Nhạc cụ truyền thống của người Cơ tu (Triệu Minh Bắc)

Trống và cồng chiêng là những nhạc cụ không thể thiếu trong dịp lễ hội của người Cơ tu (Ảnh minh hoạ)

Trên vùng Trường Sơn đại ngàn, là nơi cư ngụ lâu đời của người Cơ tu. Trải qua bao biến động của thiên nhiên, lịch sử, chiến tranh loạn lạc... nhưng người Cơ tu vẫn giữ được nhiều tài sản căn hoá quý: phong tục - tập quán, lễ hội, ma chay, cưới hỏi, ẩm thực, trang phục truyền thống, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, âm nhạc... đã làm nên nét độc đáo và phong phú của văn hoá vật thể - phi vật thể trong đời sống cộng đồng.

Trải dài từ tỉnh Bình - Trị thiên (cũ) vào đến tỉnh Quảng Nam, nên địa hình và đặc điểm cư trú đã phân chia cuộc sống của người Cơ tu thành 3 vùng: người Cơ tu vùng cao, người Cơ tu vùng trung du và người Cơ tu vùng thấp. Từ lâu âm nhạc là loại hình văn hoá nghệ thuật mang đậm đà bản sắc dân tộc của họ và cũng đã có mặt ở trong cuộc sống đời thường và cả trong các lễ hội truyền thống của người Cơ tu như: Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối -aví), lễ ăn mừng nhà Gươl (Lang - tơrí), lễ ăn mừng lúa mới (Chaharoo - tơmêê) hay trong những giờ phút chia ly đưa tiễn người thân, bạn bè về cõi vĩnh hằng, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ tu với nhau (Pơ - ngoót)... Tạp chí Văn hoá các dân tộc xin giới thiệu những nhạc cụ truyền thống, tiêu biểu của người Cơ tu.
Cồng chiêng: Đến nay, được biết ở người Cơ tu dù phân bố ba vùng như trên nhưng họ đều dùng hai loại chiêng: chiêng bằng và chiêng núm với 6 chiếc to nhỏ khác nhau. Cồng chiêng từ lâu đã có mặt trong các lễ hội của buôn làng. Tuỳ vùng mà trong các dịp lễ hội nói ở trên mà người Cơ tu có trong các lễ hội của buôn tiết tấu cồng chiêng khác nhau. Người Cơ tu vùng cao, người Cơ tu vùng trung du có tiết tấu cồng chiêng chậm và trầm, người Cơ tu vùng thấp có tiết tấu cồng chiêng nhanh và rộn rã. Nhưng nhìn chung ở họ vẫn thích các điệu chiêng như: điệu khóc tế trâu (prờ lư), điệu đờ - hương, trong những lúc chia lìa cha mẹ, đưa tiễn người thân... vào thế giới vĩnh hằng người Cơ tu có điệu cơlâu - cơlênh buồn, nhớ nhung, tiếc thương.. Ngoài ra họ còn có điệu chiêng đờhập - bơrếch sôi nổi, lạc quan và yêu đời...
Trống: Cùng với cồng chiêng, người Cơ tu cũng đã dùng trống trong các dịp lễ hội như nói trên. Trống của người Cơ tu có ba loại: Nhỏ có đường kính khoảng 17cm, cao khoảng 60cm; trung bình có đường kính khoảng 20cm, cao 80cm và trống cái có đường kính khoảng 30cm, cao khoảng 50cm. Tất cả các loại trống này được làm từ thân cây đục rỗng. Trống cái được người Cơ tu sử dụng vào việc như báo mưa lũ, đánh lên trong những lúc có voi, thú dữ về làng phá hoại hoặc có sự xung đột từ bên ngoài.
Abel: Mới nhìn thì Abel của người Cơ tu trông rất giống như đàn nhị của người Kinh, nhưng tính năng của loại đàn này lại hoàn toàn khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đàn Abel cảu người Cơ tu có hai loại: Loại dành cho đàn ông Cơ tu, được họ gọi là Abel, còn loại dành cho phụ nữ Cơ tu được gọi là Ron. Về mặt cấu tạo, Abel được làm bằng nứa, có độ dài khoảng 50cm, Abel có tất cả 3 lỗ. Khi nghệ nhân người Cơ tu dùng, tay phải của nghệ nhân cầm cần tre vót nhọn và tay trái bấm vào dây đàn. Trong hai dây đàn thì loại dây có vòng tròn được làm vảy truốt (con truốt) được nghệ nhân cắn giữa hai hàm răng. Đàn Abel thường được người Cơ tu dùng vào việc hát giao duyên, hát nhân ngãi...
- Đàn Tpreh Alui: Đàn Tpreh Alui của người Cơ tu thoạt nhìn cũng giống cây đàn bầu của người Kinh, nhưng chức năng cà cấu tạo của loại đàn Tpreh Alui này hoàn toàn khác với đàn bầu của người Kinh. Đàn Tpreh Alui được cấu tạo bằng một quả bầu khô cắt ngang ra làm đôi, gắn với cần đàn, có khoá đàn và dây đàn. Loại đàn này thường được họ dùng hoà âm cùng với đàn Abel.
- Khèn: Người Cơ tu làm khèn bằng cây gzen, thân là những ống nứa nhỏ được ghép lại với nhau. Khèn có tất cả 14 lỗ, kể cả hai lỗ ở hai bên trên, trong lỗ để thổi có lắp một lưỡi gà bằng đồng. Khi sử dụng, nghệ nhân dùng hai ngón tay bịt kín hai bên lỗ ở trên, còn các ngón tay khác bấm vào các lỗ còn lại, tuỳ thuộc vào âm điệu của bài hát mà khèn được nghệ  nhân chơi ở góc độ khác nhau. Khèn được sử dụng vào hầu hết các dịp lễ hội của buôn làng, trong hát lý tỏ tình của nam nữ Cơ tu.
A sàng: A sàng của người Cơ tu được làm bằng sừng trâu, dài khoảng 30cm, được cấu tạo bởi một lưỡi gà bằng đồng, được gắn vào đầu mũi của sừng trâu, một đầu bên kia để trống. A sàng được người Cơ tu dùng vào những lúc đi rẫy thổi để đuổi heo rừng, chim chóc phá hoại mùa màng. Âm thanh của A sàng phát ra trong những  lúc săn bắt được thú rừng, như một lời báo hiệu để cho dân làng biết tin. Đặc biệt, A sàng được già làng sử dụng, báo tin thú dữ, mưa bão hoặc có sự xung đột từ bên ngoài... để dân làng biết, những người trẻ không nằm trong Hội đồng già làng thì không được dùng A sàng.
Sáo A lướt: Sáo A lướt được làm bằng ống nứa, ống trúc có chiều dài khoảng 40cm, đường kính khoảng 1,5cm một đầu được bịt kín. Sáo A lướt có tổng cộng 9 lỗ, trong đó lỗ còn lại cách đều nhau khoảng 2,5cm. Sáo A lướt gần như chỉ dành cho người đàn ông Cơ tu, nhất là những thanh niên Cơ tu đến tuổi yêu đương, dùng Sáo A  lướt thổi tỏ tình với người  yêu.
Sáo tuốt: Sáo này là một loại tiêu, cấu tạo gồm 4 lỗ, có đầu sáo để thổi, sáo tuốt có độ dài khoảng 40cm và khi chơi nghệ nhân Cơ tu dùng bốn tay bấm vào bốn lỗ ở phía dưới. Sáo tuốt là loại nhạc cụ được người Cơ tu dùng vào các dịp lễ hội của buôn làng. Ngoài ra, sáo tuốt được người đàn ông Cơ tu sử dụng vào những lúc u buồn, bày tỏ tâm trạng riêng tư của người cha đối với con cái.
Sáo Tơrét: Sáo cũng được làm bằng ống nứa, gồm có  3 lỗ để bấm, có lưỡi gà để thổi. Sáo Tơrét dài khaỏng 25cm, thường được sử dụng vào các dịp lễ hội hoặc các buổi hát giao duyên.
Sáo Ahen: Sáo được làm bằng ống tre, nứa, đầu thổi có lưỡi gà bằng đồng, ngón tay cái của nghệ nhân bấm vào lỗ dưới và ba ngón tay khác bấm vào ba lỗ phía trên. Thân sáo Ahen dài khoảng 40cm. Loại nhạc cụ này được người Cơ tu dùng vào nhiều trường hợp, trong các dịp lễ hội của buôn làng, lúc đi săn bắt thú rừng hay trong dịp hát đối đáp nam nữ (Bh boonh)
Một số nhạc cụ tiêu biểu của người Cơ tu từ lâu đã ăn sâu vào  tiềm thức của họ, đây là loại hình âm nhạc truyền thống. Với họ, âm nhạc một phần nói lên sự giàu có, niềm kiêu hãnh và mang đậm đà bản sắc dân tộc trong đời sống văn hoá cộng đồng mà từ bao đời nay được họ gìn giữ và bảo tồn.

Triệu Minh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét