Khơ Mú là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời nhất ở
vùng Tây Bắc Việt Nam và là dân tộc không có chữ viết. Do đó tất cả
những điệu múa, câu hát và những phong tục văn hóa truyền lại cho con cháu đều
từ hình thức truyền miệng. Ở Yên Bái, người Khơ Mú sống chủ yếu tại hai huyện
Văn Chấn và Trạm Tấu. Cộng đồng người Khơ Mú tại Yên Bái tuy ít, rải rác và chịu
nhiều ảnh hưởng của người Thái song đời sống văn hoá của họ là cả một kho tàng
lớn cần được lưu giữ và phát triển. Trong đó phải kể phải kể đến những điệu hát
Tơm.
Người Khơ Mú, bao đời nay sống bằng canh tác nương rẫy hay
còn gọi là “Xá ăn theo lửa”. Tức phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nhưng đời
sống tinh thần của họ lại vô cùng phong phú. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở loại
hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng là dân ca, dân vũ. Nó được các nhà văn hóa
đánh giá là một thành tố không thể thiếu trong kho tàng dân ca, dân vũ Việt Nam.
Bởi nó phản ánh một cách sâu sắc nhất cuộc sống lao động sản xuất nông nghiệp của
người Khơ Mú, đồng thời qua đó thể hiện sức mạnh gắn kết cộng đồng trong quá
trình chinh phục và làm chủ thiên nhiên của người Khơ Mú.
Nhắc đến dân ca của người Khơ Mú là nhắc đến những điệu hát
Tơm. Mỗi làn điệu đều mang một hơi thở, một tâm hồn và phản ánh chân thực nhất
đời sống tinh thần của họ. Tơm xuất hiện từ khi nào, không ai biết. Chỉ biết rằng
từ bao đời nay người Khơ Mú vẫn truyền tai cho nhau những câu hát đó. Với hát
Tơm, nó được ví như những làn điệu dân ca của người Kinh, mang đậm chất sử thi,
trữ tình, lúc du dương, êm ái, tình tứ; lúc thì lại rộn ràng, nhộn nhịp. Tơm
có thể hát một người hoặc hát đối, hát tập thể. Lời hát Tơm mộc mạc, đơn giản,
gần gũi với đời sống con người. Vạn vật thiên nhiên là chủ thể trong những lời
hát Tơm nhưng sâu lắng trong đó là sự ý nhị, lòng cao thượng, đầy bao dung của
con người.
Người Khơ Mú có phong tục truyền thống, trong bất cứ ngày
vui nào của làng, bản không thể thiếu những câu hát Tơm. Khi mừng đám cưới có
Tơm Đường Kmun; khi làm nhà có Tơm Ơ Grang Mỵ; trai, gái đi nương, đi rừng hay
dự ngày vui bản làng có Tơm Cản Chơ. Ngày xuân, ngày tết là lúc dân bản thể
hiện điệu “Tơm Muôn” (Tơm mùa xuân)… Những làn điệu hát Tơm hoàn toàn là những
bài được người Khơ Mú xưa sáng tác và lưu truyền suốt bao đời nay với một hình
thức duy nhất bằng truyền miệng.Đặc biệt, khi hát Tơm nhất thiết phải có “đao”
hay “tính tờ rang” - những nhạc cụ được làm từ tre nứa không thể thiếu trong những
lần hát Tơm: Đao là nhạc cụ truyền thống của người Khơ mú. Người Khơ Mú vừa
đánh đao vừa hát hoặc hát một đoạn xong sẽ gõ đao, khi có nốt rồi người hát sẽ
dập vào đùi để có âm thanh theo ý muốn. Có thể một đoạn xong rồi sẽ múa. Có đến
9 loại nhạc cụ có thể đệm cho hát tơm, nhưng hay nhất là đàn tính tờ rang. Khi
hát Tơm tập thể, người Khơ Mú thường kết hợp với múa. Các động tác đánh tay, lắc
hông thể hiện sự hồn nhiên và yêu thích hát ca của người Khơ Mú.
Ngoài hát Tơm, người Khơ Mú có hát Cưn Trơ, chuyên dùng
trong những lúc đi nương, đi rẫy và hát Kơ Le, được ví như hát đồng dao của người
Kinh. Người Khơ Mú rất thích xòe, múa và thổi các loại sáo, các nhạc cụ bằng
tre, nứa tự tạo. Họ đặc biệt yêu thích thổi kèn môi và dân vũ (hay gọi là múa).
Bởi vậy nếu dân ca là những câu hát trữ tình sâu lắng, ý nhị thì dân vũ là những
động tác mô phỏng lao động, sinh hoạt. Với người Khơ Mú, dân vũ được coi là một
công cụ giáo dục đạo đức, lối sống cho các thế hệ con cháu. Bởi khi múa người
Khơ Mú thấy được sự tự tin, yêu đời và qua đó, chúng ta thấy được cách thức họ
đối diện với cuộc sống.
Những điệu hát Tơm của người Khơ Mú được truyền lại cho con
cháu sau này bằng hình thức truyền khẩu miệng từ đời này sang đời khác. Song hiện
nay, ở các bản làng của người Khơ Mú, thường chỉ còn những người có tuổi là biết
hát. Tơm dần vắng bóng trong các ngày vui của bản, của làng nên thế hệ trẻ
không còn có nhiều cơ hội được tiếp xúc với những điệu Tơm truyền thống.
Lý A Sùng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét