Sự tích lễ hội Pang Phoóng dân tộc Kháng ở xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên (Nông gia Cát)

Sự tích lễ hội Pang Phoóng dân tộc Kháng ở xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên  (Nông gia Cát)
Người Kháng là dân tộc thiểu số cư trú ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Kháng cư trú ở các huyện: Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé với dân số khoảng hơn 4000 người. Là dân tộc mang trong mình biết bao truyền thuyết,giai thoại huyền bí, việc nghiên cứu, tìm hiểu tộc người Kháng sẽ góp phần khơi mở thêm nét đẹp truyền thống dân tộc Kháng, qua đó bảo tồn và phát huy những giá trị Di sản văn hóa dân tộc.

Từ xa xưa đồng bào dân tộc Kháng dòng họ Lò Khun ở bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo đã sáng tạo ra lễ hội Pang Phoóng (Pang dịch ra là lễ, Phoóng là tổ tiên). Lễ hội thường diễn ra 03 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm. Lễ hội Pang Phoóng chứa đựng nhiều lễ thức dân gian hết sức sinh động và có ý nghĩa gần giống lễ tạ ơn của một số dân tộc thiểu số khác. Hàng năm trước khi thu hoạch vụ mùa, đồng bào Kháng tổ chức lễ hội để tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt đồng thời cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho một năm mới.

Khi tiếng trống, tiếng chiêng vang lên trên khắp bản mường là lúc báo hiệu mùa lễ hội bắt đầu. Theo truyền thuyết, lễ hội Pang Phoóng bắt nguồn từ một sự tích. Đó là câu chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu phụ. Câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa nhằm tôn vinh gốc linh, hướng con người luôn nhớ về cội nguồn. Chuyện kể rằng:

"Thủa xưa có một bản người Kháng nằm giữa một vùng thiên nhiên kỳ vĩ bốn mùa rộn tiếng chim ca, vượn hót đón chào mỗi buổi bình minh.

Vào một buổi chiều đông, tiết trời hanh hao đã đưa bước chân chàng trai con Tạo bản dòng họ Lò Khun vốn ham săn bắn tới một cánh rừng xa. Nhìn qua khe lá, chàng trai phát hiện thấy một đàn vượn đang chuyền cành, hái quả, nô đùa. Cảnh vui vẻ, thanh bình khiến chàng không nỡ giương cung bắn. Chàng trai nảy ra trò tinh nghịch là đi tiểu đầy hốc đá gốc cây gần đó để lừa lũ vượn xuống uống.

Chiều xế bóng, cô vượn xinh xắn nhất đàn nhìn thấy hốc đá đầy nước liền uống một hơi cho đã cơn khát. Ngày qua ngày, nàng vượn xinh đẹp không biết một sinh linh bé nhỏ trong cô đang lớn dần. 9 tháng 10 ngày nàng vượn sinh ra một cậu bé đẹp tựa thiên thần. Nàng nâng niu niềm hạnh phúc bé bỏng của mình trong lời ru Ú dơ, lả ú dơ -  nghĩa là à ơi con ngủ ngoan đi.

Lời ru trong gió chiều đã đưa bước chân chàng trai dòng họ Lò Khun tìm về chốn cũ, nơi cánh rừng chàng dừng chân chiều đông năm trước. Khung cảnh trước mắt chàng hiện lên như trong giấc chiêm bao. Nàng vượn tay bồng con thơ bỗng hóa thành thiếu phụ, ánh mắt chan chứa yêu thương, nụ cười rạng rỡ của nàng khiến chàng ngây ngất. Người con gái chàng hằng mơ ước là đây. Chàng bế trên tay đứa con yêu quý, sánh bước bên nàng về bản và cùng làm hôn lễ.

Về làm dâu nhà Tạo bản, ngày ngày vợ chồng nàng làm nương rẫy. Ngày mùa bận rộn, gia đình nàng phải nhờ thêm anh em tới giúp. Bữa cơm ngày mùa không thể thiếu được món hoa chuối rừng.

Hàng năm, cứ đến mùa hoa mào gà nở đỏ trên nương cũng là mùa lúa chín. Đồng bào Kháng dòng họ Lò Khun lại tổ chức lễ hội Pang Phoóng tại nhà trưởng họ. Mỗi lần lễ hội diễn ra các gia đình trong dòng tộc nô nức kéo về hội tụ để cùng tưởng nhớ về "Mẹ Vượn". Đây cũng là dịp họ hàng, anh em, bạn bè, trai tài gái sắc gặp nhau sau những ngày tháng lao động vất vả.Trong không khí linh thiêng mà ấm áp tình người, tràn đầy sự hứng khởi của lễ hội, cả bản mường cùng hân hoan trong lễ hội.

Thầy mo làm lễ cúng

Sự tích lễ hội Pang Phoóng mang màu sắc huyền ảo đã phản ánh một hiện thực trong đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng: luôn lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức và nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng tộc vạn sự may mắn, tốt đẹp. Dù trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự giao lưu hoà nhập cộng đồng nhưng lễ hội Pang Phoóng vẫn giữ được bản sắc riêng, luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Cho đến nay, vốn di sản văn hóa phi vật thể quí báu đó vẫn giữ được sức sống và trở thành ngọc quí trong kho tàng văn hoá dân tộc Kháng. Lễ hội Pang Phoóng là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, là sợi dây tạo lên sự gắn kết cộng đồng.
Nông Gia Cát (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét