Lễ cúng cầu mưa của dân tộc M'nông.
Người M’nông được các nhà nghiên cứu trong
nước và ngoài nước chú tâm nghiên cứu bởi họ được coi là một tộc người bản địa,
cư trú lâu đời tại vùng đất Nam Tây Nguyên (hay còn gọi là cao nguyên M’nông).
Nền văn hóa của dân tộc này còn bảo lưu nhiều yếu tố cổ Đông Nam Á lục địa. Người
M’nông là tộc người còn tồn tại niềm tin và tín ngưỡng đa thần. Họ tin có sự ngự
trị của thế lực siêu nhiên chi phối cuộc sống của con người và là yếu tố hình
thành những phong tục, tập quán của dân tộc.
Người M’nông tin rằng thần linh trú ngụ khắp
nơi: Thần ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình; thần đá bếp giữ lửa ấm, nấu ăn;
thần rừng (Bõ Krõng) nuôi chim thú cung cấp lương thực cho người; thần núi (Yôk
Nor); thần vũng nước sâu (Dak klõng); thần đầu suối, đầu thác (Tu diăng liăng
têh) giữ nguồn nước cho làng; thần lúa và thần hoa màu cho vụ mùa bội thu, cây
cối tươi tốt; thần sét ở trên trời sẵn sàng trừng phạt nếu người làm điều xấu
như loạn luân; thần đất nắm hết mọi vấn đề xảy ra trên mặt đất; thần Nguăch
Ngual là thần chăm voi, khi bắt voi rừng về nuôi hoặc bắn voi rừng phải cúng đủ
lễ cho thần Nguăch Ngual; Phan (tin hồn người chết). Người M’nông tin một con
người có hai linh hồn: linh hồn con trâu ở trên trời, và linh hồn con nhện ở
trên đất, ma quỷ muốn hại cho người chết chỉ cần bắt hồn trâu trên trời làm thịt
là người ở dưới này sẽ chết, hoặc muốn cho người ốm đau chỉ cần bắt hồn con nhện
đem nhốt. Hồn trâu chết, hồn nhện còn sống thì người chưa chết, cả hồn trâu và
hồn nhện chết người mới chết. Đồng bào cũng tin có thần chiêng, ché. Nhà nào có
hồn chiêng ché ở cùng thì nhà đó mua được nhiều chiêng ché. Trên không trung
bao la có ngự trị của thần mặt trời soi sáng bon làng.
Lễ cúng cầu mưa của dân tộc M'nông.
Trong xã hội M’nông, người già, già làng
(cua ranh bon) được coi trọng. Chủ làng xem dân bản như con cháu trong nhà, bảo
vệ quyền lợi chính đáng của mỗi người dân. Ông ta là người ngay thẳng không
nghiêng về phía nào, khi có kẻ xấu bên ngoài gây hấn làm cho dân bản oan ức, tổn
hại thì chủ làng sẵn sàng đứng ra bênh vực, bảo vệ và tổ chức đánh trả hoặc bắt
phạt xứng đáng. Mọi thành viên trong cộng đồng đều tuân thủ luật tục (duôih).
Những việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa các gia đình, dòng tộc, hàng xóm, giữa
làng này với làng khác cũng đều giải quyết theo luật tục và người đứng ra phân
xử phải công minh, am hiểu phong tục, tập quán và luật tục đứng ra xử phạt, dàn
xếp, hòa giải giữa hai bên gọi là bu nuih phat duôih. Người M’nông có tinh thần
cộng đồng, tương thân tương ái rất cao. Luật tục qui định các thành viên trong
cộng đồng phải giúp đỡ nhau trong sản xuất nương rẫy, làm nhà cửa, chia sẻ trong
gian khó, hoạn nạn. Khi tổ chức lễ hội, cúng kiếng thường mời nhau đến ăn uống.
Săn được chim, thú lớn, đánh bắt được tôm cá nhiều đều phải phân chia theo bình
quân đầu người trong bon để cho bà con, anh em cũng hưởng.
Từ niềm tin, tín ngưỡng đa thần, đồng bào
có nhiều hình thức kiêng cữ phức tạp và nhiều nghi lễ, lễ hội cúng bái, ngưỡng
vọng thần linh, cầu mong giúp đỡ cho cuộc sống của con người, cộng đồng. Hệ thống
nghi lễ, lễ hội của dân tộc M’nông phản ánh rõ thế giới quan sơ khai về thiên
nhiên và xã hội. Lễ nghi liên quan đến con người diễn ra theo chu kỳ vòng đời
người, từ khi mang thai, sinh ra, lớn lên, trưởng thành, về già cho đến khi từ
giã cuộc đời. Lễ hội vòng đời người mang tính nhân văn cao đẹp, đặc biệt là lễ
trưởng thành, lễ cưới, lễ chúc phúc, lễ mừng thọ… Trong lễ cưới, hai bên gia đình
nam nữ phải tổ chức kể gia phả (ro giao) để tránh trường hợp lấy nhau cận huyết
thống. Là cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề canh tác nương rẫy, trồng lúa nên
lễ hội nông nghiệp cũng bám theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy. Những nghi
lễ cúng bái, xin phép thần linh trong phát rẫy, tra hạt, gieo trồng, cầu mong
cây lúa lên tốt tươi, trổ đòng chắc hạt, trĩu bông cho vụ mùa bội thu. Họ tin rằng
nhờ cúng bái nên thần lúa, mẹ lúa phù hộ, chẳng những cho lúa gạo, hoa màu để
ăn mà còn mang đến sự bình an, khỏe mạnh cho gia đình.
Trước khi đem hạt giống ra rẫy trồng tỉa
phải cúng tưới lúa (tõ ba). Khi lúa vào kho, đồng bào rước hồn lúa (huênh ba) về
nhà và cúng ăn mừng lúa mới. Năm nào được mùa thu được trăm gùi lúa, đồng bào sẽ
“ăn trâu” để cúng tạ thần linh qua lễ hội tâm ngết.
Nông
Quang Khải (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét