Tên tự gọi:Hrê, trước kia thường gắn với tên
sông sở tại như: "người Krê" - sông Krế ở Sơn Hà; "người
Hrê" - sông Hrê ở Ba Tơ; "người nước Ðinh" - sông Ðinh ở An
Lão)...
Tên gọi khác: Chăm Rê, Chom, Thượng Ba Tơ, Mọi
Luỹ, Mọi Sơn Phòng, Mọi Ðá Vách, Chăm Quảng Ngãi, Mọi Chòm, Rê, Màn Thạch Bích.
Dân số: 27.420 người (theo kết quả điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục thống kê)
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ
Môn - Khơ Me (Ngữ hệ Nam Á). Từ thời kỳ trước năm 1975, chữ viết ra đời bằng
cách dùng hệ thống kí tự La-tinh để phiên âm, được sử dụng rộng rãi, nhưng nay
đã bị mai một.
Lịch sử: Người Hrê thuộc số cư dân sinh tụ
rất lâu đời ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.
Hoạt động sản xuất: Phần lớn người Hrê làm ruộng nước
là chính, chỉ có một bộ phận sống chủ yếu nhờ rẫy. Lối canh tác rẫy phát - đốt
- chọc trỉa, với bộ nông cụ đơn giản gồm rìu, dao quắm, gậy chọc lỗ, cái nạo cỏ,
khi thu hoạch thì dùng tay tuốt lúa. Cách thức làm ruộng tương tự như ở người
Việt vùng nam Trung bộ (dùng cày, bừa có đôi trâu kéo, biết gieo mạ và cấy,
dùng liềm và vằng để gặt...) nhưng còn thấy dấu vết của tập quán trồng lúa rẫy.
Từng gia đình thường nuôi trâu, lợn,
chó, gà. Nghề thủ công chỉ có đan lát và dệt vải nhưng nay cũng không phát triển,
nhất là nghề dệt chỉ còn ở vài nơi. Việc giao lưu hàng hoá thường theo hình thức
trao đổi vật trực tiếp. Hái lượm, săn bắt và đánh cá cung cấp nguồn thức ăn
quan trọng cho mỗi gia đình.
Người Hrê dệt vải theo cách thức cổ truyền
Inđonêdiêng: Bộ dụng cụ gồm những que, thanh, ống rời nhau đều làm bằng gỗ,
tre. Chỉ khi giăng thảm sợi để dệt, chúng mới liên kết với nhau thành một hệ thống.
Hoa văn được dệt cùng với vải.
Ăn: Người Hrê thường ngày ăn cơm tẻ, ngày lễ tết
có thêm cơm nếp.Thức ăn chủ yếu là những thứ kiếm được và muối ớt, khi có cúng
bái thì thịt con vật hiến sinh được dùng làm đồ nhắm và cải thiện bữa ăn.Thức
ăn đựng trong các vật làm bằng mo cau. ¡n bốc. Thức uống có nước lã, nước chè
xanh, rượu cần (nay rượu cất khá thông dụng). Tập quán hút thuốc lá và ăn trầu
cau phổ biến.
Ở: Người Hrê sống chủ yếu ở miền tây tỉnh
Quảng Ngãi (các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long) và tỉnh Bình Ðịnh (huyện An
Lão), một số ít ở tỉnh Kon Tum (huyện Kon Plông). Nhà sàn có cửa ra vào ở mỗi đầu
và một mặt bên, có 2 hàng cột tạo thành 2 vì cột, trên đỉnh đốc có hình cặp sừng
thú, vách nghiêng phía trên ra ngoài. Mặt sàn thường hơi cao một chút về bên
không đặt bếp đun, nhằm tạo thế nằm thoải mái: chân thấp hơn đầu. Nhà ở trong
làng đều dựng ngang triền đất dốc, tránh để đòn nóc chĩa hướng chắn ngang dòng
chảy của sông suối.
Ngày nay, hầu hết người Hrê mặc
theo kiểu người Việt: tuy nhiều phụ nữ còn dùng váy nhưng không phải loại vải sợi
bông tự làm ra với những dải hoa văn ở hai đầu ống váy và khi mặc không tạo
thành hai tầng như xưa.
Mặc: Theo nếp cũ, đàn ông đóng khố,
chít khăn, khi dự lễ hội hoặc đi xa thì mặc áo; đàn bà có váy ống mặc kiểu hai
tầng. Có áo, khăn trùm đầu. Những vòng đeo trang sức làm bằng đồng bạc, nhôm và
chuỗi cườm; riêng nam giới không trang sức ở tai.
Nhà ở của người Hrê thường dựng sóng nhau
trên triền đất chân gò, núi cạnh cánh đồng. Trong làng, quanh nhà trường trồng
cau, chuối mít, xoài... Mỗi làng ở thành một khu vực mật tập, hoặc gồm vài chòm
xóm gần nhau.
Phương tiện vận chuyển: Người Hrê quen dùng gùi sau lưng,
mỗi quai gùi quàng giữ vào một vai: chở thóc gạo thì dùng gùi đan dày, chở củi,
sắn thì có gùi mắt thưa, đàn ông đi rừng hay đi trận có riêng loại gùi như chiếc
túi hoặc gùi ba ngăn. Ngoài ra, người Hrê còn gánh lúa khi gặt và đội đồ vật
trên đầu.
Quan hệ xã hội: Già làng có uy tín và ảnh hưởng
lớn. Trước kia sự phân hoá xã hội đã khá sâu sắc, chế độ tôi tớ - đặc biệt là
đi ở vì nợ - có phần khắc nghiệt hơn nhiều tộc Thượng khác, hiện tượng tranh
chiếm và tập trung ruộng đất (theo đó là sự xác lập quyền thế của một số cá
nhân) đã tương đối phát triển. Tuy vậy, quan hệ trong làng vẫn thể hiện tinh thần
cộng đồng công xã.
Cưới xin: Cư trú phía chồng hay phía vợ là
tuỳ thoả thuận giữa hai gia đình, phần đông sẽ dựng nhà ở riêng sau khi có con
đầu lòng. Ðám cưới có nghi thức dâu và rể kết gắn với nhau thông qua việc trao
bát rượu, miếng trầu cho nhau hay quàng chung một vòng dây sợi... Vợ goá có thể
lấy tiếp em chồng, chồng có thể lấy cả em vợ. Con cô - con cậu, con gì - con
già, con có chung mẹ hoặc cha đều không được lấy nhau.
Sinh đẻ: Việc sinh đẻ diễn ra bên cạnh
bếp lửa trong nhà, có là đỡ hộ sinh, cắt rốn bằng dao, cái rau được gói trong
mo cau rồi đem bỏ trong rừng hoặc chôn cạnh nhà. Sản phụ nghỉ ngơi vài chục
ngày, kiêng ăn cá niêng, trứng, chuối, thịt gà trắng... Ðứa bé đầy tháng mới
làm lễ đặt tên.
Ma chay: Quan tài độc mộc có dáng hao hao chiếc thuyền.
Người chết được quàn tại nhà từ 1 đến 3 ngày rồi chôn trong bãi mộ của làng. Mộ
đắp thành gò dài trên dựng nhà mồ có nóc mái làm như nhà ở. Tang gia "chia
của" tựa hồ cho người chết đi ở riêng: từ đồ ăn thức uống cho đến vật dụng
trong nhà, từ trang phục, công cụ lao động... đều có ở mộ.
Mỗi mùa canh tác rẫy có nhiều lễ thức tôn
giáo. Cũng như các tộc Thượng khác, người Hrê luôn hi vọng nhờ đó mùa màng sẽ tốt
tươi, lúa nhiều, no ấm. Trong các lễ thức, bao giờ cũng có hiến tế đồ ăn thức uống
cho thần linh, đặc biệt là tiết, gan và thịt con vật dùng để tế.
Thờ cúng:Người Hrê có nhiều kiêng cữ và lễ
thức tôn giáo, xuất phát từ quan niệm mọi vật đều có hồn hay ma và con người bị
các lực lượng siêu nhiên chi phối. Khi ốm đau, rủi ro, khi làm nhà, mang thai,
đẻ khó, có người chết, khi gieo cấy và gặt hái, khi gieo trỉa và tuốt lúa, khi
đưa thóc lên kho và lần đầu lấy thóc về ăn... đều cúng bái. Cộng đồng làng chỉ
tổ chức cúng cầu an, tránh dịch bệnh, còn lại đều là các lễ cúng của gia đình.
Lễ tết: Lễ hội có đâm trâu là lớn nhất,
dù đó là lễ của làng hay một nhà cũng đông vui. Hàng năm, người Hrê ăn tết vào
khoảng tháng 10, sau khi thu hoạch lúa, nay nhiều làng theo tết Nguyên đán.
Ngày tết có cúng cho trâu và lợn, cầu sinh sôi, cúng mời tổ tiên và cúng sức
khoẻ cho mọi người trong nhà; có bánh gói bằng gạo nếp, rượu, thịt... Dịp tết
làng làm lễ cúng tập thể cầu mong mưa thuận, đủ nước.
Lịch: Cách tính tương tự âm lịch của
người Việt. Trong tháng, phân biệt ngày tốt, ngày xấu và chọn ra những ngày nên
làm việc này, không nên làm việc kia.
Văn nghệ: Nhạc cụ thường dùng là bộ chiêng
ba chiếc, bộ cồng ba chiếc, trống, các loại đàn ống tre hoặc có vỏ bầu làm hợp
âm, sáo, nhị, đàn môi, nữ giới chơi bộ ống vỗ hai chiếc. Dân ca phổ biến nhất
là điệu Katê và Ka choi. Truyện cổ (Hmon) được lưu truyền như một vốn quý trong
văn hoá dân tộc, gồm những đề tài khác nhau. Các mô típ hoa văn hình học dệt
trên vải và thể hiện trên đồ đan cũng mang tính truyền thống lâu đời.
Lý Hải Ninh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét