Được biết, ngày xưa để có các vật dụng che thân như tấm
choàng, váy, áo, tấm đắp, chiếu, v.v… vào mùa mưa để chống lại cái lạnh giá của
núi rừng Trường Sơn người Cơtu chọn lựa một vài loại vỏ cây sẵn có tại rừng núi
quê hương mình để khai thác làm đồ mặc. Ban đầu họ khai thác loại vỏ cây có
kích thước lớn, đập mỏng, phơi khô rồi dùng nguyên một miếng để khoác vào người.
Áo vỏ cây chẳng những giúp đồng bào chống được giá rét, mà còn thích nghi với một
số hoạt động như khi đi khai thác song mây, phát rẫy, cắt lá lợp nhà và đặc biệt
là trong khi đi săn bắt ở rừng sâu.
Về sau, họ thường lấy vỏ của cây hơ mớt, hơ mon, hơjoong,
chrơ dđangơ duông, ta đuých...để làm váy - áo mặc che thân.. Người Cơtu chọn những
thân cây có kích cở lớn khoảng 3 đến 4 gang tay, cắt thành từng khúc theo kích
thước phù hợp với yêu cầu của mỗi người trong gia đình rồi lột thành từng mảng
để làm đồ mặc. Để tấm vỏ cây được mềm mại và dẻo, sau khi hơ lửa cho nóng đều,
người ta dùng một khúc cây đã khắc rãnh lồi lõm để đập dập. Đập xong, lột bớt lớp
vỏ ngoài, chỉ để lại lớp vỏ trong. Sau đó ép thẳng, cắt xén, khoét lỗ, chắp nối,
khâu lại thành váy, áo...
Để chắp nối các mảnh vỏ cây lại, người ta dùng dây gai, cây
bhơ nương - loại cây rất dẻo và chắc làm chỉ khâu. Nếu có tấm vỏ cây lớn, người
ta chỉ cần khoét lỗ làm thành cổ áo, rồi gài thêm các sợi dây vào bên mép áo để
khi mặc thì thắt lại với nhau thay cho nút áo. Những tấm Chăn, chiếu cũng được
làm bằng vỏ cây này, người Cơtu dùng dây kết lại thành tấm lớn hơn. Đôi khi đồng
bào còn lấy loại mây rục vót thật mỏng và đan thành hoa văn trên váy - áo. Có
nơi, đồng bào xẻ tấm áo vỏ cây thành từng ô nhỏ để khi mặc vừa mát, vừa đẹp. Dưới
các mép váy - áo, người Cơtu còn cắt thành hình răng cưa để làm trang trí.
Khi nghề dệt của người Cơtu phát triển, ở các làng cây bông
vải đã được trồng phổ biến, thì loại vỏ cây nói trên ít khi được người Cơtu sử
dụng. Chỉ số ít những người đàn ông nghèo khổ, sống độc thân hoặc nhà nào đó
không có khả năng trồng bông - dệt vải, không có gì để đổi lấy bông, vải làm quần
áo thì mới chịu mặc váy - áo vỏ cây. Người Cơtu cũng có thể xẻ vỏ cây để làm sợi
dệt thành tấm rồi may váy - áo.
Đồ mặc bằng vỏ cây có ảnh hưởng sâu sắc đến tập quán may mặc
sau này của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, người Cơtu nói
riêng, và là yếu tố định hình nên truyền thống, phong cách trang phục của các
dân tộc. Sự kế tục và phát triển từ y phục vỏ cây lên y phục bằng vải dệt khá
rõ nét.
Cho đến nay, về mặt loại hình, kiểu khố, áo, váy, tấm
choàng, tấm đắp... của người Cơtu không khác cơ bản với kiểu khố, áo, váy, tấm
choàng, tấm đắp... làm bằng vỏ cây của tổ tiên họ. Khi quan sát về trang phục cổ
truyền của các dân tộc, có thể khẳng định đồ mặc bằng vỏ cây là cơ sở, hình mẫu
ban đầu của đồ mặc bằng vải thổ cẩm ngày nay.
Hãy gìn giữ và trân trọng trang phục bằng vỏ cây truyền thống
như một di sản mang dấu ấn cổ xưa của các bậc tiền nhân đã tạo ra nó để vào mùa
lễ hội các già làng, các trai tráng và cả các trẻ em Cơtu nhỏ tuổi trưng diện
làm nên bức tranh văn hóa Cơtu thật sống động trong tổng thể cộng đồng 54 dân tộc
anh em Việt Nam.
Trang phục vỏ cây của đồng bào dân tộc Cơtu vùng núi Quảng
Nam:
Lan Anh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét