Dân tộc Khơ Mú thuộc nhóm dân tộc thiểu số
cư trú tập trung chủ yếu ở phía Bắc và Bắc Trung bộ như: Sơn La, Lai Châu, Lào
Cai, Yên Bái và một phần ở Tây Nghệ An.
Người Khơ Mú có một đời sống tinh thần
phong phú. Lễ hội lớn nhất của người Khơ Mú là lễ hội Mah grợ, có ý nghĩa tổng
kết vụ mùa năm cũ và khai mở một vụ mùa năm mới. Lễ hội Mah grợ và múa Vêr
guông thường được tổ chức tại nhà của người có kinh tế khá giả nhất bản, hoặc
nhà ông trưởng bản.
Điệu múa Vêr guông (Vêlr guông) là một phần
nổi bật của lễ hội, là sản phẩm văn hóa tinh thần tâm linh có nguồn gốc cổ truyền
từ xa xưa, tên gọi tuy mộc mạc, cổ xưa, nhưng ít dân tộc nào còn giữ được đúng
với bản chất của người sống bằng nghề nương rẫy lâu đời. Lễ hội Mah grợ và điệu
múa Vêr guông là di sản văn hóa dân gian đặc sắc, được dân tộc Khơ Mú gìn giữ
lâu bền qua nhiều thế hệ. Lễ hội Mah grợ gồm 2 phần chính là phần lễ cúng của
chủ nhà và phần hội múa của cộng đồng trong bản.
Kết thúc các nghi thức Lễ là đến phần Hội.
Khi trống chiêng nổi lên gọi là Brinh họa (trống đuổi khỉ) thúc giục mọi người
trong bản về dự hội, mời ra múa. Lúc này, nam đeo chiếc trống nhỏ gọi là “Koọng
khăn”, nữ trên tay cầm đôi chũm chọe (Tseeng). Đây vừa là nhạc khí vừa là đạo cụ
múa. Tất cả cùng thực hiện điệu múa nhún nhảy, mềm mại theo nhịp chiêng trống rộn
ràng.
Các “diễn viên” múa lượn càng lúc càng
say, khi bay bổng cùng đôi chân dướn lên như chim vỗ cánh, lúc nhún nhảy như ngọn
tre gặp gió, khi lại như cù quay xoay vòng lả lướt. Các động tác như lắc mông,
uốn eo, xoay dần xuống rồi xoay dần lên… làm người xem đứng vòng trong, vòng
ngoài cũng nhún nhảy theo. Người múa tự “khoe” mình là chính, không bị gò bó
trong đội hình vuông tròn, rồi hòa vào khối cộng đồng chẳng phân biệt được ai
diễn chính, diễn phụ, tạo nên cảnh người múa và người xem thành một khối diễn.
Đồng bào Khơ Mú có thể múa suốt ngày đến thâu đêm trong lễ hội của mùa xuân.
Lan Anh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét