Cũng như bao dân tộc anh em khác trên mảnh đất Điện Biên, dân tộc
Khơ Mú có một kho tàng văn hóa dân gian đặc trưng và giàu đẹp.
Để gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc mình, người Khơ Mú nhiều năm
qua đã quan tâm đến việc duy trì các lễ hội truyền thống của tổ tiên. Đặc biệt,
tại bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, đồng bào người Khơ Mú đã duy trì,
bảo tồn được 5 lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng cao.
Bản Tọ Cuông hiện có 95 hộ gia đình với 100% đồng bào dân tộc Khơ
Mú. Năm 1982, từ mảnh đất sâu phía trong, bản chuyển ra nơi đây dựng nhà, phát
triển kinh tế. Cũng từ năm đó, nhiều người dân Tọ Cuông bắt đầu đi làm ăn xa
quê hoặc làm thuê cho Nông trường quốc doanh Mường Ảng. Cuộc sống mưu sinh đã
cuốn người dân nơi đây vào công việc, vào những ngày dài trên nương, dưới ruộng.
Bởi vậy, một số phong tục văn hóa, lễ hội truyền thống đã không được duy trì
như lễ Cúng bản, lễ hội Cầu mưa.
Thời điểm trước năm 2013, các lễ hội vẫn thường xuyên được tổ chức
trong bản là lễ Cầu mùa, Tra hạt và Mừng cơm mới. Đây đều là những nghi lễ gắn
với đời sống kinh tế và văn hóa nông nghiệp của người dân nơi đây. Năm 2013, lễ
Cúng bản được cả bản đồng thuận tổ chức lại sau nhiều năm gián đoạn theo nguyện
vọng chung của tất cả người dân. Tháng 4 năm 2014, lễ hội Cầu mưa lần đầu tiên
được phục dựng dưới sự hỗ trợ của Bảo tàng tỉnh cùng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt
Nam và Trung tâm lưu giữ di sản Việt Nam.
Tất cả những lễ hội truyền thống này được lưu giữ, bảo tồn không
chỉ nhờ vào sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan, ban ngành mà quan trọng
hơn cả là sự chung tay tham gia và tình yêu dân tộc của tất cả các thế hệ người
dân Tọ Cuông hiện tại. Điều đó được thể hiện qua việc các già làng vẫn
ghi nhớ, khắc sâu trong tâm trí những nghi lễ cúng của mỗi lễ hội mặc dù đã
không được tổ chức nhiều năm và luôn tổ chức một cách nghiêm túc, đúng trình tự.
Ông Quàng Văn Cá – một trong những người hiếm hoi hiểu, biết các nghi lễ của
dân tộc – cho biết: Mỗi lễ hội có đặc trưng, các thủ tục tiến hành cũng không
giống nhau. Hiện tại, chúng tôi chỉ giảm bớt những phần đã cổ hủ, lạc hậu còn
giữ gần như nguyên vẹn các nghi lễ như đúng tổ tiên truyền dạy. Đặc biệt, việc
sai lời cúng, sai bước làm là điều tối kỵ. Sai là hỏng cả buổi lễ. Vì vậy trước
khi tổ chức, chúng tôi phải ôn lại rất kỹ những nghi lễ tiến hành.
Trao đổi với một già làng, được biết, trong 5 lễ hội trên, lễ Mừng
cơm mới và lễ Tra hạt được tổ chức với quy mô hộ gia đình. Lễ Tra hạt được chủ
hộ tiến hành tại nương nhà mình và có sự góp mặt, giúp đỡ của nhiều gia đình
khác. Lễ Cúng bản, Cầu mưa, Cầu mùa được tổ chức chung cả bản. Mỗi lễ hội này đều
được sự chung tay góp sức của cả bản, từ thanh niên đến người già, cả nam và nữ.
“Để tổ chức những lễ hội này, mỗi gia đình không chỉ góp công mà còn tự nguyện
đóng góp vật chất theo khả năng. Mỗi nhà một thứ: con gà, chai rượu hay vài cân
gạo… Chúng tôi chủ trương bảo tồn các lễ hội truyền thống của dân tộc một cách
đúng, đủ, nghiêm túc mà tiết kiệm, không lãng phí. Ngoài ra, để chuẩn bị cho mỗi
lễ hội, chúng tôi đều tổ chức họp bản để thống nhất các nội dung và phân chia
công việc cho ban đầu ngành của bản, cho hội phụ nữ, đoàn thanh niên và một số
cá nhân khác.” – trưởng bản Quàng Văn Toàn chia sẻ.
Trừ lễ Tra hạt và Mừng cơm mới được tổ chức với quy mô gia đình,
những lễ hội còn lại sau các nghi thức cúng tế truyền thống đều có phần hội. Nội
dung này diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với các trò chơi, điệu múa, câu hát đậm
đà bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú như: múa Tăng Bu, múa Sạp, đẩy gậy, kéo co,
ném còn… Trong những lễ hội này, màu sắc trang phục truyền thống của dân tộc được
tôn lên rực rỡ. Nhiều năm trước, do sống gần các dân tộc khác và có phần bị đồng
hóa về văn hóa, người Khơ Mú Tọ Cuông không duy trì được việc mặc trang phục đặc
trưng của dân tộc và một số người dân trong bản không có trang phục truyền thống.
Một vài năm gần đây, tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng nhiều người, đặc biệt là
các thành viên của đội văn nghệ của bản đã tự bỏ tiền may, đính những bộ trang
phục dân tộc để diện hoặc biểu diễn trong những dịp đặc biệt như vậy. Chị Lò Thị
Dân cho biết: “Chi phí cho mỗi bộ trang phục nữ giới khoảng 400.000đ tiền vải
và các đồ trang trí. Chúng tôi còn phải bỏ công thêu, đính làm đẹp cho bộ váy
áo. Dành dụm tiền làm được bộ trang phục mới này để mặc mỗi lễ hội hay những dịp
đặc biệt của bản, tôi cảm thấy rất vui và tự hào”.
Qua những lễ hội này, các điệu múa, câu ca truyền thống của người
Khơ Mú cũng được lưu giữ, thấm vào máu mỗi người con Tọ Cuông. Nhờ vậy, thế hệ
trẻ trong bản đều thuộc lòng và có thể tham gia biểu diễn những nét đẹp văn hóa
này.
Các lễ hội truyền thống không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, gắn với
cuộc sống lao động nông nghiệp của người dân Tọ Cuông, cầu sức khỏe, mùa màng bội
thu, cuộc sống no đủ, cầu mong sự che chở của thần linh cho cả bản mà mỗi lễ hội
đều là ngày hội của cả cộng đồng dân tộc, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu
nhau hơn, cùng chung sức xây dựng bản làng và bảo tồn giá trị truyền thống tốt
đẹp của dân tộc.
La Thục
(sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét