kịp ra tay, thì Cơ-ho đã cầm lấy chiếc mồng thần linh. Cả bọn lính đứa đang trèo lên sàn thì trượt chân ngã gãy cổ, gãy chân, đứa đang cầm đuốc đốt nhà thì va đầu vào cột bươu đầu sứt trán. Cả bọn đau đớn khóc lóc ầm ĩ, bán sống bán chết chạy về tâu với vua:
Chúng tôi đã đến buôn làng của Cơ-ho, gặp những dân Cơ-ho, đã thấy Cơ-ho uống rượu với nàng Nai Tơ-luý. Chúng tôi chưa kịp đốt nhà và bắt Cơ-ho thì đã gặp tai hoạ và phải trở về.

Nhà vua nhớ lại chuyện cũ, nổi giận đùng đùng:
- Thằng nô lệ khốn kiếp và đứa con gái quên cả dòng giống tổ tiên vẫn còn sống ư? Hãy cưỡi những voi trận ra khỏi những vòng dây xích, hãy xua ngựa chiến ra khỏi chuồng! Tất cả quân lính hãy theo ta đến giết chúng, lấy những quả tim để tế thần!

Cả đám lính lần này và nhà vua cũng hung hăng chẳng khác gì những toán lính đi trước. Nhưng rồi, chiếc mồng linh thiêng lại làm cho quân lính bươu đầu, gãy cổ, bỏ cả voi, ngựa, giáo, mác và chạy thoát thân. Nhà vua bị ngã ngựa, bị giải tới gặp chủ làng, nhà vua nhìn thấy Cơ-ho và nàng Nai Tơ-luý xinh đẹp đang uống rượu cần bên bếp lửa. Còn Cơ-ho vừa thấy nhà vua, liền sai người nhà đem những chiêng đồng quý nhất xếp ra trước sân cho nhà vua đặt chân, lại sai mở những ché rượu cần lâu năm nhất say ngả say nghiêng, lại sai đâm một con trâu mộng sừng thẳng như cánh ná và chân to như cột nhà Cơ-ho làm cho nhà vua hết lo sợ và trở thành thân tín. Đến hôm sau, Cơ-ho còn sai người nhà đem tặng nhà vua những voi ngà, chiêng đồng và ché cổ, trước khi nhà vua từ giã trở về.

Ít lâu sau, nhà vua phần vì già yếu, phần vì ân hận đã hổ thẹn vì những hành vi trước đây của mình nên mắc bệnh nặng mà qua đời. Cơ-ho còn dạy cho buôn làng cách làm ruộng nước và dùng trâu cày ruộng. Nên ai ai cũng giàu có, ấm no, và biết ơn chàng. Người ta lấy tên chàng đặt cho tên buôn bàng, tên đất và cho tên dân tộc mình.

Trần Ninh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét