Dân tộc Chơ Ro (Minh Hằng)

Nhà ở của người Chơ ro

Dân tộc Chơ ro có khoảng 27.000 người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Người Chơ ro còn có tên gọi khác là Đơ-ro, Châu ro. Tiếng nói của người Chơ ro thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á.

Người Chơ ro sinh sống chủ yếu nhờ làm nương rẫy và ruộng nước. Rẫy của người Chơ ro là rẫy đa canh, mỗi năm gieo trồng một vụ với nhiều loại cây trồng khác nhau.


Trang phục của thiếu nữ Chơ ro

Nơi cư trú của người Chơ ro là làng. Trước đây, người Chơ ro sống trong các ngôi nhà sàn, nay phổ biến ở nhà trệt. Đồ đạc trong nhà của người Chơ ro đơn giản, chỉ có chiêng và ché được coi là tài sản quý. Gần đây nhiều gia đình có thêm tài sản mới, hiện đại.


Một buổi sinh hoạt  văn hóa của đồng bào Chơ ro

Phụ nữ Chơ ro mặc váy quấn kiểu chui đầu, đàn ông đóng khố, trời lạnh có thêm tấm vải choàng. Phụ nữ thường đeo đồ trang sức là các chuỗi hạt cườm ngũ sắc, vòng đồng, vòng bạc hoặc hoa tai.
Trong hôn nhân, tuy nhà trai hỏi vợ cho con nhưng lễ cưới tổ chức tại nhà gái, chàng trai phải ở rể vài năm rồi vợ chồng làm nhà ở riêng.

Người Chơ Ro ở Đồng Nai

Người Chơ ro tin mọi vật đều có “hồn” và các “thần linh” chi phối khiến con người đều phải kiêng kỵ và cúng tế. Lễ cúng “thần rừng” và “thần lúa” có ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào Chơ ro. Ngày cúng “thần lúa” là dịp lễ trọng hàng năm. Lễ cúng “thần rừng” được tổ chức như hội làng, cứ 3 năm lại được tổ chức một lần.
Trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Chơ ro chỉ còn một vài điệu hát đối đáp trong những dịp lễ hội. Nhạc cụ truyền thống là bộ chiêng đồng 7 chiếc (4 chiếc nhỏ và 3 chiếc lớn)…

Minh Hằng (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét