Lễ đặt tên cho con là một phong tục truyền
thống độc đáo, là một thành tố văn hóa, tôn giáo quan trọng liên quan đến các
nghi lễ vòng đời của dân tộc Cơ Ho ở Lâm Đồng.
Theo thống kê hiện nay, người Cơ Ho có khoảng
hơn 150.000 người tập trung ở các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh của Lâm Đồng.
Người Cơ Ho hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều phong tục truyền thống độc đáo
trong đó có “Lễ đặt tên cho con”.
Theo quan niệm của người Cơ Ho, việc làm lễ
đặt tên cho con là một trong những nghi lễ rất quan trọng và cần thiết vì đứa
trẻ sinh ra cần phải được các Yàng (thần linh) che chở phù hộ trong suốt cuộc đời.
Bởi vậy, cứ sau khi sinh được 7 ngày là mọi người trong gia đình phải làm lễ đặt
tên cho em bé.Và trong 7 ngày ở cữ của người mẹ, người Cơ Ho cho cắm một cành
cây có gai dài khoảng chừng 1m bên ngoài vách nhà nơi gần bếp lửa – chỗ nằm của
hai mẹ con vừa để ngăn ma, quỷ và vừa để báo hiệu trong nhà có người mới sinh
không cho khách và người lạ vào nhà.
Để chuẩn bị cho nghi lễ đặt tên con, trước
đó người cha và mọi người trong gia đình đã phải bỏ thời gian để đan một chiếc
gùi hoa nhỏ xinh, cùng với bộ khung dệt vải hoặc rổ xúc cá nếu bà mẹ sinh con
gái. Cũng có khi là một cái xà gạt (dao có cán đi rừng đặc trưng của người Tây
Nguyên) và một cái ná (cung tên) nhỏ nếu đó là con trai.
Địa điểm tổ chức lễ, tại gian chính của
nhà ngay trước bàn thờ. Lễ vật dâng cúng thần linh khá đơn giản không quá cầu kỳ,
bao gồm: một chóe rượu cần, một con gà sống, một nhánh chuối, một quả trứng gà,
một chén cơm và một chén đựng bộ lòng gà, một chén tiết gà (sau khi hiến sinh).
Bên cạnh đó, được bày thêm chiếc gùi, bộ
khung dệt hoặc chiếc xà gạt, chiếc ná nhỏ đã được chuẩn bị từ trước (đây là những
vật tượng trưng) để cầu mong thần linh ban cho con gái thì xinh đẹp, chăm chỉ,
khéo tay; con trai thì được “dài chân, dài tay như con vượn, khỏe mạnh như con
gấu, con hùm” để chinh phục núi rừng săn bắt thú, giỏi việc nương rẫy.
Người được mời tham gia buổi lễ gồm có ông
cậu, già làng và bà mụ (bà đỡ), mẹ con mới sinh và bà con bên nội bên ngoại của
em bé để làm chứng. Thường bố vợ là người đứng ra làm lễ cúng Yàng. Ông mặc áo,
khố truyền thống, đầu đội khăn choàng, tay cầm một chiếc roi làm bằng mây rừng
và lục lạc. Ngồi cạnh ông là người mẹ bế con và bà đỡ.
Trong lễ cúng, trước khi hiến sinh, người
chủ cúng hai tay ôm con gà đưa lên ngang tầm mắt hướng thẳng lên bàn thờ và bắt
đầu cầu khấn thần linh phù hộ cho đứa trẻ. Tất cả những người trong gia đình và
họ hàng nội ngoại có mặt đều chắp tay và cầu nguyện cho đứa trẻ.
Ngay
sau khi khấn xong, con gà được cắt tiết cho vào chén, còn lưỡi gà được moi ra, người cúng vừa khấn đọc tên đứa
trẻ vừa cầm lưỡi gà nhúng vào rượu cần chọi lên bàn thờ từ 1 đến 3 lần cho đến
khi lưỡi gà dính vào bàn thờ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tên của đứa trẻ
cũng đã được thần linh chấp nhận. Sau đó, người ta lấy máu gà trong chén chấm
lên trán đứa trẻ xin thần linh ban cho nó luôn mạnh khỏe và tới đây nghi lễ
cũng được kết thúc.
Người Cơ Ho theo chế độ mẫu hệ nên con cái
thường được đặt theo họ mẹ. Họ thường chọn tên của những người giỏi giang có tiếng
tăm trong dòng họ, buôn làng để đặt tên cho con cháu. Họ cũng kiêng không lấy
tên các thần linh để đặt cho con vì họ tin rằng những tên này sẽ mang đến tai họa,
điềm dữ cho đứa trẻ trong suốt cuộc đời.
Lễ đặt tên cho con là một phong tục truyền
thống độc đáo của người Cơ Ho nói riêng và một số tộc người sống ở vùng Tây
Nguyên nói chung. Đây cũng là một trong những giá trị văn hóa truyền thống cần
được bảo tồn và phát huy.
Hoàng Thúy Vinh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét