Văn hóa ẩm thực của người M' Nông (Minh Trang)

Văn hóa ẩm thực của người M’nông – Bù Gia Mập – Bình Phước
Thứ năm - 17/04/2014 16:20óa của một tộc người nói chung và văn hóa M’nông nói riêng không phải là cái gì đó quá bao la, rộng lớn hay khó nắm bắt. Đó là những nét riêng, độc đáo biểu hiện sinh động trong nội dung và hình thức của một số giá trị văn hóa tiêu biểu; Văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, văn hóa nhà ở - kiến trúc, ngôn ngữ, lịch pháp, tín ngưỡng – tôn giáo, phong tục tập quán, đạo đức, văn học – nghệ thuật, y học dân gian,...

Người M’nông hay còn gọi là người Bu dâng, Preh, Ger, Nong, Prâng, Rlăm, Kuyênh, Chil Bu Nor, nhóm M'Nông - Bu dâng, là sắc tộc sử dụng ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Xã Bù Gia Mập thuộc vùng đất thấp của Nam Tây Nguyên, là cửa ngõ nối thông với Tây Nguyên và Bình Phước, có trên 70% là người dân tộc. Dân tộc bản địa ở đây là người M’nông và người S’tiêng, người M’nông ở Bù Gia Mập sống cộng cư thành các làng nhỏ có tên gọi đứng đầu là Bu hoặc Bon. Trong đó người M’nông cư trú trên 5 thôn của xã (Bù Dốt, Bù Rên, Bù La, Bù Nga, Bù Đăk Á). Cho đến nay chưa có một tài liệu nghiên cứu khoa học nào có thể khẳng định người M’nông có thời gian cư trú trên vùng đất Bù Gia Mập từ lúc nào. Nghiên cứu qua những kinh nghiệm sống, phong tục tập quán, ứng xử với tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống, thì có thể thấy rằng người M’nông ở Bù Gia Mập có lịch sử cư trú trên vùng đất Bù Gia Mập từ lâu đời. Nhiều địa danh như núi Bà Rá, sông Đắk Huýt… đã đi vào truyền thuyết, truyện cổ tích… điều đó cũng cho chúng ta thấy rằng cư dân M’nông đã có lịch sử hình thành và phát triển ở vùng đất Nam Tây Nguyên hàng ngàn năm.

Văn hóa của một tộc người nói chung và văn hóa M’nông nói riêng không phải là cái gì đó quá bao la, rộng lớn hay khó nắm bắt. Đó là những nét riêng, độc đáo biểu hiện sinh động trong nội dung và hình thức của một số giá trị văn hóa tiêu biểu; Văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, văn hóa nhà ở - kiến trúc, ngôn ngữ, lịch pháp, tín ngưỡng – tôn giáo, phong tục tập quán, đạo đức, văn học – nghệ thuật, y học dân gian,...

Như vậy, tìm hiểu một nét văn hóa cũng chính là đã tìm hiểu được tính cách, lối sống, lối sinh hoạt của dân tộc đó. Ở đây, tôi muốn giới thiệu đến văn hóa ẩm thực của người M’nông.
Nói đến ẩm thực M’nông là nói tới nét văn hóa toát lên trong mỗi món ăn, thức uống, trong cách họ ăn như thế nào. Với cuộc sống thường nhật, người M’nông sáng tạo món ăn của riêng mình, và khi ta thưởng thức ẩm thực M’nông, ta hiểu hơn về cuộc sống lao động, nếp sống bao đời nay của dân tộc này.

Người M’nông thường sinh sống trên những sườn đồi, bìa rừng gần những con suối, con khe nhỏ. Họ tỉa lúa, tỉa bắp, khoai sắn trên nương rẫy giữa lưng chừng núi, đồi, săn bắt hái lượm trong rừng và đánh bắt tôm, cá ở dưới suối, dưới khe. Cuộc sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên; chính từ sự che chở của thiên nhiên đó, người M’nông đã tồn tại cùng những món ăn, thức uống do họ tự sáng tạo ra, để rồi từ đó Văn hóa ẩm thực M’nông đã được khẳng định.

Người M’nông rất thích ăn thức ăn có vị chua: măng chua (băng s’rat), và đặc biệt rất thích ăn mắm: măng thúi (băng ôm), cá mắm (ca ôm), tép, cua suối khô (tui, reng nro), thịt mắm (poach ôm), mắm huyết (n’ôm m’ham), thịt trâu muối, thịt bò muối, thịt heo muối  được treo trong các gác bếp, góc bếp chúng là những loại thức ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình của người M’nông. Nguồn thức ăn quanh năm sẵn có nơi núi rừng. Măng chua có thể nấu canh bồi, canh thục. Và thịt trâu, thịt bò, thịt heo ướp muối phơi khô; cá mắm; thịt mắm để bỏ vào nồi canh bồi, canh thục làm tăng thêm mùi vị của canh.

Ảnh: Canh bồi rau mướp sườn heo của người M'nông

Vị đắng cũng là vị mà người M’nông rất thích. Lá khổ qua rừng (l’ha m’pang vri), trái núc nác (play pa lung), hoa núc nác (play pa lung), đọt mây  (ng’kur ngêl)...họ đem thụt vào ống, những món ăn được chế biến từ  những lá hoa ở rừng này là món ăn thường ngày mà họ rất thích.
Không chỉ vậy, người M’nông còn rất thích ăn món ruột cá suối bỏ vào ống thụt, với người M’nông những món ăn này rất thuần túy và rất đặc trưng, món này có vị đắng đắng của ruột cá, quen ăn thì ăn rất ngon. Có lẽ vì vậy từ bao đời nay người ta vẫn có câu: “Ruột cá ngon hơn lá rau” là vậy.



Ngoài ra còn có món cà rẫy là một loại cà dại (plây vlân), có vị hơi đắng đắng, hiện nay đã được bà con trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm, trái cà dài, to hơn cà pháo, có màu xanh. Loại cà này có thể ăn sống nên trở thành món ăn khá hấp dẫn với những ai ưa thích vị đắng. Bạn hãy thử cắn một miếng để nghe vị đắng tứa vào chân răng và cảm nhận cái vị giòn ngọt ùa đến ngay sau đó. Cà rẫy có mặt trong nhiều món ăn trong bữa cơm người M’nông như cà nấu với cá khô, cá hấp hoặc tôm tép khô, cà nấu canh bồi, cà nấu canh thụt...Và đặc biệt cà thụt với cá mắm là món khoái khẩu của người M’nông. Nếu mạnh miệng qua được đũa đầu tiên của những món cà này, bạn sẽ “nghe” được vị ngon ngọt đằm thắm hòa với vị ngọt, vị mặn và thơm của cá, của tôm tép và vị cay xé lưỡi tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng.
Trong những ngày lễ tết thịt là những món ăn chủ yếu của họ. Người M’nông làm lông con vật bằng cách thui đốt. Đáng chú ý là những món thịt nướng và những món gần giống tiết canh, nem sống ở dạng còn thô sơ, hoặc dùng phèo lấy từ những con vật như: trâu, bò, heo, chó...đem bâm sống và trộn bóp với huyết những món này chỉ dùng để cúng bái thần linh. Ngoài ra họ còn chế biến các món theo kiểu khác như: Món thịt bâm nhỏ trộn với muối đem đựng trong ống tre; món thịt trộn với tết; phèo nướng và muối ớt để trên lá; món thịt, ruột non, gan, ruột già hỗn hợp đựng trong ống tre;...và món gan và lá sách thái miếng xiên xen kẽ vào que tre rồi nướng.

Ảnh: Người dân M'nông làm thịt nướng

Bên cạnh đó những ngày lễ tết người M’nông thường nấu cơm nếp thay gạo tẻ và được nấu theo cách thức truyền thống, hay gọi là nấu cơm lam. Họ vào rừng chặt những ống lồ ô, ống nứa không quá non mà cũng không quá già, nếu chặt ống non sẽ không nấu được cơm, nếu chặt ống già thì cơm sẽ không ngon. Ống được giữ lại một mấu ở một đầu ống, gạo nếp sau khi được ngâm nước qua đêm cho nếp, nước vào ống nếu mình thích ăn đậu thì bỏ vào. Xong nút lại bằng lá chuối khô đem đốt bằng lửa và than. Ống cơm lam khi chín ngoài vỏ nhem đen nhưng khi tướt bỏ lớp vỏ ngoài thì lột ra lớp cơm nếp thơm ngon, hấp dẫn. Hương vị nếp quyện với hương thơm của tre tươi qua lửa làm cho cơm lam có hương vị rất đặc biệt hơn hẵn cơm nếp được hấp trong chõ, nấu trong nồi.
Trong văn hóa ẩm thực M’nông, tục uống rượu đúng ra thành một nét văn hóa riêng – văn hóa rượu cần (nranh tom). Rượu cần không thể thiếu trong cuộc sống của người M’nông đặc biệt là những ngày lễ tết, thường là trong mỗi nhà đều phải có vài cái ché để cất rượu. Nguyên liệu chính để làm rượu cần là lúa nếp. Người M’nông thường ủ những ché rượu trước trong nhà để mỗi khi có khách tới họ đem ra mời. Rượu cần người M’nông luôn phải uống tập thể, mỗi lần uống
rượu cần là ta lại được hòa mình vào những luật vui của các tuần rượu, được nghe hát m’rơ n’rong, tăm bắt. Mà người M’nông cứ gặp nhau, cứ uống rượu cần vào là họ lại hát m’rơ n’rong, tăm bắt. Thức nhắm được đặt gần bên các ché rượu, có lót lá chuối đặt vào chiếc rổ, để người uống rượu vừa uống vừa nhâm nhi thưởng thức, vừa trò chuyện, thỉnh thoảng lại đưa tay bốc một nhúm thức ăn bỏ vào miệng

Ảnh: Rượu cần của người M'nông

Ảnh: Rượu cần trong ngày cưới

Có thể khẳng định rằng, văn hóa ẩm thực M’nông cùng văn hóa rượu cần đã thể hiện được tính cộng đồng và tính huyết thống rất cao của dân tộc. Văn hóa M’nông góp phần rất lớn làm nên sự hấp dẫn đặc biệt cho mảnh đất giàu truyền thống văn hóa cho những du khách đến với Bù Gia Mập. Đến với Bù Gia Mập, tìm hiểu văn hóa bản địa, không thể không đến ngôi làng của người M’nông được thăm và tận mắt thấy cuộc sống, lối sinh hoạt, lao động sản xuất và những nét văn hóa đặc sắc của chủ nhân mảnh đất này. Đến đây, chúng ta thật sự được hòa mình vào một xã hội M’nông thu nhỏ, được thưởng thức ẩm thực của người M’nông trong khung cảnh núi rừng, trong âm vang tiếng cồng chiêng, hòa cùng tiếng chim hót. Về với Bù Gia Mập, về với bản sắc văn hóa M’nông cũng chính là đã tìm về cội nguồi, với lịch sử của dân tộc.

Minh Trang (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét