Người Khơ mú, còn có tên gọi khác là người
Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy, thuộc ngữ hệ Môn-Khmer. Họ sinh sống ở
các nước như: Lào, Myanma, Tây Nam Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam.
Ở Nghệ An, người Khơ mú hiện có 34.186 người,
chiếm trên 7% tổng số dân là người dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh và sống tập
trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Tây Nghệ
là Tương Dương và Kỳ Sơn.
Tiếp tục đến với mảnh đất Nghệ An, Tạ Thâm
xin giới thiệu với các bạn các loại nhạc cụ được người Khơ mú sử dụng trong cuộc
sống sinh hoạt hàng ngày.Bài viết có tham khảo tư liệu của nhà nghiên cứu âm nhạc
Nguyễn Đình Lâm.
Tót tơm là một trong những loại sáo dọc đặc
trưng của người Khơ mú, được chế tác từ phần ngọn của một thân cây nứa nhỏ, có
chiều dài khoảng 55cm, đường kích phần cuối sáo khoảng 1 đến 1,5cm và thon nhỏ
dần cho tới phần đầu là khoảng 0,6cm. Tại phần nhỏ này, người ta tạo lưỡi gà bằng
cách khía và tách ngay một lát nứa mỏng có chiều dài khoảng 2,5cm và chiều rộng
khoảng 0,3cm. Tót tơm có 4 lỗ bấm cao độ, trong đó 3 lỗ trên mỗi lỗ cách nhau
chừng 3cm, 1 lỗ dưới nằm ngay ở phần lỗ đầu tiên cách nhau khoảng 4cm. Lỗ bấm
dưới này do ngón tay cái điều khiển. Âm thanh của loại sáo này không trong mà
hơi khàn khàn. Ngoài dùng để độc tấu, Tót tơm được sử dụng phổ biến để đệm theo
giai điệu của những bài Tơm. Tót tơm do nam giới sử dụng, không dùng trong tang
lễ và các lễ tục tín ngưỡng khác.
Th’roông (đàn môi) của người Khơ mú được
làm từ một thanh tre hoặc nứa già để khô. Chiều dài của chiếc đàn này khoẳng
14cm, phần rộng nhất của thân đàn khoảng 1,5cm. hình dáng chiếc đàn này cơ bản
giống với những chiếc đàn môi bằng kim loại đồng của nhiều dân tộc thiểu số
khác. Do đó, hình dáng khi chế tác và phương pháp diễn tấu giữa chúng là giống
nhau. Khi biểu diễn, âm thanh của chiếc đàn môi này không vang sâu như những
chiếc làm từ kim loại mà nó hơi khàn khàn, cộng với tiếng lách cách của thanh
tre tạo ra sự độc đáo riêng. Đàn môi cũng là nhạc cụ không dùng cho mục đích
tín ngưỡng. Nhạc cụ này chủ yếu do nam giới sử dụng, dùng độc tấu, đôi khi dùng
đệm cho hát trong những dịp hội vui của buôn làng nhằm mục đích giải trí.
Tót mu (sáo mũi) được làm từ thân cây nứa
già, nhỏ, có chiều dài trung bình khoảng 60cm, đường kính từ 2 đến 2,5cm. Sáo
chỉ có một lỗ duy nhất nằm cách cuối thân sáo khoảng 2cm, lúc thổi cho ra hai
cao độ khác nhau. Khi nghe, ta sẽ được nghe một cuộc “đối đáp” giữa hai loại âm
thanh: một phát ra từ cây sao và một là những lời hát phát ra từ miệng người biểu
diễn. Người ta thổi tót mu theo giai điệu của những bài ru con, hoặc giai điệu
của bài Tơm. Tót mu sử dụng trong sinh hoạt giải trí, không dùng trong các nghi
lễ tín ngưỡng.
Đao đao là nhạc cụ tự thân vang, được làm
bằng một ống nứa có đường kính trung bình từ 3 đến 4cm, chiều dài khoảng 40 đến
50cm. Phần đầu của nhạc cụ, người ta khoét và cắt hai miếng đối xứng nhau dài
khoảng 20cm. Khi diễn tấu, tay phải sẽ cầm phần dưới của nhạc cụ đập phần đầu của
nhạc cụ vào lòng bàn tay, âm thanh vang lên từ đó. Tiết tấu của đao đao tạo nhịp
cho các bước đi kết hợp với động tác của đôi bàn tay, của cơ thể tạo thành một
điệu múa truyền thống mang đặc trưng riêng của đồng bào Khơ mú. Khi diễn tấu,
người ta có thể dùng chiêng và trống đệm theo.
Ngoài những nhạc cụ trên, đồng bào Khơ mú
còn có trống, chiêng và não bạt. Trống của người Khơ mú ở đây chỉ có một loại
trống lớn, chiều cao khoảng 55cm, đường kính khoảng 50cm. Chiêng của họ thường
dùng ba chiếc loại có núm. Ngoài ra còn một chiếc não bạt bằng nhôm. Những nhạc
cụ này được sử dụng trong sinh hoạt giải trí và như những lễ hội truyền thống của
bản làng.
Vi Văn Thành (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét