Người Cơ Ho là một trong các cư dân bản địa
sinh sống lâu đời ở phía Bắc tỉnh Đồng Nai. Theo số liệu thống kê năm 1999 người
Cơ Ho có 720 nhân khẩu, xếp thứ 13 về dân số trong cộng đồng các dân tộc ở Đồng
Nai. Bà con sống tập trung ở huyện Tân Phú (đông nhất là xóm Là Ủ, xã Phú Bình)
và rải rác ở các huyện Long Khánh, Định Quán…
Người Cơ Ho tin rằng mọi mặt của đời sống
đều do các thế lực siêu nhiên quyết định. Tín ngưỡng về siêu nhiên trong quan
niệm của người Cơ Ho có tính chất đa thần...Thần linh (yàng) là thế lực phù hộ
cho con người. Vị thần tối cao là Nđu, và còn có các vị thần như: thần Mặt Trời,
Mặt Trăng, thần Núi, thần Sông, thần Đất, thần Lúa...Họ thường cúng tế trong những
dịp thực hiện hoặc xảy ra những sự kiện quan trọng (hiếu hỷ, những giai đoạn
trong sản xuất, ốm đau bệnh tật...).
Họ ăn tết sau tết Nguyên Ðán của người
Kinh ở miền xuôi độ một tháng, gọi là Nhô Lir Bông, tức tết mừng lúa về nhà. Tết
này kéo dài cả tháng. Hai chữ Lir Bông có nghĩa là cót thóc. Người Cơ Ho rất
quý trọng thóc lúa, vì thóc lúa là những hạt ngọc của Yàng ban phát. Lễ cúng mừng
lúa được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình, bắt đầu từ xế chiều với sự tham
dự của chủ làng và nhiều gia chủ khác. Người ta lấy máu gà hiến sinh bôi lên vựa
thóc, sàn kho, các cửa lớn, cửa sổ. Máu gà còn được trộn chung với vỏ cây đa, củ
nghệ, các con mối đất. Cỏ tranh giã nhỏ để bôi lên ngực, lên trán những thành
viên trong gia đình, sau đó còn bôi lên những đồ gia dụng.
Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người
Cơ Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà nọ để ăn uống, ca hát, nhảy múa chung vui,
cứ thế cho đến cả tháng trời mới mãn.
Bên
cạnh đó còn có lễ hội đâm
trâu được tổ chức hàng năm.
Theo tập quán, các gia đình thay phiên nhau mỗi năm hiến một con trâu để cả bon
tổ chức lễ đâm trâu (Nho-sa-rơ-pu) trong dịp này. Lễ tổ chức ngoài trời trước nhà chủ có vật hiến tế, nhà già làng
hay trên mảnh đất rộng, bằng phẳng, cao ráo trong làng, với cây nêu trang trí sặc
sỡ. Vật đâm trâu là một loại giáo với hai bề lưỡi rất bén dùng đâm vào bên hông
trái xuyên vào tim, già làng hoặc người cao tuổi sẽ là người đứng ra thực hiện
nghi lễ đâm trâu này, xung quanh mọi người nhảy múa theo tiếng cồng chiêng.
Sau đó, thịt trâu được chia cho từng gia đình, còn máu trâu bôi vào trán những
người dự lễ như một sự cầu phúc. Lễ tết kéo dài 7 - 10 ngày, trong các ngày Tết,
dân làng đến chung vui với từng gia đình. Trong từng gia đình, người ta cũng tổ
chức hiến tế gà, bôi máu lên vựa thóc, sàn kho, cửa ra vào, cửa sổ. Sau Tết,
người ta mới được ăn lúa mới và thực hiện các công việc lớn như làm nhà, chuyển
làng...
Đến nay các lễ nghi phong tục cổ truyền của
người Cơ Ho vẫn còn được bảo lưu. Nhưng bên cạnh đó, mấy chục năm lại đây một bộ
phận khá lớn người Cơ Ho đã tin theo những tôn giáo du nhập từ bên ngoài như
Thiên chúa giáo, nhất là Tin lành. Kinh thánh và các tài liệu truyền giáo khác
được dịch ra tiếng Cơ Ho và các mục sư, người truyền đạo đã sử dụng ngôn ngữ đó
trong việc truyền giảng đạo.
Ngọc Bé (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét