Nói đến vùng văn hoá Tây Nguyên là nói đến không gian văn
hoá cồng chiêng được diễn tấu trong mọi lúc, mọi nơi, ngân vang hoà quyện với
núi rừng tạo thành bản nhạc bất hủ và đã trở thành bản sắc riêng.
Với tộc người Giẻ - Triêng ở Kon Tum thì nhu cầu về âm nhạc,
múa hát không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ.
Sắc thái âm nhạc độc đáo
Nghe âm nhạc Tây Nguyên, dù là người không am hiểu chuyên
môn, cũng đều nhận ra ngay sắc thái riêng và độc đáo của nó. Âm nhạc Tây Nguyên
đã hình thành ngôn ngữ âm nhạc độc đáo, giàu bản sắc dựa trên một hệ thống thẩm
mỹ cao và một tư duy âm nhạc khá phát triển. Về nhạc cụ, nó bao gồm tập đoàn
khá đa dạng, tận dụng mọi khả năng sẵn có của tự nhiên tạo ra nhạc cụ có tính năng
và hiệu quả cao, âm sắc đẹp, cường độ âm thanh với nhiều mức độ, cho ta một ý
niệm về con đường hình thành từ thời cổ với óc sáng tạo lớn của con người.
Âm nhạc Tây Nguyên giàu âm thanh tự nhiên, phát hiện và sử
dụng thành công chuỗi bồi âm tự nhiên, khiến cho âm nhạc toát lên một vẻ hồn
nhiên, mộc mạc. Âm nhạc ở đây cũng tạo ra sự kết hợp hài hoà giữa cá nhân và mỗi
người có thể thể hiện tài năng sáng tạo của mình, dàn nhạc giữa cá nhân và mỗi
người có thể thể hiện tài năng sáng tạo của mình, thì dàn nhạc cồng chiêng là một
hình thức hòa âm tập thể đạt trình độ cao, trong đó mỗi con người diễn xướng
theo một mắt xích trong toàn bộ guồng quay âm nhạc.
Có một điều rất lạ và khá độc đáo của âm nhạc cồng chiêng
Tây Nguyên nói chung, nhóm người Giẻ -Triêng nói riêng là: Nhạc khí cồng chiêng
của các tộc người bản địa là họ không đúc và chế tác được mà mua từ các vùng
khác tới và gắn liền với địa danh như Chiêng Lào là mua ở Lào. Chiêng Doanh là
mua của người Kinh ở dưới đồng bằng và có khi họ còn đặt tên cho riêng của tộc
người mình. Có một điều rất thú vị, mặc dù không phải là nơi làm ra cồng chiêng
nhưng để phát huy giá trị sử dụng, phát sáng nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng
không chính ai khác ngoài tộc người bản địa Tây Nguyên và thậm chí trong họ còn
có một khả năng đặc biệt mà “trong cộng đồng các tộc người ở đây có những người
(Pô chinh) có khả năng chỉnh lại âm thanh của cồng chiêng sao cho phù hợp với sở
thích âm nhạc truyền thống của dân tộc mình”.
Nếu như cồng chiêng là loại âm nhạc mang tính tập thể, phục
vụ trong các lễ nghi cũng như hội hè vui chơi giải trí thì các loại nhạc cụ như
sáo, khèn, đinh tút, đàn môi... là để giải bày tâm sự, khi ngồi buồn giữa chòi
rẫy hoang vu, khi muốn giao duyên kết đôi với ai đó, nó mang tính cá nhân nhiều
hơn và nó thể hiện sự đa dạng về nhạc cụ, phong phú về thể loại của cư dân núi
rừng Tây Nguyên nói chung và nhóm người Giẻ - Triêng nói riêng. Âm vang cồng
chiêng đó làm nền nhạc cho các điệu múa mà chủ yếu là xoang.
Tính cộng đồng trong điệu xoang
Xoang là múa tập thể được múa trong các lễ hội của cộng đồng
như lễ hội ăn trâu, mừng nhà Rông, mừng lúa mới, mừng sức khoẻ... số lượng và
quy mô người tham gia phụ thuộc vào tính chất của nghi lễ và đặc biệt ở Tây
Nguyên, bất cứ tộc người nào khi xoang cũng đi ngược chiều kim đồng hồ, “đó là
chuyển động từ Đông sang Tây, từ dương sang âm, chuyển động mang theo yếu tố
dương cầu mong sự phát triển”.
Nghệ thuật xoang của người Giẻ-Triêng cũng như các tộc người
khác ở Tây Nguyên, nó thể hiện tính cộng đồng cao, tính đoàn kết không phân biệt
nam nữ, lớn nhỏ, già trẻ, nếu họ thích thì cứ việc xoang, nói một cách khác là
chất nghệ sĩ ở trong họ đã có sẵn, cứ có dịp là thể hiện ngay. Múa (xoang) của
các tộc người nơi đây mang chất liệu khoẻ khoắn, hồn nhiên, mộc mạc, kết hợp cả
động tác tay và chân chứ không chỉ động tác tay mềm mại như ở vùng miền khác.
Phải nói rằng, cũng như các tộc người khác ở Kon Tum, riêng ở tộc người Giẻ -
Triêng động tác múa thật khoẻ khoắn lộ hẳn trên những bắp tay, bả vai và di
chuyển nhịp nhàng khéo léo của thân hình, bởi vì ở người phụ nữ Giẻ - Triêng họ
chỉ mặc váy kéo sát nách. Chính điều đó mà chúng ta có thể quan sát từng động
tác của họ thật điêu luyện và đẹp mắt. Xoang của người Giẻ - Triêng chỉ diễn ra
khi có hội lễ nên chỉ có múa tập thể chứ không có múa cá nhân, đơn lẻ, mặc dù số
lượng múa đông nhưng từng động tác tay, chân, di chuyển đều đồng bộ theo nhịp
dàn cồng chiêng và trống (gar).
Nhìn chung, nghệ thuật dân gian của tộc người Giẻ - Triêng
đều phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan và xuất phát từ những sinh hoạt của
cuộc sống đời thường hàng ngày đã hun đúc, phát triển lên và kết tinh thành một
nghệ thuật dân gian mang đậm nét hương rừng Tây Nguyên và được người dân nơi
đây vẫn bảo tồn, phát huy, truyền dạy lại cho thế hệ con cháu trong
cộng đồng.
Vi Đức Hoàng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét