Lễ hội Xen Pang Ả của dân tộc Kháng (Triẹu Minh Bắc)

Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở miền Tây Bắc Việt Nam. Kinh tế chính của đồng bào là nương rẫy, trồng lúa kết hợp với ngô khoai. Đến nay, dân tộc này vẫn còn duy trì được một số nghi lễ truyền thống, như lễ Xíp Xí (rằm tháng 7), lễ mừng cơm mới... Tuy nhiên, tiêu biểu nhất vẫn là Lễ hội Xen Pang Ả, do Pa Ả (thầy cúng) tổ chức.
Trong các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa Ả chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa Ả là người thông minh, thuộc nhiều bài cúng và biết cách chữa bệnh thông thường, biết một số ảo thuật và biết nhiều điều mà người khác không biết. Có thể gọi họ là những trí thức dân gian, họ rất có uy tín, được dân bản tin và làm theo.
Lễ hội Xen Pang Ả được tổ chức với quy mô một vùng rộng lớn, gồm nhiều bản, và cứ 2 hay 3 năm được tổ chức một lần vào khoảng từ tháng 10 tới tháng 12. Lễ hội được tổ chức với mục đích mời các “ma nhà”, “ma bản”, “ma trời” hưởng lễ vật và những người được Pa Ả chữa cho khỏi bệnh (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn, đồng thời để Pa Ả cầu chúc cho hồn vía các con nuôi lành mạnh, không hay ốm đau, làm ăn phát tài. Lễ hội Xen Pang Ả ngoài phần lễ cúng cầu xin, còn là nơi nhân dân diễn lại các công việc nương rẫy, thu hái lâm sản trong đời sống thường nhật, thông qua các trò diễn; chơi các trò chơi dân gian; hát đối đáp giao duyên; múa ống, múa khăn. Xen Pang Ả là ngày hội lớn, vô cùng có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Kháng. Đây là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã giúp đỡ cho họ có sức khỏe, bản mường yên bình, no ấm. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Kháng vui chơi thư giãn, sau những tháng ngày lao động vất vả. Đặc biệt, lễ hội Xen Pang Ả còn là dịp để lớp thanh niên chưa vợ, chưa chồng tìm hiểu, hẹn hò nên duyên chồng vợ, bởi vậy lễ hội Xen Pang Ả còn có ý nghĩa trong việc tái tạo cộng đồng dân tộc. 

Triệu Minh Bắc (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét