Dàn nhạc đinh
tút của người Triêng
Qua bao đời nay, người Triêng vẫn lưu giữ nhiều vốn
văn hóa quý, trong đó có âm nhạc truyền thống và đặc biệt giá trị của loại sáo
đinh tút, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần.
Người
Triêng (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ-Triêng), nơi có nền văn hóa cổ
truyền từ ngàn đời, hội đủ những đặc trưng của cư dân miền núi. Người Triêng
sinh sống chủ yếu ở ba xã La Dêê, Ðắc Pre và Ðăk Pring thuộc huyện miền núi cao
Nam Giang, Quảng Nam.
Mỗi
khi tiếng sáo đinh tút thổi lên hòa cùng tiếng trống và cồng chiêng, âm thanh ấy
lan tỏa, bay bổng vào ngõ ngách, trên các triền núi cao, nơi định cư của người
Triêng, tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo...
Già
làng Zơrâm Ớt 84 tuổi, dân tộc Triêng, hiện ở thôn Ðăk tà Vâng, xã La Dêê, huyện
Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Ðinh tút được làm từ cây trúc, loại này mọc
rất nhiều ở vùng của người Triêng sinh sống, nhưng không phải cây nào cũng làm
được đinh tút đúng kỹ thuật và cho âm hay. Ðinh tút của người Triêng gồm có sáu
ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau được làm từ thân cây trúc.
Người Triêng và cây đinh tút mùa xuân
Các ống đinh tút theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài
đến ngắn nhất: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Mỗi cây đinh tút có một
lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu rỗng được vót hai bên tạo cho ống có dáng
hình phễu để thổi. Muốn thổi được đinh tút, phải có sức khỏe và có kỹ thuật. Bộ
đinh tút của họ hiện nay so với đinh tút truyền thống thì ống nhỏ và ngắn hơn,
vì vậy có nhiều người biết thổi.
Theo
tìm hiểu của chúng tôi, muốn thổi đinh tút thì phải có từ tám người trở lên.
Trong đó tám nghệ nhân thổi đinh tút tùy vào sở trường của từng người mà mỗi
người phụ trách một ống, còn lại hai nghệ nhân hòa điệu cồng chiêng. Ðinh tút
hay, hay dở là phụ thuộc vào người tạo ra nó, từ khâu chọn loại trúc đến việc
thẩm âm là kinh nghiệm của nghệ nhân đó.
Ðinh
tút là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong
lao động sản xuất, nhất là vào dịp mùa xuân. Ngoài ra, trong các dịp lễ hội của
cộng đồng như: lễ lập làng, lễ mừng nhà mới, mừng cưới hỏi... và đặc biệt nó
luôn có mặt trong lễ hội Choóc đăil truyền thống thường gọi là ngày hội đinh
tút của người Triêng.
Người
Triêng lớn lên trong tiếng đinh tút, tiếng sáo độc đáo này cũng góp phần làm
nên những tình yêu đôi lứa.
Già
làng Zơrâm Ớt cho biết thêm: Tùy thuộc vào từng bài đinh tút mà người thổi hòa
âm với nhau theo ba hoặc bốn cặp một. Trong quá trình thổi đinh tút thì cặp
đinh tút ngắn và nhỏ nhất sẽ thổi trước, kế đến là cặp trung, rồi đến cặp dài
nhất cùng hòa âm với nhau thành tám điệu, gọi là tám bài đinh tút tương ứng gồm:
Za zá, pê lách, túk chiêng hoong, troong zục, trơn lăil, zức zăih... hòa cùng
những điệu múa tạo nên một dòng chảy không dứt làm cho hội đinh tút luôn tiếp
diễn.
Sự
chuyển hóa linh hoạt của những bài đinh tút và sự uyển chuyển của các cô gái
Triêng trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, với các bài múa và những điệu
sáo đinh tút vang lên bên những thung lũng hẹp, núi rừng vào hội tạo âm thanh
giàu cảm xúc, phóng khoáng làm cho tâm hồn người Triêng luôn được thoải mái, nhẹ
nhàng...
Tiếng
sáo đinh tút thổi lên, âm thanh của nó cứ bay bổng, lan tỏa trên các triền núi
cao nơi định cư lâu đời của người Triêng hòa cùng trống, cồng chiêng vào núi rừng
đại ngàn tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo, thôi thúc mọi người tạm gác mọi
lo toan của cuộc sống đời thường để cầu mong một năm an lành, hạnh phúc, mưa
thuận gió hòa, mùa màng bội thu và no đủ, mọi người thương yêu và đùm bọc
nhau.
Ngoài
công việc nương rẫy, những lúc rảnh rỗi, họ đều dành thời gian để truyền nghề
cho lớp trẻ và mọi người đều thích thú học để thổi loại nhạc cụ độc đáo này. Ðến
nay, các xã như: La Dêê, Ðăl Pre và Ðăk Pring đã hình thành nên nhiều đội đinh
tút như: Ðội đinh tút làng Ðăktà Vâng, Ðăk Chờđây, Ðăk Lôi, Ðăk Hlôil, Ðăk Ôốc,
Ðăk Rế...
Nếu
có dịp đến các vùng của đồng bào Triêng sinh sống vào mùa lễ hội, chúng ta vẫn
còn nghe tiếng sáo đinh tút mọi lúc mọi nơi cứ bay bổng ngân nga ăn sâu vào tiềm
thức và là thông điệp gửi gắm những điều tốt lành cho cộng đồng người Triêng.
Ðây là dấu hiệu đáng mừng của cộng đồng này trong việc bảo tồn và phát triển vốn
âm nhạc truyền thống.
Đàm
Văn Sắc (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét