Đôi nét về nghi lễ, lễ hội của dân tộc H'rê (Lăng Văn Định)

Dân tộc Hrê còn có các tên gọi khác Chăm Rê, Chom, Thượng Ba Tơ, Mọi Luỹ,  Chăm Quảng Ngãi, Mọi Chòm, Rê, Màn Thạch Bích. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me. Dân tộc Hrê cư trú chủ yếu ở các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi) và An Lão (Bình Ðịnh).

Người Hrê có nhiều kiêng cữ và lễ thức tôn giáo, xuất phát từ quan niệm mọi vật đều có hồn hay ma và con người bị các lực lượng siêu nhiên chi phối. Khi ốm đau, rủi ro, khi làm nhà, mang thai, đẻ khó, có người chết, khi gieo cấy và gặt hái, khi gieo và tuốt lúa, khi đưa thóc lên kho và lần đầu lấy thóc về ăn… đều cúng bái. Vì vậy hàng năm họ đều tổ chức những nghi lễ hay lễ hội để xua đi những xúi xẻo, của dịch bệnh, cầu mong điều an bình trong cuộc sống.

Đôi nét về nghi lễ, lễ hội của dân tộc Hrê (Lăng Văn Định)
Người Hrê chủ yếu sống bằng nghề làm lúa nước và nương rẫy với kỹ thuật canh tác lúa nước như vùng đồng bằng Nam Trung bộ. Đồng bào chăn nuôi nhằm phục vụ các lễ cúng bái. Vì vậy, Tín ngưỡng hồn lúa cùng các lễ thức trong quá trình sản xuất lúa chiếm vị trí đáng kể, tập trung vào hai giai đoạn của mỗi mùa, khi gieo cấy và khi thu hoạch, cất lúa vào kho.

Vị trí người đàn bà chủ lúa – vợ chủ nhà là người quản lý lương thực được coi là có liên hệ thần bí với hồn lúa. Ngày cúng cơm mới, bà ta lấy lúa từ ruộng rẫy về rang, giã gạo, nấu cơm rồi chịu lễ và một mình ăn cơm nấu trong “nồi thiêng”. Cũng chỉ bà mới được tỉa lúa làm phép, đem gùi lúa đầu tiên về nhập kho.

Lễ hội đâm trâu
Lễ hội đâm trâu của người Hrê luôn thu hút đông đảo dân làng, người quen đến dự. Người Hrê tổ chức lễ hội nhằm cầu an, ngăn ngừa bệnh tật. Ðây là nghi lễ mang tính chất cộng đồng.

Bước đầu tiên của lễ cúng trâu là dựng cây nêu (cọc buộc trâu để đâm), Cây nêu như một trục thông linh. Thời gian chuẩn bị cây nêu káo dài cả tháng, với sự tham gia của những người thợ thủ công điêu luyện.

Các trai tráng trong làng được giao nhiệm vụ vào rừng chặt hạ 5 cây gỗ, mỗi cây có đường kính 15cm và dài trên 20m, để nguyên cả cành, lá. Ngày nay, người ta lấy cây tre để làm cây nêu (giống người Kinh). Dùng 1,2m phía gốc để chôn, còn lại chia làm 3 phần để chạm khắc: hình răng cưa tượng trưng cho núi đồi; đường lượn sóng tượng trưng cho sông, suối; các hình ô vuông tượng trưng cho ruộng đồng; các hình tam giác đối đỉnh tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ. Ngoài ra còn chạm trổ hình các con vật như khỉ, hươu, nai, chim chèo bẻo, tu hú, sóc, chim sẻ… cây cối, mặt trời, mặt trăng…Đầu cột nêu là hình 1 cái lá dài 1,5m được đan bằng sợi dây mây chẻ nhỏ, giữa lá có hình chim chèo bẻo bằng gỗ, màu vàng. Đó là biểu tượng của họ, bởi theo họ, chim chèo bẻo là một loài chim hiền lành, trung thực, yêu lao động, ghét lười biếng và ngoan cường. Việc chôn cây, theo họ còn là sự giao thoa giữa âm và dương. Nơi đâm trâu phải là nơi khu rừng nhỏ, nơi ấy gọi là đất thiêng.

Sau khi chủ lễ và thầy cúng xin phép thần linh, người ta dẫn trâu ra buộc ở cây nêu. Rồi thầy cúng mời thần linh về nhận lễ, mọi người vừa đánh chiêng, trống, vừa nhảy múa ca hát xung quanh con trâu.

Vị chủ lễ mặc quần áo dài đen, đầu chít khăn, tay cầm hộp trầm hương bốc khói đi quanh con trâu, miệng lầm rầm bài cúng cầu mong thần linh phù hộ cho gia đình, làng bản.

Sau khi hoàn tất thủ tục, chủ lễ đâm nhát dao đầu tiên vào con trâu (đối với lễ gia đình). Đối với lễ đâm trâu cộng đồng, hai trai làng cầm giáo dài xông vào đâm trâu như 2 chiến binh. Tiếp đến là những thanh niên khoẻ mạnh, tay cầm giáo mác nối đuôi nhau vừa ca hát, nhảy múa, vừa đâm trâu.

Con trâu ngã xuống, người ta lấy máu trâu bôi lên hoa văn của cây nêu, xả thịt trâu một phần chia về bếp các hộ gia đình, bếp làng có người chế biến đồ cúng cho thần linh.

Tiếp đó người ta thịt heo, gà để tế thần và trọn vẹn “tam sinh”. Khi tế thần, phụ nữ được phân việc dâng rượu. Mọi người cùng nhảy múa, ca hát, tiếng hú dài xen lẫn nhịp trống, chiêng làm náo động cả một vùng. Lễ đâm trâu thường kéo dài 2 đến 3 ngày đêm. Ở người Hrê, cũng kéo dài tới 5, 7 ngày đêm… thu hút nhiều làng bản lân cận cùng tham dự.

Trong các lễ hội văn hóa – thể thao, cúng trâu, cúng được mùa là dịp để trai gái trong và ngoài làng cùng uống rượu, cùng múa hát và mạnh dạn tỏ tình với nhau.
Lăng Văn Định (suu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét